Bác Sĩ Ngoại Khoa Lừng Danh Và “đường Rạch Kocher”
Có thể bạn quan tâm
Trường hợp phẫu thuật bướu cổ đầu tiên trên thế giới được ghi lại trong lịch sử là vào năm 952 sau Công nguyên, do Bác sĩ Moolish, người Ba Tư thực hiện. Nhưng người có công lớn nhất trong phẫu thuật bệnh bướu cổ là Theodor Kocher, một bác sĩ người Thụy Sĩ. Với những thành tựu đạt được trong y học, ông đã trở thành người thầy của các phẫu thuật viên và là người khai sáng cho nền phẫu thuật bướu cổ thời hiện đại.
Khắc tinh của căn bệnh bướu cổ
Vào cuối thế kỷ 18, bướu cổ là một căn bệnh khá phổ biến ở châu Âu với rất nhiều người mắc, đặc biệt là trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh lên tới 85%.
Để chữa trị bệnh này, nhiều bác sĩ đã nghĩ đến chuyện phải tiến hành cắt bỏ tuyến giáp và trực tiếp tiến hành thực hiện ca phẫu thuật này như bác sĩ người Mỹ Vanderver (1869), sau đó là Lister (1877) – bác sĩ phẫu thuật người Anh, phẫu thuật viên người Pháp Tillaux (1880)... Tuy nhiên, trong thời gian đầu, tỷ lệ tử vong do cắt bỏ tuyến giáp lên đến 40% do không kiểm soát được chảy máu sau khi cắt cơ quan nhiều mạch máu này, do nhiễm trùng cũng như nhiều biến chứng khác liên quan đến vị trí giải phẫu của tuyến giáp. Phải đến khi Emil Theodor Kocher (25/8/1841 – 7/7/1917) đưa ra những nghiên cứu sâu hơn về tuyến giáp và chủ trương điều trị bệnh bướu cổ (Basedow) bằng phẫu thuật cắt bỏ triệt để tuyến giáp thì căn bệnh mới được khống chế và tỷ lệ tử vong do bướu cổ mới giảm thiểu.
BS. Theodor Kocher. |
Kocher đã thực hiện ca phẫu thuật cắt tuyến giáp đầu tiên của mình vào năm 1872. Cho đến năm 1873, ông đã tiến hành 101 ca cắt tuyến giáp toàn phần. Sau đó, năm 1874, ông cắt tuyến giáp toàn phần cho một bé gái 11 tuổi, Maria Richsel. Các thư theo dõi từ bác sĩ địa phương báo rằng có sự thay đổi tính khí của cô bé, từ một cô gái vui vẻ, linh hoạt trở nên lười nhác, ủ rũ và lãnh đạm. Điều này khiến Kocher điều tra lại tất cả bệnh nhân tuyến giáp của mình. Hầu hết đều biểu hiện triệu chứng của suy giáp, mà ông gọi là “suy mòn mất bướu” (cachexia strumipriva). Vào thời điểm đó, Kocher qui kết các triệu chứng này là do tổn thương khí quản bệnh nhân. Nhưng sau đó, ông nhận ra biểu hiện giống si đần (cretinoid) này không có ở những ca cắt bán phần. Từ đó, ông kết luận rằng tuyến giáp là một cơ quan thiết yếu và thiếu nó sẽ gây một bệnh cảnh lâm sàng xác định.
Sau đó, ông xem xét lại chi tiết các biến chứng của bệnh nhân cũng như thất bại của chính mình và ý nghĩa của chúng. Ông tiếp tục khảo sát và nghiên cứu tuyến giáp để hoàn thành bản báo cáo các kết quả phẫu thuật – suy giáp do cắt quá nhiều tuyến giáp, khàn giọng với tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược và hạ canxi máu với cắt bỏ tuyến cận giáp cũng như các tổn thương khí quản và các cấu trúc giải phẫu lân cận. Cuối cùng ông tìm ra vị trí phẫu thuật an toàn nhất, ít gây tổn thương nhất. Ngày nay, tất cả các phẫu thật viên tuyến giáp đều biết “đường rạch Kocher”, một đường rạch da ngang, hơi cong khoảng 2cm trên khớp ức đòn giúp giảm tối đa các thương tổn. Đến cuối sự nghiệp, Kocher đã thực hiện hơn 5.000 ca cắt tuyến giáp để chữa bệnh bướu cổ với tỷ lệ tỷ vong rất thấp, khoảng 1%.
Với những thành tựu vĩ đại từ công trình nghiên cứu về sinh lý học và bệnh học của tuyến giáp và phát kiến về đường mổ tuyến giáp cùng hàng ngàn ca phẫu thuật thành công, năm 1909, Kocher trở thành bác sĩ ngoại khoa đầu tiên được nhận giải Nobel về sinh lý của y học.
Nhà ngoại khoa lừng danh
Kocher sinh tại Bern, Thụy Sĩ, trong một gia đình trung lưu. Ông học ở Zurich, Berlin, London và Wien. Ông đậu bằng tiến sĩ ở Bern năm 1865. Năm 1872, ông làm giáo sư khoa giải phẫu và làm Giám đốc khoa Giải phẫu ở Bệnh viện Đại học Bern (Inselspital). Tại đây, ông đã cống hiến 45 năm làm việc với những công trình nổi tiếng và sự ca ngợi từ khắp thế giới cho kỹ năng ngoại khoa và kiến thức sinh lý của ông.
