Ba đào Tình ái Tết Mậu Thân Của Tướng Sài Gòn Vĩnh Lộc

Nguyễn Phước Vĩnh Lộc sinh năm 1926 tại Huế, trong một gia đình quan lại. Vĩnh Lộc là anh em họ cùng đời của cựu hoàng Bảo Đại (Vĩnh Thụy). Vĩnh Lộc được học hành tử tế và nói tiếng Tây thông thạo chẳng kém gì tiếng ta. Gắn chặt đời quân ngũ, Vĩnh Lộc vẫn sống hưởng thụ, xa hoa, xa rời quần chúng như một lãnh chúa phong kiến.

Năm 1949, Vĩnh Lộc gia nhập quân đội và được sang Pháp, theo học Trường Thiết giáp Saint Saumur. Một năm sau, ông ta trở về Việt Nam, tiếp tục thụ huấn Trường Sĩ quan Phú Bài. Ra trường, ông ta được Vua Bảo Đại rút về làm cận vệ suốt 2 năm. Quanh quẩn mãi bên cạnh mặt trời, làm gì cũng sợ bị dòm ngó, riết rồi cũng chán, Vĩnh Lộc đã xin ra đơn vị tác chiến và được Bảo Đại chuẩn y, phong cho Vĩnh Lộc lên đại úy, làm chỉ huy trưởng Liên đội Thiết giáp, thuộc Sư đoàn Lộ quân số 2.

Năm 1953, Ngô Đình Diệm rời Mỹ đến Bỉ, rồi Pháp để vận động cho việc về nước nắm quyền. Cựu hoàng Bảo Đại, trên cương vị Quốc trưởng đang có mặt tại lâu đài Thorence tại Cannes, Pháp. Ông Diệm đã tìm đến tận nơi, quỳ trước mặt vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam, bẩm tâu hoàng thượng theo đúng đạo quân thần và tuyên thệ sẽ mãi trung thành với nhà Nguyễn. Ngày 16/6/1954, Bảo Đại đã ký sắc lệnh số 38/QT, đề cử Ngô Đình Diệm vào chức vụ Thủ tướng với toàn quyền quyết định mọi việc.

Hơn một năm sau, những lời thề ước đã bị “bề tôi” Ngô Đình Diệm quên hết. Ông Diệm một mình một chợ độc diễn trò trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại. Kết quả lố bịch: 98,2% phiếu đã chọn ông Diệm, Bảo Đại chỉ được 1,1% phiếu ủng hộ! Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố nhậm chức tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa.

Lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã tìm mọi cách loại bỏ hầu hết những quan chức thân Pháp hoặc còn trung thành với Bảo Đại. Vĩnh Lộc cũng bị đem lên bàn cân để soi xét. Nhưng Ngô Đình Nhu cho rằng, Vĩnh Lộc chỉ là kẻ sẵn sàng phù thịnh loại suy để được vinh thân phì gia nên không nguy hiểm. Hơn nữa, Lộc không chỉ thân Pháp mà còn là họ hàng thân thích của Bảo Đại, vì thế cần giữ lại để làm kiểng, chứng tỏ nhà Ngô không hề phân biệt đối xử.

Tuy nhiên để phòng xa, chỉ cất nhắc Vĩnh Lộc vào những chức vụ hữu danh vô thực. Thế là năm 1955, Vĩnh Lộc được cho theo học khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Mỹ, về nước được bố trí làm giảng viên Trường đại học Quân sự suốt 4 năm liền và mang hàm thiếu tá suốt 6 năm. Mãi đến năm 1960, ông ta mới được thăng trung tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, chuyên huấn luyện tân binh quân dịch.

Cuối năm 1963, Ngô Đình Diệm bị lật đổ, để "bù đắp", Vĩnh Lộc được thăng lên đại tá. Đường công danh của ông ta bắt đầu thênh thang. Giữ chức Tham mưu phó hành quân Bộ Tổng tham mưu, tuy không có thực quyền, nhưng Vĩnh Lộc có nhiều cơ hội tiếp cận với Phủ Đầu rồng và được lòng trung tướng Đặng Văn Quang, một trùm tham nhũng, khét tiếng trong chuyện "bán" lon lá, chức vụ, lại nắm nhiều quyền hành vì vừa là phụ tá An ninh Phủ Tổng thống, vừa là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu. Từ tháng 11/1963 đến 10-1966, chỉ chưa đầy 3 năm, Vĩnh Lộc đã nhảy từ trung tá lên trung tướng làm tư lệnh một quân đoàn, kiêm cai quản một quân khu rộng lớn!

