Bác Sĩ Trả Lời Thắc Mắc Về Việc Quan Hệ Trước Và Sau Khi Tiêm Phòng ...

Nội dung bài viết

  • Tiêm phòng HPV sau bao lâu thì được quan hệ?
  • Đã quan hệ rồi có nên tiêm phòng HPV nữa hay không?
  • Tác dụng phụ khi tiêm phòng HPV.

HPV là virus lây nhiễm hàng đầu qua đường tình dục. Việc tiêm ngừa HPV là rất cần thiết vì nó làm giảm rõ rệt nguy cơ bị ung thư cổ tử cung và một số bệnh lý khác liên quan. Vấn đề quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV có ảnh hưởng gì đến việc tiêm phòng hay không? Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi trên cũng một số thắc mắc khác liên quan đến việc tiêm phòng HPV

Tiêm phòng HPV sau bao lâu thì được quan hệ?

Đối tượng đã tiêm ngừa HPV hoàn toàn có thể quan hệ tình dục bất kỳ lúc nào. Không có một khuyến cáo nào nghiêm cấm việc quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV.

Vắc-xin HPV
Vắc-xin HPV

Dĩ nhiên, tiêm phòng HPV sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn ở những người chưa từng quan hệ tình dục. Có nghĩa, để hiệu quả tiêm phòng đạt ở mức tối ưu, bạn nên kiêng quan hệ tình dục trong suốt liệu trình tiêm ngừa. Hoặc tối thiểu là sử dụng dụng cụ bảo vệ (bao cao su) trong những lần quan hệ.

Tiêm phòng HPV không nên được tiêm ngừa ở phụ nữ có thai. Do đó, khi đối tượng đã tiêm 1 mũi vaccine HPV và mang thai thì họ không nên tiêm ngừa mũi tiếp theo cho đến khi kết thúc thai kỳ. Điều này phần nào sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine. Vì vậy, việc tạm ngưng hoặc quan hệ có sử dụng phối hợp giữa bao cao su và thuốc tránh thai sẽ giúp hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tử cung, tải ngay ứng dụng YouMed.

Ví dụ:

Vaccine Cervarix ở độ tuổi >14 có lịch tiêm chủng: Mũi 1 – ngày 0; Mũi 2 – 1 đến 2,5 tháng từ lần đầu; mũi 3 – 5 đến 12 tháng từ lần đầu. Nếu sau khi tiêm ngừa mũi vaccine đầu, bạn vẫn đang quan hệ tình dục, sau 2 tháng bạn phát hiện bị trễ kinh và phát hiện có thai thì lúc này bạn nên trì hoãn mũi tiêm thứ 2 đến khi thai kỳ chấm dứt.

Việc trì hoãn tiêm chủng này có thể giảm hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, trì hoãn là bắt buộc vì để bảo đảm an toàn cho thai nhi.

Lưu ý: Nếu tiêm ngừa vaccine mũi đầu trong lúc đang mang thai thì đối tượng tiêm ngừa nên đến gặp bác sĩ sản khoa để tư vấn. Không nên tiêm ngừa mũi thứ 2 đến khi thai kỳ chấm dứt.

Do đó, chỉ cần lưu ý về vấn đề tránh thai, việc quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV sẽ không ảnh hưởng gì.

Đã quan hệ rồi có nên tiêm phòng HPV nữa hay không?

Câu trả lời là nên.

Và đây cũng là câu trả lời của WHO (World Health Organization – Tổ chức y tế thế giới). (1)

HPV – Human Papillomavirus lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Và gần như tất cả mọi đối tượng đã quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Và nhiễm HPV hoàn toàn có thể là thoáng qua nhờ sự đào thải virus của cơ thể. Hầu hết trường hợp nhiễm HPV trên thế giới là thoáng qua.

Có hơn 100 chủng HPV đã được phát hiện. Khoảng 15 chủng liên quan đến khả năng cao gây ra ung thư, và được gọi là các chủng HPV nguy cơ cao. Một người đã quan hệ tình dục có thể nhiễm 1 lúc nhiều chủng HPV khác nhau.

Hiện nay, có 3 loại vaccine được công nhận trên thế giới có khả năng phòng chống HPV, bao gồm:

  • Cervarix (hay Vaccine nhị giá): Có thể phòng chống 2 chủng HPV 16 và HPV 18. Đây là 2 chủng HPV gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.
  • Gardasil (hay Vaccine tứ giá): Ngoài 2 chủng HPV 16 và HPV 18, vaccine tứ giá còn phòng chống thêm 2 chủng HPV 6 và HPV 11. HPV 6 và HPV 11 là nguyên nhân gây ra phần lớn bệnh lý sùi mào gà.
  • Gardasil 9 (hay Vaccine cửu giá): Ngoài 4 loại của vaccine tứ giá đã bao hàm, vaccine cửu giá còn chống lại HPV 31, HPV 33, HPV 45, HPV 52 và HPV 58. Các chủng bổ sung này đều thuộc nhóm nguy cơ cao, có khả năng gây ra ung thư.
Vaccine nhị giá phòng ngừa HPV
Vaccine nhị giá phòng ngừa HPV.

Rất hiếm khi có ai đó nhiễm cùng lúc tất cả các loại HPV mà vaccine phòng ngừa. Do đó, dù tác dụng không được toàn vẹn nhưng vaccine HPV vẫn có giá trị của nó.

WHO cũng tuyên bố rằng không cần thực hiện xét nghiệm HPV trước khi tiêm ngừa vaccine HPV. Vì vậy, xin khẳng định lại rằng quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV là hoàn toàn được phép.

