Bác Hồ Ra đi Tìm đường Cứu Nước-bước Ngoặt Của Cách Mạng Việt ...

Trước thái độ đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than dưới gót giày xâm lược của chủ nghĩa thực dân cùng sự bất lực về con đường và phương pháp đấu tranh của những nhà yêu nước tiền bối, từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc thân yêu, thực hiện cuộc hành trình vĩ đại tìm con đường đấu tranh đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Nơi khởi đầu một hành trình vĩ đại

Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với bản lĩnh của một người yêu nước cùng nhãn quan chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành-người thanh niên ưu tú của dân tộc đã bước chân lên con tàu Latouche-Treville khởi đầu cho “cuộc quẫy mình” của một dân tộc. Khác với những bậc tiền bối, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn cho mình một con đường đi riêng. Người quyết định tìm đến với văn minh phương Tây, đến với nước Pháp-nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do-bình đẳng-bác ái”, xem nước Pháp và các nước khác làm cách mạng như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Đây chính là điểm khác biệt giữa Nguyễn Ái Quốc với các nhà cách mạng Việt Nam bấy giờ.

Bến Nhà Rồng năm 1911. Ảnh: TL

Năm 1923 khi trả lời một nhà báo Nga, Người nói: “Khi tôi 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau ba chữ ấy”. Người đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều học thuyết, nhiều cuộc cách mạng, hòa mình vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân… Nhưng Người biết rằng dân tộc Việt Nam không thể đi theo con đường đó bởi: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

Sau một hành trình đi qua nhiều quốc gia, năm 1917 Người trở lại Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Người nhiều lần yêu cầu Đảng cần có thái độ rõ ràng đối với cuộc đấu tranh đòi quyền tự do cho các dân tộc thuộc địa. Người gửi tới Hội nghị Vellsaile bản yêu sách 8 điểm để đấu tranh trực tiếp với kẻ thù đồng thời củng cố thêm nhận thức về bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản: Ở đâu chúng cũng như nhau, “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”.

Cách mạng Tháng Mười Nga-ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam

Qua những lần khảo cứu, tìm kiếm con đường đấu tranh đòi tự do, bình đẳng cho nhân dân An Nam bất thành, tháng 7-1920 Nguyễn Ái Quốc đã được đọc nội dung bản của “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin đăng trên Báo Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Luận cương của Lê-nin đã mở ra cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức mới về con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người thốt lên rằng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ cảng Sài Gòn. Ảnh: TL

Niềm vui đó đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc tìm đến với Lê-nin, tìm đến với Cách mạng Tháng Mười Nga để nghiên cứu và áp dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam. Người khẳng định dứt khoát chủ nghĩa tư bản không cứu được nước, không cứu được dân tộc Việt Nam thoát khỏi cuộc đời nô lệ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Sau khi đã xác định con đường cần thiết cho dân tộc, bằng hoạt động thực tiễn của mình Nguyễn Ái Quốc đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung, phát triển và truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Việt Nam. Thành công bước đầu của quá trình truyền bá con đường cách mạng vô sản là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930-nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 28-1-1941, trong tiết trời vào Xuân, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chính thức trở về sau một hành trình vĩ đại 30 năm. Người đã trực tiếp cùng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn chỉnh đường lối cách mạng, lãnh đạo Nhân dânViệt Nam vùng lên đấu tranh làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà-Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới trong lịch sử quang vinh của dân tộc-Thời đại Hồ Chí Minh.

Tiếp sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ "kháng chiến, kiến quốc", quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Với dã tâm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhưng với một chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã ra sức thi đua vừa phát triển kinh tế, chiến đấu bảo vệ miền Bắc XHCN vừa đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước tiến lên xây dựng CNXH.

Đất nước ta sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Ảnh: CTV

Trung thành với con đường cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã và đang giành được nhiều thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông có nhiều diễn biến căng thẳng, khó dự đoán, dịch Covid-19 phức tạp... nhưng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN, đưa Việt Nam sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới như lời Bác Hồ hằng mong.

Phùng Hải Châu

Từ khóa » Tóm Tắt Về Bác Hồ Ra đi Tìm đường Cứu Nước