Đầu năm 1964, Vĩnh Lộc được điều về làm Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Biệt khu 41, bao gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Kiến Phong (Đồng Tháp) và thăng hàm chuẩn tướng. Theo lời đại tá Trần Văn Thì, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 16, thuộc quyền của Vĩnh Lộc, thì viên chuẩn tướng không phải là mê gái mà là dại gái, máu ghen tuông hơn cả đàn bà.

Bấy giờ, theo cấp số, mỗi sư đoàn có một đại đội Tâm lý chiến trực thuộc, bao gồm mấy toán chỉnh huấn và một ban văn nghệ. Quân số của ban văn nghệ phần nhiều là các nữ ca sĩ hợp đồng, theo kiểu công chức quốc phòng. Nhiệm vụ chính của họ là lưu diễn, phục vụ tại hậu cứ mỗi dịp các đơn vị được về dưỡng quân. Nhưng đó chỉ là chuyện năm thì mười họa, họ thường trực biểu diễn mỗi tuần vào tối thứ bảy tại Câu lạc bộ Sĩ quan Sư đoàn ở Sa Đéc, cho các ông tướng tá nhảy nhót. Trong ban văn nghệ có một cô gái mới tròn 18 tuổi, mang nghệ danh là Hoàng Yến.

"Trực thăng vận" các nữ ca sĩ, chiêu đãi viên lên phục vụ, cảnh thường gặp ở Quân đoàn 2, Vùng 2 chiến thuật.

Hôm Hoàng Yến đang thử giọng tại hội trường, tình cờ Vĩnh Lộc đi ngang qua. Bị nhan sắc của cô ta hớp hồn, không cần biết Hoàng Yến hát hay, dở thế nào, Vĩnh Lộc ra lệnh thu nhận ngay. Và từ đó Hoàng Yến trở thành "ca sĩ riêng" của ông tướng. Một lần, Vĩnh Lộc bắt gặp Hoàng Yến đang ngồi uống cà phê trong câu lạc bộ với một viên trung úy trẻ, tùng sự tại phòng hành quân sư đoàn. Máu ghen nổi lên, Vĩnh Lộc lập tức cho gọi viên trung úy đó lên trình diện và đập bàn quát ghế. Ngay ngày hôm sau, tay trung úy đã phải mang balô ra đơn vị tác chiến cho thỏa cơn ghen của ông tướng.

Nhưng ở đời, vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Mấy tháng sau, Hoàng Yến gửi cho Vĩnh Lộc một lá thư, thông báo đã có bầu với ông ta, rồi tự ý ở nhà luôn. Gia đình Hoàng Yến chủ động phao cái tin giật gân này khắp thị xã Sa Đéc, đòi làm lớn chuyện. Để cho êm chuyện, Vĩnh Lộc vội mua cho Hoàng Yến một căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, Sa Đéc, dọc theo bờ sông (nay là đường Nguyễn Huệ) cộng thêm một số tiền để Hoàng Yến… tự lo chuyện sinh nở. Một năm sau, chẳng thấy bụng của Hoàng Yến phình ra thêm chút nào và cũng chẳng sinh đẻ gì cả, Vĩnh Lộc mới biết mình bị lừa!

Tháng 6/1965, Vĩnh Lộc tiến thẳng lên làm Tư lệnh Quân đoàn 2, kiêm Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật và thăng hàm thiếu tướng. Chỉ hơn một năm sau, tháng 10/1966, ông ta đeo lon trung tướng trước sự ngỡ ngàng của dư luận. Lãnh thổ do ông ta cai quản, kéo dài từ chân đèo Bình Đê, giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, chạy dọc duyên hải Nam Trung Bộ, đến hết tỉnh Bình Thuận và cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn, bản doanh đóng tại Pleiku.

Trong các cuộc lễ lạt, Vĩnh Lộc thường khoác bên ngoài chiếc áo thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, và cưỡi voi đến điểm hành lễ, chẳng khác nào phường tuồng. Ông ta tự xưng mình là "anh cả Trường Sơn". Cũng cần nói rõ, Trường Sơn ở đây không phải là dãy Trường Sơn hùng vĩ, mà là tên gọi tắt các "Đoàn xây dựng sơn thôn", hoạt động ở các bản làng. Vĩnh Lộc tự nhận mình là anh cả của lực lượng này.

