ASEAN Là Gì? Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN)?

Mục lục bài viết

  • 1 1. ASEAN là gì?
  • 2 2. Sự ra đời của ASEAN:
  • 3 3. ASEAN bao gồm những quốc gia nào?
  • 4 4. Chức năng của ASEAN:
  • 5 5. Vai trò của ASEAN:

1. ASEAN là gì?

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên.

Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng các nỗ lực đều đi đến bế tắc vào giữa thập niên 1980. Phải đợi đến năm 1991, khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do, thì Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN mới hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).

ASEAN có diện tích đất 4,46 triệu km², chiếm 3% tổng diện tích đất của Trái Đất, và có dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới. Vùng biển của ASEAN có diện tích gấp ba lần so với diện tích đất. Năm 2018, tổng GDP ước tính của tất cả các quốc gia ASEAN lên tới xấp xỉ 2,92 nghìn tỷ USD[3]. Nếu coi ASEAN là một thực thể duy nhất thì thực thể này sẽ xếp hạng 10 trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Nga, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Anh và Ý. Dự kiến đến năm 2030, thực thể này cố thể vươn lên thứ 4 thế giới.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

ASEAN tiếng Anh là Association of South East Asian Nations

2. Sự ra đời của ASEAN:

Với những người thuộc quốc gia Đông Nam Á, chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì với cái tên Asean. Asean là tên viết tắt của từ Association of Southeast Asian Nations hay còn gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập vào tháng 8 năm 1967 tại Băng-cốc bởi Bộ trưởng Ngoại giao các nước sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

Cộng đồng Asean là một nhóm các quốc gia Đông Nam Á gắn bó, hợp tác để giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng hòa bình và có tiếng nói chung trên các diễn đàn thế giới.

Tại Hội nghị cấp cao Asean 9 tại Bali, Indonesia vào tháng 10/2003, lãnh đạo các nước Asean quyết định xây dựng Cộng đồng Asean vào năm 2020 với 3 trụ cột chính về trên các lĩnh vực an ninh – quốc phòng (APSC), kinh tế (AEC) và văn hóa – xã hội (ASCC).

Hiệp hội Asean hiện có 10 quốc gia tham gia và tổng diện tích của Asean là hơn 4,5 triệu km2, dân số 575 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hội có khoảng 1281 tỷ đô la Mỹ và tổng kim ngạch xuất khẩu 750 tỷ USD. Đông Nam Á là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào, chính điều này là tiền đề cho sự phát triển xuất nhập khẩu của các quốc gia thuộc Đông Nam Á.

Các tài nguyên được xuất khẩu đi chủ yếu là những nguyên liệu thô cơ bản mà người dân ở các nước khai thác được như: cao su (90% sản lượng cao su thế giới); thiếc và dầu thực vật (90%), gỗ xẻ (60%), gỗ súc (50%), cũng như gạo, đường dầu thô, dứa… Bên cạnh nông nghiệp, Đông Nam Á còn rất phát triển về công nghiệp có thể kể đến một số ngành như: dệt, hàng điện tử, hàng dầu, các loại hàng tiêu dùng cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là những sản phẩm được xuất khẩu đi với khối lượng lớn và chất lượng, chính điều này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của thị trường thế giới.

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”.

3. ASEAN bao gồm những quốc gia nào?

Hiện nay, Asean có 10 nước thành viên tham gia bao gồm:

5 quốc gia sáng lập và tham gia Asean vào ngày 8/8/1976

  • Cộng hoà Indonesia
  • Liên bang Malaysia
  • Cộng hoà Philippines
  • Cộng hòa Singapore
  • Vương quốc Thái Lan

Các quốc gia gia nhập sau:

  • Vương quốc Brunei (ngày 8 tháng 1 năm 1984)
  • Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (ngày 28 tháng 7 năm 1995)
  • Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
  • Liên bang Myanma (ngày 23 tháng 7 năm 1997)
  • Vương quốc Campuchia (ngày 30 tháng 4 năm 1999)

Hai quan sát viên và ứng cử viên:

  • Papua New Guinea: quan sát viên của ASEAN.
  • Đông Timo: hiện là ứng cử viên của ASEAN

4. Chức năng của ASEAN:

Như quy định trong Tuyên bố ASEAN, chức năng của ASEAN là:

– Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác để củng cố nền tảng cho một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình của các quốc gia Đông Nam Á;

– Để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tuân thủ, tôn trọng công lý và nguyên tắc của pháp luật trong quan hệ giữa các nước trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc;

– Để thúc đẩy hợp tác tích cực và hỗ trợ lẫn nhau về những vấn đề quan tâm chung trong kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, lĩnh vực khoa học và hành chính;

– Cung cấp hỗ trợ cho nhau dưới các hình thức đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên nghiệp, kỹ thuật và hành chính;

– Phối hợp hiệu quả hơn cho việc tận dụng các ngành nông nghiệp và công nghiệp, mở rộng thương mại của các nước, bao gồm việc nghiên cứu các vấn đề thương mại hàng hóa quốc tế, cải thiện giao thông vận tải, các phương tiện truyền thông và nâng cao mức sống của người dân các nước;

– Để thúc đẩy nghiên cứu về Đông Nam Á;

– Để duy trì sự hợp tác chặt chẽ và có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực với mục tiêu và mục đích tương tự, và khám phá tất cả các con đường hợp tác gần gũi hơn với nhau.

