Bác Sĩ Bị Tố Chích Mông Làm Liệt Chân - PLO

Ông Nguyễn Ngọc Đại (65 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết ngày 8-5-2012, trên đường chạy xe máy cùng vợ về nhà thì thấy chân đau nhức nên ghé vào phòng khám của BS Phan Dũng Sĩ (ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp) để nhờ chích thuốc.

Chích xong bị… liệt bàn chân?

BS Sĩ là chỗ ông Đại thường ghé khám, chữa bệnh. Tại đây, ông được bơm một nửa thuốc trong ống tiêm vào mông, nửa còn lại bơm vào bắp chuối chân phải. Khi bác sĩ rút kim ra khỏi chân thì ông cảm thấy chân mình bị liệt toàn bộ ở bàn chân phải nên kêu vợ báo với bác sĩ. Bác sĩ nói do chạy xe đường xa nên bị tê, cứ nằm nghỉ một hồi sẽ hết. Tuy nhiên, “tôi nằm một lúc cũng không thấy hết. Bác sĩ nói khuya rồi điện thoại cho người nhà chở về nghỉ, sáng ra khám lại. Sáng hôm sau, BS Sĩ khám và hứa điều trị chân tôi từ 10 đến 12 ngày là sẽ khỏi, do gân nên trị hơi lâu. Nhưng sau ba ngày không thấy khỏi, tôi lên Cần Thơ khám. Bác sĩ ở BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ nói chân phải của tôi bị liệt ở bàn”.

Sau đó ông Đại có qua BV Y học cổ truyền Cần Thơ điều trị rồi quay lại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhập viện. Tại đây, BV thông báo ông bị thoát vị đĩa đệm. Được một bác sĩ tư hướng dẫn, ông Đại lên TP.HCM mổ. Trước khi đi, “BS Sĩ kêu tôi ra nhà để tính. Bác sĩ có hỏi là đi trị ở BV hết bao nhiêu tiền, khi tôi nói hết mười mấy triệu đồng kể cả tiền đi lại, ăn uống thì bác sĩ nói là không phải bồi thường gì hết, tôi chỉ tiếp cho chú 3 triệu đồng để ăn uống” - ông Đại kể.

Sau khi mổ xong, bàn chân phải ông Đại vẫn bị liệt nên ông có quay lại TP.HCM và BV đã mổ cho ông thông báo phần thoát vị đĩa đệm BV đã mổ thành công, còn phần chân là ảnh hưởng chích thuốc trước đây.

Ông Đại với bàn chân phải bị liệt. Ảnh: GIA TUỆ

Hỗ trợ tiền chứ không phải bồi thường

Ông Đại đã làm đơn khiếu nại tố cáo BS Phan Dũng Sĩ đến cơ quan chức năng. Tháng 8-2012, BV Đa khoa Phụng Hiệp - nơi BS Sĩ công tác đã tổ chức buổi làm việc giữa ông Đại, lãnh đạo BV và BS Sĩ. Tại đây, ông Đại khẳng định sau buổi tối chích thuốc tại phòng khám thì mấy ngày sau BS Sĩ có thủy châm cho ông nhưng không khỏi nên ông đã đi TP Cần Thơ khám và điều trị. Còn BS Sĩ tường trình số tiền 3 triệu đồng đưa cho gia đình ông Đại là hỗ trợ điều trị chứ không phải tiền bồi thường. Khi gia đình ông Đại đặt vấn đề liệt bàn chân có điều trị hết hay không thì BS Sĩ cho biết theo chuyên môn, điều trị hết liệt chân là không được.

BS Lý Minh Quang, Giám đốc BV Đa khoa Phụng Hiệp, tiên đoán có thể tiền sử bản thân có thoát vị đĩa đệm, trùng trường hợp BS Sĩ tiêm thuốc, khả năng điều trị hết liệt hoàn toàn rất khó. BS Quang đề nghị gia đình ông Đại và BS Sĩ có thể bàn bạc lại chi phí điều trị. Tuy nhiên, ngay trong buổi làm việc nói trên, giữa các bên không thống nhất được mọi việc. Ông Đại đề nghị BS Sĩ trả lời rõ là có chích thuốc làm liệt chân ông tại giường không. BS Sĩ đã trả lời: “Theo chuyên môn, đó không phải là liệt chân mà chỉ là hạn chế vận động”.

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đại cho biết do hòa giải không thành nên ông đã gửi đơn cho lãnh đạo Sở Y tế, công an huyện và TAND huyện Phụng Hiệp vào tháng 2-2013 kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Tuy nhiên, tòa đã không nhận đơn vì cho rằng hồ sơ thiếu giấy chứng nhận sức khỏe. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng xem xét phán xử công bằng cho tôi. Bàn chân phải liệt không làm ăn được gì nên cần làm rõ để xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, BS Lý Minh Quang cho biết BS Sĩ công tác tại BV và có giấy phép hành nghề mở phòng khám tư. Trước đây, BV đã làm việc với hướng giải quyết dĩ hòa vi quý chứ không thể xác định được đúng sai. BV không đủ khả năng để lập hội đồng xem xét mà chỉ tham khảo hồ sơ bệnh án. “Chú Đại không hài lòng và chỉ khăng khăng cho rằng do bác sĩ chích. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm và đã hướng dẫn gia đình bước khiếu nại về trên theo quy định”.

Đặt vấn đề về 3 triệu đồng cho gia đình ông Đại thì BS Sĩ giải thích là vì tình người, hỗ trợ bồi dưỡng sức khỏe mà thôi. Trả lời câu hỏi việc liệt bàn chân có lỗi của bác sĩ hay không thì BS Sĩ nói: “Cái đó không phải do mình, không chịu trách nhiệm”. Bác sĩ cũng nói thêm là thoát vị đĩa đệm có nhiều biến chứng như teo cơ, chân rớt và mổ rồi nhưng về nhà vẫn có những biến chứng sau mổ với tỉ lệ biến chứng 20%-30%.

Qua trao đổi điện thoại, BS Võ An Ninh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết trước đây Sở đã trả lời đơn của ông Đại và nếu cần PV có thể chuyển đơn của ông Đại để Sở xem xét lại. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo cho Thanh tra Sở làm việc với các bên liên quan, nắm lại toàn bộ sự việc, từ đó có câu trả lời cụ thể cho trường hợp này” - BS Võ An Ninh nói.

GIA TUỆ

Tháng 11-2012, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang Phan Thanh Tùng có công văn trả lời khiếu nại của ông Đại, trong đó phía Sở Y tế cho rằng căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo thì đơn của ông Đại không thuộc thẩm quyền xem xét của Sở do đây là nội dung khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, phía Sở lại đưa ra nhận xét là sau khi xem xét tường trình của ông Đại, hồ sơ bệnh án của ông này tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hồ sơ bệnh án tại BV ĐH Y Dược TP.HCM và qua hồi cứu các vấn đề trên việc BS Sĩ thủy châm hai huyệt hoàng khiêu và thừa sơn là không gây ra bàn chân rớt. Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cũng gợi ý nếu như ông Đại không đồng ý với ý kiến trên thì căn cứ Luật Tố tụng hành chính có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Tiêm ở Mông Bị Nhức