Anh Hùng Bị Lãng Quên, Hay Cái Giá Của Sự Cao Quý?

Chuyên gia chỉ ra 7 lý do làm "giọt nước tràn ly" khiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc Chuyên gia chỉ ra 7 lý do làm 'giọt nước tràn ly' khiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc

SKĐS - Chỉ 1,5 năm đã có gần 9.400 nhân viên y tế khu vực y tế công lập nghỉ việc, thôi việc. Chuyên gia nhấn mạnh, nếu không có giải pháp để ngăn chặn "làn sóng" này, các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lớp cán bộ có tay nghề, có trình độ chuyên môn.

Một mệnh đề nghe có vẻ cực đoan nếu soi chiếu vào một không khí hân hoan, xúc động nào đó mà chúng ta thi thoảng lại được trải nghiệm suốt hơn 2 năm đằng đẵng cuồng quay với dịch bệnh COVID-19. Nhưng, những chuẩn giá trị, chuẩn tư tưởng ngày càng thay đổi. Tư duy của xã hội hiện đại và những con số là thước đo thay cho những lời nói suông.

Tôi đang nói đến một nỗi niềm chua chát mà không ít cán bộ, nhân viên y tế đã và đang nếm trải. Tôi đang nói đến đỉnh cao và vực sâu. Tôi đang nói đến sự bạc bẽo và những cơn hả hê. Cùng lúc này, có thể không ít người đang nghĩ đến lòng trung thành và sự phản bội. Nhưng, như trên vừa nói, chúng ta đừng vội buông lời oán trách hay ánh mắt nghi hoặc nào lên hàng nghìn nhân viên y tế bỏ việc.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, mới 6 tháng qua có gần 900 người nộp đơn xin nghỉ. Hà Nội cũng thống kê được khoảng hơn 800 người nghỉ việc, chuyển công tác. Ở Bình Dương ghi nhận 166 người nghỉ việc, bỏ việc ở các đơn vị công lập. Ở những địa bàn ít "nóng" hơn, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Trà Vĩnh…, đều chung một tiếng kêu: Áp lực, thu nhập thấp.

Và đó mới chỉ là những dữ liệu nhìn thấy được, những đánh giá viết ra được trên văn bản. Không báo cáo nào lột tả được cảm xúc. Mà cảm xúc là chất xúc tác lớn chưa từng thấy trong mấy tháng gần đây.

Mảnh đất Sài Gòn đang hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch. Mới một năm trước, không khí ảm đạm, hoang mang bao trùm, đường phố chỉ có những bóng người hùng thầm lặng. Một năm sau, mọi âm thanh sôi động nhất đã trở lại trên từng con hẻm. Nỗi đau dần qua và dần được quên. Những hình ảnh gây xúc động của những người hùng chống dịch cũng dần qua và dần được quên để xã hội đón nhận những vụ giật gân mới, những cú sốc mới, những vụ án mới.

"Vậy còn công sức của chúng tôi thì sao? Có ai nhớ không? Ai đó phải lo trả cho chúng tôi một ít tiền chứ" – một nữ điều dưỡng tham gia vào cuộc chiến khốc liệt giữa năm ngoái ở Sài Gòn đau đớn nói. Và một lãnh đạo ngành y tế TPHCM cũng đau đớn cho biết đang mòn mỏi chờ giải ngân 19 tỷ đồng chi thưởng cho 40.000 nhân viên y tế. Chao ôi! 19 tỷ cho 4 vạn người, nghĩa là mỗi người chưa được nổi 500 nghìn đồng. Mà vẫn mòn mỏi.

