Ăn Khoai Mì Như Thế Nào để Không Bị Ngộ độc - VnExpress Sức Khỏe

Người dân thường luộc hoặc hấp củ sắn; lá sắn dùng để muối chua… Theo tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, trong sắn chứa lượng acid cyanhydric (HCN) đáng kể. Hàm lượng độc chất HCN trong khoai mì cao hay thấp phụ thuộc vào giống sắn. Sắn đắng, sắn cao sản chứa HCN cao hơn sắn ngọt. Ngoài ra chất này có nhiều ở vỏ củ, lõi củ; ở lá cao hơn củ 3-5 lần…

Hàm lượng HCN cao vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc. Liều gây độc cho một người lớn là 20 mg HCN, liều gây chết người 50 mg HCN cho mỗi 50 kg thể trọng. Chất độc này khiến hồng cầu không hấp thu được oxy, nạn nhân rơi vào trạng thái suy hô hấp, khó thở. Chỉ sau 1-3 giờ, người ăn đã có khả năng biểu hiện ngộ độc.

an-khoai-mi-nhu-the-nao-de-khong-bi-ngo-doc

Năm 2014, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận một số trẻ bị ngộ độc sắn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê. Nguyên nhân là do trẻ ăn loại sắn cao sản, nhiều nhựa vốn chuyên dùng làm thức ăn cho gia súc. Năm 2005, một bé gái 4 tuổi tại Bình Thuận tử vong vì ngộ độc sắn. 

Các biểu hiện chính khi ngộ độc chất này gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và ỉa chảy; ù tai, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi chân tay, đi không vững; nặng hơn thì co giật, hôn mê; khó thở, suy hô hấp cấp, xanh tím, giảm huyết áp, tăng nhịp tim... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các biện pháp sơ chế, chế biến như xay nghiền, lọc bột, ngâm, luộc kỹ, ủ chua có thể loại bỏ phần lớn HCN trong sắn. Để tránh ngộ độc sắn, người dân chú ý:

- Không sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (cả củ và lá) để chế biến thức ăn vì chứa hàm lượng HCN cao.

- Nghi ngờ sắn độc, tuyệt đối không sử dụng để ăn.

- Khi sơ chế, củ sắn cần gọt, bóc vỏ kỹ, rửa ngâm nước sạch, luộc mở vung và nấu chín kỹ trước khi ăn. Lá sắn cần ngâm nước, rửa sạch, muối chua hoặc luộc thật kỹ trước khi ăn.

- Khi ăn cảm giác sắn có vị đắng thì không nên ăn.

Với những người không may bị ngộ độc sắn thì cần tiến hành sơ cứu kịp thời. Trước hết nhanh chóng loại trừ tác nhân ngộ độc bằng gây nôn; cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là đường glucosa 30-50%) và chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.

Hà An

  • Bé trai 8 tuổi hôn mê sau khi ăn sắn
  • Bé 7 tuổi nguy kịch vì ngộ độc sắn

Từ khóa » Củ Khoai Mì Kỵ Với Gì