Áo Dài: Biểu Tượng Văn Hóa Gắn Với Hình Tượng Phụ Nữ Việt Nam

Đã từ lâu, áo dài là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt.

Tâm hồn Việt, văn hóa Việt

“Dù ở đâu – Paris, London hay những miền xa/Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…” Không ngẫu nhiên mà lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng trở thành âm điệu quen thuộc với đông đảo người Việt Nam.

Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

Bởi vì, cả trăm năm qua, áo dài đã từ đời sống đi vào nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội họa… thậm chí trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay ở khắp thế giới.

Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt… thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Từ “Áo dài” đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford. và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Góc trưng bày “Áo dài năm thân” đầu thế kỷ 19. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)

Miêu tả về tà áo dài Việt Nam, nhà thơ Đinh Vũ Ngọc đã có những câu thơ rất đẹp:

“Chiếc áo quê hương dáng thướt tha Non sông gấm vóc mở đôi tà Tà bên Đông Hải lung linh sóng Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa/ Vạt rộng Nam phần chao cánh gió Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực Hương lúa ba miền thơm thịt da.”

Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa-văn hoá của dân tộc Việt.

Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước…

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch.

Những mẫu trang phục gìn giữ được vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Có lẽ chính vì vậy mà áo dài – trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy.

Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối,” là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.

Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung… là những người đã góp phần làm rạng rỡ thêm tên tuổi trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế.

Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.

Lịch sử áo dài Việt Nam

Cho đến nay vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo dài Việt Nam đã được bắt đầu chính xác từ đâu nhưng dựa trên bối cảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, các nhà nghiên cứu đưa ra một kết luận thống nhất chung khẳng định bộ quốc phục này đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm.

Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744). Ở giai đoạn này đất nước được trị vì bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam, còn phía Bắc là chúa Trịnh.

Để có được một chiếc ào dài mang đậm nét văn hóa đặc trưng như ngày nay, bộ trang phục này đã phải trải qua nhiều giai đoạn biến thể khác nhau.

Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744). Ở giai đoạn này đất nước được trị vì bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam, còn phía Bắc là chúa Trịnh.

Một mẫu thiết kế áo dài của nhà thiết kế Viết Bảo tại Festival Huế 2019. (Nguồn: baothuathienhue.vn)

Lúc này, áo có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài chấm gót chân, xẻ 2 bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài.

Theo ông Phan Thanh Hải Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công rất lớn để có được chiếc áo dài, vị thế áo dài như ngày hôm nay.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian xứ Đàng Trong, đưa áo dài trở thành trang phục chính thức.

Đến thế kỷ 17, để thuận tiện hơn trong công việc làm đồng và buôn bán, chiếc áo Giao lãnh được thiết kế gọn lại thành kiểu áo tứ thân, trong đó vạt trước được xẻ rời thành 2 vạt, người mặc có thể buộc 2 vạt này lại với nhau ở phía trước bụng. Áo tứ thân thường có màu tối vì trang phục này được sử dụng phổ biến ở tầng lớp nông dân – những người lao động quanh năm với ruộng đồng.

Các mẫu áo dài thời xưa.(Ảnh tư liệu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế)

Thế kỷ 19, áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc sang trọng và tầng lớp nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, phần thân vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỷ 20.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sĩ Cát Tường. Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim…

Có lẽ vì lý do này nên áo dài Lemur vấp phải sự phản đối của dư luận cho rằng kiểu áo này bị lai Tây, không đúng đắn, không phù hợp phong tục tập quán Việt Nam thời bấy giờ.

Đến thời áo dài Lê Phổ, dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên, bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Đây là chiếc ào dài nhận về khá nhiều sự khen ngợi và được sử dụng qua nhiều thời kỳ.

Giới thiệu áo dài Lemur tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu Trang phục Việt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Đến những năm 1960, áo dài Raglan (còn gọi là áo dài giắc lăng) ra đời do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

Đến nay, áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.

Tôn vinh áo dài Việt

Trong các kỳ festival Huế, không thể không nhắc đến lễ hội áo dài – một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế, đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện.

Trình diễn áo dài tại Festival Huế 2018. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đến với lễ hội áo dài, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng. Ở đó, tà áo dài của người phụ nữ Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung được biến hóa qua bàn tay tài năng của người nghệ sỹ để trở thành những bộ sưu tập mang dáng vẻ cổ kính đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng.

