Anh - Liên Minh Châu Âu: Nhìn Lại Một Năm Hậu Brexit
Có thể bạn quan tâm
Từ những tác động về kinh tế…
Năm 2020, kinh tế EU đã phải đối mặt với nhiều thách thức như Brexit, nợ công và nợ doanh nghiệp, đầu tư, sản xuất đình trệ, rạn nứt nội khối gia tăng..., song có lẽ vấn đề lớn nhất là dịch bệnh COVID-19. Yếu tố này đã làm tăng trưởng kinh tế của EU sụt giảm nghiêm trọng: Trong quý I-2020, kinh tế EU giảm 3,2%, trong đó Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm tới 3,6%. Trong quý II-2020, GDP của EU giảm 14,4%. Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - tuy có tín hiệu tích cực hơn các quốc gia khác, nhưng cũng giảm tới 10,1% - mức thấp nhất kể từ năm 1970. Các nước Pháp, Italy và Tây Ban Nha lần lượt giảm là 13,8%, 12,4% và 18,5%. Eurozone cũng suy giảm kỷ lục là 12,1% so với quý I-2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995(1). Trong quý III-2020, kinh tế EU có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân của sự khởi sắc này là các nước bắt đầu mở cửa, khôi phục việc đi lại; các cửa hàng, chuỗi cung ứng dần trở lại trạng thái bình thường. Hơn nữa, các gói cứu trợ bắt đầu phát huy tác dụng. Cùng với sự khởi sắc của kinh tế EU, GDP của Eurozone đạt 12,7%. Con số này tuy vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đến quý IV-2020, kinh tế EU suy thoái trở lại. Do vậy, năm 2020, GDP của EU là -7,5%, Eurozone là -7,75%. Tỷ lệ thất nghiệp của EU là 9%(2), trong đó có nước giữ được tỷ lệ này là 3,5%, nhưng cũng có nước còn rất cao như Tây Ban Nha là 14,5%(3).
Như vậy sau khi suy yếu, “bóng ma COVID-19” lại quay trở lại, tiếp tục lây lan nhanh tại hầu hết các nước EU, đe dọa đến hàng triệu người dân. Những hy vọng le lói về việc EU dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 đang gần như tiêu tan. Theo các nhà phân tích, năm 2021 sẽ là một năm đầy thử thách đối với EU khi cả khu vực vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, tái thiết kinh tế sau đại dịch, vừa phải lấp đầy những khoảng trống do Brexit tạo ra.
Đối với Anh, theo nhiều dự báo, sau Brexit, Anh sẽ gặp phải nhiều thách thức về kinh tế. Tuy nhiên, những tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 đã lấn át những ảnh hưởng của Brexit. Cụ thể, Anh là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh COVID-19 tại EU, với 4.241.677 ca bệnh, trong đó có 125.168 ca tử vong(4). Anh cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Vì thế, quý II-2020, GDP của Anh giảm 18,8%. Quý III-2020, GDP của Anh tăng 16%, nhưng vẫn không thể bù đắp được mốc sụt giảm quá lớn trong quý II-2020(5). Tháng 10-2020, do các biện pháp phong tỏa kéo dài hơn, nên kinh tế Anh gần như đình trệ. Tháng 11-2020, GDP của Anh giảm 2,6%(6). Như vậy, năm 2020, kinh tế Anh giảm 10%(7). Dự kiến, phải đến quý IV-2022, kinh tế Anh mới có thể phục hồi về mức trước dịch bệnh COVID-19. Sau đợt dịch bệnh COVID-19 thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh có thể lên tới 15%(8). Để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, năm 2020, Anh đã phải chi 280 tỷ Bảng, các khoản vay của Chính phủ lên đến 394 tỷ Bảng. Ngân hàng Trung ương Anh đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp trong lịch sử, từ 0,75% xuống 0,1%, đồng thời đưa ra chương trình mua tài sản quy mô lớn(9).
