Bạch Liễm điều Trị Mụn Nhọt Mới Mọc, Mụn Trứng Cá Và Bỏng

Ở nước ta, vị thuốc bạch liễm hay bị nhầm với bạch chỉ và dây chìa vôi (vì dây chìa vôi cũng được gọi là bạch liễm).

Tuy nhiên, đây lại là một vị thuốc khác chuyên điều trị các bệnh về da như đinh nhọt, mụn trứng cá, sưng viêm, bỏng lửa, lở loét…

Vậy, bạch liễm được lấy từ cây gì, cách dùng như thế nào và khi dùng có những điểm nào cần chú ý?

Vài nét về bạch liễm

Bạch liễm (白敛) có tên khoa học là Ampelopsis japonica (ngoài ra còn có một tên đồng nghĩa khác cũng được dùng là Ampelopsis serjanaefolia) (1) (2).

Lá bạch liễm
Taahn dây cây thuốc

Đặc điểm: Bạch liễm là dạng dây leo như dây nho và được trồng chủ yếu ở Trung Quốc (tại các vùng Hoa Bắc, Hoa Đông…).

Bộ phận dùng làm thuốc của cây là rễ củ phình to, được đào lấy vào mùa xuân hoặc mùa thu, sau đó cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch đất cát rồi thái thành các miếng mỏng để phơi khô (3) (4).

Công dụng làm thuốc của bạch liễm

Theo Thần nông bản thảo kinh thì bạch liễm là vị thuốc đắng, có tính bình còn theo Điền nam bản thảo thì thuốc có vị cay đắng, tính hơi hàn (3).

Rễ củ bạch liễm
Rễ củ bạch liễm

Nhìn chung, khi nhắc đến bạch liễm là nhắc đến vị thuốc:

  • Vị đắng, tính hàn nên có thể trừ nhiệt.
  • Thông vào tim và dạ dày nên có thể trừ nhiệt trong hai kinh này.
  • Vị cay nên tán uất kết.

Liều lượng: Nếu dùng bạch liễm để uống giúp thanh nhiệt thì dùng từ 3 – 10 g mỗi ngày, nếu dùng để bôi thoa ngoài da thì tùy vùng da bệnh mà dùng thuốc (3).

Không chỉ thế, người Trung Quốc xưa còn có truyền thống dùng bạch liễm như một vị thuốc giải độc và điều trị lở loét do “hỏa độc” và “tà khí” gây ra (như mụn sưng, sưng âm đạo). Mặt khác, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trong vị thuốc này có chứa một số chất có thể ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trên da. Sách Bản thảo bị yếu còn nhấn mạnh bạch liễm có thể làm “tan mụn nhọt trên mặt, khỏi bỏng lửa, chóng lên da non và đỡ đau buốt” (3) (4).

Các bài thuốc cụ thể có vị bạch liễm

1. Điều trị mụn nhọt (chỉ dùng với mụn nhọt mới mọc, không dùng khi nhọt đã vỡ)

  • Chuẩn bị: Rễ khô (lượng vừa đủ).
  • Thực hiện: nghiền nát thành bột, sau đó trộn với nước cho sệt sệt rồi bôi đắp lên da (nên thoa thường xuyên để thấy hiệu quả) (3).

2. Điều trị mụn trứng cá

  • Chuẩn bị: bạch liễm và lê lô theo tỉ lệ 2:1 (thường dùng 0,6 g bạch liễm trộn cùng 0,3 g lê lô là đủ thoa lên mụn).
  • Thực hiện: lấy hai vị trên nghiền nát thành bột rồi trộn với rượu cho sệt sệt, sau đó bôi lên những chỗ bị mụn.
  • Ghi chú: mỗi ngày bôi 3 lần (3).

3. Điều trị chứng lở loét lỗ tai vào mùa đông (do nứt nẻ lâu)

  • Chuẩn bị: bạch liễm và hoàng bá, liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: lấy hai vị trên nghiền thành bột rồi thêm tí dầu vào (thường là dầu mè hoặc dầu dừa), sau đó trộn đều và thoa lên chỗ loét (3).

4. Điều trị phỏng do lửa hoặc do nước sôi

  • Chuẩn bị: Rễ cây (lượng vừa đủ).
  • Thực hiện: lấy thuốc nghiền nát thành bột rồi rắc đều khắp vết phỏng (4).

Lưu ý khi dùng

  • Tương kỵ: Không dùng bạch liễm cùng với “ô đầu” vì hai vị này kỵ nhau (3).
  • Đối tượng cần tránh: Những người tỳ vị hư hàn, không có thực hỏa và mắc bệnh nhưng không do nhiệt độc gây ra thì không nên dùng (4).
  • Trường hợp ung nhọt: Với trường hợp ung nhọt thì ta chỉ thoa ngoài da đối với các ung nhọt mới, không dùng khi nhọt đã phá miệng (4).

Thông tin thêm

  • Về tác dụng điều trị bỏng: Theo tạp chí BMC Complementary and Alternative Medicine, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất ethanol từ củ loài cây này có tác dụng làm lành vết bỏng nước (giúp da nhanh đóng vảy và bong vảy, hình thành da mới) (5).
  • Tác dụng ức chế ung thư gan: Theo tạp chí Chinese Journal of Experimental Traditional Medical Formulae, axit gallic – hoạt chất chính trong chiết xuất bạch liễm có tác dụng chống lại sự tăng sinh của tế bào ung thư gan (gây ra quá trình tự chết của các tế bào ung thư) (6).

Nguồn tham khảo

  1. 白蔹, https://www.wiki8.com/bailian_23071/, ngày truy cập: 5/ 12/ 2020.
  2. 白敛, https://baike.baidu.com/item/%E7%99%BD%E6%95%9B, ngày truy cập: 5/ 12/ 2020.
  3. Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 467.
  4. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 329.
  5. Effect of Ampelopsis Radix on wound healing in scalded rats, https://link.springer.com/article/10.1186/s12906-015-0751-z, ngày truy cập: 5/ 12/ 2020.
  6. HepG2 Proliferation Restriction and Active Mechanis of Gallic Acid as Active Compound in Ampelopsis japonica, http://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTotal-ZSFX201301081.htm, ngày truy cập: 5/ 12/ 2020.

Từ khóa » Cây Bạch Liễm