Ba Thập Niên Phát Triển Trường Dân Lập: Được Gì Và 'mất' Gì?

Ba thập niên phát triển trường dân lập: Được gì và mất gì? - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ GD&ĐT - Đồ họa: L.T.

Theo quy định lúc đó, trường tư gọi là trường dân lập, trường ngoài công lập hoặc tư thục (gọi chung là dân lập). Từ đó đến nay, hệ thống trường dân lập phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục, mang lại những tác động tuy chưa được đánh giá hết song chắc chắn là không nhỏ.

Thời nở rộ trường tư

Thành công của những trường dân lập thời kỳ đầu ở Hà Nội đã khiến trường dân lập nở rộ. Những trường dân lập đi sau như Lomonoxop, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, tiểu học Lê Quý Đôn... đều đã gây dựng được danh tiếng.

Đầu tư dạy học ngoại ngữ, các lớp tiếng Anh, lớp song ngữ Anh - Pháp, đi kèm là phương pháp dạy học, là hàng loạt các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm... cách làm ấy khiến những trường thế hệ thứ 2 nhanh chóng thu hút phụ huynh.

Thành công nhất với mô hình này là Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Trong một thời gian dài, nhiều phụ huynh muốn cho con vào trường này phải đầu tư "luyện thi" còn căng thẳng hơn thi đại học để trải qua kỳ kiểm tra đầu vào lớp 1.

Hàng trăm trường dân lập tiếp tục ra đời sau năm 2000. Có những trường tách ra từ đơn vị trực thuộc trường ĐH, có trường do doanh nghiệp thành lập.

Đó không còn là mô hình trường do một hoặc một nhóm nhà giáo lập như thế hệ trường dân lập đầu tiên mà là mô hình trường dân lập có hàng chục thành viên sáng lập. Đây cũng là thời kỳ trường dân lập ở Hà Nội có diễn biến phức tạp nhất. Có thời kỳ Hà Nội có trên 300 trường dân lập các cấp, nhưng đến hơn một nửa phải đi thuê chỗ dạy học.

Tình trạng trường đăng ký địa chỉ một nơi nhưng dạy học lại ở 2-3 địa điểm khác là không hiếm. Trường di động, nhảy dù khắp nơi. Giáo viên, cơ sở thiết bị dạy học của nhiều trường đều đi mượn mỗi khi có đoàn kiểm tra.

Thời kỳ này, ngay cả những trường từng có danh tiếng cũng khó duy trì chất lượng vì phải cạnh tranh, phải chạy theo lợi nhuận. Trường Lomonoxop phát triển thành hệ thống đa cấp từ tiểu học đến THPT nhưng chất lượng dạy học bị lung lay.

Một thời gian dài hiệu trưởng mất quyền kiểm soát bởi hội đồng quản trị quá đông người ngoài ngành giáo dục. Trường Đoàn Thị Điểm rơi vào áp lực do nhu cầu lựa chọn của phụ huynh quá lớn dẫn tới sĩ số nở ra, chất lượng đi xuống.

"Cú ngã" của các trường thuộc hàng thương hiệu xảy ra với cả những trường như Lương Thế Vinh, Marie Curie, khi các trường này có cơ ngơi mới, mở rộng quy mô, tăng học phí...

Nhiều trường được điều hành bởi các nhà giáo dục lão luyện, xoay xở tìm được sự ổn định về chất lượng bằng cách cải tổ quản trị, đưa công nghệ hiện đại vào dạy học và quản lý học sinh...

Một số trường mở rộng quan hệ quốc tế, nhập khẩu các chương trình dạy ngoại ngữ, dạy kỹ năng sống. Sau khoảng gần chục năm tìm cách vượt qua khủng hoảng, một số trường từng có thương hiệu đã phát triển thành hệ thống trường chất lượng cao.

Bên cạnh các trường thế hệ trước, có những nhân tố mới như Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hệ thống giáo dục Academy, Wellspring... Các trường đi theo mô hình chất lượng cao đã tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục (chương trình nhà trường), ngoài chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT.

Đây cũng là những trường có mức học phí khá cao - một cách tiếp cận khác hẳn với thế hệ các trường tư thành lập trước những năm 2000.

