Ayunpa - Đặc Sản Miền Trung
Có thể bạn quan tâm
Một món của người dân tộc thiểu số vùng Cheo Reo – Phú Bổn, nay được gọi là Ayunpa. Món ăn được làm công phu với nguyên liệu đơn giản, chỉ là cá từ dòng suối trong, lá từ cây rau dại… Ấy thế mà ngon!
Tây Nguyên thường được biết đến với những núi đồi bạt ngàn cây xanh, với rừng già, với tiếng cồng chiêng, tiếng hát vang vọng núi rừng, với những cô gái trong bộ áo váy sặc sỡ hay chàng trai lưng quàng khố, vai đeo gùi và những câu chuyện huyền thoại dựng nước, giữ nước…
Nhưng không chỉ có thế. Ngày nay Tây nguyên còn được biết đến với những món ăn lạ nhưng rất ngon. Đó là những món ăn mộc mạc, mà để thực hiện người nấu chỉ cần ra suối bắt con cá, vào rừng hái nắm lá…
Món ngon đời thường
Với người dân tộc khác thì lá é cá trích là món ăn lạ, ngon và độc đáo. Thế nhưng với người dân tộc Jrai vùng Cheo Reo – Phú Bổn, nay được gọi là Ayunpa thì đây chỉ là món ăn đơn giản thường ngày. Họ bắt cá trích nơi các dòng suối nước trong văn vắt, mang về xâu lại thành từng xâu, phơi hơi se se rồi gác trên chái bếp, chỗ gần bếp lửa. Khói và hơi nóng hàng ngày sẽ làm thịt cá chắc lại và có mùi khói ám rất lạ.
Cá trích đã khô đem nướng trên lửa than riu riu, cứ nướng một mặt chứ đừng trở nhiều – khác với cách nướng của người Kinh là trở đều hai mặt trong suốt quá trình nướng. Khi cá đã cháy sém một bên, người ta mới lật qua mặt còn lại nướng tiếp. Có thể nói, mọi nguyên liệu và dụng cụ để thực hiện món cá này đều đơn giản đến đáng ngạc nhiên, ngay cả phần vỉ nướng. Người Jrai không dùng vỉ nướng cá mà lấy thân tre chẻ ra như những cái nẹp, kẹp cá rồi dùng chính lạt tre cột ở hai đầu và nướng.
Lá é là loại lá có mùi hương và dáng lá hơi giống rau húng quế của mình nhưng vị nồng hơn và cành cũng như lá nhỏ hơn, khi nhấm thử trong lưỡi thì cả hương lẫn vị đều đậm đà, thơm hơn rau quế. Hiện nay người Kinh có lai tạo và cho trồng ở vườn rau nhưng không có hương vị bằng. Lá có mầu xanh biếc, dáng lá nhỏ như những lá quế còn non.
Khi dùng, lá é được phơi cho héo khoảng 50%, thấy lá sầu sầu là được. Khi đã héo, lá rũ xuống, người ta tước lá khỏi cọng (có người tiếc, dùng cả cọng nhưng cũng không ngon vì cũng chẳng có hương vị gì). Khi cá đã chín vàng đều, gỡ bỏ ruột, đầu, xương, da cá. Thịt cá xé nhỏ, cho vào cối cùng với lá é phơi héo và giã. Khi giã, cho muối hột vào từ từ và giã đến khi lá, cá và muối quện vào nhau, sau cùng thì cho ớt khô và cọng cỏ ngọt.
Mộc mạc mà ngon
Cỏ ngọt cũng là một loại lá cỏ rất đặc biệt của vùng Tây nguyên, chỉ có vào tháng 10 – 11 hằng năm. Lá cỏ lớn hơn lá cỏ gấu. Vào mùa, cỏ nhiều, người Jrai hái và đem phơi khô rồi cứ gác ở chái bếp để dùng quanh năm, khi nhấm thử, vị của lá như bột ngọt nhưng lại là vị ngọt rất tự nhiên. Sau khi phơi khô, người Jrai lấy và giã nhiều lần cho thành bột rồi cất đi để riêng, lúc nào dùng sẽ lấy ra để nêm nếm món ăn, hoặc trộn chung với lá é, cá trích. Thông thường, chỉ khi nào có khách quý người ta mới dùng đến loại cỏ này. Bây giờ đa phần họ dùng bột ngọt thay cho cỏ ngọt, tuy nhiên trong nhà bao giờ cũng trữ một ít bột cỏ khô để dành khi cần đãi khách.
Lá é cá trích thường được dọn với cơm dẻo, dùng như muối mè của người Việt, không phải là gia vị chấm. Gạo để nấu cơm là gạo nương, hạt thô, màu hơi xám, mới nhìn như gạo cũ và có vẻ như mốc, nhưng không phải vậy. Khi nấu, nếu là gạo mới thì rất dẻo, dẻo như cơm nếp. Khi cũ, gạo sẽ se hạt, tựa như gạo thơm dẻo của người Kinh. Dọn kèm món ăn này là những món thịt rừng nướng, nhất là thịt bò nướng theo kiểu người Jrai, rất ngon.
