Áo Dài - Di Sản Văn Hóa Việt

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tham quan Đền thờ Bác Hồ.

Trải qua bao tháng năm, cùng với những đổi thay của thời đại, áo dài dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay. Tuy nhiều loại trang phục ra đời phù hợp với điều kiện công việc, sinh hoạt của mỗi người, mỗi ngành nghề khác nhau, nhưng tà áo dài truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng. Chính sự duyên dáng của chiếc áo dài đã tạo sức hút để chị em lựa chọn đây là trang phục yêu thích.

Cô Huỳnh Thị Nhớ, giáo viên Trường THCS - THPT Dân Thành (thị xã Duyên Hải) chia sẻ: là giáo viên, trang phục đứng lớp của tôi là chiếc áo dài. Tuy nhiên, không phải do quy định bắt buộc của ngành mà mặc áo dài là sự yêu thích, đam mê của bản thân tôi cũng như những giáo viên khác. Dù hiện nay, trang phục dành cho nữ nhiều loại, nhiều kiểu rất đa dạng nhưng tôi vẫn thích mặc áo dài khi lên lớp giảng dạy, chiếc áo dài giúp tôi tự tin hơn khi đứng trên bục giảng vì vừa kín đáo, vừa dịu dàng, thướt tha.

Hiện nay, các nhà tạo mẫu đã đem lại một vẻ đẹp mới cho tà áo dài Việt Nam, với kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài, nhà thiết kế đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp hiện đại được chắt lọc từ văn hóa truyền thống Việt Nam. Vải may áo dài cũng nhiều chất liệu, hoa văn phù hợp với mọi lứa tuổi và tùy từng sự kiện, trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp trang trọng như lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Những dịp du xuân, đi chùa, đi chơi, chị em cũng chọn trang phục áo dài để mặc và chụp ảnh kỷ niệm.

Cùng niềm đam mê chiếc áo dài nhưng có thời điểm gần 15 năm không được mặc kiểu áo yêu thích, chị Đỗ Thị Thanh Trúc, Phường 3, thành phố Trà Vinh chia sẻ: ngày xưa đi học tôi cũng mặc áo dài đến trường nhưng do những điều kiện khách quan, nên gần 15 năm tôi không được mặc áo dài. Khoảng 10 năm gần đây, suy nghĩ của người nhà thoáng hơn, tôi và chị chồng đã may nhiều áo dài để mặc. Là hộ kinh doanh, không đi làm như phụ nữ công sở hay giáo viên nên chị ít có cơ hội mặc áo dài, do đó, mỗi khi có dịp tham dự hội họp của phụ nữ địa phương phát động hay lễ tết, tiệc cưới, tôi luôn mặc áo dài để tham dự.

“Tuần lễ Áo dài” từ ngày 01 - 08/3 năm nay được phụ nữ trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, dù mỗi người có công việc khác nhau, nhưng các chị em luôn tranh thủ, sắp xếp mặc chiếc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp, đảm bảo thuận tiện, an toàn lao động, lan tỏa mạnh mẽ vẻ đẹp áo dài nơi công tác.

Còn chị Nguyễn Thị Kim Loan, một chủ cơ sở may màng, rèm cửa thuộc Phường 2, thị xã Duyên Hải cũng là một người rất đam mê với chiếc áo dài. Chị Kim Loan cho biết, thấy chị em mặc áo dài rất đẹp, mặc dù công việc bận rộn nhưng tôi đã sắp xếp thời gian học may áo dài từ một nhà thiết kế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tôi tự may áo dài để mặc và đang có dự định sẽ mở thêm cửa hàng may và bán áo dài, tôi đã đầu tư mặt bằng nhưng chưa tìm được thợ may có tay nghề để cùng thực hiện đam mê.

Hiện áo dài luôn là trang phục được nhiều chị em đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề ưu tiên lựa chọn vì đường nét, kiểu dáng chiếc áo dài góp phần tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đề cập đến vẻ đẹp của chiếc áo dài, tất cả đều phấn khởi, thể hiện niềm đam mê với trang phục truyền thống bởi sự duyên dáng, thướt tha, nữ tính và cả sự sang trọng.

Bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần cho biết: hưởng ứng hoạt động “Tuần lễ Áo dài” năm 2021, Hội LHPN huyện Tiểu Cần được Hội LHPN tỉnh khen thưởng. Năm nay, Hội LHPN huyện tiếp tục đã phát động cán bộ, hội viên hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” và mọi người đều rất đồng tình. Các Hội cơ sở đều thực hiện, có nơi may đồng phục áo dài để hưởng ứng và chụp ảnh gởi về Hội LHPN huyện làm tư liệu.

Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới, mặc áo dài đi làm, đi học, dự hội họp, đặc biệt trong lễ cưới là một hoạt động nhằm tôn vinh các nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của phụ nữ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam, giữ gìn phẩm chất phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Từ khóa » Hội Mê áo Dài