Nếu các trường có thương hiệu thời kỳ đầu như Lương Thế Vinh, Marie Curie hay một số trường tư có uy tín như Đào Duy Từ, Lomonoxop... có mức học phí từ 10 triệu - dưới 40 triệu đồng/năm, thì một số trường tư thời kỳ mới mức học phí từ 50-150 triệu đồng/năm, chưa kể các dịch vụ đi kèm (ăn bán trú, ôtô đưa đón)...

Thời kỳ này cũng mở ra một loại hình trường tư khác biệt: trường nội trú. Học sinh các trường này học và sống luôn trong khuôn viên trường, nhà trường không chỉ dạy học mà còn quản lý đời sống các em, rèn luyện sự tự chủ, tự lập. Các trường này cũng chú trọng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, phát triển các kỹ năng mềm...

Bên cạnh các trường thành công nhờ tìm cho mình một thế mạnh, hàng trăm trường dân lập ở Hà Nội trong giai đoạn "nở rộ" này sống leo lắt. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, Sở GD-ĐT Hà Nội siết chặt chỉ tiêu của các trường dân lập khi ràng buộc điều kiện đảm bảo chất lượng.

Vì điều này mà có những trường mất quyền tuyển sinh, có trường bị yêu cầu đóng cửa do không đảm bảo điều kiện. Cũng có trường được giao chỉ tiêu nhưng không tuyển sinh được.

TP.HCM: Tăng 10 lần trong 10 năm

Theo ông Lê Ngọc Điệp - nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, trường dân lập đầu tiên của TP xuất hiện tại quận Tân Bình và Gò Vấp vào những năm 1990: "Thời điểm đó, 2 quận trên có khá đông dân ở các tỉnh đến làm ăn, sinh sống. Do đó, trường dân lập ra đời để đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân nhập cư".

Ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết: Trường dân lập đầu tiên được thành lập ở quận Tân Bình là Trường tiểu học dân lập Thanh Bình năm 1992, tiền thân là ký túc xá Thanh Bình. Thời gian đầu, ký túc xá Thanh Bình chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là "nuôi" chứ không "dạy".

Học sinh ăn, ở tại ký túc xá; đến giờ học, nhân viên của ký túc xá đưa các học sinh đến trường phổ thông trên địa bàn quận Tân Bình. Bắt nguồn từ nhu cầu muốn cho con em học nội trú tại trường, Trường tiểu học dân lập Thanh Bình được thành lập với vài lớp.

Dần dần, số học sinh tăng lên. Và phụ huynh không chỉ có nhu cầu gửi con bậc tiểu học mà còn muốn gửi con ở bậc THCS và THPT. Nhà trường cũng mở rộng ra nhiều hình thức khác nhau: không chỉ có học sinh nội trú (ăn uống, ngủ nghỉ, học tập suốt cả tuần hoặc cả tháng mới về thăm nhà) mà còn có học sinh hệ bán trú (học tập, sinh hoạt và ăn uống từ sáng đến chiều trong trường, tối về nhà), hệ 2 buổi/ngày (học ở trường buổi sáng và chiều, trưa và tối về nhà).

"Thế nên, chúng tôi đã xin phép chuyển đổi thành Trường tiểu học, THCS và THPT Thanh Bình. Hiện trường có 40 lớp với 1.300 học sinh" - ông Lê Văn Linh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, những năm đầu thập kỷ 1990, TP.HCM chỉ có vài trường phổ thông dân lập với chưa tới 1.000 học sinh. Sau đó, chưa đầy 10 năm đã tăng lên 130 trường với gần 30.000 học sinh cho cả 4 cấp: mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Từ đó đến nay số trường, lớp, học sinh hệ dân lập tiếp tục tăng. Năm học 2018-2019, TP.HCM có 932 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT dân lập với 280.118 học sinh, tăng gần 10 lần so với 10 năm trước.

Ba thập niên phát triển trường dân lập: Được gì và mất gì? - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Giáo dục - Đồ họa: L.T.

Còn những băn khoăn

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hệ thống trường dân lập đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của giáo dục TP cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp con em nhân dân. Trong bối cảnh số học sinh ở TP tăng cao theo từng năm, dù các địa phương tích cực xây thêm trường mới, hệ thống trường công lập cũng không đáp ứng đủ số chỗ học cho tất cả học sinh độ tuổi đến trường.

Việc xuất hiện của các trường dân lập đã "gánh" bớt áp lực về chỗ học cho các trường công. Các trường tư còn đáp ứng được một số nhu cầu đặc thù mà trường công lập không thể hoặc khó thực hiện như: nhận học sinh nội trú, giảm sĩ số học sinh/lớp, thí điểm áp dụng một số chương trình giảng dạy tiên tiến trên thế giới...

