Bậc Phổ Thông Không Chú Trọng Dạy Từ Hán Việt - VnExpress

Thầy Phan Thế Hoài, thạc sĩ Ngôn ngữ học, giáo viên Văn trường THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, chia sẻ góc nhìn về việc dạy từ Hán Việt.

Từ bậc THCS cho đến bậc THPT hiện có quá ít bài học về từ Hán Việt khiến học sinh gặp khó khăn. Ở bậc THCS, chương trình lớp 6 hiện nay hoàn toàn vắng bóng kiến thức từ Hán Việt. Lớp 7, học kỳ I có hai bài "Từ Hán Việt" và "Từ Hán Việt" (tiếp theo); học kỳ II không có.

Thế nhưng sách Ngữ văn 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) có nhiều tác phẩm văn học trung đại phiên âm từ chữ Hán được đưa vào giảng dạy như: "Nam quốc sơn hà" - Lý Thường Kiệt; "Tụng giá hoàn kinh sư" - Trần Quang Khải ; "Tức sự" - Trần Nhân Tông (đọc thêm), "Thiên trường vãn vọng" - Trần Nhân Tông.

Chương trình lớp 8 cũng không đề cập đến từ Hán Việt. Lớp 9 chỉ có một vài bài tập luyện tập có nhắc đến từ Hán Việt. Trong khi đó, học sinh lớp 9 phải học tác phẩm văn học trung đại liên quan đến từ Hán Việt như "Hoàng Lê nhất thống chí" - Ngô gia văn phái.

Riêng chương trình ở bậc THPT không có một bài học nào đề cập đến từ Hán Việt. Nhưng sách Ngữ văn lớp 10, 11 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), phần văn học trung đại đưa những tác phẩm viết bằng chữ Hán vào chương trình như: "Thuật hoài" - Phạm Ngũ Lão, "Độc Tiểu Thanh ký" - Nguyễn Du, "Bình Ngô đại cáo" - Nguyễn Trãi , "Sa hành đoản ca" - Cao Bá Quát...

Sách Ngữ văn lớp 7 có nhiều tác phẩm văn học trung đại phiên âm từ chữ Hán. Ảnh: H.P.

Sách Ngữ văn lớp 7 có nhiều tác phẩm văn học trung đại phiên âm từ chữ Hán. Ảnh: H.P.

Nên dạy từ Hán Việt thế nào?

Theo chúng tôi, bậc THCS, học sinh phải hiểu nghĩa của những từ Hán Việt cơ bản, thường dùng trong đời sống và những từ có trong sách giáo khoa. Cụ thể, học sinh cần hiểu được từ Hán Việt là gì, đơn vị cấu tạo từ Hán Việt (yếu tố Hán Việt), từ ghép Hán Việt (từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ, cần lưu ý những hiện tượng liên quan đến trật tự từ vì cấu tạo từ của từ Hán Việt ngược với từ thuần Việt), thuật ngữ Hán Việt được sử dụng trong các môn học.

Trong đó, trật tự từ của từ Hán Việt cũng dễ gây nhầm lẫn, mơ hồ cho học sinh (kể cả người lớn) nên phải chú ý dạy kỹ. Ví dụ: "nhân văn"/"văn nhân"; "thân nhân"/"nhân thân"; "công nhân"/"nhân công"...

Học sinh biết cách sử dụng từ Hán Việt trong việc tạo sắc thái biểu cảm và không nên lạm dụng từ Hán Việt nếu có từ thuần Việt thay thế. Ví dụ, trong một số ngữ cảnh, chúng ta phải dùng từ Hán Việt mà không dùng từ thuần Việt có nghĩa tương tự như: "phụ nữ" (đàn bà), "từ trần" (chết), "mai táng" (chôn)... để tạo sắc thái trang trọng.

Và chúng ta thường nói "trẻ em" thay cho "nhi đồng", "mẹ" thay cho "thân mẫu", "vợ" thay cho "phu nhân"... trong những ngữ cảnh nhất định nhằm tạo sự gần gũi, thân tình.

Bên cạnh đó, học sinh phải hiểu rõ hiện tượng đồng âm giữa yếu tố Hán Việt và yếu tố thuần Việt. Ví dụ "hoa" (hoa quả, hoa mĩ); "phi" (phi công, phi pháp, vương phi), "gia" (gia chủ, gia vị)... Chính hiện tượng đồng âm này thường dẫn tới hiểu lầm nghĩa. 

Ở bậc THPT, học sinh cần hiểu những thành ngữ, tục ngữ cơ bản gốc Hán, vì có quá nhiều người lơ mơ. Ví dụ "An nhiên tự tại" nghĩa là thư thái, không có điều gì lo phiền; "Bách niên giai lão" nghĩa là trăm tuổi đều già (chúc vợ chồng sống trọn đời bên nhau); "Ý tại ngôn ngoại" (lời bên ngoài còn ý ở bên trong).

Giáo viên chúng tôi mong muốn các tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn lưu ý hơn kiến thức về từ Hán Việt ở bậc phổ thông cho đợt thay sách sắp tới.

Phan Thế Hoài

Từ khóa » Sinh Trong Từ Hán Việt Là Gì