Ảnh Hưởng Của độ Dày Mỡ Lưng đến Năng Xuất Sinh Sản Của Lợn ...
Có thể bạn quan tâm
Tóm tắt: Thí nghiệm được tiến hành trên đàn lợn nái ngoại nuôi theo phương thức tập trung nhằm mục tiêu xác định ảnh hưởng và mối tương quan giữa độ dày mỡ lưng và một số chỉ tiêu sinh lý sinh dục và sức sản xuất của lợn nái. Lợn nái sinh sản được đo độ dày mỡ lưng và chia thành 4 nhóm: 25 mm. Lợn được nuôi theo quy trình thống nhất từ chuồng trại, thức ăn và chăm sóc nuôi dưỡng. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ dày mỡ lưng có ảnh hưởng lớn đến thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái (r = 0,9801). Khi độ dày mỡ lưng tăng từ mức dưới 15 mm đến trên 25 mm, thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái tăng từ 5,29 - 6,68 ngày. Tỷ lệ phối giống thụ thai, số lượng lợn con sơ sinh/lứa; số lượng lợn con cai sữa/ lứa và khối lượng lợn con cai sữa bị ảnh hưởng lớn của độ dày mỡ lưng của lợn nái (Hệ số tương quan lần lượt là: - 0,9524; -0,8829; - 0,9928; - 0,9640 và -0,8875). Trong khi đó, khối lượng sơ sinh của lợn con không chịu ảnh hưởng rõ rệt của độ dày mỡ lưng (P>0,05 và r = 0,1754). Cần có các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi hợp lý để giữ cho lợn nái có thể trạng tốt (Không quá béo hoặc quá gầy) để có thể tăng năng suất chăn nuôi và giảm tỷ lệ loại thải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi lợn nái sinh sản tập trung. Từ khóa: Độ dày mỡ lưng, lợn nái, năng suất sinh sản. 1. Đặt vấn đề Hiệu quả chăn nuôi lợn nái phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như tỷ lệ phối giống, số con đẻ ra trên lứa, số con cai sữa trên lứa, khối lượng sơ sinh và khối lượng cai sữa... Tuy nhiên, hiện nay tại rất nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung, năng suất sinh sản của đàn nái có xu hướng giảm, mà một trong các nguyên nhân là do việc chăm sóc nuôi dưỡng chưa hợp lý, đàn lợn nái thường bị béo sớm, có hiện tượng chậm động dục, tỷ lệ phối giống đạt yêu cầu thấp, đẻ ít con, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục cao, phải loại thải sớm… Điều đó đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi của các trang trại. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, để nuôi lợn nái đạt đúng khối lượng chuẩn, điều quan tâm đặc biệt là hàm lượng mỡ trong cơ thể chúng. Các nghiên cứu cho thấy, độ dày mỡ lưng ở vị trí P2 ở lợn nái có năng suất cao diễn biến theo hướng tăng dần từ giai đoạn thụ thai đến lúc đẻ, sau đó giảm dần xuống thấp nhất ở thời điểm cai sữa và lại tiếp tục lặp lại ở lứa tiếp theo. Thông thường, độ dày mỡ lưng ở vị trí P2 cần giảm ở khi phối giống (lúc sau cai sữa), nhưng nếu giảm quá mức sẽ không tốt cho lứa đẻ sau. Thể trạng hay mức độ gầy béo của lợn nái phụ thuộc vào độ dày mỡ lưng ở vị trí P2. Trong chăn nuôi tập trung, nếu không giữ được thể trạng hợp lý, sẽ làm cho lợn nái quá béo. Khi đó, ngoài tác hại đã nêu ở phần trên còn gây ra hiện tượng đẻ khó, tỷ lệ sót nhau cao do khả năng co thắt tử cung và cơ bụng yếu, do mỡ bao quanh buồng trứng, tử cung (Barker J.N, 1969[2]; Phạm