Ở Tây Nguyên, Vĩnh Lộc lại mê mệt nữ ca sĩ chiêu đãi sở Minh Hiếu, đến độ bỏ cả vợ con. Theo lời kể của ông Phán Ba, Trưởng ty Kinh tế tỉnh Bình Long thời đó, và là bác ruột của ca sĩ Mai Lệ Huyền, thì Minh Hiếu xuất thân trong một gia đình lao động nghèo ở vùng đất đỏ Bình Long. Cha của Minh Hiếu có một tiệm hớt tóc bình dân và rất thích ca hát. Trong tiệm của ông có một cây đàn ghita cũ kỹ và Minh Hiếu bắt đầu sự nghiệp từ đó. Vốn trời phú cho một giọng hát khàn đục, khá đặc biệt, nên nhiều khách đến hớt tóc thường yêu cầu Minh Hiếu hát một vài bài theo nhịp đờn của cha. Nhạc sĩ Mạnh Giác làm Trưởng ban văn nghệ của Ty Thông tin Bình Long, nghe Minh Hiếu hát cũng được nên đã thu nạp cô làm học trò và tìm đường đưa Minh Hiếu về Sài Gòn lập nghiệp. Minh Hiếu trở nên nổi tiếng với ca khúc sến "Quen nhau trên đường về".

Ca sĩ Minh Hiếu khoảng đầu thập niên 60.

Vốn từng trải tình trường, lên Pleiku hát cho lính nghe, gặp Vĩnh Lộc lần đầu, thấy đôi mắt của ông ta nhìn mình một cách say đắm, Minh Hiếu biết chắc Vĩnh Lộc đã lọt vào bẫy. Cô ta rắp tâm từng bước đưa viên tướng dại gái này vào tròng. Sau vài tuần lễ tán tỉnh nhau qua điện thoại, Minh Hiếu bằng lòng đi một mình ra gặp Vĩnh Lộc. Ông ta mừng rơn vì nghĩ mình có số đào hoa, sắp đánh đổ được mục tiêu hấp dẫn.

Chưa dám công khai đón tiếp người tình ngay sào huyệt của mình tại Pleiku, Vĩnh Lộc hẹn Minh Hiếu tại Phú Yên, ông ta sẽ bay trực thăng xuống sau, tránh sự dòm ngó của thiên hạ. Trung tá Hai, có biệt danh là "Hai trề" đang làm tỉnh trưởng Phú Yên, nhận lệnh của Vĩnh Lộc đánh xe đi đón Minh Hiếu về dinh tỉnh trưởng. Vốn mê tín, ông "Hai trề" sợ Vĩnh Lộc đưa Minh Hiếu về trụ sở của mình mở cuộc mây mưa sẽ xúi quẩy. Thay vì đưa Minh Hiếu về dinh tỉnh trưởng, "Hai trề" lại đưa ra khách sạn. Do đó, khi Vĩnh Lộc tới nơi, máu ghen nổi lên, nghi ngờ "Hai trề" dám phỗng tay trên đã lập tức cách chức tỉnh trưởng của viên trung tá và tống khứ ông ta ra khỏi lãnh thổ vùng 2 chiến thuật.

Ăn quen nhịn không quen. Sau chừng một tháng, chẳng cần dựa vào cơ sở nào cả, Vĩnh Lộc ký quyết định phong cho Minh Hiếu cấp bậc hạ sĩ danh dự, tạo lý do cho Minh Hiếu phải có mặt tại Pleiku một cách hợp pháp để dự lễ gắn lon. Sau sự kiện khôi hài này, trong quân đội và dân gian đã truyền khẩu hai câu vè rất tục để chế giễu.

Minh Hiếu không bỏ qua cơ hội, rắp tâm một bước lên bà. Biết Vĩnh Lộc cũng là một kẻ mê tín, một hôm Minh Hiếu thỏ thẻ với người tình: Nghe đồn trên Đà Lạt có ông thầy Hoàng Chiêm giũ quẻ như thần, nhất định bắt người tình đeo lon tướng nhờ ông ta coi thử chuyện tình duyên "của hai đứa" cho bằng được. Chẳng biết Minh Hiếu đã móc nối trước với Hoàng Chiêm như thế nào mà ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, Vĩnh Lộc đã phục lăn, bởi thầy nói trúng phóc những điều thầm kín nhất của ông ta.

