Áp Dụng Thông Tư 14/2021/TT-NHNN: Vướng đến đâu, Gỡ Tiếp đến đó

Các giải pháp hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đã kịp thời doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Các giải pháp hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đã kịp thời doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch.

Giảm áp lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020. Tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá; trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung.

Trong các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Sở dĩ các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước lấy số liệu từ 23/1/2021 vì đây là mốc thời gian thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19).

Mới đây, Thông tư 14/2021/TT-NHNN được ban hành, với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Một trong những điểm đáng quan tâm trong Thông tư 14 là việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022 (kéo dài thêm 6 tháng so với Thông tư 01).

Đánh giá chung qua những ngày đầu áp dụng Thông tư 14, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nội dung như hiện nay của Thông tư 14 cũng là khá phù hợp, ban hành kịp thời và sẽ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt hiện nay, tháo gỡ phần lớn những lo lắng của các ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai Thông tư 14 sửa đổi để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vướng đến đâu gỡ đến đó

Quy định về điều kiện phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi kéo dài thêm 6 tháng (Thông tư 01 quy định đến ngày 31/12/2021, còn Thông tư 14 quy định đến 30/6/2022) được giới chuyên môn đánh giá sẽ giúp mở rộng thêm cho nhiều đối tượng hơn có thể đủ điều kiện được tái cơ cấu nợ.

Ngoài ra, một số quy định khác cũng giúp mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ hơn là nội dung về cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trước đây theo quy định tại Thông tư 01 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN), các khoản nợ thuộc diện được cơ cấu phát sinh trước 10/6/2020. Thông tư 14 đưa thêm các điều kiện mới về thời gian giúp có thêm nhiều đối tượng được bổ sung vào đối tượng được phép tái cơ cấu nợ, đó là nhóm khách hàng phát sinh khoản nợ trong giai đoạn từ 10/6/2020 đến trước 1/8/2021.

Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14, cũng có một số ý kiến cho rằng việc mở rộng thời gian nên linh hoạt và có độ mở hơn. Chẳng hạn, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, thời gian cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 01 là 12 tháng có thể là hơi ngắn, nên kéo dài hơn để tăng chủ động cho ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thông tư 14 sau khi ban hành vẫn để thời gian này là 12 tháng như quy định trước đó.

Ở một góc nhìn có tính bao quát sau những ngày đầu Thông tư 14 bắt đầu có hiệu lực, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, kỳ vọng ban đầu của các ngân hàng và doanh nghiệp có thể nhiều hơn, nhưng việc thông tư mới đã có những thay đổi theo hướng có nhiều điểm mở rộng như vậy cũng đã tốt hơn so với trước kia. Ngoài ra ông Hùng cũng cho rằng, các diễn biến thực tế của dịch có thể có những thay đổi liên tục nên việc xây dựng chính sách cũng phải dõi theo tình hình thực tế cụ thể. Quá trình thực thi sẽ cần tiếp tục quan sát và đánh giá, nếu vướng đến đâu sẽ tiếp tục tháo gỡ đến đó.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, bước tiếp theo trong việc hoàn chỉnh hệ thống các văn bản hoãn nợ, giãn nợ, tháo gỡ khó khăn do Covid-19 (các Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14) tới đây cũng nên hợp nhất vào 1 văn bản để dễ áp dụng.

Tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm).

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021, với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Chí Tín

Từ khóa » Thông Tư 14 Giảm Nghèo