Chắc chắn không có một lỗi nào liên quan đến cơ chế trong tình huống này. Ở Hà Nội, thậm chí một ông bảo vệ dân phố cũng đã nhận được tiền hỗ trợ chống dịch. Ở Hải Phòng, tài khoản của bác sĩ "ting ting" ngay khi họ ra sân bay vào Sài Gòn tiếp sức đồng nghiệp. Và hàng triệu người lao động dù không một ngày tham gia chống dịch, tài khoản cũng đã "ting ting tiền cô-vít". Chắc chắn phải có ai đó trong cả hệ thống ở TPHCM phải chịu trách nhiệm. Chắc chắn đó là sự vô cảm và hời hợt. Và chắc chắc đó là sự lãng quên.

Vậy phải đòi hỏi những "cựu anh hùng" năm ngoái phải ứng xử thế nào cho vừa lòng? Mỗi anh hùng năm ngoái đằng sau họ là gia đình, là những đứa trẻ. Hàng nghìn người hoạt động trong lĩnh vực y tế, được mấy người có thu nhập vượt trội so với mặt bằng chung? Vô cảm và bạc bẽo như vậy thì sao có thể đòi hỏi sự trung thành một cách mù quáng. Như ngay từ đầu đã nói, con người trung thành với chính mình thì mới có thể trung thành với người khác. Đó là thứ lập luận phũ phàng nhưng rất thực tế. Một nữ cán bộ y tế trước tiên phải trung thành với đứa con nhỏ họ bỏ lại hậu phương suốt 2 năm chống dịch. Họ trở về, ngoài hào quang của một người hùng thì cũng phải có sức sống của một người sẵn sàng bỏ 500 nghìn mua sữa cho con không chút đắn đo.

Tôi có niềm tin chắc nịch rằng, áp lực và cả sự bạc bẽo họ vừa đón nhận thì giả sử họ phản bội y nghiệp, bỏ "vị trí chiến đấu" để về với con cái, với cơm áo gạo tiền là một sự đáng thương đến tận cùng. Vì đã có rất nhiều người xung quanh họ không hiểu được giá trị của lòng trung thành.

Dĩ nhiên, họ nghỉ việc còn có những lý do khác chứ không hoàn toàn bởi sự phũ phàng, ê chề sau khi tận hiến sức mình cho cuộc chiến chung đầy lùi dịch bệnh.

Trong thống kê học có 3 số liệu cực kỳ quan trọng là: giá trị trung bình, giá trị trung vị và giá trị mốt. Xã hội luôn chỉ thấy giá trị trung bình nổi lên, như: lương bác sĩ cao lắm! Nhưng giá trị trung vị luôn bị lãng quên, như: thực tế bao nhiêu phần trăm nhân viên y tế trong toàn ngành dưới mức được cho là cao? Hoặc giá trị mốt gần như không ai biết đến, là: khoảng thu nhập phổ biến tới nhiều nhân viên y tế nhất là bao nhiêu?

Chẳng ai biết được. Chỉ biết rằng, ngay tại Hà Nội, sau 7 năm gắn bó với y nghiệp, có một nhân viên y tế lương vẫn chỉ xấp xỉ 2,5 triệu đồng, không lên lương, không trợ cấp, không phụ cấp, không có khoản thu nhập thêm chỉ vì là "nhân viên hợp đồng" như trong bài viết này.

Đã có rất nhiều nỗ lực để đưa dịch vụ y tế công lập trở về đúng giá trị của nó. Đã có rất nhiều giải pháp để những người lao động trong các môi trường phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và áp lực như y tế có thể sống bằng lương một cách thoải mái. Và đều chưa thành. Ngành y tế không thể tự quyết những chính sách về tài chính, đấu thầu, giá…, trong khi nhiều cơ quan chưa nhận thức được xu hướng phát triển của dịch vụ y tế để hướng tới chất lượng phục vụ người dân tốt hơn. Và nhiều người cứ đòi hỏi nhân viên y tế phải tận sức, tận hiến rồi khoác lên họ những sự an ủi và những hào quang mơ hồ, mong manh. Anh hùng - tội đồ, đỉnh cao – vực sâu, ban ơn - phán xét… phải chăng là cái giá của một nghề cao quý?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Từ khóa » Hình ảnh Ký ức Bị Lãng Quên