Chẳng biết tuổi thật Minh Hiếu cầm tinh con gì, nhưng thầy thì cứ một mực phán Minh Hiếu tuổi Nhâm Ngọ (1942), cặp với tuổi Bính Dần (1926) của Vĩnh Lộc thì rất vượng phu ích tử. Thầy lại phán mạng của Vĩnh Lộc là lư trung hỏa, còn Minh Hiếu là dương liễu mộc. Mộc sinh hỏa. Nếu hai người thành vợ, thành chồng thì Vĩnh Lộc sẽ đại phát đến tột đỉnh công danh. Hoàng Chiêm còn tán thêm, lá số của Vĩnh Lộc là của kẻ đại nhân, còn Minh Hiếu là mệnh phụ, nên trời đất xui khiến phải gặp nhau để kết mối lương duyên! Vốn đã chết mê, chết mệt Minh Hiếu, nay được nghe thêm lời Hoàng Chiêm khích lệ, Vĩnh Lộc càng có cớ để tự dối mình mà cương quyết bỏ vợ, bỏ con. Minh Hiếu đắc thắng, nghiễm nhiên trở thành phu nhân của trung tướng tư lệnh một quân đoàn, và tất nhiên bỏ luôn nghề ca hát!

Tết Mậu Thân (1968), chế độ Sài Gòn đã ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị không được rời nhiệm sở để đề phòng bất trắc, Vĩnh Lộc vẫn bất chấp ngang nhiên bay về Sài Gòn ăn tết với Minh Hiếu. Pleiku cũng như nhiều đô thị khác, cũng bị quân Giải phóng tấn công tơi tả. Sau khi ăn tết hả hê xong, Vĩnh Lộc vẫn không chịu vào nhiệm sở mà về tư dinh của mình nằm mơ màng. Đang chợp mắt, xấp ảnh ông ta chụp với Minh Hiếu vẫn để trên ngực, thì viên đại tá Mỹ J.W. Barnes, Cố vấn trưởng Quân đoàn 2, cho người đến mời Vĩnh Lộc vào để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách. Bị đánh thức khỏi cơn hồi tưởng lạc thú, Vĩnh Lộc nổi nóng, quát tháo đuổi viên sĩ quan liên lạc ra ngoài. Vĩnh Lộc bảo ông ta chỉ nhận lệnh của Tổng thống Thiệu mà thôi.

Vào Bộ Tư lệnh quân đoàn, giáp mặt đại tá Barnes, Vĩnh Lộc vẫn dấm dẳng: "Tôi không phải là một trung sĩ Mỹ, tôi là tướng tư lệnh Quân đoàn 2", rồi đi thẳng lên lầu, không thèm bàn công việc. Một bản báo cáo đã được Barnes gửi lên Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam, tố cáo Vĩnh Lộc bỏ bê nhiệm sở khi dầu sôi lửa bỏng để chơi trò ái tình mèo vờn chuột. Lập tức, Vĩnh Lộc bị cách chức tư lệnh Quân đoàn 2, về Sài Gòn làm phụ tá Tổng tham mưu trưởng đặc trách quân huấn, kiêm chỉ huy trưởng Trường cao đẳng Quốc phòng.

Đến năm 1973, Vĩnh Lộc lại bị Nguyễn Văn Thiệu tước sạch mọi chức vụ vì lý do, trong một chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ, Vĩnh Lộc đã tự ý bay sang Pháp để liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại. Số phận tưởng chừng đã được an bài, bỗng nhiên sáng 29/4/1975, ông ta lại được Dương Văn Minh chỉ định làm Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH. Nhậm chức, ông ta lớn tiếng hô hào số quân sĩ sát cánh tử thủ đến cùng. Nhưng chỉ chưa đầy một ngày, sáng 30/4/1975, Vĩnh Lộc đã vội tháo bỏ hết quân phục, chạy thục mạng xuống bến Bạch Đằng, nhảy phóc lên một chiến hạm nhỏ cuối cùng còn lại, để vừa kịp ra khơi, sống đời lưu vong từ đó

Từ khóa » Trung Tướng Vnch Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc