Ba Mẹ Tôi Là Nhà Báo - Báo Bình Phước

Cũng vì câu nói ấy của mẹ mà những ngày cuối tuần, tôi theo mẹ đi trực hoặc vào cơ quan những ngày lễ, tết, Quốc tế Thiếu nhi, gặp bác Long (Phó giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước) là tôi tranh thủ chạy thật nhanh đến, nhanh nhảu nói: “Con chào bác Long”. Bác Long cười hiền và trả lời: “Ừ, bác Long chào con, bé Giang nay lớn quá ta!”. Lúc ấy tôi vui lắm. Tôi nghĩ, bác hiền vậy sao đuổi việc mẹ được.

Thời gian trôi qua, tôi cũng lớn lên và dần hiểu được mọi chuyện không như mẹ nói. Tháng trước, ngồi ăn cơm cả nhà, mẹ tôi bảo: “Mới đó là đã 20 năm, anh Long cũng sắp về hưu rồi...”. Tôi nghe cũng giật mình, rồi nghĩ: Thì mình cũng đã 18 tuổi rồi còn gì. Mình cũng sắp vào đại học, bác Long nghỉ hưu là đúng rồi. Bất giác trong lòng tôi cảm giác sắp xa một người vốn rất thân thuộc với gia đình.

Trong trận chiến chống dịch Covid-19, ba tôi - phóng viên quay phim Thổ Thanh và các cô, chú phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước không ngần ngại tiếp cận khu vực cách ly tập trung để có thông tin đầy đủ, thời sự nhất. Ảnh: Cẩm Liên

Với gia đình tôi, buổi sáng là mẹ chở tôi và em đi học, còn buổi chiều là ba đón vì mẹ tôi làm về muộn. Ba tôi là phóng viên quay phim nên thường đi công tác từ sớm. Hầu như ngủ dậy chẳng bao giờ tôi thấy ba đâu và gia đình tôi cũng không có khái niệm ăn sáng và ăn trưa cùng nhau, chỉ trừ một số buổi thứ bảy hoặc chủ nhật tôi không phải đi học mới có thể đi ăn cùng gia đình. Vậy nên bữa tối thường là lúc gia đình tôi tập trung đầy đủ nhất.

Tôi nhớ, có lần, các cô chú ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước vào lớp tôi chọn và phát phiếu được vào đài làm khán giả để các cô chú quay phim trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi. Cô giáo chủ nhiệm chọn 10 người, trong đó có tôi. Các bạn tôi ai cũng vui mừng và háo hức vì được chọn. Đến khi cô gọi tên, tôi liền trả lời: “Dạ, để bạn khác đi cô, con vào đài hoài mà, ba con quay phim trong đó á, con không cần phiếu cũng vào được”. Thế là các bạn nhìn tôi với cặp mắt ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Còn tôi thì khỏi phải nói, khi đó vô cùng hãnh diện và tự hào.

Tuổi thơ tôi trôi qua, giờ đây là em tôi. Lúc nào em cũng nói: “Sao mẹ không về sớm. Con ước ba mẹ đi làm về lúc 5 giờ chiều như các cô chú để con được đón hai người về cơ”. Còn tôi, mỗi ngày cứ qua 11 giờ 30 phút hay 18 giờ, nhận điện thoại của mẹ gọi là câu: “Con nấu cơm cho ba về ăn, lo cho em kẻo mẹ về trễ”. Từ khi cơ quan mẹ hợp nhất thành Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, tôi thấy cả mẹ và ba đều bận rộn nhưng thu nhập cũng cao hơn. Hôm qua, chở tôi đến trường, mẹ nói: “Qua đợt cao điểm này, mẹ phải có kế hoạch sắp xếp lại công việc chứ còn mấy tháng nữa là con đi học đại học rồi”. Tôi bật tiếng trả lời: “Con nghe mẹ nói câu này từ năm ngoái đến giờ mà có làm được đâu!?”. Nói hờn thế thôi chứ tôi thấy mẹ làm việc cũng căng như dây đàn, còn hơn tôi học ôn thi lớp 12. Còn ba tôi, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, không có ngày nào ba được nghỉ ngơi. Có ngày, ba đi quay phim ở khu cách ly, về nhà ba nhanh chóng đi tắm mới vào phòng chơi với chị em tôi. Tôi nói: “Ba có bệnh nền sao còn vào đó?”. Ba mở hình quay về cho chị em tôi xem rồi trả lời: “Con thấy chưa, vất vả của ba mẹ đâu là gì so với các cô chú y, bác sĩ trong khu cách ly. Mấy tháng rồi họ chưa có một bữa ăn ngon, giấc ngủ ngon đó các con”. Cứ thế, ba mẹ tôi ngày nào cũng hăng say làm việc, về nhà lại bàn chuyện chuyên môn rất khí thế.

Ba mẹ tôi năm nào cũng đưa về rất nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng, đến nỗi hai ngăn tủ nhà tôi không còn chỗ để, ba phải chuyển lên trên gác. Vì thế, 12 năm học của tôi là 12 năm học sinh giỏi nhưng tôi chẳng dám khoe vì cảm giác nhỏ bé trước những thành tích của ba mẹ. Ba tôi nói: “Nghề của ba mẹ vừa lao tâm vừa lao lực nhưng cũng nhiều niềm vui và tự hào”.

Năm nay tôi 18 tuổi, chuẩn bị trưởng thành và bước vào một chặng đường mới, đón nhận cuộc sống mới cũng là lúc Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước phát động cuộc thi viết về nghề báo “Đam mê và cống hiến”. Tôi muốn nói nói ba mẹ rằng, với con, ba mẹ luôn là tấm gương sáng về sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống và trong học tập cũng như công việc. Con luôn tự hào về ba mẹ, về nghề báo mà ba mẹ đang theo đuổi. Nếu có cơ hội, tôi mong mình cũng sẽ trở thành nhà báo như ba mẹ.

Thổ Nguyễn Khánh GiangLớp 12A1.1, Trường THPT Hùng Vương

Từ khóa » Ba Má Tôi Là Ai