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng: "Tồn tại của hệ thống trường dân lập hiện nay chính là cơ sở vật chất, trường lớp chưa đồng bộ, một số trường không có sân chơi hoặc sân chơi rất hẹp nên khó có thể tổ chức các hoạt động tập thể; cơ sở thực hành, thí nghiệm và những hoạt động đổi mới dạy học ở một số trường vẫn chưa đạt yêu cầu theo chủ trương cải tiến của Sở GD-ĐT TP.

Đó là chưa kể có trường còn chưa đáp ứng được số lượng giáo viên cơ hữu theo quy định. Một số ít trường còn dạy học theo hướng thực dụng nên chưa giáo dục toàn diện cho học sinh".

Theo đánh giá của Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, hệ thống trường dân lập ở TP đang phát triển theo 2 xu hướng. Hướng thứ nhất là đầu tư vừa phải, chất lượng giáo dục không cao nhưng thu hút học sinh bằng mức học phí rẻ, đáp ứng nhu cầu gửi con cả ngày ở trường của phụ huynh với mục đích tránh cho học sinh khỏi những cạm bẫy như hút chích, đánh nhau...

Hướng thứ hai là những trường thu học phí từ khá cao cho đến rất cao, nhưng đây là những trường đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu cao của một bộ phận phụ huynh có điều kiện tài chính tốt.

"Tuy nhiên, dù phát triển theo xu hướng nào thì trường dân lập nào tạo được uy tín và thu hút học sinh đều phải hoạt động trên cơ sở "quyền lợi học sinh và lợi nhuận của trường phải cân bằng với nhau". Những trường đưa yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu sẽ khó tồn tại bền vững" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định.

Cũng theo vị cán bộ trên, thực tế cho thấy trường tư luôn luôn có nhà đầu tư. Và hiệu trưởng trường tư chỉ là người làm thuê. Khi quan điểm giáo dục của hiệu trưởng và nhà đầu tư thống nhất và đồng điệu thì trường sẽ phát triển nhanh và ngược lại.

Thực tế, nhiều trường tư không thể phát triển vì nhà đầu tư đưa lợi nhuận lên hàng đầu, gạt bỏ nhiều hoạt động cần có trong việc giáo dục học sinh thì sẽ nhanh chóng lụi tàn.

Trong số các trường tư mang danh "quốc tế" hiện nay ở Hà Nội, chỉ có 11 trường thực sự là trường quốc tế theo quy định của luật pháp VN, nhiều trường khác chỉ là danh xưng nhằm lôi cuốn người học.

Cùng với đó là những lập lờ về các "yếu tố nước ngoài" trong chương trình đào tạo, các dịch vụ chăm sóc thu phí cao.

Câu chuyện đau lòng mới đây ở Trường Gateway (quận Cầu Giấy), một học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô (theo thông tin ban đầu), đã bộc lộ một thực tế là quy trình quản lý học sinh, dịch vụ giáo dục của ngôi trường này không hoàn hảo, chuyên nghiệp như mức tiền học phí trên 100 triệu đồng/năm học của nó.

Và còn nhiều vấn đề hệ lụy khác từ cuộc cạnh tranh khốc liệt của các trường tư hiện nay đang đòi hỏi hành lang pháp lý phải sớm được củng cố, điều chỉnh.

Những chông gai, thăng trầm trong câu chuyện mở trường phổ thông dân lập thuở "sơ khai" ở Hà Nội, những thành công và bất cập ở thời kỳ trường tư phát triển mạnh mẽ phải là những bài học cần được đánh giá chính xác và kịp thời.

Bởi nó không chỉ giúp cho người đi sau trong chuyện mở trường, quản trị trường, mà đó còn là cơ sở thực tiễn sống động cho những thay đổi trong hành lang pháp lý, giữa một chủ trương thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Sự chuyển dịch trong tâm lý chọn trường

Trong 520 trường dân lập ở Hà Nội, có 102 trường trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội. Có 58 trường trong số này đã được TP Hà Nội giao thuê đất (chiếm 56,9%).