Nổi bật là bộ sưu tập “Trở lại thiên đường” của Nhà thiết kế Minh Hạnh tại Festival Huế 2004 được thể hiện bằng màu sắc của nghệ thuật Pháp Lam đã làm nổi bật nét đẹp kiêu kỳ và sang trọng vốn có của người con gái Huế kết hợp độc đáo với cảm giác xưa cũ trên nền rêu phong của đền đài lăng tẩm.

Năm 2016, với chủ đề “Màu thời gian,” 10 nhà thiết kế nổi tiếng như Hoài Sang với cảm hứng từ gốm men lam, Anh Vũ là những hoa văn trên cửu đỉnh, Việt Hà với hoa mai cách điệu trên gốm kỷ hà, Hồng Dung với những họa tiết trên các bông gió gốm, Thương Huyền là ấn tượng sen… đã đưa ra trình diễn hơn 300 bộ áo dài với những chủ đề rất riêng, ghi lại những hình ảnh tinh túy nhất của cố đô Huế…

Trong festival Huế 2018, lễ hội áo dài với chủ đề “Huế vàng son” là sự hòa quyện, gắn kết văn hóa, đưa khán giả quay ngược thời gian để tìm về lịch sử hình thành và phát triển của tà áo dài Việt Nam nói chung và tà áo dài truyền thống Huế nói riêng.

Các nghệ sỹ đã sáng tạo ra những bộ sưu tập áo dài được ví như tác phẩm hội họa đầy màu sắc, làm nổi bật văn hóa truyền thống Huế, đậm chất cung đình qua các thời kỳ.

Các người mẫu ngoại quốc trong trang phục áo dài cách tân Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hiện nay, áo dài Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nét duyên dáng và kín khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phải nao lòng. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.

Qua áo dài, văn hóa Huế được quảng bá rộng rãi và hiệu quả đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời, tôn vinh nét đẹp dịu dàng của người mang trên mình chiếc áo dài Huế.

Thừa Thiên-Huế hướng đến Kinh đô Áo dài

Hướng đến xây dựng “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam,” tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm bảo tồn, quảng bá cho áo dài truyền thống Việt Nam nói chung và áo dài xứ Huế nói riêng.

Những mẫu áo dài cách tân tại buổi trình diễn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Đối với mỗi người dân xứ Huế, chiếc áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu từ xưa đến nay. Đối với nữ, áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Huế, áo dài nam là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.

Nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của áo dài, Thừa Thiên-Huế từng phát động nhiều chương trình, hoạt động để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục áo dài truyền thống.

Hướng đến xây dựng “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam,” tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm bảo tồn, quảng bá cho áo dài truyền thống Việt Nam nói chung và áo dài xứ Huế nói riêng.

Từ năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc Bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần.”

Bên cạnh đó, Thừa Thiên-Huế còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống; tổ chức hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng – những người được xem là sáng tạo và phát triển áo dài Việt.

Đoàn hành lễ tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát.(Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Tỉnh vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần; miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống dịp lễ… Nhờ vậy, nét đẹp về hình ảnh áo dài truyền thống của nữ giới lan tỏa, tạo ra hiệu ứng, quảng bá văn hóa cho vùng đất Cố đô.

Không chỉ tôn vinh, quảng bá nét đẹp áo dài của người phụ nữ, Thừa Thiên-Huế đang xây dựng lại nét đẹp văn hóa truyền thống từ áo dài ngũ thân dành cho nam giới.

Từ đầu tháng 9, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế đã triển khai thí điểm cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động khối văn phòng mặc áo dài trong lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị vào ngày thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng.

Theo đó, nữ chọn áo dài màu tím đặc trưng, có họa tiết hoa sen làm nổi bật nét duyên dáng, nhẹ nhàng. Các cán bộ nam may áo dài ngũ thân truyền thống, với tông nền áo màu xanh đậm, quần trắng rất trang nhã, lịch thiệp.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”

Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân, chiếc áo sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua.

Sau khi triển khai thí điểm việc nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở, bên cạnh nhiều phản ứng tích cực từ dư luận, cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều cho rằng “tốn kém” và “không phù hợp.”

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải cho rằng việc mặc áo dài nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam nói chung và áo dài truyền thống Huế nói riêng, trong đó trọng tâm là chiếc áo dài ngũ thân nam. Mục đích hướng đến phục hồi, phát triển thương hiệu “Huế – kinh đô áo dài Việt Nam.”

