Anh Hùng Phạm Tuân: 'Tôi Từng Nghĩ Ra đi Không Hẹn Ngày Về'
Có thể bạn quan tâm
Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân được Hội đồng Quốc gia lựa chọn trở thành phi công vũ trụ chính thức trong chuyến bay trên con tàu vũ trụ "Soyuz-37" (Liên hợp-37), là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này bay vào vũ trụ. Chia sẻ với VnExpress ông cho biết, ở tuổi 73, dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng hàng ngày ông vẫn dõi theo những tin tức về chinh phục vũ trụ và cảm xúc chuyến bay ngày nào vẫn vẹn nguyên trong ông.
- Nếu kể về chuyến bay vào vũ trụ 40 năm trước, ông nhớ nhất điều gì?
- Nhiều người đã hỏi tôi câu này, nhưng với người lính, trận đánh nào cũng là trận đáng nhớ, và với phi công vũ trụ mỗi chuyến bay, từng công đoạn, giây phút đều là dấu ấn sâu sắc. Tôi nói như vậy là vì, chỉ sau động tác nhấn nút, một tiếng nổ lớn, con tàu phóng đi và phi công khi đó không còn biết mình đang ở đâu.
Với một chuyến bay vũ trụ nhiều cái đặc biệt, vừa có tính khám phá mạo hiểm nhưng cũng thú vị và cả nguy hiểm rình rập. Bởi ngồi vào con tàu là ngồi trên thùng thuốc nổ rồi, ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
- Khi biết mình được chọn cho chuyến bay lịch sử, điều ông nghĩ đến đầu tiên là gì?
- Tôi chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay ba ngày. Đó là ngày 21/7/1980, Hội đồng Quốc gia công bố quyết định ai sẽ là người bay chính thức. Tên tôi được xướng lên cùng với Gorbatko là nhà du hành vũ trụ của Liên Xô. Sau quyết định đó, hàng loạt công việc phải chuẩn bị, từ việc kiểm tra những công việc cần làm trên vũ trụ, sắp xếp thứ tự các hành động.
Chúng tôi có 2 giờ nghỉ trưa trước khi bay. Đó là khoảng thời gian tĩnh lặng duy nhất và những ý nghĩ vẩn vơ thoáng qua rằng "quả tên lửa sẽ đẩy mình lên thế nào? Liệu mình có còn được quay lại để gặp gỡ gia đình, vợ con, bạn bè hay không...?".
Còn khi vào vị trí xuất phát, từ lúc còn một phút cho đến thời điểm đếm ngược và con tàu lao đi, là lúc nhận lệnh dồn dập và phi công phải trả lời Trung tâm chỉ huy mặt đất, không còn thời gian để nghĩ vẩn vơ. Tiếng nổ động cơ ngày càng lớn dần. Sau khẩu lệnh cuối: Phóng! Một tiếng nổ chát chúa. Con tàu rung lên, rời bệ phóng.
Nhắc tới rủi ro, trước chuyến bay của chúng tôi, đội bay Bungarri - Liên Xô đã xảy ra bất trắc và lắp ghép không thành công. Họ phải quay về hạ cánh. Khi tàu hoạt động trên vũ trụ, chúng tôi cũng gặp trục trặc. Hệ thống động cơ đang hoạt động bình thường thì dừng lại. Con tàu chỉ còn quay theo hướng điều khiển. Tôi hơi lo lắng nhưng Gorbatko nói rằng: "Tắt tất cả các hệ thống, chờ đến phiên liên lạc sẽ báo cáo". Khi đó ý nghĩ bất an ùa về và thầy trò tôi chỉ còn biết nằm chờ, chuẩn bị báo cáo.
Thật may, sau khi được Trung tâm hướng dẫn xử lý, động cơ của con tàu hoạt động trở lại bình thường. Khi đó chúng tôi bay ở quỹ đạo trung gian hơn 300 km.
Đến bây giờ có những lúc tôi vẫn thoáng nghĩ về khi đó "nếu chẳng may"...!.
- Khi con tàu vào quỹ đạo, ông được giao thực hiện khá nhiều thí nghiệm trên vũ trụ. Nhưng vốn ông không phải là nhà khoa học, vậy ông đã thực hiện nó như thế nào?
- Tôi chỉ là phi công vũ trụ và các thí nghiệm cần thực hiện tôi được hướng dẫn từ mặt đất và đã được chuẩn bị chi tiết. Tôi được hướng dẫn cơ bản. Nhiệm vụ của tôi là thực hiện các thao tác đúng như những gì đã học và ghi lại diễn biến của thí nghiệm đó.
- Chinh phục vũ trụ là "cuộc chơi" đầy tốn kém và rủi ro. Theo ông vì sao nó vẫn có "sức hút" bởi những năm gần đây không ít "ông lớn" chấp nhận bỏ tiền đầu tư vào cuộc đua này?