Hữu Doanh, 1998[5]; Rosthehild M.F và cs. 2001[7]; Nguyễn Nghi và cs. 2002 [6]). Vì vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố thể trạng đến khả năng sinh sản của đàn lợn nái là rất cần thiết, thông qua đó có thể đề xuất các biện pháp nuôi dưỡng thích hợp nhằm giữ cho lợn nái có thể trạng hợp lý. Từ những lý do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng tới các chỉ tiêu sản xuất của lợn nái, từ đó xác định mối tương quan giữa độ dày mỡ lưng với các chỉ tiêu sinh sản làm cơ sở đề xuất các giải pháp chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý, góp phần nâng cao khả năng sinh sản của đàn nái ngoại trong chăn nuôi tập trung. 2. Nguyên vật liệu và phương pháp nghiên cứu 2.1 Đối tượng nghiên cứu Lợn nái sinh sản dòng CA, C22, CP và lợn con từ sơ sinh đến 50 ngày tuổi. 2.2 Thời gian và địa điểm nghiên cứu Tiến hành nghiên cứu tại trại chăn nuôi lợn nái ngoại của HTX chăn nuôi Thắng Lợi và Trại chăn nuôi lợn Hùng Chi - Thị xã Sông Công tỉnh Thái Nguyên. Thời gian nghiên cứu: Từ năm 2009 - tháng 12/2011. 2.3 Nội dung và phương pháp nghiên cứu 2.3.1 Nghiên cứu ảnh hưởng độ dày mỡ lưng của lợn nái đến các chỉ tiêu sinh dục và năng suất sinh sản của lợn nái. Nghiên cứu trên đàn lợn nái sinh sản ở lứa đẻ từ 1-6. Số lượng lợn nái theo dõi là 228 con. Đàn lợn nái được nuôi theo quy trình giống nhau về chuồng trại, khẩu phần ăn, loại thức ăn và các kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng khác. Toàn bộ đàn lợn nái được đo độ dày mỡ lưng bằng thiết bị đo độ dày mỡ lưng Lean Metter của hãng Renco. Đây là thiết bị cầm tay, sử dụng năng lượng pin, an toàn cho gia súc, cho kết quả nhanh và chính xác. Độ dày mỡ lưng trong thí nghiệm của chúng tôi là kết quả trung bình của các lần đo tại các thời điểm khác nhau của lợn nái: Lúc cai sữa, chửa 30 ngày, chửa 90 ngày, sau khi đẻ. Sau khi đo và kiểm tra độ dày mỡ lưng, chia số nái thành 4 nhóm để theo dõi: Nhóm 1: Những lợn nái có độ dày mỡ lưng <15mm; Nhóm 2: Những lợn nái có độ dày mỡ lưng 15-20mm; Nhóm 3: Những lợn nái có độ dày mỡ lưng 20,1-25mm và nhóm 4: Những lợn nái có độ dày mỡ lưng >25mm. Tiến hành theo dõi các chỉ tiêu sinh lý sinh dục như thời gian động dục trở lại sau cai sữa; Thời gian kéo dài động dục; tỷ lệ lợn nái chậm động dục trở lại sau cai sữa; Tỷ lệ lợn nái không động dục sau cai sữa con. Các chỉ tiêu về khả năng sinh sản bao gồm: Số con đẻ/lứa; Số con đẻ ra còn sống sau 24 giờ/lứa; Số con còn sống đến cai sữa/lứa (21 ngày tuổi). Số con còn sống đến 50 ngày tuổi/lứa. Khối lượng sơ sinh, khối lượng cai sữa và khối lượng lúc 50 ngày tuổi (kg/con). 2.3.2 Xác định mối tương quan giữa độ dày mỡ lưng với một số chỉ tiêu sinh sản của đàn lợn nái. Trên cơ sở số liệu thu được, tiến hành tính toán mối tương quan giữa các chỉ tiêu sinh lý sinh dục và năng suất sinh sản với độ dày mỡ lưng của lợn nái bằng phần mềm thống kê STATGRAPH version 4.0 USA. 3. Kết quả và thảo luận 3.1 Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái Bảng 1.Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến hoạt động sinh dục của lợn nái
