ASEAN Hướng Tới Vai Trò Trung Tâm Trong Cấu Trúc Kinh Tế Khu Vực
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) đang đẩy nhanh quá trình liên kết và hội nhập kinh tế, với ưu tiên hàng đầu là thực thi đầy đủ cam kết và chương trình hợp tác kinh tế nội khối, hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
AEC ra đời sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ mười và thị trường lớn thứ ba thế giới xét trên góc độ dân số, không những giúp ASEAN phát huy tốt nhất lợi thế của khu vực dựa trên ưu thế của từng thành viên mà còn là một bước cần thiết nhằm củng cố vững chắc uy tín và vị thế của ASEAN trên thế giới. Hướng hợp tác kinh tế chủ đạo của ASEAN trong năm 2010 là tập trung nguồn lực nhằm sớm triển khai các thỏa thuận liên kết quan trọng của hiệp hội, bao gồm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ bảy về dịch vụ ASEAN. Ngoài ra, các nước cam kết nỗ lực đẩy nhanh các chương trình hợp tác kinh tế hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân đối với quá trình hội nhập kinh tế khu vực ASEAN nhằm thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chú trọng việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ các khu vực tự do thương mại (FTA) với các đối tác trong khu vực.
Việt Nam, một thị trường tiềm năngcủa hãng Piaggio của Italy.
Các thương gia và nhà đầu tư Nhật Bản nhận định, AEC được thiết lập sẽ mang lại nhiều cơ hội làm ăn cho họ, vì vậy họ quan tâm mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại thị trường ASEAN nhằm tận dụng nguồn lực và nguyên vật liệu dồi dào, giá nhân công rẻ, chính sách khuyến khích đầu tư và khả năng của khu vực thích ứng với công nghệ mới. Giáo sư kinh tế Trường đại học Xây-nan Ga-quyn (Nhật Bản) S. Higasi cho biết, mười quốc gia thành viên ASEAN là những đối tác quan trọng của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng tích cực chuẩn bị xúc tiến dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác nguồn tài nguyên trị giá 15.000 tỷ yên (khoảng 170 tỷ USD) với ASEAN, theo đó thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác nguồn tài nguyên quy mô lớn tại các nước trong hiệp hội. Ðây là một trong những nỗ lực của Tokyo nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Ðộ. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã khởi động vòng đàm phán mới về FTA với các nước ASEAN do không muốn đứng ngoài sự phát triển nhanh chóng của khu vực này. Tương tự như vậy, Mỹ cũng không khoanh tay đứng nhìn khi Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở châu Á đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập. Hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN (NAFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2010 mở ra một thị trường hai tỷ người tiêu dùng, tạo một khu vực tự do thương mại có số dân đông nhất thế giới. Tổng Thư ký ASEAN S.Pitsuwan nhận định rằng, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc hết sức quan trọng đối với ASEAN và cho rằng, Trung Quốc và ASEAN cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng, đầu tư song phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Hiệp định về thiết lập các quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa ASEAN với Australia và New Zealand đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho hơn 12.300 mặt hàng của ASEAN hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào hai quốc gia này. Hiệp định trên bao gồm các bước thực hiện lộ trình tự do hóa buôn bán hàng hóa thông qua cắt giảm biểu thuế quan, chuẩn hóa những quy định về tiêu chí kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và hợp tác đầu tư. Australia sẽ bãi bỏ thuế đối với 5.800 mặt hàng nhập từ các nước thành viên ASEAN, trong khi New Zealand cũng triển khai các biện pháp tương tự đối với 6.500 mặt hàng, chiếm hơn 90% tổng số hàng hóa buôn bán giữa hai nước với khối ASEAN.
Hiện ASEAN đã ký hoặc đang tiến hành đàm phán để ký FTA với hầu hết các khu vực trọng yếu, coi đó là chiến lược thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và củng cố sức mạnh chính trị. FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) và giữa ASEAN với ba nước kể trên cùng với Ấn Ðộ, Australia và New Zealand (ASEAN+6) cũng sẽ nâng cao vai trò của khối ASEAN trên toàn cầu. ASEAN cũng đang quan tâm ký FTA với các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và khối thương mại MERCOSUR (gồm bốn nền kinh tế khu vực Mỹ la-tinh là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay), coi đây là một phần trong nỗ lực gắn kết với kinh tế thế giới. Năm 2009, ASEAN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký ASEAN X. Pitsuwan nói rằng, thực tế cho thấy ASEAN đã gặt hái được những thành tựu theo đúng định hướng bảo đảm việc triển khai tất cả những hiệp định khung đã ký. Các nền kinh tế ASEAN đang trên đà phục hồi tốt. Một số nước ASEAN đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay: Xin-ga-po là 4,5-6,5% (mức cũ là 3-5%); Thái-lan từ 3,5-4,5% (3-4% trước đây) và Ma-lai-xi-a là 5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế lạc quan cho rằng, với những biểu hiện của sự phục hồi kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6% trong năm 2010 này.
Với thế và lực mới, ASEAN nỗ lực trở thành trung tâm của cơ cấu kinh tế trong khu vực Ðông Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ và EU gõ cửa châu Á là "một sự công nhận rằng, trung tâm sức mạnh kinh tế thế giới đang dịch chuyển hoặc đã dịch chuyển, sang châu Á".
Từ khóa » Cấu Trúc Của Thị Trường Asean
-
CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
-
[PDF] Hiến Chương Của Hiệp Hội Các Quốc Gia đông Nam á
-
Thị Trường ASEAN: Gần Gũi Và đầy Tiềm Năng đối Với Doanh Nghiệp ...
-
[PDF] Hướng Dẫn Cơ Bản Về Cạnh Tranh Dành Cho Các Quan Tòa ASEAN
-
Vai Trò Của Asean Trong Liên Kết Kinh Tế Đông Á: Thuận Lợi Và Khó Khăn
-
Giới Thiệu Về Cộng đồng ASEAN
-
Cộng đồng Kinh Tế Asean (AEC) - Sở Công Thương Tỉnh Phú Thọ
-
TTWTO VCCI - (FTA) Tóm Lược Cộng đồng Kinh Tế ASEAN (AEC)
-
Cộng đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) – Thách Thức Và Triển Vọng
-
Cơ Chế Thúc đẩy Thương Mại Và đầu Tư Trong Cộng đồng Kinh Tế ...
-
AEC Và Những Vấn đề đặt Ra Trong Hoạt động Thương Mại Nội Khối ...
-
Vai Trò Trung Tâm Của ASEAN Trong Liên Kết Kinh Tế Khu Vực
-
[PDF] VAI TRÒ CỦA ASEAN TRONG CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ ...