Áo Dài - Di Sản Văn Hóa Việt, Niềm Tự Hào Của Người Việt Nam

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Áo dài - Di sản văn hóa Việt, niềm tự hào của người Việt Nam ảnh 1Trình diễn áo dài tại Festival Huế 2018. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc mà còn chứa đựng một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của con người Việt Nam.

Sự hình thành và phát triển của áo dài Việt

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào có thể khẳng định chính xác chiếc áo dài ra đời từ khi nào.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng áo dài có lẽ có nguồn gốc xa xưa, bởi bóng dáng của chiếc áo dài đã xuất hiện qua những hình khắc người Việt cổ mặc áo xẻ hai tà tung bay trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cũng như các hiện vật khác thời Đông Sơn.

Hình bóng chiếc áo dài cũng có thể thấy trong trang phục của các Anh hùng liệt nữ Bà Trưng, Bà Triệu qua các bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

[Áo dài - nét đẹp văn hóa, biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam]

Bóng dáng áo dài cũng có thể thấy trong các bộ “mớ ba mớ bảy” nền nã của sân khấu chèo dân gian, xống áo đẹp đẽ của các liền chị quan họ hay trong trang phục đặc sắc của tượng Ngọc nữ chùa Dâu ở Bắc Ninh...

Vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, nguồn sử liệu sớm nhất ghi chép về sự xuất hiện của áo dài Việt Nam chỉ còn được lưu lại trong “Đại Nam thực lục tiền biên.”

Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) là người đầu tiên ban sắc dụ định hình hình thức của chiếc áo dài là quốc phục của dân Đàng Trong thời kỳ đó.

Với sắc dụ này, Nguyễn Vũ Vương ngầm mong muốn khẳng định độc lập và “quốc tính” riêng của Đàng Trong so với Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai; để phân biệt người Việt với người các dân tộc khác. Từ đó mà ra đời chiếc áo dài giao lãnh hay còn gọi là áo dài đối lĩnh.

Áo được may từ bốn tấm vải, thân áo rộng dài, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, cổ áo gần giống áo với tứ thân, mặc phủ ngoài yếm lót cùng với váy đen và thắt lưng màu. Chiếc áo dài kiểu này nhanh chóng trở thành y phục của mọi tầng lớp xã hội.

Đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được nâng cấp thành áo ngũ thân gồm hai tà sau, hai tà trước và một tà váy ẩn dưới tà trước.

Áo ngũ thân chủ yếu dành cho giai cấp quý tộc để phân biệt với tầng lớp lao động mặc áo tứ thân.

Thời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua xuống dụ chuẩn cho dân chúng sửa đổi, thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục trong cả nước.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiếc áo dài Việt Nam đã được chỉnh sửa, sàng lọc, hoàn thiện để từ chiếc áo dài tứ thân, ngũ thân biến thành tà áo dài "Le Mur."

Đây là kiểu áo dài cách tân đầu tiên mà họa sỹ Cát Tường tung ra, lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen...

Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo được may ôm sát cơ thể, tay thẳng và có viền nhỏ. Khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính, đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tươi sáng mặc kết hợp với quần trắng.

Sau đó, họa sỹ Lê Phổ cải tiến kiểu áo dài “Le Mur” theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống, vạt áo được may dài, tay không phồng, cổ kín, nút bên phải áo, may ôm sát cơ thể, kiểu áo dài này mặc với quần ống loe màu trắng, được phụ nữ Việt thời đó rất ưa chuộng.

Áo dài - Di sản văn hóa Việt, niềm tự hào của người Việt Nam ảnh 2Một mẫu thiết kế áo dài của nhà thiết kế Viết Bảo tại Festival Huế 2019. (Nguồn: baothuathienhue.vn)

Rồi áo dài tay Raglan xuất hiện vào năm 1960 do Nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Áo dài tay Raglan ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này...

Từ tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho thấy, lịch sử hình thành áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến thể trong phong cách sáng tạo, cách tân từ kiểu dáng đến chất liệu...

