Án Oan Sai: Do Trọng Cung Hơn Trọng Chứng?

THB

Chánh án Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước UBTVQH. ẢNh: TTXVN

Tại phiên chất vấn, các ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM), ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã nêu các câu hỏi với Chánh án Trương Hòa Bình về một số vụ án oan sai, cụ thể như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Phan Văn Lá,…. và về vụ án đang được dư luận quan tâm như vụ Hồ Duy Hải. Các ĐB cũng chất vấn về sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc để xảy ra oan sai, về thời gian bồi thường quá dài cho mỗi vụ án…

ĐB Quốc hội kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải

Trả lời vấn đề này, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết, đối với các vụ án đặc biệt này, các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết, xem xét thận trọng. Có những vụ án đã đúng quy trình tố tụng nhưng vì có đơn nên đã phải xem xét lại.

Về vụ án Hồ Duy Hải, đây là vụ án gây bức xúc dư luận. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo đã nhận tội nhưng đến án phúc thẩm, bị cáo lại cho rằng không có tội. Toà án trên cơ sở nghiên cứu vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Vì vậy, sau khi trình lên Chủ tịch nước, Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án của bị cáo. Cho đến nay, vẫn chưa phát hiện ra căn cứ gì để kháng nghị nên bản án vẫn còn hiệu lực.

Trả lời câu hỏi vì sao Chủ tịch nước bác đơn giảm án nhưng lại hoãn thi hành án, Chánh án tòa án tối cao cho biết xét thông tin dư luận, đề nghị của gia đình bị cáo gửi lên, nên trên cơ sở thận trọng, Chủ tịch nước đã yêu cầu Chánh án, Viện trưởng, xem kỹ lại để tránh oan sai. Chánh án, Viện trưởng, Bộ trưởng Bộ Công an đã lập đoàn liên ngành, làm việc dưới sự giám sát của UBTVQH. Khi đoàn liên ngành vào hỏi, bị cáo Hồ Duy Hải vẫn nhận tội, và đơn của bị cáo chỉ xin giảm án hoặc thi hành án ngay. Sắp tới, đoàn kiểm tra sẽ đánh giá toàn diện, khách quan, kết hợp với kết quả giám sát của Quốc hội để có kết luận đúng đắn. “Chúng tôi sẽ xem xét thận trọng, nếu đủ căn cứ sẽ kháng nghị, nếu không đủ phải thực thi đúng pháp luật”, ông Trương Hòa Bình nói.

Về vụ án này, ĐB Lê Thị Nga cho biết với tư cách cá nhân ĐB Quốc hội, bà thấy bản án chưa có đủ căn cứ vững chắc. “Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang gửi đến Chánh án và Viện trưởng, chỉ ra hàng chục điểm sai sót vi phạm trong bản án, đề nghị các đồng chí xem xét thận trọng vụ án này”, ĐB Lê Thị Nga nói.

Để oan sai, cả 3 cơ quan tố tụng đều có lỗi

Trả lời về trách nhiệm trong bồi thường oan sai, dây dưa kéo dài, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, đến nay cơ bản các vụ trường hợp bồi thường đã thương lượng xong, còn một số ít trường hợp đưa ra toà vì tranh chấp, toà sẽ xét xử theo án dân sự bồi thường oan sai .

Về trường hợp ông Phan Văn Lá ở Long An, nếu có việc đùn đẩy thì cả 3 cơ quan đều có lỗi với dân, phải chịu trách nhiệm. Ông Trương Hòa Bình cũng đề nghị phải nghiên cứu có cơ quan trọng tài để xác định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, bồi thường, do Luật Bồi thường Nhà nước chưa quy định hết. Theo đó, phải xác định 3 cơ quan tố tụng đều là cơ quan nhà nước, nếu làm oan thì cả 3 cơ quan phải bồi thường, còn lỗi ở đâu sẽ truy xét kỹ. Có thể nếu xác định oan sai thì Bộ Tư pháp đứng ra bồi thường ngay, sau đó sẽ truy xét lỗi ở khâu nào.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án tòa án tối cao cho biết vụ việc đã được giải quyết quyết liệt và trách nhiệm, khi nào ông Chấn cung cấp đủ giấy tờ chứng minh thiệt hại, sẽ tiến hành đền bù ngay.

Vuong
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: TTXVN

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời thêm về vấn đề oan sai trong công tác điều tra.

Thừa nhận có việc bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai, đặc biệt là ở công tác điều tra cấp huyện, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định đây là trách nhiệm của Bộ Công an và đã được kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm minh. Lý giải nguyên nhân gây ra oan sai trong công tác điều tra, Thứ trưởng cho rằng đây là do việc chưa tập trung, tôn trọng, chứng minh sự thật khách quan. Đặc biệt là quan điểm về xem xét chứng cứ, chủ yếu coi trọng lời khai, trọng cung hơn trọng chứng, mặc dù nguyên tắc là phải trọng chứng cứ, không dễ tin lời khai.

Đây là vấn đề thiếu sót ngay trong công tác tố tụng, khi tập trung vào thu thập lời khai của người bị hại, nhân chứng, chưa đề cập nhiều đến vấn đề quan trọng về chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, giám định chứng cứ, thu giữ, bảo quản bằng chứng. Vì vậy, các thiếu sót chủ yếu về tố tụng, còn nguyên nhân từ phía cán bộ điều tra là năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trách nhiệm trong điều tra, chưa tuân thủ quy trình. "Một số cán bộ điều tra có tư tưởng thành tích, nôn nóng, do đó dễ dẫn đến sai phạm", Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

H.Y

Từ khóa » Trọng Chứng Hơn Trọng Cung