Ăn đậu Ngự Mang Lại 8 Lợi ích Cho Sức Khỏe, Bạn đã Dùng Chưa?

Mùa hè, nấu chè đậu ngự thập cẩm, chan nước cốt dừa rồi bỏ thêm nước đá thì ngọt mát suốt ngày. Ai ăn chè đậu ngự ắt hẳn đều thích cảm giác này: giữa cái vị ngọt bùi của hạt đậu to dẹt là mùi thơm lá dứa thoang thoảng, không nhiều nhưng đủ để gợi cho người ta liên tưởng đến sự tao nhã và kiểu cách quý tộc, cung đình.

Đậu ngự (Phaseolus lunatus) chính là đậu tiềm, đậu kẻ bạc, kim giáp đậu…, nấu chín ăn thì vừa bổ máu lại vừa tiêu thũng. Cho nên, nó được xếp vào nhóm những loại đậu bồi bổ giàu dinh dưỡng (1).

Trong đậu ngự có các chất gì?

Hạt đậu ngự chứa một lượng lớn chất đạm, chất béo, chất xơ và tro.

Bên cạnh đó, nó còn chứa một lượng lớn Ka li (467 mg/ 100 g), Phốt pho (136 mg/ 100 g), Ma giê (58 mg/ 100 g), Can xi (34 mg/ 100 g), vitamin C (23 mg/ 100 g)…, ngoài ra còn có Sắt, Na tri, Kẽm, Đồng, Se len, vitamin B6, E, K, Folate và Choline,… (2).

Chè đậu ngự
Chè đậu ngự
Sườn heo nấu đậu ngự đã tách vỏ
Sườn heo nấu đậu ngự đã tách vỏ

Đậu ngự – những công dụng vàng cho sức khỏe

Đậu ngự được biết đến với nhiều công dụng như:

  • Loại bỏ mỡ máu xấu, giúp tăng mỡ máu tốt và ổn định đường huyết (nhờ có chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan).
  • Giúp bảo vệ ruột non khỏi các tác nhân gây ung thư bằng cách vô hiệu hóa chúng, ngoài ra còn giúp hỗ trợ điều trị béo phì (nhờ có các enzyme Proteaz và enzyme Amylaz).
  • Giúp hạn chế các nguyên nhân gây bệnh ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và trực tràng (nhờ chứa các chất chống oxy hóa mạnh).
  • Làm sáng da tự nhiên từ bên trong (nhờ có Đồng).
  • Tốt cho xương (nhờ có Can xi và Ma giê).
  • Tốt cho máu và tóc (nhờ chứa Sắt).
  • Tốt cho quá trình tiêu hóa (nhờ chứa nhiều chất xơ).
  • Tốt cho tim mạch (nhờ có Ma giê, chất xơ và Folate) (2) (3).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng loại đậu này chỉ có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa, hạn chế rủi ro mắc bệnh chứ không phải thuốc điều trị. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều vì sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa (mỗi tuần ăn một vài lần là được).

Đậu ngự
Đậu ngự

Chú ý: Đậu ngự phải được nấu chín hoàn toàn trước khi ăn vì nếu ăn hạt sống (chưa chín hẳn) thì sẽ bị ngộ độc (4). Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên ăn loại đậu ngự có hạt màu tím sẫm vì loại này là hoang dại, chứa nhiều chất độc (1).

Một số nghiên cứu về đậu ngự

  • Hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống ung thư: Theo tạp chí Peptides, hoạt chất lunatusin có trong hạt đậu ngự có hoạt tính chống nấm (chống lại Fusarium oxysporum, Mycosphaerella arachidicola và Botrytis cinerea), kháng khuẩn (chống lại các vi khuẩn Bacillus megaterium, Bacillus subtilis, Proteus vulgaris và Mycobacterium phlei), đồng thời cũng giúp ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư vú MCF-7) (5).
  • Hoạt tính hạ huyết áp: Theo tạp chí Journal of the Science of Food and Agriculture, các phân đoạn peptit từ đậu ngự có tác dụng hạ huyết áp trong ống nghiệm và trên thực nghiệm, vì vậy, nó được xem là có tiềm năng làm thành phần cho các thực phẩm chức năng (6).
  • Hoạt tính hạ mỡ máu: Theo tạp chí Pakistan Journal of Nutrition, kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy bổ sung thêm hạt đậu ngự đã nấu chín có thể giúp giảm đáng kể mỡ xấu trong máu. Vì vậy, loại đậu này được khuyến khích dùng để giảm mỡ máu và tăng cường sức khỏe tim mạch (7).
  • Hoạt tính hạ đường huyết: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ hạt đậu ngự có các hoạt chất giúp hạ đường huyết, vì vậy, nó được xem là có tiềm năng điều trị hoặc phòng bệnh tiểu đường type II (theo tạp chí Journal of the Science of Food and Agriculture) (8).

Nguồn tham khảo

  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 906.
  2. 9 tác dụng của đậu ngự đối với sức khỏe, da và tóc, https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/tac-dung-cua-dau-ngu/, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  3. Công dụng phòng chống ung thư của đậu ngự, https://www.youtube.com/watch?v=MxMeiucPkoU&list=LL&index=6, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  4. 金甲豆, https://baike.baidu.com/item/%E9%87%91%E7%94%B2%E8%B1%86/5190921?fr=aladdin, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  5. Lunatusin, a trypsin-stable antimicrobial peptide from lima beans (Phaseolus lunatus L.), https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0196978105001002, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  6. In vitro renin–angiotensin system inhibition and in vivo antihypertensive activity of peptide fractions from lima bean (Phaseolus lunatus L.), https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/jsfa.8543, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  7. The Effects of Heat Treated Lima Beans (Phaseolus lunatus) on Plasma Lipids in Hypercholesterolemic Rats, https://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.498.9716&rep=rep1&type=pdf, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.
  8. Protein hydrolysates and ultrafiltered < 1 KDa fractions from Phaseolus lunatusPhaseolus vulgaris and Mucuna pruriens exhibit antihyperglycemic activity, intestinal glucose absorption and α‐glucosidase inhibition with no acute toxicity in rodents, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/jsfa.9219, ngày truy cập: 04/ 04/ 2021.

Từ khóa » Hạt đậu Ngự Có Tác Dụng Gì