Chỉ tiêu | ĐVT | Độ dày mỡ lưng (mm) | |||
<15 | 15-20 | 20,1-25 | >25 | ||
1. Số lợn nái theo dõi | con | 28 | 160 | 68 | 28 |
2. Thời gian động dục trở lại sau cai sữa | ngày | 5,29a± 0,25 | 5,25a ± 0,16 | 5,33a ± 0,35 | 6,68b ± 0,45 |
3. Thời gian động dục | ngày | 3,61a ± 0,22 | 3,34a ± 0,07 | 3,42a ± 0,16 | 5,99b ± 0,36 |
4. Tỷ lệ lợn nái chậm động dục | % | 0 | 0 | 0 | 11,11 |
5. Tỷ lệ nái không động dục trở lại | % | 0 | 0 | 0 | 0 |
a,b,c Trên hàng ngang, các số mang các chữ cái khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05. Số liệu ở bảng 1 cho thấy, thời gian động dục trở lại sau cai sữa tăng dần với sự tăng lên của độ dày mỡ lưng. Khi độ dày mỡ lưng tăng từ mức dưới 15 mm đến trên 25 mm, thời gian động dục trở lại sau cai sữa bình quân tăng dần từ 5,29 đến 6,68 ngày. Mặc dù, không thấy sự khác nhau có ý nghĩa thống kế về thời gian động dục trở lại sau cai sữa giữa các nhóm lợn có độ dày mỡ lưng <15 mm, 15 - 20mm và 20,1 - 25 mm (P>0,05), nhưng với nhóm lợn có độ dày mỡ lưng trên 25 mm đã dài hơn rõ rệt so với các nhóm lợn còn lại (P<0,05). Điều đó cho thấy, thể trạng lợn quá béo đã có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động sinh lý của lợn nái. Ở những con lợn quá béo, buồng trứng thường bị bao phủ một lớp mỡ dày, làm cho sự tiết hormone sinh dục của buồng trứng bị hạn chế. Lợn có thể trạng béo, ngoài tác hại trong quá trình mang thai, chửa đẻ, buồng trứng còn bị bao bọc bởi lớp mỡ, làm cho quá trình hoạt động sinh lý gặp khó khăn (Burger J.P., 1952 [3]; Nguyễn Tấn Anh, 1995 [1]; Rosthehild M.F và cs. 2001[7]). Kết quả nghiên cứu mối tương quan giữa thời gian động dục trở lại sau cai sữa (y1, ngày) và độ dày mỡ lưng (x, mm) của lợn nái được diễn tả qua phương trình tương quan: y1 = 1,142 + 0,188x; Hệ số tương quan R= 0,8901. Với hệ số tương quan mang dấu (+) và giá trị khá cao, thể hiện tương quan giữa thời gian động dục trở lại sau cai sữa và độ dày mỡ lưng của lợn nái là tương quan thuận và khá cao. Điều này cho thấy, trong phạm vi nghiên cứu, theo sự tăng lên của độ dày mỡ lưng thì thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái sẽ dài hơn. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, mặc dù có độ dày mỡ lưng khác nhau, nhưng tất cả các nhóm nái đều có biểu hiện động dục trở lại (không có lợn nái không động dục trở lại). Tuy nhiên, nhóm lợn nái quá béo (độ dày mỡ lưng >25 mm) có 11,11% số nái chậm động dục. Điều đó cho thấy, thể trạng đã có ảnh hưởng đến thời gian động dục trở lại của lợn nái sau cai sữa. 3.2. Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng tới hiệu quả phối giống và sử dụng của lợn nái Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến hiệu quả phối giống và sử dụng của lợn nái được trình bày tại bảng 2. Bảng 2. Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng tới tỷ lệ phối giống thụ thai và loại thải của lợn nái
Chỉ tiêu | ĐVT | Độ dầy mỡ lưng (mm) | |||
<15 (n=28) | 15-20 (n= 160) | 20,1-25 (n= 68) | > 25mm (n=28) | ||
1. Số con phối giống thụ thai lần 1 | con | 26 | 148 | 58 | 22 |