Lưu ý:

Tuy không lệ thuộc vào việc quan hệ tình dục hay nhiễm HPV, tình trạng bệnh sùi mào gà… Nhưng mỗi loại vaccine HPV có độ tuổi tiêm ngừa phù hợp, nên bạn cần gặp bác sĩ để tư vấn loại vaccine phù hợp cho bản thân. Hoàn toàn không nên tiêm ngừa vaccine HPV ở phụ nữ đang mang thai, người bị dị ứng.

Xem thêm: Virus HPV tồn tại ngoài môi trường bao lâu?

Tác dụng phụ khi tiêm phòng HPV.

Có nhiều tác dụng phụ có thể xuất hiện sau tiêm phòng HPV vaccine. Tuy nhiên, biểu hiện thường ở mức độ nhẹ và ngắn hạn ( kéo dài < 1 ngày), chẳng hạn:

  • Đau hoặc sưng tại chỗ tiêm có thể gặp ở khoảng 80% trường hợp.
  • Sốt nhẹ. Sốt sau tiêm phòng hiếm khi kèm theo lạnh run.
  • Đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp – tương tự tình trạng nhiễm siêu vi có thể gặp ở 30% trường hợp.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.

Đây là các tác dụng phụ tương đối thường gặp ở những đối tượng tiêm ngừa vaccine. Và những biểu hiện này cũng có thể gặp sau khi tiêm nhiều loại vaccine khác. Nếu triệu chứng trên xuất hiện nặng, kéo dài, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn. (2)

Những triệu chứng này thường kéo dài vài giờ đến 1 ngày. (1)

Tác dụng phụ nghiêm trọng:

Ngất

Đôi khi bạn có thể bị ngất sau khi tiêm vaccin. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn người ta thấy rằng, những đối tượng bị ngất sau tiêm thường ở độ tuổi đến trường. Do đó, nhiều khả năng tình trạng ngất của họ liên quan đến các áp lực, lo âu trong trường lớp kết hợp với cảm giác đau, mệt mỏi sau tiêm vaccin.

Dị ứng, phản vệ

Những người tiêm ngừa vaccine HPV rất hiếm khi bị dị ứng nặng (có biểu hiện khó thở hoặc tụt huyết áp). Tình trạng dị ứng nặng nếu có thường xuất hiện trong vài phút sau tiêm vaccine. Tuy nhiên, để sự an toàn có thể được bảo đảm tối ưu, bạn nên đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được tư vấn, theo dõi.

Cũng vì lý do an toàn, do đó, tất cả các trường hợp tiêm ngừa vaccine đều phải ở lại trung tâm tiêm ngừa 15 – 30 phút. Đây cũng là khoảng thời gian hầu hết các trường hợp dị ứng, phản vệ xuất hiện.

Cách giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ sau tiêm vaccine HPV

  • Nói về các tình trạng dị ứng (da nổi ban, sẩn đỏ sau khi ăn, uống thức ăn, nước uống hoặc thuốc) cho bác sĩ. Khi nắm rõ về tiền căn những lần dị ứng trước đây của bản thân sẽ giúp bác sĩ tiến hành kiểm tra tương tác giữa thuốc và cơ thể của bạn.
  • Luôn ở lại trung tâm tiêm ngừa 15 phút, hoặc 1 tiếng nếu bạn quá lo lắng sau khi tiêm vaccine. Thông báo với bác sĩ các dấu hiệu như chóng mặt, mệt hoặc khó thở, đau bụng, da nổi ban.
  • Sau khi tiêm ngừa, bạn hãy chú ý đến các tác dụng phụ thường gặp như đau vùng tiêm chích hay sốt nhẹ hay đau nhức cơ xương khớp. Các triệu chứng này thường nhẹ nhàng, và kéo dài chỉ khoảng 1 ngày.
  • Đến phòng cấp cứu ở bệnh viện gần nhất khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào mà bạn nghĩ liên quan đến vaccine.

Có bất kỳ tác dụng phụ nào về lâu dài sau tiêm vaccine HPV không?

Câu trả lời là không.

Có rất nhiều nghi vấn về các tác dụng phụ lâu dài sau tiêm HPV. Ví dụ:

  • Hội chứng suy buồng trứng sớm: Dẫn đến mãn kinh ở người trẻ tuổi.
  • Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế: Đánh trống ngực khi đổi thế từ ngồi, nằm sang đứng.
  • Vô sinh.
  • Một số hội chứng khác.

Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu ở những năm gần đây đã chứng minh rằng các nghi vấn này là không có cơ sở. Những người tiêm ngừa vaccine HPV có nguy cơ mắc các bệnh lý trên tương tự như những người không tiêm ngừa. Hay nói cách khác tiêm ngừa HPV không liên quan đến các tác dụng phụ lâu dài nào hết!.

Riêng tình trạng vô sinh, HPV vaccine không chỉ không làm tăng tỉ lệ vô sinh. Mà HPV vaccine còn làm giảm nguy cơ vô sinh. Nguyên nhân dó HPV vaccine làm giảm nguy cơ bệnh lý tiền ung thư – ung thư cổ tử cung. Mà điều trị cho các bệnh lý này chủ yếu là cắt 1 phần cổ tử cung. Điều trị này sẽ làm phụ nữ khó giữ được thai và dẫn đến sinh non. Do đó, HPV vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ vô sinh.

Việc quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV cũng không tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ cho người tiêm ngừa.

Quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV hoàn toàn là được cho phép. Tuy nhiên nên chú ý đến việc tránh thai giữa những lần tiêm ngừa.

Tác dụng phụ của vaccine HPV chủ yếu là trong ngày đầu và thường nhẹ. Không có bất kỳ tác dụng phụ về lâu dài nào sau tiêm ngừa vaccine HPV được ghi nhận.

Từ khóa » Tiêm Hpv Rồi Có Quan Hệ được Không