Hà Nội hiện có 102 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 14.825 tỉ đồng, sử dụng 1.826.350m2 đất. Có 68 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: THCS&THPT Marie Cuirie tại quận Nam Từ Liêm với kinh phí 350 tỉ đồng, Trường tiểu học, THCS&THPT Vinschool tại quận Hai Bà Trưng với kinh phí 800 tỉ đồng... Trung bình hằng năm huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.500 tỉ đồng xây dựng trường lớp học dân lập.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục dân lập đã giải quyết chỗ làm cho gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trên địa bàn TP, mỗi năm thu hút nguồn ngoài ngân sách được gần 3.200 tỉ đồng để trả lương.

Trong số 18 trường chất lượng cao ở Hà Nội có 5 trường tư. Có 7 trường tư được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ năm học 2016-2017 đến nay, tổng số trường ngoài công lập ở Hà Nội được đánh giá ngoài là 37 trường.

Khác với thời kỳ học sinh trượt trường công mới phải vào trường tư, bây giờ nhiều phụ huynh chọn trường tư cho con ngay từ bậc tiểu học vì thích cơ sở vật chất, dịch vụ của các trường, thích xu hướng đầu tư cho ngoại ngữ, cho kỹ năng mềm của các trường tư.

Không chỉ góp phần giảm tải cho giáo dục thủ đô, nhiều trường tư hiện nay tiên phong trong việc triển khai các mô hình giáo dục, phương pháp giáo dục hiện đại. Nhưng khác với dân lập, bức tranh trường tư luôn đa dạng và cũng phức tạp do phải cạnh tranh, phải chịu quy luật đào thải.

VĨNH HÀ

Hiệu trưởng một trường dân lập ở TPHCM: qua rồi thời "hoàng kim"

Cách đây hơn 10 năm, nhu cầu gửi con ở các tỉnh về TP.HCM học tập của phụ huynh rất cao. Đó là thời kỳ hoàng kim của các trường THCS, THPT dân lập. Nhưng sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều phụ huynh gặp nhiều khó khăn về tài chính nên nhu cầu gửi con về TP.HCM học tập giảm thấy rõ.

Hiện chỉ còn 2 nhóm học sinh ở tỉnh về TP.HCM học tập: một là học sinh học giỏi, phụ huynh cố gắng đưa con em về TP học tập để các em có thể đậu vào đại học công lập. Hai là học sinh quá hư, phụ huynh không thể dạy nổi nên "tống" vào trường tư, với hi vọng nhà trường sẽ giúp họ cảm hóa được các em.

Vì vậy những năm gần đây, các trường tư thục ở TP phải chú ý và quan tâm hơn đến đối tượng học sinh là người TP, và hiện số học sinh diện này chiếm đa số ở các trường tư. Hiện hệ nội trú không hấp dẫn như trước, trong khi hệ bán trú ngày càng tăng số học sinh vì người dân TP chỉ có nhu cầu cho con em học hệ bán trú mà thôi.

H.HƯƠNG

Nhiều phân khúc khác nhau

"Tôi là nhà giáo 100% nên gần như không biết gì đến những thủ tục đi xin đất, lập dự án, nhưng nếu không "nhảy vào lửa" thì không thể có trường. Ai cũng bảo tôi quá liều, quá mạo hiểm" - thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, bộc bạch.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những trường dân lập đầu tiên có ngôi trường vật chất hiện hữu. Nhưng ít ai biết đích thân thầy hiệu trưởng phải đi gặp từng thầy, cô giáo, phụ huynh để vay "nóng" tiền, đi thuê đất của dân xây lên cơ ngơi đầu tiên. Khi được cấp đất rồi, ông cũng là người thân chinh đến các nhà dân thuyết phục họ đến cuộc họp để trình bày chuyện đền bù đất xây trường.

"Không thể dựa vào ai, phải tự thân vận động. Lần đầu thuyết phục dân, có những cụ già còn quay mặt đi không thèm trò chuyện. Họ nghĩ trường tư là kinh doanh, lấy đất của dân để xây nhà, làm kiôt kiếm lời. Nhưng rồi cuối cùng dân cũng thông. Vì họ biết tôi là nhà giáo chứ không phải dân kinh doanh. Đến giờ tôi vẫn phải giữ lời hứa với họ, mở trường để dạy học, không phải chạy theo lợi nhuận" - thầy Hòa chia sẻ.