Không phải là một món ăn cao sang, cũng không có một tên gọi hoa mỹ, lá é cá trích mộc mạc như bản chất của người dân tộc thiểu số. Món ăn tuy không đẹp nhưng khi ăn, để lại trong lòng khách một cảm giác thật ngon, ngon vì lạ và ngon vì chính bản chất bình dị, tự nhiên của món ăn… Ngon quá!
Bài & ảnh DZOÃN VÂN
Nguồn: Monngonvietnam
—————-
Chú thích:
Phú Bổn là một tỉnh cũ thời Việt Nam Cộng hòa. Tháng 9-1962, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Pleiku ra 2 tỉnh: Pleiku và Phú Bổn. Từ năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắc Lắc, sau đó phần lớn diện tích lại được nhập sang tỉnh Gia Lai-Kon Tum.
Địa lý
Hành chính
Phú Bổn giáp hai tỉnh Pleiku và Bình Định về phía bắc, tỉnh Phú Yên về phía đông, Đắc Lắc về phía nam và tây nam, Pleiku về phía tây. Diện tích toàn tỉnh là 4.822 km². Tỉnh lỵ đặt tại Hậu Bổn (Cheo Reo). Tỉnh có 3 quận là Phú Thiện, Phú Túc (nay là Krông Pa) và Thuần Mẫn.
Quận lị Thuần Mẫn cách Hậu Bổn (Cheo Reo) 15 km về phía tây nam, nay nằm ở vùng giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.
Sau năm 1975, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắc Lắc, sau đó phần lớn địa bàn tỉnh chuyển sang tỉnh Gia Lai-Kon Tum, riêng vùng phía nam quận Thuần Mẫn nay thuộc tỉnh Đắc Lắc.
Tự nhiên
Phú Bổn nằm ở cao độ từ 150 m đến 1.000 m, có núi rừng bao bọc chung quanh. Những ngọn núi cao ở đây gồm có Chu Tryan 1.331 m, Chu Kheur 1.088 m; Chu Dju cao 1.230 m, Chu Dlé Ya cao 1.215 m.
Sông chính của Phú Bổn là sông Ba (người Thượng còn gọi là Ia Ba hay Ea Pa), phát nguồn từ núi Ngọc Roo (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), chảy theo hướng bắc-nam, khi tới Cheo Reo thì gặp sông Ia Ayun. Sông Ia Ayun bắt nguồn từ chân núi Kon Lack (thuộc tỉnh Pleiku), chảy vào Phú Bổn theo liên tỉnh lộ số 7. Sông Ba có các sông nhánh chính là sông Ea Thul, phát nguồn từ núi Kong Wan Riom; sông Cà Lúi và sông Ba M’la, phát nguồn từ núi Chu Prong và sông Krong Nang phát nguồn từ núi Chu Dlé Ya. Vào mùa mưa, sông Ia Ayun và sông Krong Nang thêm nước vào sông Ba làm lưu lượng nước chảy mạnh về phía đông nam, cuốn nhiều đất phù sa bồi đắp cho bình nguyên Phú Bổn.
Khí hậu
Khí hậu Phú Bổn có hai mùa mưa nắng, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 3.
Dân số
Tính đến năm 1971, tỉnh Phú Bổn có tổng cộng 69.765 người, đa số là người Jarai và Bahnar.
Giao thông
Liên tỉnh lộ 7 là đường giao thông quan trọng, nối Phú Bổn với các tỉnh lân cận.
Từ khóa » đặc Sản Ayunpa
-
8 đặc Sản Của Phố Núi Gia Lai Ai đi Xa đều Nhớ
-
Những Đặc Sản Ayunpa Gl - Đặc Sản Phố Núi Ayunpa Gl
-
Thị Xã Ayunpa - Gia Lai: địa điểm ăn Uống, Nhà Hàng, Cafe - Foody
-
Đặc Sản Và Các Món ăn đường Phố Ayun Pa - Facebook
-
Đặc Sản Gia Lai - Ayunpa - Facebook
-
Bò 1 Nắng Muối Kiến Vàng-đặc Sản Ayun Pa- Gia Lai (gói 05kg)
-
[HCM]Bò 1 Nắng Muối Kiến Vàng-đặc Sản Ayun Pa- Gia Lai (gói 05kg)
-
Đặc Sản Sông Ba - Báo Gia Lai điện Tử - Tin Nhanh
-
11+ Món ĐẶC SẢN GIA LAI Nổi Tiếng Không Thể Phớt Lờ - Cô Thủy
-
Khám Phá Những Dòng Sông Tây Nguyên: Ayun Pa, Cá Chốt Và đèo ...
-
Heo Nướng Jrai - đặc Sản Phố Núi Ayunpa GL | Trang Cung Cấp Chủ ...
-
Thị Xã AyunPa Gia Lai - Tạm Dừng Các Dịch Vụ Vui Chơi Giải Trí ...
-
500Gram Khô Bò SỢI Tây Nguyên, đặc Sản AyunPa Gia Lai - Shopee