Âm Vang Ký ức đi Trước, Làm Nhiều, ảnh Hưởng Lớn - Báo Nghệ An

Âm vang ký ức đi trước, làm nhiều, ảnh hưởng lớn 19/09/2015 15:02

(Baonghean) - Trong Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, toàn quốc có 7 người được tuyên dương Anh hùng, trong số 3 Anh hùng Lao động có Hoàng Hanh - một nông dân công giáo điển hình về sản xuất ở xã Nam Lĩnh (Nam Đàn), đã tích cực tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, biến vùng đất cao cưỡng và cằn cỗi cho những vụ lúa, lạc, đỗ, bông... bội thu.

Từ năm 1960 đến năm 1985, trong cả nước đều phát động phong trào học tập gương Anh hùng Hoàng Hanh.

AHLĐ Hoàng Hanh “Muốn có cuộc sống tốt thì phải yêu lao động”.
AHLĐ Hoàng Hanh “Muốn có cuộc sống tốt thì phải yêu lao động”.

Bà Nguyễn Thị Huệ, năm nay 83 tuổi, là con dâu thứ 2, và là người duy nhất còn sống trong số các con trai gái, dâu rể của Anh hùng Hoàng Hanh, nhớ lại đầu những năm 1950, diện tích khai khẩn ruộng hoang của gia đình luôn nằm trong tốp đầu của xã, huyện. Khi nhà cụ Hoàng Hanh mở các bồ thóc lúa bán giá rẻ để cứu đói, người đến mua lúa gạo sắp cả hàng dài từ cổng làng vào đến nhà. Khi phong trào đắp đập Khe Bò, đập Ồ Ồ để làm thủy lợi, hàng ngày bà Huệ và mẹ chồng là cụ Đinh Thị Ngụ, mỗi ngày luộc 6 rổ khoai, 2 thùng nước, gánh bộ hơn 7 km để ủng hộ. Đợt thi đua “Sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ” gia đình Hoàng Hanh tăng năng suất lúa 57%, đỗ tương 40%, nhất là trồng bông với năng suất tăng 60%. Cụ Hoàng Hanh còn vận động hơn 50 gia đình đóng thuế nông nghiệp đủ, nhanh.

Bà Nguyễn Thị Huệ rưng rưng nhắc lại: “Cha tôi từng dặn dò con cái muốn có cuộc sống tốt thì phải yêu lao động. Rồi đây cuộc sống dân ta nhất định sẽ sướng. Cha được đi thăm một số nước trong khối XHCN thấy họ đã dùng máy xay xát, máy kéo thay cho sức người, sức động vật rồi”...

Anh hùng - nhà giáo Nguyễn Trung Thiếp hiện sống ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội). Nay đã 83 tuổi nhưng người Anh hùng đầu tiên của lĩnh vực giáo dục tỉnh nhà vẫn còn rất minh mẫn.

AHLĐ  Nguyễn Trung Thiếp. Tận hiến tâm sức cho “bình dân học vụ”.
AHLĐ Nguyễn Trung Thiếp. Tận hiến tâm sức cho “bình dân học vụ”.

Từ tổ trưởng của làng Vân Tập, rồi làm Trưởng ban “bình dân học vụ” xã Diễn Bình (Diễn Châu), ông Thiếp có 10 năm làm “bình dân học vụ”, trong đó có 6 năm liên tục là Chiến sỹ thi đua, năm 1958 ông được tuyên dương Anh hùng Lao động; được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh, dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ. Sau đó tiếp tục đảm nhiệm các nhiệm vụ như: Phó trưởng Ty Giáo dục Nghệ An, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục...

Ông Nguyễn Xuân Thâm, nguyên Trưởng ban Thi đua, rồi làm trực đảng, làm Bí thư Đảng ủy xã Diễn Bình (trước đó là xã Minh Châu và Diễn Minh) giai đoạn từ tháng 7/1947 đến tháng 8/1962, kể lại những sáng kiến mà ông Nguyễn Trung Thiếp đóng góp là vô cùng quan trọng như: Đề nghị các cụ ông đi vận động từng người đến lớp và thường xuyên thăm các lớp học, các cụ bà luân phiên thay nhau trông trẻ để nhiều người có thời gian đi học chữ. Ông Thiếp là một trong những người sớm đưa ra hình thức muốn vào cổng chợ phải biết chữ... Nhiều người biết chuyện, thầy giáo Nguyễn Trung Thiếp từng đói lả, ngất xỉu đi khi đang say sưa dạy lớp “bình dân học vụ”...

Chuyện ông Nguyễn Ngọc Lài hai lần Anh hùng Lao động đã nổi tiếng cả nước. Vốn quê xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), khi mới 20 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Lài đi làm công nhân tại Lâm trường Con Cuông. Năm 1965, ông được điều về làm Đội trưởng Đội khai thác rừng Trung Chính của lâm trường. Cùng với nhiều biện pháp cụ thể, thưởng phạt phân minh, linh hoạt trong quản lý, điều hành, chỉ sau 1 năm ông Lài về làm đội trưởng, từ chỗ yếu kém nhất lâm trường, Đội Trung Chính đã vươn lên có 2 tổ trong 4 tổ đạt danh hiệu “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa”. Khi Nhà nước có chủ trương đưa KHKT vào khai thác gỗ, ông Lài nhanh chóng đào tạo đội ngũ công nhân chuyên sử dụng cưa xăng vào khai thác, sản lượng khai thác của Đội Trung Chính tăng rất nhiều lần, Đội Trung Chính trở thành “Đội lao động xã hội chủ nghĩa”; Lâm trường Con Cuông được ghi nhận là lá cờ đầu của ngành Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An và của cả nước. Năm 1985, Nguyễn Ngọc Lài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

AHLĐ  Nguyễn Ngọc Lài. Hai lần được tuyên dương Anh hùng đều gắn bó với rừng.
AHLĐ Nguyễn Ngọc Lài. Hai lần được tuyên dương Anh hùng đều gắn bó với rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Lài được giao nhiệm vụ Giám đốc Lâm trường Con Cuông cũng là khi nhiều cánh rừng đã cạn kiệt. Lúc này, “đóng cửa rừng” và “trả lại màu xanh cho rừng” là những nhiệm vụ lớn. Với phương châm “Còn rừng thì còn lâm trường”, nhiều phương án trồng rừng được đưa ra, trong đó tập trung vào phương án trồng giang, nứa, mét. Ông Lài và Ban Giám đốc lâm trường quyết tâm xây dựng bằng được nhà máy chế biến để sơ chế rồi nhập làm nguyên liệu nhằm tận thu giang, nứa, mét để giải quyết khó khăn trước mắt cho công nhân khi không còn được vào rừng khai thác. Cứ thế, từng cánh rừng lại được bàn tay những người công nhân lâm trường dệt kín dần màu xanh cây mới. Sau bao năm vất vả, 95% đất rừng đồi trọc vì khai thác đã được che phủ trở lại, Lâm trường Con Cuông do ông quản lý lại là lá cờ đầu về độ che phủ rừng... Năm 2002 ông Nguyễn Ngọc Lài một lần nữa vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ngô Kiên - Cảnh Nam - Nhật Minh

Từ khóa » Hoàng Hanh Có Công Gì