Ân đền Oán Trả Nghĩa Là Gì - Blog Của Thư

Ân tình, yêu hận thế gian luôn là điều làm cho con người ta phải nặng gánh truân chuyên. Tuy nhiên ít ai hiểu rằng phàm ở trên đời không duyên chẳng thể gặp, không nợ chẳng thể tương phùng. Âu cũng là nhân sinh một giấc mộng mị, cuộc đời một cuộc trả vay, ơn đền oán trả ...

Nhân gian không nợ chẳng tương phùng

"Hồng Lâu Mộng" là một trong tứ đại danh tác, được mệnh danh là “Tuyệt thế kỳ thư" mượn thủ pháp trích tiên, tức tiên hạ phàm để viết về nhân tình thế thái đa màu đa sắc của các nhân vật nơi thế gian ảo mộng. 

Trong “Hồng Lâu Mộng”, kiếp trước của Giả Bảo Ngọc là một hòn đá thiêng, khi Nữ Oa vá trời còn để sót lại ở dưới chân núi Thanh Ngạnh. Hòn đá ấy được hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt của trời đất, cuối cùng tự thông linh tính, trở thành Thông linh bảo ngọc đi lại tự do như ý.

Sau khi Thông linh Bảo Ngọc được tiêu diêu tự tại, du ngoạn khắp nơi trong cõi thiên giới. Một lần, nó đến nơi của Cảnh Ảo tiên tử. Tiên tử biết nó rất có lai lịch, liền giữ nó lại làm Thần Anh thị giả chầu chực ở cung Xích Hà.

Trong chuyện có đoạn:

“Bên bờ sông Linh Hà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu tiên thảo. Thần Anh thấy nó duyên dáng đáng yêu, ngày ngày lấy nước cam lồ tưới bón, nó mới tươi tốt sống lâu. Cây tiên hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lồ chăm bón, dần dần cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận, đói thì ăn quả “Mật Thanh”, khát thì uống nước bể “Quán Sầu”.

Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc míu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”, nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh Ảo ghi sổ. Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”.

Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”... (Ảnh: Pexels).

Sau khi Thần Anh thị giả động phải tâm phàm hạ thế đầu thai vào Giả phủ trở thành Giả Bảo Ngọc. Vì để đáp đền cái ơn tưới nước cam lồ khi xưa, Giáng Châu Tiên Tử cũng theo đó mà hạ giới đầu thai vào nhà Lâm gia ở Giang Nam. Sau khi mẫu thân qua đời được Giả mẫu đón về Giả phủ.

Sau này, khi Đại Ngọc lần đầu gặp mặt Bảo Ngọc đã giật mình thất kinh, người trước mặt sao chưa lần gặp gỡ mà lại trông quen đến vậy? Bảo Ngọc cũng nói: “Vị muội muội này ta từng gặp qua".

Quả là thế gian tương ngộ đều là sự tương phùng của tiền kiếp. Thiên địa mênh mang, biển người rộng lớn, có thể gặp nhau nào đâu phải chuyện ngẫu nhiên. Tất cả đều là sự an bài của định số. Vậy nên mới nói: “Nhân sinh tại thế, người không duyên nợ chẳng thể tương phùng". Ký ức tiền kiếp xoá sạch không còn, Đại Ngọc làm sao biết được cuộc gặp gỡ này cũng chẳng qua là sự khởi đầu của đoạn đời "lấy nước mắt trả ơn".

Ơn đền oán trả ...

Trong hồi thứ 80, Đại Ngọc tổng cộng đã phải khóc tới 37 lần: Khóc bên cửa sổ, một mình ngủ mơ khóc, che mặt mà khóc, khóc không thành lời, mắt ướt nhạt nhòa… cứ như thể cuộc đời Đại Ngọc sinh ra là để khóc, kỳ thực đây chính là nguyện ước ban đầu khi tiền kiếp. 

Nhân sinh tại thế hỏi có mấy người không mê? Đại Ngọc không thể nhận ra thân phận của mình kiếp trước là ai? Cũng chẳng thể nhìn thấy nguyên do mọi chuyện trong đời mình cho nên đối với thế thái vô tình, lòng người bạc bẽo chỉ có thể dùng nước mắt để xua bớt nỗi u sầu. Đại Ngọc một đời vì tình mà khổ, vì Bảo Ngọc mà khóc cả một đời, khóc tới ngày Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa, tuyệt hận mà chết mới giải thoát được mối tơ lòng.

Nếu như Đại Ngọc biết mỗi một giọt nước mắt chính là để hoàn trả một giọt nước cam lồ; xưa kia được bao nhiêu nước cam lồ thì ngày nay phải hoàn trả bấy nhiêu nước mắt. Đây cũng chính lại là ước nguyện của tự mình khi tiền kiếp... Biết vậy thì Đại Ngọc còn có thể bi ai thương cảm tới tuyệt tận như vậy hay không?

Nếu như Đại Ngọc biết mỗi một giọt nước mắt chính là để hoàn trả một giọt nước cam lồ; xưa kia được bao nhiêu nước cam lồ thì ngày nay phải hoàn trả bấy nhiêu nước mắt (ơn đền oán trả). (Ảnh: Pxhere).

Ngẫm lại chẳng phải phần nhiều chúng ta đều cũng như Đại Ngọc, u mê trong cái gọi ân tình đó hay sao? Vì yêu mà hận, vì hận mà mà bi thương. Trả trả vay vay trong vòng xoáy của chữ tình. Tự thân vô minh nhưng lại tưởng mình sáng suốt, cả một đời buồn vui theo cái được mất thế gian.

Kỳ thực, trăm triệu hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ. Mọi chuyện đến với ta trong đời không có gì là ngẫu nhiên, người đến bởi nợ đầy, người đi bởi duyên cạn, mọi thứ đều là duyên phận an bài.

Vậy nên:

Làm người nếu có thể, hãy nhớ những điều nên nhớ, và quên những điều nên quên.

Cuộc đời sướng hay khổ đều là kết quả do mình tạo ra, gieo nhân nào ắt gặt quả đấy, ơn đền oán trả. 

Thay đổi người khác không bằng thay đổi chính mình.

Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những người đáng ghét đáng hờn, đáng yêu đáng hận... Tuy nhiên nếu chúng ta có thể đặt mình vào địa vị của họ, khi ấy rất có thể chúng ta sẽ thấy rằng, họ thực sự là người rất đáng thương. Hãy tha thứ, bao dung cho tất cả những người ta từng gặp, tất cả những người ta từng quen. Bất luận người khác có đối xử tốt hay tệ bạc với mình thì cũng là để thành tựu cho chính mình mà thôi. Người đối xử tốt thì là tiếp sức, trợ lực cho mình, người đối xử tệ bạc thì cũng là tôi luyện cho mình cứng rắn hơn thêm. Và điều quan trọng là hãy giữ cho lòng mình luôn an hòa thanh thản, bởi lẽ:

"Vạn sự như gió cuốn trôi đi

Chớ để lụy tâm một thứ gì

Nhân sinh vốn dĩ thường như mộng

Trắng tay, tay trắng đến rồi đi"...

Khải Chính.

- Tài liệu tham khảo: "Hồng Lâu mộng".

Xem thêm:

Từ khóa » Hình ảnh ơn đền Oán Trả