Áo Dài Việt Nam Vượt Qua Giá Trị Thời Trang

Nữ CNVCLĐ huyện Ứng Hòa tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài Việt Nam”
Áo dài Việt Nam tiếp tục tỏa sáng tại Nhật Bản

Nhà thiết kế Nhật Dũng trong nhiều năm qua vẫn chung thủy với áo dài truyền thống, dù thời trang áo dài có nhiều đổi thay, cách điệu. Nhật Dũng cho biết, hơn 20 năm qua, áo dài truyền thống đã thấm vào con người anh bởi một tình yêu tôn thờ và tuyệt đối. Hiếm có ai lại yêu quốc phục như Nhật Dũng, và chính bản thân anh cũng cho rằng, tình yêu với di sản đã khiến cho anh ngày càng trở nên có trách nhiệm với di sản.

Áo dài Việt Nam vượt qua giá trị thời trang
Áo dài của NTK Nhật Dũng (Ảnh: Nhật Dũng)

“Mỗi khi được mời tham gia các sự kiện trong nước hay quốc tế, tôi thường mang “văn hoá Việt” đi giao lưu bằng cách vẽ các họa tiết non sông gấm vóc, di sản lên áo dài. Đất nước được thiên nhiên ưu ái và ban tặng những giá trị lịch sử cội nguồn có hàng nghìn năm, nếu có bất kỳ cách nào để tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị của nó, tôi đều không quản ngại. Nhất là áo dài, một trang phục đã từ lâu vượt qua giá trị của thời trang, trở thành trang phục biểu tượng của Việt Nam, gắn liền với người phụ nữ Việt”, Nhật Dũng cho biết.

Cả trăm năm qua, áo dài đã từ đời sống đi vào nghệ thuật điện ảnh, âm nhạc, hội họa, thơ ca, trở thành một biểu tượng, một phần tâm hồn người Việt trên chính quê hương hay ở khắp thế giới. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Từ "Áo dài" của Việt Nam đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford. Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa, văn hoá của dân tộc Việt. Cho đến nay, nhiều người không còn luận định được áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt hay phụ nữ Việt tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài, nhưng đều ngầm thừa nhận rằng, hai vẻ đẹp này đều chứa đựng chất “truyền thống” mà ít phụ nữ nào trên thế giới có được vẻ đẹp đó.

Nhiều người cho rằng, áo dài truyền thống bây giờ không khả dụng, chủ yếu để mặc trình diễn hay sự kiện là chính, còn nếu để mặc, người ta sẽ mặc áo dài cách điệu, cách tân. Phủ nhận điều này, nhà thiết kế Nhật Dũng cho rằng, áo dài truyền thống ở bất kỳ thời đại nào đều có tính khả dụng. Mỗi ngày, cả nước diễn ra hàng trăm sự kiện lớn nhỏ, như công chức sử dụng áo dài truyền thống cho công việc ngoại giao, các nữ chính trị gia sử dụng áo dài cho các sự kiện, giao tiếp, giáo viên mặc áo dài lên lớp, nhiều trường học các nữ sinh mặc áo dài đến lớp ngày đầu tuần…Áo dài truyền thống luôn có giá trị đặc biệt và mỗi nhà thiết kế phải có sáng tạo để áo dài luôn đẹp trong từng thời khắc.

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch.Có lẽ chính vì vậy mà áo dài đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, vừa gợi cảm như vậy.

Sắp tới là kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cũng là dịp để phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước có dịp “khoe sắc” với áo dài truyền thống. Nhà thiết kế Nhật Dũng cho biết, anh chờ đợi thời khắc này đã lâu, bởi đối với một nhà thiết kế chuyên về áo dài truyền thống, thì ngày 20/10 hàng năm chính là ngày những “tác phẩm” áo dài của họ lại một lần nữa được xuất hiện trên mọi nẻo đường. “Phụ nữ Việt Nam hạnh phúc hơn phụ nữ phương tây vì có thêm ngày 20/10, cho nên vào ngày này, họ phải rực rỡ nhất, đẹp nhất và duyên dáng nhất. Và họ chọn áo dài để trở nên đặc biệt như thế!”, nhà thiết kế tự hào chia sẻ.

Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Phùng Hoàng Anh (Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho rằng, vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần dân tộc Việt Nam. Có thể nói rằng, áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới. Không chỉ xuất hiện trong các cuộc thi trang phục dân tộc, các cuộc thi hoa hậu… áo dài Việt Nam đã xuất hiện trên khắp thế giới và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.

Tìm hiểu về áo dài Việt cho thấy, áo dài chính là niềm tự hào của người Việt Nam như một thành tựu văn hóa có bề dày lịch sử. Dù bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, áo dài vẫn giữ được nét văn hóa riêng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa giao lưu văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Qua đó, những dấu ấn văn hóa của áo dài Việt Nam vẫn luôn phát huy được giá trị bảo tồn và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế nhưng vẫn mang những nét riêng của bản sắc văn hóa Việt. Áo dài Việt đã kết hợp hài hòa cả hai yếu tố bản sắc văn hóa và tính dân tộc

Bảo Thoa

Từ khóa » Giá Trị Văn Hóa Của Chiếc áo Dài Việt Nam