Bác Sĩ Đỗ Doãn Bách: “Mọi Cống Hiến đều Là Trải Nghiệm Của Bản Thân”
Có thể bạn quan tâm
Dẫu biết rằng, chông gai, áp lực và nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn thường trực nhưng họ vẫn thầm lặng hy sinh, gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người.
Những chuyến đi kết nối cộng đồng
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ngành y, thế nhưng ban đầu anh Bách lại chọn ngã rẽ trường Đại học Giao thông Vận tải làm nơi học tập. Từ sự động viên của ông nội là một Giáo sư trong ngành Y, anh mới quyết định theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Trở về nước, anh tiếp tục theo học chuyên sâu ngành tim mạch và về làm việc tại Viện Tim mạch, BV Bạch Mai. Cho đến nay, anh Bách luôn đau đáu lời dạy của ông nội rằng: "Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, từ đó mọi hành động ắt sẽ thành công". Trong suốt 5 năm công tác tại BV Bạch Mai, bác sĩ Bách tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Những chuyến đi tình nguyện giúp anh kết nối được với người dân và các đồng nghiệp.
Và khi đại dịch Covid-19 xảy ra, vị bác sĩ trẻ ở tuổi 31 lại càng thấm thía hơn lời dạy của bậc tiền bối nên anh luôn khát khao, mong muốn được đến tận nơi, giúp đỡ được càng nhiều người bệnh càng tốt. Tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng, y tế địa phương bị quá tải, hàng chục nghìn cán bộ y, bác sĩ, tình nguyện viên trên cả nước được kêu gọi, điều động vào hỗ trợ. Đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, bác sĩ Bách viết đơn xung phong vào Nam chống dịch.
“Khi vào Nam chống dịch, tôi lên đường chiến đấu trong tâm thế tự hào, bởi mình làm được việc thực sự có ích cho xã hội, dẫu biết rằng, cuộc chiến sẽ khốc liệt, còn đó những gian nan, vất vả. Nhưng tôi biết nơi ấy, người dân, người bệnh đang rất cần mình…” - bác sĩ Bách tâm sự.
Với tâm niệm, mọi cống hiến đều là trải nghiệm của bản thân mình sau này. Thế nên, khi Nam tiến chống dịch trực tiếp với vai trò là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nặng thuộc tầng 5 (trong tháp điều trị 5 tầng của TP), bác sĩ Bách không dừng lại ở công việc chuyên môn, mà còn tích cực tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để sàng lọc và tư vấn cho bệnh nhân Covid-19. Những ngày đầu, bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp trong Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ người bệnh từ xa. Từ đó, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được thành lập (tháng 8/2021) trong thời gian “thần tốc” chỉ 10 ngày, nơi đây, trở thành “cánh tay nối dài” cho y tế địa phương. Ngay từ khi đi vào hoạt động, Mạng lưới đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hỗ trợ chia sẻ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân từ xa, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, hạn chế đi lại.
Tại đây, các bác sĩ và tình nguyện viên y tế được cung cấp công cụ, nhận thông tin bệnh nhân từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các địa phương thông qua hệ thống công nghệ. Từ đó, họ gọi điện trực tiếp, phân loại, hướng dẫn và trấn an bệnh nhân, hạn chế các trường hợp tử vong do không được tiếp cận y tế kịp thời. Trong quá trình hướng dẫn cho bệnh nhân, các bác sĩ và tình nguyện viên y tế sẽ phân loại nặng, nhẹ cho bệnh nhân… Với những trường hợp bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ cũng sẽ điều phối, liên hệ y tế địa phương giúp bệnh nhân sớm được chuyển tới bệnh viện điều trị.
Là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Bách đảm đương việc vận hành mạng lưới ở Bình Dương và phụ trách tuyển dụng bác sĩ, tình nguyện viên cho toàn bộ mạng lưới. Mục tiêu của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là cố gắng tạo công cụ để làm sao tất cả bác sĩ trên cả nước đều có thể hỗ trợ được các tỉnh, thành phía Nam bị quá tải y tế thời điểm đó. Mạng lưới sẽ tiếp cận được những bệnh nhân F0 để tư vấn, làm giảm sự hoang mang, lo lắng của người bệnh và sàng lọc những trường hợp nào thực sự cần phải vào viện.
“Tôi may mắn được tham gia vào BV Dã chiến số 16 TP Hồ Chí Minh do BV Bạch Mai đảm trách. Tôi đều cố gắng giải tỏa cho bác sĩ, bệnh nhân về mặt tâm lý. Do số lượng bác sĩ không nhiều nên không thể yêu cầu đầy đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng chữa trị, mong bệnh nhân, người bệnh sớm qua khỏi. Khi bệnh nhân trở nặng, kết nối giữa bệnh nhân và người nhà gặp khó khăn nên bác sĩ là người đóng vai trò quan trọng giúp người dân tin tưởng vào hệ thống y tế” - bác sĩ Bách chia sẻ.
Sợi dây kết nối, giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân
Từ khi tham gia chống dịch, nhiều bệnh nhân biết số điện thoại của bác sĩ Bách nên chủ động gọi điện đến nhờ tư vấn trực tiếp, người quen cũng gọi xin tư vấn. Bác sĩ chia sẻ, có những thời điểm tiếng chuông điện thoại đổ dồn đến khiến anh ám ảnh. Bởi trong quá trình tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có nhiều ca bệnh, dù đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không được như ý muốn.