2. Tỷ lệ phối giống thụ thai lần 1 | % | 92,85 | 92,50 | 85,29 | 78,57 |
3. Số con phối giống thụ thai lần 2 | con | 2 | 12 | 8 | 1 |
4. Tỷ lệ phối giống thụ thai lần 2 | % | 100 | 100 | 80 | 16,66 |
5. Số con loại thải | con | 0 | 0 | 2 | 5 |
6. Tỷ lệ loại thải | % | 0 | 0 | 2,94 | 17,86 |
Số liệu của bảng 2 cho thấy, tỷ lệ phối giống thụ thai lần 1 ở lợn nái có độ dày mỡ lưng <15 mm đạt tỷ lệ cao nhất (92,86%), tiếp đến là lợn nái có độ dày mỡ lưng từ 15 - 20 mm (90,90%), rồi đến lợn nái có độ dày mỡ lưng từ 20,1 - 25 mm (85,29%) và cuối cùng là lợn nái có độ dày mỡ lưng trên 25 mm (78,57%); Kết quả theo dõi về tỷ lệ phối giống thụ thai lần 2 cũng tương tự. Như vậy, sau 2 lần phối giống không thụ thai, đã có 2,94% số lợn nái có độ dày mỡ lưng 20,1 - 25 mm (2 con) và 17,86% số lợn nái có độ dày mỡ lưng trên 25 mm (5 con) bị loại thải. Điều đó cho thấy, thể trạng có ảnh hưỏng lớn đến khả năng sinh sản của nái. Những lợn nái có thể trạng gày (độ dày mỡ lưng từ 12 đến dưới 15mm) và trung bình (độ dày mỡ lưng từ 15 - 20 mm) cho kết quả phối giống thụ thai đạt tỷ lệ cao. Những lợn nái có thể trạng béo (độ dày mỡ lưng từ 20,1 - 25 mm) và quá béo (độ dày mỡ lưng trên 25 mm) đều cho kết quả phối giống thụ thai thấp và có nguy cơ bị loại thải do không có khả năng sinh sản. Nguyên nhân dẫn đến loại thải lợn nái chủ yếu là do thời gian động dục trở lại chậm, biểu hiện động dục không rõ, tỷ lệ chết phôi ở những ngày đầu sau khi thụ thai cao...(Lê Xuân Cương và cs., 1986 [4]; Nguyễn Nghi và cs., 2002 [6]). Kết quả tính toán mối tương quan giữa tỷ lệ phối giống thụ thai lần 1 (y2, %) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) được diễn tả qua phương trình y2 = 113,58 - 1,25x (R= -0,9524) và mối tương quan giữa tỷ lệ phối giống thụ thai lần 2 (y3, %) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) y3 = 215,93 - 6,75x; (R= -0,8829). Kết quả nghiên cứu này cho thấy, mối tương quan giữa tỷ lệ phối giống lần 1 và 2 và độ dày mỡ lưng của lợn nái là tương quan nghịch và mức độ tương quan khá cao. Có nghĩa là khi độ dày mỡ lưng của lợn nái tăng lên thì tỷ lệ phối giống thụ thai giảm xuống. Trong khi phương trình tương quan giữa tỷ lệ loại thải (y4, %) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) y4 = -24,473 + 1,413x có hệ số tương quan dương (R= 0,8531) cho thấy khi độ dày mỡ lưng của lợn nái tăng lên thì tỷ lệ loại thải của lợn nái cũng tăng lên. 3.3 Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến số lợn con đẻ/lứa Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến số lượng lợn con đẻ/lứa được trình bày tại bảng 3. Bảng 3. Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến số lượng lợn con đẻ/lứa
Chỉ tiêu | ĐVT | Độ dày mỡ lưng (mm) | |||
<15 (n =28) | 15-20 (n =160) | 20,1-25 (n =66) | >25 (n =28) | ||
1. Số con đẻ ra/lứa | con | 13,07a ± 0,35 | 12,37a ± 0,32 | 11,55ab ± 0,43 | 10,68b ± 0,32 |
2. Số con còn sống sau 24h/lứa | con | 12,01a ± 0,47 | 11,20ab± 0,22 | 10,49bc ± 0,16 | 9,96c ± 0,32 |
3. Số lợn cai sữa/lứa | con | 10,62a ± 0,51 | 10,51ab ± 0,31 | 9,55b ± 0,17 | 9,02c ± 0,26 |
4. Số lợn 50 ngày/lứa | con | 10,37a ± 0,45 | 10,12ab ± 0,27 | 9,34b ± 0,32 | 8,56c ± 0,45 |
5. Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa | % | 88,50 | 93,65 | 91,04 | 90,56 |
a,b,c Trên hàng ngang, các số mang các chữ cái khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05. Số liệu tại bảng 3 cho thấy, số lợn con sinh ra/lứa, số con còn sống sau 24 h/lứa, số con cai sữa/lứa và số lợn con 50 ngày tuổi/lứa có xu hướng giảm dần với sự tăng lên của độ dày mỡ lưng. Khi độ dày mỡ lưng của lợn nái tăng từ mức dưới 15 mm đến trên 25 mm, số lượng lợn con sơ sinh/lứa đã giảm từ 13,07 xuống 10,68 con; số lợn con còn sống đến 24 h/lứa đã giảm từ 12,01 xuống 9,96 con; số lợn con cai sữa/lứa giảm từ 10,62 xuống 9,02 con và số lợn con 50 ngày tuổi giảm từ 10,37 xuống 8,56 con. Tuy nhiên, xét về mặt thống kê, chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về số lợn con sơ sinh/lứa giữa các nhóm lợn có độ dày mỡ lưng dưới 15mm; 15-20 mm và 20,1-25 mm (P≥0,05), nhưng có sự khác biệt rõ rệt xuất hiện ở nhóm lợn có độ dày mỡ lưng trên 25 mm (P<0,05). Với các chỉ tiêu số con sống sau 24 giờ, số con sống đến cai sữa và số con sống đến 50 ngày tuổi sự khác biệt có ý nghĩa thống kê bắt đầu xuất hiện ở nhóm nái có độ dày mỡ lưng từ 20,1 - 25 và >25 mm. Điều đó cho thấy, lợn có thể trạng béo và quá béo có số lượng con đẻ ra/lứa và khả năng nuôi con kém hơn so với lợn có thể trạng trung bình và gầy. Sự sụt giảm này ở lợn béo và quá béo có liên quan đến hoạt động sinh lý sinh dục, sự phát triển của buồng trứng, khả năng thụ tinh của trứng, nuôi thai, tiết sữa và sự khéo léo của lợn mẹ trong quá trình nuôi dưỡng lợn con. Tuy nhiên, ở những lợn nái có độ dày mỡ lưng <15mm, do thể trạng của lợn mẹ quá gầy, sản lượng sữa sản sinh ra thấp, không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh trưởng của lợn con. Ảnh hưởng đến sức sống của lợn con, dẫn đến tỷ lệ nuôi sống chưa cao bằng những lợn nái có thể trạng tốt hoặc béo. Kết quả nghiên cứu về mối tương quan giữa số lượng lợn con đẻ ra/lứa (y5; con) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) được diễn tả qua phương trình y5 = 16,112 - 0,199x; (R= -0,9988 và mối tương quan giữa số lượng lợn con cai sữa/lứa (y6, con) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) được diễn tả qua phương trình y6 = 12,999 - 0,144x; (R= -0,9640). Với hệ số tương quan mang dấu (-) và giá trị khá cao, chứng tỏ khi độ dày mỡ lưng của lợn nái tăng lên, số lợn con sinh và cai sữa/lứa giảm xuống. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi khá tương đồng với một số tác giả như Phạm Hữu Doanh (1998) [5], Redhmer L. và cs. (1995) [8]… 3.4. Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến khối lượng lợn con Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến khối lượng lợn con được trình bày tại bảng 4. Số liệu của bảng trên cho thấy, khối lượng lợn con ở các giai đoạn sơ sinh, 21 ngày tuổi và 50 ngày tuổi ở các nhóm lợn nái có độ dày mỡ lưng khác nhau không có sự khác biệt rõ rệt (P>0,05). Điều đó cho thấy, độ dày mỡ lưng không ảnh hưởng rõ rệt đến khối lượng lợn con qua các giai đoạn tuổi nghiên cứu. Nhận định này được minh chứng qua phương trình tương quan giữa khối lượng sơ sinh của lợn con (y7, kg/con) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) y7 = 1,459 - 0,001x; (R= 0,1754). Với hệ số tương quan mang dấu (+), thể hiện mối tương quan này là tương quan thuận, tuy nhiên giá trị của hệ số tương quan rất thấp, chứng tỏ một lần nữa khối lượng sơ sinh của lợn con lúc sơ sinh không bị ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng của lợn mẹ. Tuy nhiên, phương trình tương quan giữa khối lượng cai sữa của lợn con (y8, kg/con) và độ dày mỡ lưng của lợn nái (x, mm) y8 = 6,4077- 0,0103x; (R= -0,88747) có hệ số tương quan mang dấu (-) và giá trị khá cao chứng tỏ khi độ dày mỡ lưng của lợn mẹ tăng lên, khối lượng khi cai sữa của lợn con có xu hướng giảm xuống (từ 6,28 - 6,15 kg/con tương ứng với lợn có độ dày mữ lưng <15mm và >25 mm). Điều này có thể liên quan tới khả năng tiết sữa của lợn mẹ trong quá trình nuôi dưỡng lợn con. Những con lợn mẹ có thể trạng gày và trung bình có khả năng tiết sữa nhiều, chất lượng sữa tốt, dẫn đến khả năng sinh trưởng của lợn con trong giai đoạn bú sữa tốt; trong khi đó, nhóm lợn có thể trạng béo và quá béo sẽ hạn chế khả năng tiết sữa, dẫn đến sinh trưởng của lợn con trong quá trình bú sữa giảm (Lê Xuân Cương, 1986 [4]; Rosthehild M.F và cs.,2001 [7]). Bảng 4. Ảnh hưởng của độ dày mỡ lưng đến khối lượng lợn con
Chỉ tiêu | Độ dày mỡ lưng (mm) | |||||||
<15 | 15-20 | 20,1 - 25 | >25 | |||||
n | kg/con | n | kg/con | n | kg/con | n | kg/con | |
1. Khối lượng sơ sinh | 366 | 1,50a±0,25 | 1979 | 1,45a±0,14 | 751 | 1,46a±0,10 | 299 | 1,51a±0,20 |
2. Khối lượng cai sữa (21 ngày tuổi) | 297 | 6,28a ±0,35 | 1681 | 6,18a ± 0,33 | 621 | 6,16a±0,07 | 279 | 6,15a±0,08 |
3. Khối lượng 50 ngày tuổi | 290 | 15,69a±0,22 | 1619 | 15,610a±0,09 | 607 | 16,06a±0,11 | 240 | 15,89a±0,15 |
a,b,c Trên hàng ngang, các số mang các chữ cái khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê ở mức P<0,05. 4. Kết luận - Độ dày mỡ lưng của lợn nái có ảnh hưởng lớn đến thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái (r = 0,9801). Khi độ dày mỡ lưng tăng từ mức dưới 15 mm đến trên 25 mm, thời gian động dục trở lại sau cai sữa của lợn nái tăng từ 5,29 - 6,68 ngày. - Tỷ lệ phối giống thụ thai, số lượng lợn con sơ sinh/lứa; số lượng lợn con cai sữa/ lứa và khối lượng lợn con cai sữa bị ảnh hưởng lớn của độ dày mỡ lưng của lợn nái (Hệ số tương quan lần lượt là: - 0,9524; -0,8829; - 0,9928; - 0,9640 và -0,8875). Trong khi đó, khối lượng sơ sinh của lợn con không chịu ảnh hưởng rõ rệt của độ dày mỡ lưng (P>0,05 và r = 0,1754). Cần có các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi hợp lý để giữ cho lợn nái có thể trạng tốt (Không quá béo hoặc quá gầy) để có thể tăng năng suất chăn nuôi và giảm tỷ lệ loại thải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi lợn nái sinh sản tập trung. Summary The study was carried out on the exotic sows at the 2 pig farms in Thainguyen in order