Bài 1: Hành Trình Ra đi Tìm đường Cứu Nước - Báo Đắk Lắk

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021)

Bài 1: Hành trình ra đi tìm đường cứu nước 15:24, 03/06/2021

Thời gian càng lùi xa, nhưng giá trị lịch sử và thời đại của sự kiện ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng sang phương Tây mang theo khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước vẫn mang tính thời sự sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước để đem lại “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, Báo Đắk Lắk Điện tử đăng chùm bài viết về sự kiện này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đổi tên Hồ Chí Minh) sinh ngày 19-5-1890, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong tình cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.

Chứng kiến sự bóc lột, đày đọa nhân dân ta hết sức tàn bạo của thực dân Pháp; những điều tai nghe, mắt thấy về sự hy sinh xương máu to lớn của nhân dân ta, nhưng không đạt mục đích giải phóng dân tộc ta khỏi ách nô lệ, đã để lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh những ấn tượng sâu sắc, những nguyên nhân thành bại, nung nấu lòng căm thù và thôi thúc Người đi tìm đường cứu nước.

Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn). Ảnh: Internet
Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn). Ảnh: Internet

Khoảng đầu tháng 9-1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào”, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết, xin dạy học ở Trường Dục Thanh.

Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện. Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh, nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông.

Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm cách ra nước ngoài, xem thế giới làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Đầu tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn.

Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành thấy thêm những điều mới lạ, nhất là những cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người Việt Nam đa số rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác, ... sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm. Ở đất thuộc địa này, Nguyễn Tất Thành càng thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước.

Ngày 3-6-1911, Nguyễn tất Thành, với tên mới là Văn Ba, được thuyền trưởng tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) nhận vào phụ bếp trên tàu.

Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây, mang theo người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước.

Ảnh: Internet
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Internet

Ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Ngày 18-6-1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp...

Sau gần mười năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925 Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ.

Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (1954).

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

(Còn nữa)

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY ĐẮK LẮK

Từ khóa » Nguyễn Tất Thành Ra đi Tìm đường Cứu Nước Tại Bến Cảng Nhà Rồng Sài Gòn Vào Thời Gian Nào