Về kinh tế đối ngoại, hơn một năm qua, Anh đã ký kết 29 thỏa thuận thương mại với 58 quốc gia, trong đó có 6 thỏa thuận song phương và 1 thỏa thuận đa phương với các quốc gia là thành viên sáng lập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Tháng 10-2020, Anh đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, nước có vai trò dẫn dắt CPTPP. Tháng 11-2020, Anh ký FTA với Canada và Chile. Tiếp đến, tháng 12-2020, Anh ký các FTA với Singapore, Mexico và Việt Nam. Với việc ký kết FTA với quá nửa số thành viên CPTPP, Anh có những bước tiến trong việc trở thành thành viên của CPTPP, cũng như thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ nước này là trong ba năm, sẽ ký kết FTA với các nước chiếm 80% tổng kim ngạch thương mại của Anh. Trên thực tế, tham gia CPTPP sẽ giúp Anh có thể củng cố kinh tế sau Brexit.
Về quan hệ kinh tế Anh - EU, những ngày đầu sau khi Anh rời EU, đàm phán thương mại giữa hai bên rất căng thẳng. EU nhấn mạnh Anh cần bảo đảm cạnh tranh công bằng, nếu muốn tiếp cận với thị trường 450 triệu dân mà không có thuế quan và hạn ngạch. Ngược lại, Anh cũng khẳng định sẽ rời khỏi đàm phán, nếu EU kiên quyết đưa ra các yêu cầu đối với nước này. Tuy nhiên, đến ngày 24-12-2020, hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại sau hơn 9 tháng đàm phán đầy kịch tính, xoay quanh các vấn đề gây chia rẽ, gồm quyền đánh bắt cá, sân chơi công bằng và xử lý các tranh chấp phát sinh. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, “việc đạt được thỏa thuận là một con đường dài và quanh co. Nhưng chúng tôi có một thỏa thuận tốt. Đó là một thỏa thuận cân bằng, là việc làm đúng đắn và có trách nhiệm cho cả hai bên”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận đã xong và “chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát tiền bạc, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng đánh bắt cá”(10). Thỏa thuận bảo đảm Anh rời EU trong êm thấm, tái định hình quan hệ hai bên trong tương lai; đồng thời, bảo đảm dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa hai bên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết để thỏa thuận có thể đi vào thực tế. Theo thỏa thuận, nhiều quy định mới sẽ được áp dụng, tùy theo lĩnh vực, sẽ có tác động từ mỗi người dân đến các doanh nghiệp Anh và EU, nhất là việc đi lại giữa hai bên. Vì thế, trong những ngày đầu áp dụng các quy định mới này, có thể sẽ có những gián đoạn trong quan hệ kinh tế giữa hai bên. Tuy nhiên, các hệ thống biên giới mới đã sẵn sàng hoạt động trong bối cảnh lo ngại về tình trạng ùn tắc tại các cảng. Do vậy, những trục trặc sẽ giảm đi.
Từ thực trạng trên có thể đưa ra một số nhận định: Một là, theo nhiều dự báo, Brexit sẽ tác động lớn đến kinh tế EU và Anh, cũng như quan hệ kinh tế song phương. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 quá mạnh, nên những ảnh hưởng của Brexit đã bị lu mờ, chưa thể hiện rõ nét. Hai là, sau Brexit là thời điểm để Anh tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới, với tư cách là một nước không thuộc EU. Anh phải tích cực ký kết các thỏa thuận để bù lại việc bị mất đi những ưu đãi thương mại khi còn là thành viên EU. Ba là, việc các nước sẵn sàng ký kết các hiệp định thương mại với Anh cho thấy vị thế và tiềm năng của Anh về thương mại nói riêng, về kinh tế nói chung là rất lớn. Bốn là, Brexit không hẳn là hoàn toàn tiêu cực đối với Anh. Để đánh giá đầy đủ về tác động của Brexit, vẫn còn phải chờ thêm thời gian.