Điều này thể hiện sự giao thoa văn hóa của con người Việt Nam, hình thành văn hóa áo dài tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trang phục áo dài thành một biểu trưng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, Việt Nam chuyển sang giai đoạn đổi mới. Áo dài được cách tân với các phiên bản ngắn hơn, chất liệu nhẹ, nhiều màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết cây cỏ, hoa văn và hình học...

Dù trải qua một hành trình dài với nhiều biến đổi về kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách, nhưng áo dài Việt Nam vẫn giữ được sức hấp dẫn, phô bày được vẻ đẹp gợi cảm mà kín đáo của người phụ nữ mà vẫn giữ nguyên được hồn cốt, bản sắc Việt Nam...

Nơi lắng đọng bản sắc dân tộc

Nếu như người Nhật tự hào với kimono, người Hàn Quốc nổi tiếng với hanbok, người Việt Nam luôn được biết đến với hình ảnh chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là chỉ dấu quan trọng để phân biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thì áo dài là một biểu tượng rõ ràng và cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt.

Bởi vì khi nhìn thấy kimono ta sẽ liên tưởng tới Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Hoa, sari của Ấn Độ và áo dài là hình tượng về người phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói, áo dài với vẻ đẹp mang nữ tính điển hình đang là phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới.

Nhìn về tổng thể, chiếc áo dài Việt Nam phô mà vẫn kín, kín mà lại hở, đầy tự do, khoáng đạt, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh cao, lịch lãm, đồng thời cũng rất tiện lợi, năng động, dễ sử dụng mà vẫn giữ được sự trang nhã, sang trọng cần thiết. Do vậy, áo dài dễ dàng được phổ cập rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau.

Khác với kimono, hanbok chỉ có thể xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội, sự kiện trang trọng, áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

Bên cạnh những bản sắc chung, áo dài Việt Nam cũng mang những sắc thái riêng, thể hiện tính vùng miền rất rõ. Chẳng hạn, ở miền Nam, khí hậu quanh năm nóng nực, áo dài Nam Bộ thường được lược bỏ bớt cổ cao, thành cổ rộng, tay áo không dài mà lửng hoặc cộc tay.

Phụ nữ miền Nam ưa thích màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, có đính kim sa, cườm, kim tuyến, phụ kiện...

Trong khi đó, phụ nữ miền Trung, đặc biệt là xứ Huế, do ảnh hưởng của môi trường gia giáo, không khí trầm mặc vùng đất cố đô, nên có phần ưa chuộng các tông màu trầm, dịu nhẹ, nhất là màu tím Huế đã trở thành thương hiệu.

Phụ nữ miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, thường chọn màu sắc và kiểu dáng không quá phô trương mà thiên về trang nhã, thanh lịch, nhẹ nhàng. Miền Bắc có mùa Đông nên cổ áo thường cao, tay áo dài, tạo độ thướt tha cho chiếc áo truyền thống.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, chiếc áo dài Việt Nam đã nhiều biến đổi, cải tiến, nâng cấp cả về chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, họa tiết... để ngày càng trở nên gợi cảm, tinh tế và cuốn hút hơn.

Dù kinh qua rất nhiều chặng đường khác nhau trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa Đông-Tây, chiếc áo dài vẫn luôn giữ được những nét bản sắc riêng.

Áo dài tôn lên vóc dáng và vẻ yêu kiều, hấp dẫn của người phụ nữ Việt Nam: gợi cảm nhưng kín đáo, nhẹ nhàng nhưng có sức hút mạnh mẽ.

Chính sự kết hợp vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa chuẩn mực vừa phá cách đã làm chiếc áo dài Việt Nam đạt được vị trí đặc biệt trên các sàn diễn thời trang thế giới. Áo dài vẫn sẽ mãi là tâm hồn, văn hóa, tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Hình ảnh Chiếc áo Dài Việt Nam