An Giang: Làm Bể Trên Cạn Nuôi ếch Thái Lan Toàn Con Bự ... - Dân Việt

Anh Trần Văn Giang, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chia sẻ: “Trước đây tôi chăn nuôi bò nhưng thấy cực quá, qua tìm hiểu từ những người lân cận tôi thấy mô hình nuôi ếch có chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn. Nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao, lại rất phù hợp với điều kiện đất đai của mình. Vì vậy tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể lót bạt...".

Ban đầu anh Giang mua giống ếch từ tỉnh Đồng Tháp về ép giống. Sau thời gian khoảng 20 ngày bắt đầu cho lên bồn, sau thời gian nuôi từ 3 đến 3 tháng rưỡi bắt đầu thu hoạch ếch nuôi”.

An Giang: Làm bể trên cạn nuôi ếch Thái Lan toàn con to bự, thò tay xuống là bắt được cả đám - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Giang ở tại ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đang chăm sóc, cho đàn ếch Thái Lan ăn.

Anh Giang có 24 bể lót bạt nuôi ếch Thái Lan, trong đó có 8 bể nuôi ếch thương phẩm với khoảng 3.000 con mỗi bể.

Hiện nay đàn ếch Thái Lan của anh đang phát triển tốt. Không chỉ nuôi ếch thịt, để chủ động nguồn ếch giống có chất lượng, anh còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, tài liệu để cho ếch sinh sản nhân tạo.

Hậu Giang: Đem loài cá sặc rằn xẻ thịt rút xương, dân bán 400.000 đồng/ký vẫn hút hàng

Đến nay anh đã hoàn toàn làm chủ việc cho ếch sinh sản. Mô hình nuôi ếch khép kín này giúp anh vừa có thêm thu nhập, vừa chủ động được nguồn ếch giống tại chỗ.

Theo anh Giang, ếch dễ nuôi hơn những con vật khác, có thể nuôi được số lượng nhiều. Tuy nhiên ếch giống thả nuôi phải cùng kích cỡ, không được bỏ con lớn và nhỏ trong cùng một bể nuôi vì ếch sẽ ăn lẫn nhau.

Thức ăn của ếch là dạng thức ăn viên, mỗi ngày anh cho ếch ăn 3 lần, một ngày thay nước 1 lần. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên từ vài trăm con ếch giống ban đầu, đến nay trong bể nuôi của anh lúc nào cũng có từ 18.000 – 20.000 con ếch thương phẩm, 30 – 50 cặp ếch bố mẹ.

  • img

    Phú Yên: Đến khổ, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, nông dân đang mất những thứ này

Mỗi vụ anh Trần Văn Giang xuất bán ra thị trường từ 7 – 8 tấn ếch thịt, sau khi trừ chi phí anh còn lời khoảng 8 triệu đồng/bể, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo anh Giang, trong nuôi ếch đáng lưu ý nhất đối với ếch là nguồn nước phải sạch, hàng ngày phải thay nước cho ếch.

Bên cạnh đó, cũng phải chú ý đến một số loại bệnh trên đàn ếch như: ghẻ, sốt đường ruột, ký sinh trên da, mù mắt…Người nuôi theo dõi để phát hiện phòng trị kịp thời cho ếch.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Toàn xã có trên 30 hộ chăn nuôi ếch Thái Lan, đây là mô hình mới, bước đầu mang lại hiệu quả vừa tạo công ăn việc làm vừa mang lại lợi nhuận kinh tế cho người nông dân.

Ủy ban nhân dân xã cùng Hội nông dân xã đã thành lập tổ hội nuôi ếch Thái Lan, từ tổ hội nuôi ếch Thái Lan vận động bà con phát triển thêm sản lượng ếch, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm hiểu thêm kỹ thuật chế biến sản phẩm ếch bán ra thị trường.

Hiện nay xã Khánh Hòa đang chuyển đổi cây trồng vật nuôi, dần dần chuyển diện tích sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất rau màu, trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, các mô hình về vật nuôi như chăn nuôi gia súc, sản phẩm thủy sản lươn, ếch,…

  • img

    Đam mê lan rừng khi mới 15 tuổi, nay chàng nông dân trẻ này có tiền tỷ trong tay

Xã Khánh Hòa tiếp tục vận động mở rộng mô hình chăn nuôi ếch Thái Lan mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trong thời gian tới”.

Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù trong chăn nuôi, sau hơn 5 năm nuôi ếch Thái Lan thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh Giang nói riêng cũng như nông dân xã Khánh Hòa nói chung.

Nhận xét về mô hình chăn nuôi ếch Thái Lan, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa cho biết: “Thực hiện Nghị quyết đảng bộ xã Khánh Hòa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Hội Nông dân thấy mô hình chăn nuôi ếch Thái Lan của nông dân xã đang chăn nuôi đem lại hiệu quả cho hộ gia đình..."

Từ đó Hội Nông dân xã Khánh Hòa vận động thành lập Tổ hội nuôi ếch Thái Lan ấp Khánh Phát để đáp ứng nhu cầu tập hợp bà con nông dân trong chăn nuôi ếch, tập huấn kỹ thuật nuôi ếch cho bà con...

Hội nông dân xã cũng phối hợp tìm đầu ra ổn định cho bà con, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả cho bà con nông dân.

Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.

Những kết quả đạt được từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xã Khánh Hòa tiếp tục triển khai ra diện rộng trong những năm tiếp theo, giúp bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần làm giàu cho nông hộ nói riêng và quê hương Khánh Hòa nói chung.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thành công không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Và một trong những mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi là mô hình chăn nuôi ếch Thái Lan ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Cám cảnh nuôi cá sấu: Bán cá sấu không ai mua, nông dân bấm bụng "nuôi báo cô" không biết đến bao giờ

Từ khóa » Mua ếch Giống ở An Giang