Ẩn ý Trong Tranh “Bịt Mắt Bắt Dê“ - Tiền Phong

Các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống không chỉ thể hiện nét tài hoa khéo léo, mà còn được xem như một bộ bách khoa thư về đời sống dân gian. Đối với mỗi con giáp khác nhau, lại có những tác phẩm thú vị phản ánh những khía cạnh sinh động trong tư duy quan niệm sống.

Quang cảnh lễ hội xuân tưng bừng được mở ra, trong vòng tròn được quây bằng liếp một đôi trai gái bị bịt mắt để tranh nhau bắt một con dê. Dường như trò chơi rất hào hứng bởi anh chàng đang bị bịt mắt nhưng mặt lại rất hớn hở. Cô gái thì nhún chân cao đến nỗi chiếc váy đụp tung cả lên. Nhưng trò chơi có hấp dẫn hay không thì phải nhìn đến những người xem. Họ lô nhô đằng sau tấm liếp với những nụ cười mỉm và phía cánh trái là một đôi trai gái như đang chờ. Có vẻ như chàng trai đang thuyết phục bạn gái mình vào chơi, trong khi cô gái còn chút lưỡng lự e ấp. Có lẽ đây cũng là điểm mấu chốt của bức tranh.

Cũng như tác phẩm hứng dừa, hay bắt trạch trong chum, trong cái khuôn khổ “lá mít” ấy của Đông Hồ như có gì đó hóm hỉnh mà người xem phải tự phát hiện ra. Điều người ta không thể nhìn thấy trong tranh, mà “ý tại ngôn ngoại” thường thú vị hơn rất nhiều. Cứ thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra khi có đôi trai gái cùng bắt một con dê? Và tại sao cô gái ở ngoài xới nét mặt thì thích thú nhưng đôi tay lại như ngại ngùng. Rồi liệu ai sẽ bắt được con dê đây?

Hay có khi nào đôi trai gái được bịt mắt đó không bắt được dê mà lại bắt được nhau không? Sự ý nhị, tính phồn thực của dân gian là ở chỗ đó. Chưa kể đến trang phục họ vận trên người. Anh con trai thì cởi trần, còn cô gái thì mặc mỗi một chiếc yếm và chiếc váy đụp tung theo nhịp bước chân. Ba chiếc áo tơi làm bằng cỏ tranh được khoác chéo lên người của cả ba nhân vật và mỗi người một chiếc lục lạc như một ám hiệu đồng thanh lừa thính giác của đối phương.

Sột soạt, rinh rinh góc này là dê hay người, sột soạt, rinh rinh góc kia là người hay dê. Trò chơi vừa thực mà cũng vừa hết sức sinh động trong hình dung đầy chất phồn thực. Chưa kể đến biểu tượng dê trong dân gian cũng là một biểu tượng liên quan đến yếu tố “dương” và sự mạnh mẽ tràn trề sinh lực. Dê tượng trưng cho dương khí khởi sinh. Trong bức tranh này, con dê với đôi sừng cong nho nhỏ vài sợi râu quay ngược đầu về phía chàng trai như thách thức.

Chàng trai hay cô gái cùng bắt được dê hay cùng bắt được nhau thì đều hứng khởi cả, bởi hành động đó đem đến sự giao hòa âm dương, thì vạn vật khởi sinh, khởi sắc. Cảm xúc trai – gái như hừng lên trong không gian lễ hội được tháo khoán, giải thoát khỏi những quan niệm khắt khe trói buộc của Nho giáo về “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Ẩn ý trong tranh “Bịt mắt bắt dê“ ảnh 1

Tranh Hàng Trống (ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Khác chút ít với Đông Hồ, tranh Hàng Trống trò chơi này được vẽ ra với những đứa trẻ mục đồng, trước hiện một căn nhà khá giả. Dẫu mang ít tính phồn thực hơn tranh Đông Hồ, nhưng nó lại thể hiện ra một thẩm mỹ thị dân về sự trau chuốt cầu kỳ trong hình ảnh. Sáu đứa trẻ trong sắc áo ngũ hành đang vờn bắt một con dê. Động thái của những đứa bé cũng hết sức linh động chọc ghẹo nhau rồi làm ám hiệu giả… như đem lại một niềm vui thích khác.

Có đứa trẻ còn ngã chổng kềnh ra phía trước bởi vừa ôm con dê trượt. Bên hiên nhà, người phụ nữ thư nhàn đang uống trà ngắm bọn trẻ con chơi với một niềm vui về sự đủ đầy. Dòng chữ bên phải bức tranh cũng như nhấn mạnh thêm cho không gian này với lối chơi chữ khá quen thuộc. “Lục hợp đồng xuân” có nghĩa là khắp nơi đều là mùa xuân. Chữ “đồng” trong câu này đồng âm với chữ đồng (trẻ nhỏ). Do đó sáu đứa trẻ con đang nô giỡn với con dê chính là tượng trưng cho không khí sắc xuân đã về rực rỡ.

Như vậy, giữa cái hóm hỉnh đầy chất phồn thực của dân gian Đông Hồ và sự chơi chữ đồng nhất giữa hình ảnh và chữ đề trên tranh của Hàng Trống đều phản ánh những giá trị khác nhau trong đời sống tinh thần của người Việt. Niềm ước mong về một cuộc sống đủ đầy, viên mãn, cuộc sống tràn trề sinh lực, cảm xúc mà con dê chính là một biểu tượng đặc biệt đó. Vào những năm Mùi, con giáp đặc biệt phồn thực này thì hình tượng dê và những bức tranh dê dân gian được in bán nhiều hơn đã góp phần vào không khí xuân sắc những niềm hứng khởi mới.

Trang Thanh Hiền

Từ khóa » Dê Bịt Mắt