Bạc Liêu: Đầu Tư Cho Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản

Khơi dậy tiềm năng

Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng bán đảo Cà Mau, có tổng diện tích tự nhiên là 246.872 ha; trong đó, 127.960 ha đất canh tác nuôi trồng thủy sản. Với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước khá đa dạng (mặn, lợ, ngọt) rất thuận lợi trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nuôi lợ nói riêng.

Cùng lợi thế giáp biển Đông, có sông, rạch ăn thông với biển Tây, ngoài việc hình thành 3 vùng sản xuất, Bạc Liêu còn có các tiểu vùng như: vùng chuyên canh tôm Nam quốc lộ 1A với 19.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, trên tổng số 127.000 ha toàn tỉnh và 2 năm trở lại đây phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” tôm của cả nước. Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định: Thủy sản (trong đó có cả nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản) là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá cho nền kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn 5 năm (2010 – 2015) đã ghi nhận nhiều bước chuyển biến tích cực trong phát triển thủy sản. Cụ thể, diện tích nuôi thủy sản tăng từ 125.767 ha lên 129.716, đạt 101,34% mục tiêu (tốc độ tăng bình quân hàng năm 1,34%); sản lượng tăng từ 149.281 tấn lên 184.000 tấn, đạt 102,22% mục tiêu (tốc độ tăng bình quân hàng năm 4,13%).

Hiện, Bạc Liêu đã xây dựng và hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 125.000 ha (trong đó, với các tiểu vùng sản xuất như: nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh quy mô 30.000 ha; tiểu vùng tôm – lúa 30.000 ha; tôm – rừng 10.000 ha và nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 55.000 ha); nuôi nghêu, sò trên đất bãi bồi ven biển là 3.000 ha và phát triển nghề nuôi cá chình ở những nơi có điều kiện gắn với chế biến xuất khẩu. Nuôi thủy sản được đánh giá là một trong những ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng rất nhanh; theo số liệu thống kê, năm 2000 sản lượng thủy sản nuôi trồng chỉ 22.366 tấn, chiếm 28,18% tổng sản lượng thủy sản; đến năm 2010 đã là 149.281 tấn, chiếm 61,93% tổng sản lượng thủy sản, tăng gấp 6,7 lần so năm 2000; đến năm 2015 con số này là 184.000 tấn, tăng gấp 8,2 lần so năm 2000, chiếm trên 56,8% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, kim ngạch xuất khẩu 28% GRDP của tỉnh, đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động.

bạc liêu đầu tư cho phát triển kinh tế thủy sản

Tôm là lĩnh vực chủ đạo trong phát triển thủy sản tại Bạc Liêu – Ảnh: Phan ThanhCường

Trong tháng 4/2016, diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh toàn tỉnh đạt 1.478 ha (trong đó, tôm sú 582 ha, tôm thẻ chân trắng 896 ha) tăng 827 ha so tháng trước và giảm 22 ha so cùng kỳ năm 2015, nâng diện tích thả giống tôm thâm canh, bán thâm canh lên 4.071 ha (trong đó, tôm sú 1.813 ha, TTCT 2.258 ha) tăng 258 ha so cùng kỳ năm 2015.

Cần đầu tư đồng bộ

Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ngành thủy sản Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, như:

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản. Đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi – thủy nông nội đồng phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống tại địa phương, địa phương đã đề nghị Trung ương xem xét đầu tư hệ thống 24 cống trên đê biển để chủ động hơn trong việc lấy nước mặn, đồng thời cho thi công 2 âu thuyền trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp để giữ ngọt cho vùng ngọt hóa Bạc Liêu – Cà Mau.

Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với vùng nuôi các sản phẩm chủ lực theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản; khuyến khích nuôi công nghiệp, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…), áp dụng công nghệ cao, từng bước đưa ngành nuôi tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh sâu nhằm tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh về thuốc, hóa chất, thức ăn, sản phẩm cải tạo môi trường kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc dùng trong nuôi thủy sản. Tạo điều kiện cho những cơ sở sản xuất giống thủy sản đầu tư nâng cấp, mở rộng nâng cao sản lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

ông lương ngọc lân giám đốc sở nn&ptnt bạc liêu>> Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yên tâm phát triển sản xuất. Khuyến khích đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Từ khóa » Thủy Sản ở Bạc Liêu