… đến những thay đổi trong nội khối của EU
EU là một liên minh, nhưng không phải lúc nào cũng có sự thống nhất về mọi vấn đề. Tuy nhiên, từ sau Brexit đến nay, có nhiều sự kiện cho thấy, liên minh này đang tìm cách gắn kết nhiều hơn, nhất là trong những vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, trong năm 2020, EU đã có khá nhiều giải pháp để chống dịch bệnh COVID-19. Thông thường, để tìm được sự đồng thuận trong khối là khá khó khăn. Thế nhưng, trong năm qua, EU đã thông qua được những quyết định quan trọng, kịp thời.
Đầu tháng 4-2020, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, như nới lỏng các quy định về thế chấp tài sản. Theo đó, mọi thành phần kinh tế đều có khả năng vay vốn, với lãi suất thấp hơn. Ngày 20-7-2020, các nhà lãnh đạo EU đã đồng thuận về kế hoạch phục hồi, với ngân sách hơn 1.000 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19, trị giá 750 tỷ euro. Đây là phương án kinh tế có quy mô lớn nhất trong lịch sử EU - một nỗ lực chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 - được Tổng thống Pháp E. Macron ca ngợi là “một kế hoạch lịch sử”, nhằm hỗ trợ các thành viên vượt qua đại dịch COVID-19(11). Kế hoạch này được xem là bước ngoặt vì đã mất rất nhiều năm để EU có thể vượt qua được sự phản đối từ các nước Bắc Âu. Đây là dấu hiệu cho thấy một EU thường dễ bị phân tán khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng, đã đạt được sự đoàn kết, ngày càng thống nhất hơn. Ngày 25-11-2020, EC cũng đã thông qua Chiến lược dược phẩm để bảo đảm bệnh nhân được tiếp cận với các loại thuốc mới có giá cả phải chăng, cũng như hỗ trợ khả năng cạnh tranh, năng lực đổi mới và tính bền vững của ngành dược EU. Chiến lược cho phép EU đáp ứng nhu cầu dược phẩm của mình, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng. Ngày 10-12-2020, Hội nghị thượng đỉnh EU nhất trí về ngân sách dài hạn 2021 - 2027 và gói hỗ trợ đối phó dịch bệnh COVID-19. Đây lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, EU tạo ra được sự liên kết giữa pháp quyền và thanh toán tiền - một thành công lịch sử và bước phát triển quan trọng của EU.
Cần phải nói rằng, năm 2020, EU đã có được sự thống nhất về nhiều vấn đề như trên là một nỗ lực lớn. Chỉ cần so sánh với một số sự kiện trong năm 2020 cũng có thể thấy rõ sự thay đổi đó. Chẳng hạn, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của 27 nước thành viên sau Brexit (ngày 21-2-2020) đã kết thúc trong bế tắc, khi những rạn nứt lâu nay khiến nỗ lực tìm tiếng nói chung về ngân sách EU trở nên bất khả thi. Hàng loạt cuộc gặp diễn ra song không thể thu hẹp những khác biệt giữa các nước. Trong các cuộc đàm phán ngân sách trước đây của EU, Anh luôn bị quy kết là gây cản trở, làm tắc nghẽn thương lượng. Tuy nhiên, hội nghị trên cho thấy khả năng “chung sống hòa thuận” của 27 nước EU cũng không dễ dàng hơn sau khi Anh rời khỏi khối. Thu hẹp khoảng cách giữa những nước giàu - nghèo đã trở thành thách thức hết sức khó khăn cho EU. Khoảng trống ngân sách sau khi Anh rời EU có vẻ chỉ là phần nổi. Mấu chốt vẫn là sự rạn nứt đã xuất hiện từ lâu, không dễ hàn gắn giữa các nước EU, mà mâu thuẫn ngân sách chỉ là yếu tố điển hình.