5. Vai trò của ASEAN:

ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển khu vực châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới. Vai trò của ASEAN thể hiện:

Đóng góp cho nền hoà bình bền vững trong khu vực và thế giới: ASEAN là nhân tố quan trọng bảo đảm hoà bình và ổn định ở khu vực. Trước hết, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN ngày càng gia tăng thông qua nhiều hoạt động đa dạng, trong đó có việc duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, nhất là giữa các vị Lãnh đạo Cấp cao.

ASEAN chủ động đề xướng và tích cực phát huy tác dụng của nhiều cơ chế bảo đảm hoà bình và an ninh khu vực như: Tuyên bố Đông Nam Á là Khu vực Hoà Bình, Tự do và Trung Lập (ZOPFAN) năm 1971; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ký năm 1976 và đến nay đã trở thành Bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo mối quan hệ không chỉ giữa các nước Đông Nam Á mà cả giữa các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài; Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWSZ) năm 1995; Tuyên bố của các bên liên quan về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002, là bước quan trọng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển đông…

ASEAN khởi xướng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) để tạo khuôn khổ thích hợp cho ASEAN và các đối tác bên ngoài tiến hành đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị an ninh ở Châu Á- Thái Bình Dương. ASEAN cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với nhau và với các đối tác bên ngoài thông qua nhiều khuôn khổ, hình thức và biện pháp khác nhau, nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai…

ASEAN có vai trò to lớn trong giải quyết tranh chấp Biển đông, ổn định tình hình chính trị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, giảm căng thẳng và đối đầu giữa các lớn như Trung Quốc và Mỹ. Sự kiện gần đây khi xảy ra tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ASEAN đã thể hiện rõ lập trường và cách thức giải quyết xung đột theo những thoả thuận mà ASEAN và Trung Quốc đã cam kết.

Thúc đẩy tăng trưởng và bền vững kinh tế khu vực và thế giới: Hợp tác vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là một trong những định hướng ưu tiên của ASEAN. Đến nay, ASEAN đã cơ bản hoàn tất các cam kết về hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA), với hầu hết các dòng thuế đã được giảm xuống mức 0-5%. Tiếp đó, ASEAN đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập sớm để đẩy mạnh hơn nữa thương mại nội khối. Kim ngạch thương mại nội khối hiện đạt khoảng 300 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.

Việc thực hiện các thoả thuận về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) đạt những tiến triển quan trọng. Hợp tác ASEAN cũng được đẩy mạnh và mở rộng trong nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, hải quan, thông tin viễn thông, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

Đồng thời, ASEAN cũng tích cực tăng cường hợp tác kinh tế- thương mại với các đối tác bên ngoài, nhất là việc thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với hầu hết các nước đối thoại của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrâylia và Niu Di Lân…ASEAN cũng coi trọng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là thông qua việc triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về hỗ trợ các nước thành viên mới (Campuchia, Lào, Mianma và Việt nam) hội nhập khu vực.

Sự phát triển nhanh chóng và năng động của ASEAN trong 2 thập niên gần đây có những đóng góp thiết thực vào ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới. Hiện nay, ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của hầu hết các quốc gia và khối kinh tế trên thế giới.

Hợp tác về sự gắn kết cộng đồng và lợi ích cho người dân: Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá- xã hội ngày càng được mở rộng với rất nhiều chương trình/dự án khác nhau trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, môi trường, y tế, phòng chống ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em, HIV/AIDS, bệnh dịch…

Các hoạt động hợp tác này đã hỗ trợ cho các nước thành viên nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề liên quan, đồng thời giúp tạp dựng thói quen hợp tác khu vực, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng ASEAN. ASEAN đang phấn đấu xây dựng một cộng đồng các dân tộc hài hoà đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ. Đảm bảo sự “thống nhất trong đa dạng” trở thành một đặc thù riêng có của ASEAN, một bản sắc khu vực mà các nước ASEAN luôn trân trọng giữ gìn.

Mở rộng quan hệ đối ngoại: Quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển mạnh, thông qua đó ASEAN đã tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác bên ngoài, phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển của Hiệp hội, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy và kết nối các mối liên kết khu vực với nhiều tầng nấc khác nhau ở Châu Á- Thái Bình Dương.

ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới thông qua khuôn khổ ASEAN+1 với 12 đối tác quan trọng bên ngoài, đồng thời khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực ở Châu Á- Thái Bình Dương như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ngoài ra, ASEAN còn là nhân tố quan trọng của các khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực khác như Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á-Âu (ASEM) và Diễn đàn Hợp tác Đông Á- Mỹ La Tinh (FEALAC).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được đến nay, ASEAN vẫn là một hiệp hội chưa chặt chẽ, tính liên kết khu vực còn thấp; sự đa dạng vẫn còn lớn, nhất là về chế độ chính trị- xã hội và trình độ phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN đề ra nhiều chương trình và kế hoạch hợp tác nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động cồng kềnh, kém hiệu quả, nhất là việc tổ chức và giám sát thực hiện cam kết.

Bên cạnh đó, việc duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN cũng như vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực thường gặp không ít khó khăn và thách thức, do tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Tình hình nội bộ của một số nước cũng như quan hệ giữa các nước thành viên với nhau thường này sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đoàn kết, hợp tác và uy tín của ASEAN.

Từ khóa » Mục Tiêu Thành Lập Tổ Chức Asean Là