to obtain the affection and correlation between back fat thickness and some parametters of sexual physiology and reproductive performance. The sows were taken the back fat thickness and divided into 4 groups: <15 mm; 15-20 mm; 20,1 -25 mm and >25 mm. The sows and their piglets were supplied and fed the same on housing, feed and others. The obtained results showed that, the back fat thickness has affected to heat duration time of the sows after weaning (r = 0,9801). When the back fat thickness increase from <15 mm to the >25 mm, the heat time of the sows increased from 5.29 - 6.68 days. The successful insemination rate, number of piglets at born and at weaning per litter; body weight of weaned piglets were affected of back fat thickness of the sows (r = - 0,9524; -0,8829; - 0,9928; - 0,9640 and -0,8875 respectively). In the fact, it should be supplied the suitable techniques in order to maintain good physical body of the sows, to increase the reproductive performence and reduce the eliminate rate, contribute to get more income in pig farms. Key words: Back fat thickness, sow, reproductive performance. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Tấn Anh, (1995), Sinh lý sinh sản gia súc, NXB Nông nghiệp, tr.112-121. 2. Barker J.N (1969), Some factors affecting litter size and fetal weight in purebred and reciprocal cross mating of Chester White and Poland China Swine. Joural of animal science, vol.17, pp. 612-621. 3. Burger J.P. (1952), Sex physiology of pigs. Onderstepoort Journal Vet. Res.Suppl, 2, pp.218. 4. Lê Xuân Cương (1986), Năng suất sinh sản của lợn nái. Nxb khoa học kỹ thuật Hà Nội. 5. Phạm Hữu Doanh (1998), Kỹ thuật nuôi lợn nái mắn đẻ sai con. Nxb Nông nghiệp Hà Nội, 1997. 6. Nguyễn Nghi, Trần Quốc Việt, Bùi Thị Gợi, Nguyễn Thị Mai, Phạm Văn Lời (2002), Nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng năng lượng và protein trong khẩu phần đến năng suất một số giống lợn ở miền Bắc Việt Nam. Tuyển tập công trình nghiên cứu KHKT chăn nuôi 1969-1995, Nxb Nông Nghiệp. 7. Rosthehild M.F and Bidanel J.P (2001), Biology and genetices of reproduction of the pig. Roths Child, M.F and Ruvinsky, A (eds). CAB international, pp.313-345. 8. Redhmer L., Lundeehim N. and Johansson K. (1995), Genetic parameters for reproduction traits in sows and relation to performance test measurements. Journal Anim. Breed. Genet.112, pp.33-42.
Từ khóa » đo độ Dày Mỡ Lưng Heo
-
MÁY ĐO ĐỘ DÀY MỠ LƯNG LỢN
-
Quản Lý Bệnh Và Thể Trạng Hậu Bị - Kỹ Thuật Chăn Nuôi
-
Thước đo độ Dày Mỡ Lưng Heo 34*20 Cm Sử Dụng Trực Tiếp
-
Đo Độ Dầy Mỡ Lưng - Kiểm Tra Thể Trạng Heo Vào Phối Và Trước Lên đẻ
-
Cách đo độ Dày Mỡ Lưng Heo | By - Facebook
-
Máy đo Bề Dày Mỡ Lưng Heo Renco Model Lean-Meater Series 12
-
THƯỚC ĐO ĐỘ DÀY MỠ LƯNG TIỆN LỢI - Dụng Cụ Nuôi Bò
-
Thước đo độ Dày Mỡ Lưng Heo
-
Máy đo độ Dày Mỡ Lưng Cho Heo UT01
-
Máy đo độ Dày Mỡ Lưng Cho Heo UT01 - Thietbiphonglab
-
Chuyên Cung Cấp Máy đo độ Dày Mỡ Lưng Cho Heo
-
[PDF] Khả Năng Sinh Trưởng, độ Dày Mỡ Lưng Và định Hướng Chọn Lọc
-
Máy đo độ Dày Mỡ Lưng Renco