Ấn Tượng Mới Từ “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” | Văn Hóa Xã Hội

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Kể từ khi ra đời năm 1983, vở kịch này đã được nhiều nhà hát ở nước ta dàn dựng, công diễn và lúc nào vở diễn cũng nhận được sự mến mộ từ khán giả. Nhưng vào ngày 25/8 tới đây, lần đầu tiên “Hồn Trương Ba da hàng thịt” sẽ được thực hiện dưới hình thức kịch hình thể, hứa hẹn sẽ tạo nhiều thú vị và bất ngờ cho người xem.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã “đóng đinh” trong tâm trí người xem nhiều thế hệ

Vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba da hàng thịt” sẽ ra mắt khán giả tại nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội trong khuôn khổ “Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà viết kịch tài ba bậc nhất Việt Nam. Song song với đó, phiên bản kịch nói “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng sẽ được Nhà hát kịch Việt Nam dựng lại.

Bên cạnh đó, hàng loạt các tác phẩm của Lưu Quang Vũ cũng được các đoàn dàn dựng để biểu diễn trong sự kiện lần này như: “Trái tim trong trắng” (Nhà hát Trần Hữu Trang); “Nàng Sita” (Nhà hát chèo Hà Nội); “Ông vua hóa hổ” (Nhà hát chèo Hải Phòng); “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi trẻ)…

Có thể thấy việc lựa chọn ngôn ngữ hình thể để dựng lại “Hồn Trương Ba da hàng thịt” rõ ràng là bước đi đầy mạo hiểm của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lan Hương – Trưởng đoàn kịch thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ). Nói thế bởi vì tác phẩm này đã “đóng đinh” vào tiềm thức của nhiều thế hệ diễn viên Nhà hát.

Đặc biệt nhắc đến nhân vật Trương Ba là người ta nhớ đến tài danh của cố NSND Trọng Khôi, nên việc dựng lại “Hồn Trương Ba da hàng thịt” theo hình thức kịch hình thể là thực sự khó khăn. Nếu không thật “khéo léo”, rất có thể phiên bản kịch hình thể sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng trước “cái bóng” rất lớn của các phiên bản kịch nói.

NSND Lan Hương cho biết: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là vở điển hình, thuộc loại hay nhất của Lưu Quang Vũ. Nó mang tính thời gian, bất cứ lúc nào thì chúng ta cũng có thể “thổi một chút hơi thở” của thời điểm ấy vào và có thể ăn nhập ngay với không khí thời đại”.

Khác với kịch nói, kịch hình thể lấy ngôn ngữ cơ thể làm trung tâm và là phương tiện trình diễn số một biểu hiện xung đột trên sân khấu. Chính vì vậy, khi dàn dựng “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, bên cạnh việc giữ lại những lời thoại cốt lõi, ê-kíp thực hiện đã kết hợp vũ đạo với nhạc… tuồng để hướng đến sự tinh tế của nghệ thuật, đồng thời chuyển đến người xem triết lý của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

NSND Lan Hương “bật mí”: “Từng đoạn nếu hợp với một trích đoạn tuồng nào, chúng tôi sẽ lấy nguyên xi trích đoạn tuồng ấy vào. Chúng tôi sẽ kết nối thêm nhiều thứ, sẽ có hơi thở đương đại được lồng ghép, nên tôi đã yêu cầu các diễn viên tham gia phải tập cả… tuồng và làm hoàn toàn bằng tuồng trên một nền nhạc dân gian đương đại. Có những đoạn sẽ có nhạc cụ đặc trưng của tuồng, nhưng cũng có những đoạn mang âm nhạc dân gian, đặc biệt là dùng giọng nữ, nghe sẽ rất day dứt”.

Theo NSND Lan Hương, ở kịch hình thể phải chọn lựa kỹ càng các “mảng, miếng” ngay từ khi chuyển thể từ kịch bản, tạo sự liên tục. Khi lên sân khấu, nếu bị “vỡ” lần một thì phải làm lại, nếu “vỡ” tiếp thì lại tiếp tục làm lại, cứ như thế cho đến khi hoàn chỉnh.

Kịch hình thể thường rất coi trọng khâu ánh sáng, nhất là ở vở này khi NSND Lan Hương không để trang trí nhiều, đạo cụ cũng hạn chế đến mức tối thiểu, mang nhiều ý nghĩa. Cả vở diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, NSND Lan Hương bố trí các “đạo cụ” chính là… năm ngón tay và một bàn cờ!

Đạo diễn Lan Hương cho rằng “Dù nhà viết kịch không nói ra trực diện, nhưng mình đã thấy qua tác phẩm của Lưu Quang Vũ rất nhiều ý nghĩa. Cuộc đời của mỗi con người khi được sinh ra tựa như một ván cờ. Anh Vũ nói về việc đánh cờ trong đời sống thực của nhân vật Trương Ba và mình hiểu và phải “nâng” bàn cờ lên thành những “sân chơi” trong cuộc sống. Và đó là “ván cờ cuộc đời” của nhân vật”.

Không thể nói trước điều gì khi vở diễn này chưa chính thức đến với người xem. Nhưng bằng cách “dấn thân” và làm mới hình thức thể hiện của “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, ê-kíp thực hiện vở diễn này tiếp tục khẳng định sức sống bền bỉ, dẻo dai của tác phẩm “kinh điển” của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ.

Đồng thời, đây cũng là sự tự khẳng định của kịch hình thể khi vẫn đang nỗ lực tìm chỗ đứng trong làng sân khấu Việt Nam. Đây là cơ hội để kịch hình thể đến gần hơn với công chúng, bởi lâu nay, nó vẫn có khoảng cách khá lớn đối với nhiều người.

Điều này phần vì cho đến nay, khi xem kịch hình thể, khán giả thường vẫn thấy “khó hiểu”. Phần khác do loại hình kịch này ít được quan tâm để đầu tư và phát triển!

Phạm Hoa

Từ khóa » Vở Kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt Nhà Hát Kịch Việt Nam