- Từ cuối những năm 50 khi đó hai phe, đứng đầu là hai nước Liên Xô và Mỹ đều cạnh tranh các mặt từ kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật. Cuộc đua vào vũ trụ thể hiện trình độ công nghệ của một quốc gia. Để bay vào vũ trụ là tập hợp tất cả công nghệ cao của các ngành, từ tên lửa, điều khiển, độ bền vật liệu... Quốc gia nào hùng mạnh, hội tụ đủ yếu tố khoa học công nghệ và tiềm lực kinh tế thì chiếm lĩnh.
Với Việt Nam, tôi thấy mình may mắn vì được bay vào vũ trụ ngày đó nhờ hợp tác với Liên Xô. Nếu để Việt Nam chủ động mọi việc từ công nghệ, kinh tế, kỹ thuật thì có lẽ còn rất lâu chúng ta mới bay vào vũ trụ.
Nhiều năm theo dõi các thông tin mới thấy, các nước tiến xa và rất nhanh về mặt công nghệ chinh phục vũ trụ. Cũng là bởi nghiên cứu vũ trụ tiềm năng rất lớn.
Ở điều kiện không trọng lượng, dưới Trái Đất không làm được. Điều kiện này khiến tất cả các vật chất đều bay lơ lửng như nhau, không kể khối lượng riêng lớn hay nhỏ. Hiểu đơn giản như nấu một nồi chứa nhiều chất, khi để lại phân tử nặng có thể chìm lắng xuống, phân tử nhẹ sẽ ở phía trên nhưng ở trong môi trường không trọng lượng, nó bay như nhau. Vậy nên, nếu luyện kim trong môi trường này, các phân tử sẽ được phân phối rất đều.
Nếu muốn sản xuất vi mạch, đường dẫn tinh khiết cho các loại máy tính tốc độ cao, nếu sản xuất ở dưới mặt đất có thể rất khó nhưng trên vũ trụ thì đơn giản. Hay như sản xuất thuốc, việc xảy ra các phản ứng phụ là do có tạp chất nhưng ở môi trường vũ trụ có thể khắc phục được những hạn chế này...
Khi ta nghiên cứu, hiểu rõ về thiên nhiên, hướng đến nắm bắt và ứng dụng vào cuộc sống là lý do các nước không tiếc tiền đầu tư cho nghiên cứu vũ trụ.
Vì vậy trong suy nghĩ của tôi, ước mong chúng ta có nhiều nghiên cứu ứng dụng, tận dụng được thành tựu của các nước có nền khoa học tiên tiến chứ không phải ta chạy theo "cuộc đua" bởi nhìn vào tiềm lực cần "biết người, biết ta".
Anh hùng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô. Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Năm 1973, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980, và trở về trái đất ngày 31/7/1980. Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980. Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin. Năm 1989 là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ 1999, được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 2000). Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2007.
- Chuyến bay vào vũ trụ của tướng Phạm Tuân khiến học sinh hào hứng
- Phi hành đoàn trên trạm ISS gửi lời chúc mừng Phạm Tuân và V.Gorbatko
- Anh hùng Phạm Tuân đưa cờ Việt Nam lên vũ trụ
- Phạm Tuân 'còn muốn bay'
Bích Ngọc
Từ khóa » Phạm Tuân Lên Vũ Trụ Năm Bao Nhiêu
-
Anh Hùng Phạm Tuân: Trở Thành Phi Công Là 90% May Mắn
-
Phạm Tuân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Anh Hùng - Trung Tướng Phạm Tuân Bay Vào Vũ Trụ Như Thế Nào?
-
Vật đặc Biệt Trung Tướng Phạm Tuân Mang Vào Vũ Trụ Cách đây 40 ...
-
40 Năm Chuyến Bay Vào Vũ Trụ Của Phi Công Trung Tướng Phạm Tuân
-
Về Quê Lúa Thái Bình Thăm Nhà Trung Tướng - Anh Hùng Phạm Tuân
-
Tiểu Sử Anh Hùng Phạm Tuân - Người Châu Á đầu Tiên Bay Vào Vũ Trụ
-
Trung Tướng Phạm Tuân - Người Việt Nam đầu Tiên Bay Vào Vũ Trụ
-
Anh Hùng Phạm Tuân: Dấu ấn 40 Năm Bay Vào Vũ Trụ - Trang Chủ
-
Anh Hùng Việt Nam Phạm Tuân Và Chuyến Du Hành Vũ Trụ Lịch Sử
-
7/1980: Phạm Tuân, Người Việt Nam đầu Tiên Bay Vào Vũ Trụ
-
Cuộc Gặp đặc Biệt Trên Vũ Trụ
-
Anh Hùng Phạm Tuân: Từ Nam Sinh Lớp 10 Trượt Phi Công đến Bắn ...