Bắc Phú, đề Xuất điều Chỉnh Quy Hoạch Tuyến đường Vành đai 4 đi ...

Về phía tỉnh Bắc Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm Trưởng đoàn. Cùng dự có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai quy hoạch tuyến đường vành đai 4. Ảnh: Minh Ngọc

Tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011, có chiều dài hơn 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo tính toán, phương án và tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 105.000 tỷ đồng nếu là cao tốc đi bằng và khoảng 135.000 tỷ đồng theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến. Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới khoảng 25.000 tỷ đồng. Đây là tuyến vành đai giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng thuộc vùng Thủ đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm, tạo hệ thống phát triển hiệu quả.

Theo nghiên cứu quy hoạch ban đầu có đi qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang kết nối với tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên nhưng khi phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai IV vùng thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ không đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang.

Với mục tiêu tăng cường tính kết nối của toàn vùng và khu vực, tỉnh Bắc Giang đã lập quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến đường vành đai IV (Hà Nội) nằm trên địa phận tỉnh Bắc Giang (hướng tuyến chạy song song với tuyến đường vành đai IV vùng thủ đô Hà Nội).

Dự án bao gồm tuyến chính dài 20,872 km và 3 tuyến nhánh có tổng chiều dài 14,68 Km; sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trên lớp móng cấp phối đá dăm. Trước mắt đầu tư với quy mô đường cấp III, mặt đường rộng 11m, nền đường rộng 12 m; trên tuyến xây dựng 02 công trình cầu, gồm cầu vượt đường sắt dài hơn 200 m thuộc địa phận huyện Việt Yên và cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú vượt sông Cầu dài 479,5 m thuộc địa phận huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư 1.230,5 tỷ đồng.

Hiện nay toàn bộ công trình thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020, còn hạng mục tứ nón chân khay mố cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú chưa hoàn thành do huyện Sóc Sơn chưa bàn giao mặt bằng để thi công.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện thi công 3 km đoạn nối từ cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đến đoạn nút giao Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên theo như nội dung đã thống nhất tại Văn bản số 1062/UBND-ĐT ngày 13/3/2017 của UBND TP Hà Nội; giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại sớm hoàn thành, bàn giao mặt bằng để thi công hạng mục tứ nón chân khay của cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú; đồng thời sớm thực hiện đầu tư dự án: Xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tuyến vành đai 4 đi qua địa phận Bắc Giang như quy hoạch cũ, đưa tuyến vành đai 4 mà Bắc Giang đã thi công xong vào quy hoạch đường vành đai 4 mới.

Bộ Giao thông-Vận tải và TP Hà Nội cũng đã trao đổi và đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Giang. Với sự đồng thuận tại hội nghị, trong thời gian tới, việc triển khai sớm 2 nội dung trên sẽ góp phần đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cho tỉnh Bắc Giang, tạo không gian và dự địa phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Cũng tại hội nghị, sau khi thảo luận, các tỉnh, TP ký biên bản ghi nhớ, thống nhất quan điểm triển khai đầu tư theo hình thức hỗn hợp, đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến; các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng theo các dự án riêng trên địa bàn.

T.Ư sẽ hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, các địa phương có tuyến đi qua ưu tiên bố trí ngân sách tham gia một phần dự án đường dưới thấp. Bộ Giao thông-Vận tải sẽ nghiên cứu, cập nhật, bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay để lựa chọn phương án tối ưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch./.

Theo Baobacgiang.com.vn

Từ khóa » Bản độ đường Vành đai 4 Bắc Giang