Như vậy, với những thành công như trên, có thể nói, dịch bệnh COVID-19 nguy cấp đã khiến EU phải đồng lòng, thống nhất trong những vấn đề gay cấn nhất. Ở góc độ lớn hơn, theo một khảo sát của EC, Brexit thực sự đã khơi dậy tinh thần ủng hộ EU trên toàn lục địa. 61% người được phỏng vấn ở các nước thành viên (ngoại trừ Anh) cho biết, trở thành thành viên EU là một điều tốt đẹp, tăng 8% so với kết quả ngay sau bỏ phiếu về Brexit (năm 2016). Niềm tin vào EU đã gia tăng ở các nước thành viên, đạt tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2014. Các đảng phái bài trừ EU ở Italy, Pháp, Đức, Áo và Hà Lan giờ đây đã đổi mới chiến dịch theo hướng “tập trung vào cải cách và thay đổi thể chế”.
Bên cạnh đó, Brexit đã làm sâu sắc thêm xu hướng phát triển của chủ nghĩa dân túy trong EU. Các đảng phái hoài nghi châu Âu cũng có cơ hội trỗi dậy. Trào lưu chống lại thể chế và chính sách nhập cư của khối cũng tăng lên… Tuy nhiên, cùng với sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ D. Trump, chủ nghĩa dân túy tại EU cũng đang có xu hướng suy yếu. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 càng khiến phong trào dân túy tại EU suy giảm. Một cuộc thăm dò trên YouGov trong năm 2020 cho thấy, xu hướng dân túy ở nhiều quốc gia đã giảm, nhất là ở Đức, Anh, Đan Mạch, Pháp và Italy.
Thực tế hợp tác Anh - EU hậu Brexit
Việc Anh rời EU đã tạo ra thách thức đối với chính sách đối ngoại mới của cả hai bên. Anh đã chuyển vai trò từ một bên tham gia định hình chính sách của EU, thành một trong những chủ thể hành động đối ngoại của EU. Đối với Anh, việc xây dựng quan hệ với EU là thách thức lớn về đối ngoại, bởi điều đó có thể ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước này. Nhìn chung, quan hệ về đối ngoại, an ninh và quốc phòng giữa Anh - EU đã có sự biến chuyển trong một thời gian tương đối ngắn. Từ chỗ là một quốc gia giữ vai trò trung tâm trong EU, Anh rơi vào trạng thái chưa ổn định trong quan hệ với EU, nhất là đưa quan hệ này trở thành một liên minh. Trong mối quan hệ đó, đường lối chính trị của Đảng Bảo thủ Anh cũng có khả năng kìm hãm sự phát triển của quan hệ hai bên. Mức độ không hài lòng của đảng này đối với EU đã gia tăng trong các cuộc đàm phán về Brexit. Việc mở rộng và tăng cường hợp tác ngoài chính sách thương mại vấp phải sự phản đối đáng kể. Hợp tác an ninh và quốc phòng với EU là nội dung không được nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ và các thành phần chủ chốt của đảng này bàn đến. Ngoài ra, Anh còn đang phải chật vật đối phó với sự kích động ngày càng tăng trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về sự độc lập của Scotland sau cuộc bầu cử Quốc hội Scotland vào tháng 5-2021 và tình hình chính trị Bắc Ireland hậu Brexit ngày càng trở nên phức tạp.
Điểm nổi bật của quan hệ Anh - EU sau Brexit là hai bên gần như hoàn toàn tập trung vào đàm phán thương mại, mà chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào về đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Dù không còn tham gia trực tiếp vào các quyết định về Chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU (CSDP), nhưng Anh vẫn tiếp tục đóng góp tài chính, nhân sự và các nguồn lực khác cho các sứ mệnh CSDP. Trong quá trình đàm phán thỏa thuận, Anh đã rút dần khỏi các cam kết an ninh và quốc phòng với EU, thông qua những động thái như ngừng cử sĩ quan chỉ huy tham gia các sứ mệnh của CSDP. Mọi đề xuất của Anh về việc tham gia bất kỳ hoạt động CSDP nào cho đến hết năm 2020 đều dựa trên cơ sở các thỏa thuận của một nước thứ ba, chứ không phải là của EU-27.
