Ayayi – Thần Tượng ảo đầu Tiên Của Trung Quốc được Tạo Hình Kỹ ...

Ayayi là nữ ca sĩ ảo đầu tiên của Trung Quốc, vừa ra mắt vào tháng 5 và đã nhận được sự chú ý lớn của khán giả với vẻ ngoài hoàn hảo và chân thực. Đây là một trong những gương mặt mới “gia nhập” xu hướng công nghệ metahuman hay virtual influencer dự kiến sẽ rất phổ biến trong giới giải trí, quảng cáo thời gian tới.

Ayayi là sản phẩm công nghệ của công ty Ranmai Technology. Cô là Metahuman (Người kỹ thuật số siêu thực tế) đầu tiên tại Trung Quốc. Điểm khác biệt của Ayayi và các thần tượng ảo khác như Lạc Thiên Y, Ling, Amy… là sự tiếp cận gần với người thật hơn.

Làn da của Ayayi được thiết kế đặc biệt cho phép thích ứng với ánh sáng và bóng tối khác nhau, mô phỏng như da người thật. Công nghệ tiên tiến của Ranmai còn tạo ra cả phần da chết tại các ngón tay khiến khán giả kinh ngạc. Khi Ayayi ra mắt, nhiều người đặt câu hỏi đây là người nhân tạo hay là người thật có gương mặt được mô phỏng lại.

Cũng nhờ vậy, sau hơn một tháng ra mắt, Ayayi nhận được 3 triệu lượt người thích cho bài đăng đầu tiên và có hơn 40.000 người theo dõi chỉ sau một đêm. Ngày 15/6, Ayayi mở hoạt động check-in (chụp ảnh) cùng cô trên nhiều nền tảng truyền thông và khiến nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia, tạo nên hiện tượng “Người nổi tiếng tìm cách check-in cùng Ayayi”, “người nổi tiếng theo đuổi người nổi tiếng”. Trong ảnh, nam ca sĩ, diễn viên Trần Vỹ Đình chụp ảnh cùng Ayayi.

Sự nổi tiếng giúp Ayayi được các nhãn hàng săn đón. Cô được mời tham dự sự kiện Mickey: The True Original Exhibition ở Thượng Hải và chia sẻ kinh nghiệm của mình trên Xiaohongshu. Guerlain là thương hiệu đầu tiên chính thức hợp tác với Ayayi và mời cô tới bữa tiệc khu vườn mùa hè Honey vào tháng 6. Ayayi còn dự kiến kết hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng khác để thực hiện dự án âm nhạc No Problem.

Theo CEO của công ty Ranmai Technology, thần tượng ảo như Ayayi đáp ứng các yêu cầu về ngoại hình, tài năng, sự tương tác với khán giả. Họ cũng có phong cách thời thượng, phù hợp với thẩm mỹ của đại chúng. So với người nổi tiếng là con người, thần tượng ảo có nhiều lợi thế. Họ không bị ràng buộc bởi ranh giới địa lý, không lo lắng về tai tiếng. Thậm chí, họ không cần ăn và ngủ, có thể hoạt động năng suất.

Để tạo ra một Mutahuman như Ayayi, công ty Ranmai Technology đã phải nghiên cứu trong nhiều tháng. Họ tạo ra 40 phiên bản khác nhau, sau đó khảo sát ý kiến của khán giả làm việc trong nhiều ngành nghề để thu được một mẫu người hoàn hảo, đáp ứng được sự yêu thích của đa số công chúng. Ranmai Technology cũng viết một tiểu sử ngắn cho Ayayi giới thiệu thông tin cơ bản, sở thích cá nhân, đặc điểm tính cách… tạo nên hình tượng nghệ sĩ cho cô.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Newsijie có trụ sở tại Bắc Kinh, lĩnh vực kinh doanh thần tượng ảo, doanh thu năm 2018 đạt khoảng 15 triệu USD, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên 229 triệu USD trong vòng hai năm tới.

Ngoài ra, theo Sohu, trong 18 tháng qua trên thế giới có 51 Metahuman được ra đời. Trong đó, có nhiều người mẫu, trở thành gương mặt trang bìa của các tạp chí thời trang.

Theo An Chi | Zing

Từ khóa » Ca Sĩ ảo Trung Quốc