Bạch đồng Nữ - Từ điển Bệnh Học

Bạch đồng nữBạch đồng nữ

Bạch đồng nữ: Trị mụn nhọt, kinh nguyệt không đều, huyết áp cao

Bạch đồng nữ (Clerodendrum chinense var. simplex (Mold.) sL. Chen) còn có tên gọi khác là vậy trắng, bấn trắng, mò trắng, lẹo trắng… thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbcnaceae).

Mô tả

Bạch đồng nữ là loại cây nhỏ, có chiều cao khoảng 1 m. Cành mang lá, có thể mang hoa. Cành non gần như vuông, có lông tơ mịn màu trắng ngà; cành già gần như nhẵn, màu xanh nâu.

Lá đơn, mọc đối, phiến lá hình trái xoan rộng, dài khoảng 20 cm và rộng khoảng 8 cm; chóp lá nhọn, gốc lá hơi lõm hình tim, mép xẻ răng cưa đều; mặt trên nháp, màu xanh xám; mặt dưới có lông tơ và có tuyến nhỏ tròn; gần bên 4-5 đôi, 3 gân gốc; cuống lá dài 3-10 cm, có lông.

Cụm hoa hình ngũ ở đỉnh cành, dày, rộng 5-10 cm, cuống có lông. Hoa đơn. Lá bắc giống hình ngọn giáo – thuôn, màu xanh xám, dài 1-2 cm, giữa có các gân. Đài hoa màu nâu đất, hình phễu, dài 1,5-2,5 cm có lông và có tuyến ờ phía ngoài; 5 thùy dạng ngọn giáo, dài 10-16 mm. Tràng hơi nhàu, có màu vàng nâu, hình ống, ống tràng dài 2-2,5 cm, nhẵn, xẻ 5 thùy phía trên, thùy hình bầu dục dài 8-10 mm. Nhị 4, thò ra khỏi tràng; chỉ nhị đính trên ống tràng. Cây bạch đồng nữ rất dễ mọc, có thể mọc ở khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi.

Chế biến

Bạch đồng nữ được thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè, lúc cây ra hoa, cắt lấy đoạn cành mang lá, rửa sạch, phơi khô.

Bào chế bạch đồng nữ: Chọn lấy lá bánh tẻ, bỏ cuống, thái nhỏ, phơi khô.

bạch đồng nữ
Bạch đồng nữ được thu hái và phơi khô

Bảo quản

Bảo quản dược liệu trong bao bì kín, để nơi khô ráo.

Tính vị, quy kinh

Bạch đồng nữ có vị hơi đắng, mùi hôi, tính mát. Quy kinh vào tâm và tỳ.

Thành phần hóa học

Bạch đồng nữ chứa flavonoid, tannin, cumarin, acid nhân thơm, aldehyde nhân thơm và dẫn chất amin có nhóm carbonyl.

Tác dụng dược lý

Bạch đồng nữ có những tác dụng dược lý trong thực nghiệm trên động vật như sau:

  • Chống viêm cấp tính: Tác dụng chống viêm cấp tính rõ rệt trong mô hình gây viêm tại chỗ với phenol và gây phù chân chuột cống trắng với kaolin.
  • Chống viêm mạn tính: Tác dụng chống viêm mạn tính tương đối yếu trong mô hình gây u hạt thực nghiệm với amian ở chuột cống trắng.
  • Không có tác dụng gây teo tuyến ức chuột cống non. Tác dụng này là một trong những đặc điểm của những thuốc ức chế miễn dịch.
  • Tác dụng kháng nguyên sinh động vật trong thí nghiệm với entamoeba histolytica (trùng kiết lỵ).
  • Hạ huyết áp: Do gây giãn mạch ngoại vi và tác dụng lợi tiểu.
  • Hạ đường huyết: Tác dụng hạ đường huyết trên chuột cống trắng và gây giảm đau trong thí nghiệm tấm kim loại nóng trên chuột nhắt trắng.
  • Ức chế co thắt cơ trơn ruột: Tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột động vật gây ra bởi histamine và acetylcholine.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, tiêu viêm. Chủ trị: Khí hư bạch đới, viêm loét tử cung, kinh nguyệt không đều, cao huyết áp, mụn nhọt, lở ngửa.

Cách dùng, liều lượng:

  • Dạng uống: Ngày dùng 10-12 g; dạng thuốc sắc hay thuốc hoàn. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.
  • Dùng ngoài: Nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt, lở loét, ghé lở. Lượng thích hợp.

Một số bài thuốc có dùng bạch đồng nữ

1. Thuốc làm rụng nhanh các hoại tử ở vết bỏng

Cành lá, hoa tươi bạch đồng nữ rửa sạch 1 kg, nước 10 lít. Đun sôi 30 phút lọc lấy nước, nhỏ giọt liên tục hoặc ngâm vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ.

2. Thuốc điều kinh

Bạch đồng nữ 16g, ích mẫu 40g, hương phụ 15g, đậu đen 10g, nghệ vàng 2g, ngải cứu 2g. Sắc đặc, ngày uống một thang.

3. Chữa kinh nguyệt không đều, kinh thấy sớm, lượng máu nhiều đỏ tươi, hoặc máu ít đỏ thẫm, đau bụng trước khi thấy kinh

Bạch đồng nữ, ích mẫu, cỏ nhọ nồi, rễ gai, dành dành hay vỏ núc nác, mỗi vị 20g. Sắc uống.

Bạch đồng nữ có trong bài thuốc trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều

4. Điều trị huyết áp cao

Mỗi ngày dùng 12-16 g bạch đồng nữ sắc nước uống. Kiên trì một thời gian sẽ thấy các chỉ số huyết áp giảm.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017.

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, tái bản lần thứ nhất

Từ khóa » Cây Mắt Lẹo Trắng