Hai ngôi trường dân lập có "thương hiệu" ở Hà Nội là Lương Thế Vinh và Marie Curie có bề dày 30 năm, hiện cả hai trường này đều đi theo mô hình đa cấp học. Nhưng khởi thủy, Trường Lương Thế Vinh chỉ có học sinh THPT (hiện có thêm THCS) và trường Marie Curie chỉ có THCS và THPT (hiện có thêm tiểu học).

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie, kể "năm 1988-1989, đang làm việc trong môi trường nhà nước mà quyết định ra khỏi biên chế là điều rất kinh khủng", và chỉ vì khát vọng thành lập một ngôi trường của riêng mình rất lớn mới khiến ông mạo hiểm như vậy.

"Tôi bắt đầu va chạm với nhiều vấn đề về quản lý, trong bối cảnh hành lang pháp lý để khuyến khích xã hội hóa giáo dục không như bây giờ. Mọi thứ đều phải suy nghĩ vì không thể cứ thẳng băng mà đi là tới được" - thầy Khang kể lại.

Khác với những trường tư bây giờ mở trường đã thu hút người học bằng học phí khủng, những trường thời kỳ đầu phải cân đong đo đếm để giải bài toán học phí rất căng thẳng. "Thay vào việc thu học phí cao, thời kỳ đó tôi duy trì mức học phí bình dân.

Cùng với đó là nỗ lực khẳng định chất lượng dạy học để gây dựng uy tín, thu hút nhiều người học. Học phí thấp nhưng học sinh đông thì vẫn có khả năng tài chính trang trải được cho hoạt động của trường" - thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.

Cũng theo thầy Khang, trong tình huống chưa có trường ở thời kỳ trước, nếu tiền đi thuê chiếm tới trên 20% tổng số học phí thì có nghĩa đã vượt ngưỡng không an toàn. Bởi thế, các trường dân lập thời kỳ này luôn trong tình trạng "đi trên dây".

Mức vài trăm ngàn đồng/tháng được Trường Marie Curie duy trì nhiều năm. Tương tự, một số trường ngoài công lập thời kỳ đầu của Hà Nội tìm cách ghi dấu ấn riêng: Trường Lương Thế Vinh có định hướng để tỉ lệ đỗ đại học của học sinh ở mức cao, cạnh tranh với các trường công lập tốp đầu trong việc thu hút học sinh giỏi ở đầu vào.

Trường Marie Curie trong khoảng 10-15 năm đã chọn "phân khúc" ở bậc THCS khi đầu tư đội ngũ giáo viên giỏi, chọn lựa đầu vào bằng kỳ tuyển sinh khắt khe như thi đại học. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lại đi theo hướng chú trọng giáo dục học sinh yếu, kém, đầu tư cho công tác giáo viên chủ nhiệm. Trường Nguyễn Siêu rèn về nề nếp, chọn "phân khúc" đầu tư mạnh ở tiểu học, sau đó mới lan tỏa dần tới các bậc học cao hơn

Thời kỳ này có một trường ngoài công lập ở Hà Nội khá đặc biệt là Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ngôi trường do TS Nguyễn Tùng Lâm lập ra. Trong đề án trình TP, ông hướng đến đối tượng học sinh khó khăn, học sinh bị xem là hư hỏng, bị đuổi học ở những trường khác.

Thương hiệu ngôi trường này có được không phải ở tỉ lệ đỗ đạt cao mà là cách nâng đỡ, giúp những học sinh bị gia đình, bị trường khác bỏ rơi nên người. Những bài học "dạy người" ở ngôi trường này còn có giá trị đến tận bây giờ.

Dù là cách khác nhau nhưng đặc trưng của những trường ngoài công lập thời kỳ thập kỷ 1990 tới đầu những năm 2000 là chọn đối tượng học sinh để tạo điểm riêng. Những trường thế hệ này không thu hút người học bằng cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại.

Đơn giản vì thời kỳ đó, những người mở trường chưa có cơ chế hỗ trợ. Trường Marie Curie và Lương Thế Vinh đến những năm 2012-2013 mới thực sự có ngôi trường của mình mà không phải đi thuê.

VĨNH HÀ

Đề nghị sung công nếu giải thể trường dân lập Đề nghị sung công nếu giải thể trường dân lập

TTO - Trường THPT dân lập Phù Đổng được thành lập sau năm 1975, tự cân đối thu chi từ nguồn học phí. 4 năm qua trường tuyển không đủ chỉ tiêu, dẫn đến gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Từ khóa » Trường Dân Lập Thanh Bình Có Tốt Không