Một trong những thành quả lao động đầu tiên của Kocher được công chúng chú ý là kỹ thuật nắn trật khớp vai. Kỹ thuật này ra đời năm 1870, được gọi là “phương pháp xoay – nâng” và được dùng để nắn không chỉ các trật khớp vai mới mà cả những trật khớp vai cũ. Ông cũng đã có những đóng góp đầu tiên và quan trọng trong nghiên cứu viêm xương - tuỷ xương và mối liên hệ của nó với nhiễm tụ cầu mạn tính. Kocher cũng rất quan tâm đến vết thương hoả khí và chấn thương trong chiến tranh. Năm 1874, ông có rất nhiều bài thuyết trình về vết thương chiến tranh và những nghiên cứu về chấn thương của ông đã hướng đến nghiên cứu về chảy máu – đặc biệt là việc sử dụng tiểu cầu để cầm máu.
Năm 1877, ông tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng về thoát vị. Các nghiên cứu này đã đưa đến “học thuyết giãn” của các thoát vị nghẹt và phương pháp phẫu thuật mới để cắt bỏ chúng, đặc biệt ở trẻ em. Kocher cũng tỏ ra có hứng thú với lĩnh vực phẫu thuật thần kinh và bệnh động kinh. Năm 1900, ông cùng với Harvey Cushing nghiên cứu về áp lực nội sọ. Một bệnh nhân người Nga được Kocher cứu sống sau một ca phẫu thuật mở sọ đã lấy tên ông đặt cho một ngọn núi lửa.
Nhưng có thể nói, niềm say mê phẫu thuật ổ bụng của Kocher là nổi tiếng nhất. Nhiều kinh nghiệm của ông ngày nay vẫn còn áp dụng. Có thể kể đến “kỹ thuật bóc tách Kocher” được hoàn thiện năm 1902 mô tả kỹ thuật bóc tách tá tràng để bộc lộ tĩnh mạch chủ dưới và đầu tụy. Kỹ thuật này đã mang lại nhiều tiến bộ cho tất cả các phẫu thuật liên quan đến tá tràng. Và kế đến, ông đã xây dựng kỹ thuật lấy sỏi mật từ phần thấp nhất của ống mật. Kỹ thuật “xẻ túi mật” hạ sườn phải phổ biến này đã cải thiện các điều trị ngoại khoa sỏi mật trước đó và đơn giản hóa nó thành phẫu thuật xẻ túi mật lý tưởng. Tên ông còn được gắn với các thủ thuật ngoại khoa đáng chú ý khác như cắt bỏ lưỡi trong ung thư và áp dụng các nguyên tắc của Lister. Tài năng y học này không chỉ giới hạn ở các bệnh nhân ngoại khoa. Thời đó, hoại tử do phosphor rất phổ biến ở các công nhân Thụy Sĩ. Năm 1895, Kocher đã dẫn đầu trong cuộc gây áp lực đòi thông qua luật cấm sử dụng phosphor trong sản xuất diêm ở Thụy Sĩ.
Kocher là thành viên danh dự của nhiều viện và một số hiệp hội y khoa. Ông có rất nhiều bài viết, nhiều cuốn sách được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ông cũng thiết kế và điều chỉnh nhiều loại dụng cụ như kéo, kéo bóc tách, kẹp và bàn phẫu thuật. Tuy vậy, ông vẫn rất khiêm tốn, nhiệt thành học hỏi người khác và sẵn sàng tiếp thu tiến bộ. Ông qua đời ở tuổi 76 vì ure huyết cao sau khi đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho ngành ngoại khoa và xứng danh là một bác sĩ ngoại khoa xuất chúng.
Duy Anh (Theo The faces of Medicine)
Từ khóa » đường Kocher
-
Các đường Mổ Cơ Bản - Y Học Tổng Hợp
-
- Các đường Mổ 1. Đường Mổ Kocher: Mở Vào...
-
PHẪU THUẬT KHX GÃY BÁN PHẦN CHỎM XƯƠNG ĐÙI
-
Website Chính Thức Của Thương Hiệu Bếp Kocher
-
Danh Sách Trạm Bảo Hành - Bếp Từ Kocher
-
Bếp Từ Kocher Chính Hãng Giảm Giá Sốc | Sale Up 35%
-
Máy Hút Mùi Kocher - Thế Giới Bếp Nhập Khẩu
-
Bộ Nồi Kocher Lubeck 5 Món - Bếp EU
-
Bếp Từ Kocher DI 336H |Công Nghệ Hiện đại, Chính Hãng
-
Bếp Từ Kocher DI-633 |Công Nghệ Hiện đại, Chính Hãng
-
Bếp Từ Kocher DI 730S | NKD
-
Bếp Từ Kocher DI 6900A - Chất đến Từng Linh Kiện
-
Bộ Nồi Kocher Munich - Đáy đúc Liền, 6 Lớp - Thế Giới Bếp Châu Âu