Đây là hành động thiết thực trong bối cảnh Thừa Thiên- Huế triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế.

Trước những ý kiến phản hồi của dư luận, Sở sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh phù hợp nhằm triển khai chủ trương này tốt hơn.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, áo dài là một nét đặc trưng của văn hóa Huế. Trong thập niên 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài đã dần hồi sinh với diện mạo mới. Áo dài nữ được khôi phục, lan tỏa rộng khắp nhưng áo dài truyền thống nam giới lại chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy, việc cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế mặc áo dài truyền thống, nam mặc áo dài ngũ thân đi làm vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng là đáng khuyến khích. Thiết kế và màu sắc bộ áo dài ngũ thân của nam cán bộ ngành văn hóa khá chuẩn, rất lịch sự, nhã nhặn, sang trọng, phù hợp với công việc của ngành.

Vẻ đẹp thướt tha, dịu dàng và nữ tính của áo dài đã trở thành trang phục mang đậm dấu ấn thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Đáng chú ý, việc quảng bá áo dài ngũ thân được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế dành sự quan tâm đặc biệt. Điển hình, là quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ trong việc tiên phong nêu gương, mặc áo dài ngũ thân truyền thống trong các nghi thức ngoại giao, góp phần xây dựng hình ảnh rất đẹp và độc đáo về cố đô Huế, quê hương của áo dài ngũ thân.

Với riêng xứ Huế, áo dài mang theo một quá khứ vàng son, trở thành một trong những nét văn hóa truyền thống, biểu tượng của vùng đất kinh kỳ. Hình ảnh chiếc áo dài xứ Huế trở thành hình ảnh gắn bó với đời thường và trong các dịp lễ hội.

Những lễ hội áo dài gắn với Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế bắt đầu từ năm 2000 đến nay, đã đánh thức vẻ đẹp kiêu sa, đài các của áo dài Việt nói chung và tà áo dài truyền thống Huế nói riêng.

Huế cũng là vùng đất có nhiều nghệ nhân may áo dài, cùng đội ngũ thợ may chuyên nghiệp, nổi tiếng, tài hoa đã tạo ra những sản phẩm áo dài tinh tế, sắc sảo, góp thêm những món quà lưu niệm độc đáo cho những ai mỗi lần đến Huế. Những chiếc áo dài đã góp phần quảng bá văn hóa Huế đến với du khách trong nước và quốc tế.

Những mẫu áo dài cách tân nam tại buổi trình diễn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị tổ chức Ngày hội Áo dài Huế. Theo kế hoạch, Ngày hội Áo dài Huế gồm 4 chuỗi sự kiện chính: Tri ân tiền nhân, Áo dài và di sản nghệ thuật, Áo dài nghệ thuật và Áo dài cộng đồng. Trong đó, chương trình Tri ân tiền nhân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, nhằm ghi nhớ người đã xây dựng và cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian Đàng Trong, từ đó hình thành và phát huy giá trị áo dài Việt.

Chương trình Áo dài và di sản sẽ trình diễn các bộ sưu tập thời trang áo dài kết hợp những tiết mục ca nhạc, múa, hát tại di sản Huế; cùng với các yếu tố kiến trúc cảnh quan qua sự sắp đặt hoa, cây xanh; sắp đặt đuốc lửa, lồng đen tạo hiệu ứng ban đêm, tạo nên không gian nghệ thuật lung linh huyền ảo, tôn vinh vẻ đẹp áo dài và di sản Huế.

Phần Áo dài nghệ thuật sẽ là hoạt động “đinh” gồm 3 chương trình trình diễn các bộ sưu tập thời trang với chủ đề “Ký ức trường xưa,” “Vọng kinh kỳ” và “Huế luôn luôn mới.”

Các chương trình trình diễn nghệ thuật Áo dài được xây dựng kịch bản và tổ chức chuyên nghiệp, hướng đến mục tiêu nâng tầm thương hiệu Áo dài Huế, trở thành dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc. Chương trình Áo dài cộng đồng nhằm lan tỏa nét đẹp của áo dài truyền thống trong đời sống cộng đồng dân cư địa phương.

Dự kiến, Ngày hội Áo dài Huế sẽ thực hiện sau khi Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19 nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Huế, đồng thời cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Trình diễn áo dài trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 năm 2016. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Từ khóa » Hình ảnh Chiếc áo Dài