Cho đến giờ, có một ca bệnh khiến bác sĩ trẻ vẫn mãi trăn trở. Đó là trường hợp gia đình chỉ có hai mẹ con đều là F0. Khi cả hai mẹ con cùng sốt, người mẹ trở nặng không có người giúp đỡ, bác sĩ Bách phải huy động thêm người đến hỗ trợ. Và khi người mẹ chuyển bệnh nguy kịch, y tế địa phương không giải quyết được, bác sĩ Bách đã cố gắng hỗ trợ đưa người bệnh vào BV Dã chiến 16 để điều trị.
Thời điểm đó, bác sĩ Bách cũng cảm thấy quyết định đó liều, bởi giường trong BV Dã chiến 16 đã kín. Bản thân anh lúc ấy cũng không dám chắc hôm đó có ca nào ra viện, để nhường giường cho bệnh nhân này không. Nhưng may mắn, đến phút cuối vẫn sắp xếp được giường và đưa bệnh nhân vào viện. Bác sĩ Bách đã trực tiếp đặt ống nội khí quản, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt, mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân trở nặng nhanh và không qua khỏi.
“Điều khiến tôi trăn trở không chỉ là không cứu được bệnh nhân dù đã cố gắng hết sức, mà sau đó sẽ thêm một đứa trẻ trở thành mồ côi” - bác sĩ Bách nghẹn ngào. Thế nên, sau khi người mẹ mất, bác sĩ đã cố gắng nhiều lần liên lạc lại với gia đình bệnh nhân và chỉ khi biết được thông tin em bé đã được họ hàng cưu mang, lúc đó, bác sĩ Bách mới cảm thấy an tâm, thở phào nhẹ nhõm. Đó là những giây phút chẳng thể nào quên đối với một bác sĩ trẻ ở tuổi 31 như anh Bách.
Ở Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, các bác sĩ và bệnh nhân không biết mặt nhau, họ chỉ nghe thấy tiếng của nhau qua điện thoại. Các bác sĩ cũng chỉ mong một ngày gọi điện tư vấn được càng nhiều ca bệnh càng tốt, để người dân lấy lại niềm tin, bình tĩnh, không còn hoảng loạn. Ở thời điểm đó, nhiều người dân tâm lý rất hoang mang, lo lắng khi mắc bệnh, chỉ cần có nhân viên y tế gọi điện tư vấn, sàng lọc bệnh, người dân sẽ yên tâm hơn, không còn hoảng loạn. Đôi khi, bác sĩ gọi điện hỏi tình trạng sức khỏe, có bệnh nhân đã òa khóc. Chỉ sau khi các bác sĩ động viên và hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi các chỉ số SpO2, huyết áp, chế độ dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao sức khỏe… bệnh nhân mới bình tĩnh lại. Vài ngày sau, bệnh nhân gọi điện cảm ơn bác sĩ vì đã cho họ được sống thêm lần nữa. “Hơn hai tháng cùng đồng bào miền Nam chiến đấu với dịch Covid-19, có lẽ giây phút thoải mái nhất của bác sĩ Bách là hoàn thành ca trực không có bệnh nhân tử vong. Giây phút ấy, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình thật ý nghĩa và có ích" - bác sĩ Bách chia sẻ.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, đến thời điểm này, bác sĩ Bách đã cùng đội ngũ y bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi tư vấn thành công cho người bệnh và thân nhân, phát hiện được 1.415 bệnh nhân nguy cơ chuyển nặng cao để hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện. Bác sĩ Bách đã cùng Mạng lưới sắp xếp, phân bổ 5.000 bác sĩ, tình nguyện viên về các quận huyện tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội. Tính riêng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7 - 10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động hơn 10.000 bác sĩ, tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn trong giai đoạn cao điểm này của dịch bệnh, chiếm 42% số bệnh nhân cả nước. Riêng Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Bình Dương do bác sĩ Bách trực tiếp vận hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân.
Với những cố gắng, nỗ lực, bác sĩ Đỗ Doãn Bách vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021 và xuất sắc lọt Top 10 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Từ khóa » Google Dịch ông Nội
-
Lãnh đạo Google: "Instagram Và TikTok đang Cản đường Google ...
-
Top Game Offline Mới Nhất để Game Thủ Mobile đổi Gió Khi Bị Rớt Mạng (Phần 2)
-
Hành Trình "yêu Lại Từ đầu" Môn Tiếng Anh Của Nữ Tiktoker Xinh đẹp ...
-
Nhìn Lại Năm Học đặc Biệt Sóng Gió Của Ngành Giáo Dục
-
Thách Thức Lớn Nhất Khi Bạn Muốn Nghỉ Hưu Sớm Không Phải Là Tiền ...
-
Bố/mẹ Chết, Cô Dì Chú Bác Có được Chia Thừa Kế Nhà đất?
-
Chung Hộ Khẩu Có được Hưởng Thừa Kế Nhà đất Không?
-
Người Lao động được Nghỉ Không Lương Tối đa Bao Nhiêu Ngày?
-
Sự Thật Về Nơi Gọi Là “Tịnh Thất Bồng Lai”, “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”
-
4 Loại Thuế, Lệ Phí Nhà đất: Khi Nào Nộp? Nộp Bao Nhiêu?
-
Ông Bà Có được Giành Quyền Nuôi Cháu Khi Bố Mẹ Ly Hôn?
-
Hồ Sơ Giảm Trừ Gia Cảnh Cho Người Phụ Thuộc 2022
-
Thuế Trước Bạ Nhà đất 2022 Có Thay đổi Gì Không?
-
Đất Không Có Sổ đỏ Phân Chia Thừa Kế Như Thế Nào?