Bà Triệu - UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Vị trí con đường

Đường Bà Triệu nằm giữa ranh giới hai phường Phú Hội và Xuân Phú, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ ngã tư Hùng Vương (cạnh miếu Đại Càn) đến đường Nguyễn Công Trứ (sát chợ Cống, tiếp giáp cầu Vỹ Dạ), dài 1205m. Đường này hiện dành cho xe có trọng tải lớn từ Huế đi và về cảng Thuận An. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường có từ những năm đầu thế kỷ 20, nguyên nền rải đất biên hòa; năm 1935 phần đường này sát nhập vào thành phố, trước 1975 thuộc quận Ba, là ranh giới giữa thành phố và một phần của huyện Hương Thủy. Từ năm 1945 trở về trước, người Pháp đặt tên là đại lộ Hoàng Tử Cảnh (Boulevard du Prince Canh); trước 1976 một phần là đường Nguyễn Công Trứ nối dài và một phần là đường Triệu ẩu. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Bà Triệu. Dân gian thường gọi một phần là đường Cầu thứ bảy, một phần là đường Đất mới.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Bà Triệu (ất Tỵ 225 - Bính Ngọ 248) Anh hùng dân tộc, tên thật là Triệu Thị Trinh, còn có các tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nhụy Kiều tướng quân, Lệ Hải Bà Vương, quê ở miền núi Quân Yên, huyện Quận Ninh, quận Cửu Chân, Nông Cống xưa (nay Quan Yên thuộc Định Công, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa). Lúc trẻ bà không lấy chồng, tương truyền vú dài ba thước vắt ra sau lưng, thường mặc áo ngà, cưỡi voi đánh giặc. Năm 247 bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa sĩ, vùng lên đánh đuổi quân cai trị nhà Ngô, cứu nước, cứu dân. Năm 248, giữa lúc đang chiến đấu ác liệt với quân Ngô, ông Triệu Quốc Đạt đột ngột lâm bệnh rồi qua đời, bà chít khăn tang, cưỡi voi, tiếp tục chỉ huy quân dân đánh đuổi kẻ thù. Trong một trận chiến không cân sức, lại bị kẻ phản bội mách nước cho giặc nên nghĩa quân bị đàn áp dã man. Bà phải rút lui trong thế cùng về vùng Bộ Điền, rồi lên núi Tùng tự đâm vào cổ mình, hy sinh oanh liệt, hưởng dương 23 tuổi. Mộ bà hiện vẫn nằm trên núi Tùng, Phú Diễn, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; dưới chân núi có đền thờ. Đời sau nhiều nơi dựng miếu đền thờ bà. Vua Lý Nam Đế (tức Lý Bôn) dựng đền thờ và truy phong bà là: "Bậc chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân". Dương Bá Trạc có bài thơ truy tôn ca ngợi bà: "Vùng vẫy non sông ba thước vú, Xông pha tên đạn một đầu voi. Thằng Ngô gan nhỏ kinh gầu rụng, Cửa tướng con dòng đích chẳng sai". Chùa Xuân Phú, Ban điều phối dự án đa dạng hóa nông nghiệp, Xí nghiệp In Chuyên dùng, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Bia chứng tích chiến công 11 cô gái Sông Hương, Sở Thương Mại nằm trên đường này.

Một góc đường

Từ khóa » Nguyên Cầu 16 Bà Triệu