Bên cạnh đó, Anh vẫn duy trì các quan hệ song phương và đa phương với EU, nhưng mối quan hệ tổng thể giữa hai bên đang trong tình trạng bất ổn. Điều này sẽ hạn chế hợp tác trong tương lai. Ví như, Anh và EU đang vấp phải bất đồng trong vấn đề ngoại giao, khi London từ chối trao quy chế ngoại giao đầy đủ cho đại diện của khối tại nước này sau Brexit. Phía EU khẳng định, họ cần được hưởng quy chế ngoại giao đầy đủ của một quốc gia có chủ quyền, giống như các đại sứ của khối này tại 143 quốc gia khác. Trong khi đó, Anh lập luận, vì EU không phải là một quốc gia, nên phái đoàn ngoại giao của EU chỉ được hưởng các ưu đãi ngoại giao ở mức thấp hơn, vốn được trao cho các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)(12). Về an ninh, Tổ chức chống buôn người (HTF) cho rằng, việc Anh rời EU sẽ tạo điều kiện cho hoạt động buôn người, trừ khi Anh cải thiện việc kiểm soát biên giới và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu. HTF nhận định, trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận về an ninh hậu Brexit, Anh có thể bị cắt khỏi việc truy cập các dữ liệu an ninh của EU.
Về thỏa thuận thương mại, mặc dù đến phút chót, hai bên đã ký kết được thỏa thuận, nhưng cuộc “chia tay” này khiến EU “thiệt hại” hơn so với Anh, vì Brexit khiến EU nhận thấy lực hướng tâm không lấn át được lực ly tâm trong quá trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục. Brexit buộc EU phải thật sự thay đổi, nếu không muốn Brexit trở thành thông lệ. Đối với Anh, cái giá phải trả cho Brexit cũng rất đắt. Thủ tướng Anh B. Johson đã dùng nhiều mỹ từ để ca ngợi thỏa thuận này, nhưng thực chất Anh đã phải nhượng bộ EU nhiều hơn, cơ bản hơn để hai bên đi đến thỏa thuận. Thực chất, thỏa thuận này có còn hơn không, chỉ là lựa chọn ít xấu nhất, chứ không phải là tốt nhất. Ông B. Johnson cho rằng, Anh đã giành lại quyền quốc gia. Song, theo các chuyên gia, cách hiểu về chủ quyền quốc gia như vậy đã trở nên lỗi thời. Khi tham gia EU, các nước đều hiểu rõ sẽ được và mất gì. Bù lại, các nước sẽ có những lợi ích to lớn, mà nếu ở bên ngoài EU, họ không thể có được. Giờ đây, Anh cần nhiều thời gian để có được các đối tác chính trị cũng như kinh tế có khả năng thay thế EU. Trong bối cảnh đó, nước Anh hiểu rằng tương lai của họ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các mối liên hệ với EU.
Như vậy, Brexit đã diễn ra được một năm, nhưng tác động của nó trong năm qua chưa thật rõ ràng do dịch bệnh COVID-19 đang có ảnh hưởng rất lớn. Hai bên chưa thể triển khai những nội dung đã ký kết do còn phải đối phó với dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, sau một năm hậu Brexit, hai bên mới xác định được khuôn khổ mới cho quan hệ thương mại nói riêng, quan hệ kinh tế nói chung giữa Anh và EU. Vì thế, những kết quả mà hai bên đạt được trong một năm qua chưa phải là nhiều. Quan hệ hai bên vẫn được duy trì, nhưng chưa có nhiều tiến triển với tư cách là hai thực thể độc lập. Cả hai bên còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để những gì mà họ đặt bút ký kết trở thành thực tế./.
-----------------------
(1) Hoài Hà: “Kinh tế châu Âu suy giảm kỷ lục do COVID-19”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/kinh-te-chau-au-suy-giam-ky-luc-do-covid-19-560699.html (2) PV: “Kinh tế châu Âu khó phục hồi sớm tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam?”, http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/kinh-te-chau-au-kho-phuc-hoi-som-tac-dong-tieu-cuc-den-kinh-te-viet-nam-330832.html (3) PV: “Mập mờ tiêu chí đánh giá thất nghiệp ở châu Âu”, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/map-mo-tieu-chi-danh-gia-that-nghiep-o-chau-au-323952.html (4) “Số ca nhiễm vi-rút corona”, https://www.worldometers.info/coronavirus/, số liệu ngày 12-3-2021 (5) Bộ Ngoại giao: Bản tin kinh tế, ngày 29-12-2020 (6) D. Clark: “Monthly growth of gross-domestic product (GDP) in the United Kingdom”, https://www.statista.com/statistics/941233/monthly-gdp-growth-uk/ (7) Daniel Harari: GDP - International Comparisons: Key Economic Indicators, https://commonslibrary.parliament.uk/research-briefings/sn02784/ (8) Việt Dũng: “Vương quốc Anh: Cơn ác mộng hiện hữu sau 6 tháng hậu Brexit”, https://congthuong.vn/vuong-quoc-anh-con-ac-mong-hien-huu-sau-6-thang-hau-brexit-141361.html (9) Trúc Thanh Lê: “Toàn cảnh kinh tế thế giới 2020: Hơn cả mọi cuộc khủng hoảng”, https://ngkt.mofa.gov.vn/toan-canh-kinh-te-the-gioi-2020-hon-ca-moi-cuoc-khung-hoang/ (10) Bộ Ngoại giao: Tin A, ngày 26-12-2020 (11) TTXVN: “EU đạt đồng thuận về quỹ phục hồi hậu Covid-19”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/eu-dat-dong-thuan-ve-quy-phuc-hoi-hau-covid-19-609405/ (12) Thế Việt: “Lại vấp bất đồng hậu Brexit, EU cảnh báo Anh”, https://baoquocte.vn/lai-vap-bat-dong-hau-brexit-eu-canh-bao-anh-het-suc-than-trong-134598.html
Từ khóa » Eu Sẽ Bị ảnh Hưởng Như Thế Nào Khi Anh Rời Khỏi Eu
-
Anh Rời EU: Kinh Tế Việt Nam Bị ảnh Hưởng Như Thế Nào? - Hànộimới
-
Điều Gì Sẽ Thay đổi Sau Khi Anh Rời Khỏi EU?
-
Anh Rời Khỏi EU Và Những Tác động đối Với Tình Hình Thế Giới
-
Cuộc "ly Hôn" Lịch Sử Anh - EU: Nguyên Nhân, Hậu Quả Và Hệ Lụy?
-
Eu Sẽ Bị ảnh Hưởng Như Thế Nào Khi Anh Rời Khỏi EU - Học Tốt
-
EU Sẽ Như Thế Nào Sau Brexit? - CAND
-
Anh Rời EU: Anh đối Mặt Khủng Hoảng, EU Sẽ Tan Rã? - Tuổi Trẻ ...
-
Anh Rời Khỏi EU, Việt Nam Cần Những Tính Toán Dài Hạn ... - Chi Tiết Tin
-
[PDF] BREXIT, TÁC ĐỘNG VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM
-
Anh Rời Khỏi EU Sẽ Có Tác động Như Thế Nào? - Antv
-
Anh đã Rời Khỏi EU - Cuộc Chia Tay Lịch Sử Và Những Tác động đối Với ...
-
[PDF] Câu Hỏi Thường Gặp Về Brexit | FedEx
-
Kinh Tế Anh Xáo Trộn Sau Một Năm Rời "ngôi Nhà Chung" Châu Âu
-
Vì Sao Anh Và EU Vẫn Mắc Kẹt Trong Thoả Thuận “Brexit Bất Tận”?