Bài 1: Lý Do Csvn Ám Hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ - Vietbao

LTS. Ai đã sát hại Đức Huỳnh Giáo Chủ" Bài viết sau đây của Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu dựa trên nhiều sử liệu, kể chi tiết về thời các đảng phái quốc gia liên minh với Đảng CSVN để chống Pháp, với 2 sử liệu quý giá bằng tiếng Pháp liên hệ tới Đức Huỳnh Giáo Chủ - 1 là bản văn ngày 28.4.1947 do Phạm Ngọc Thuần, phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, truy tố Đức Huỳnh Giáo Chủ về “tội phản bội”; và 2 là Thông Cáo ngày 20.5.1947 của Ủy Ban này cho biết đã lên án tử hình và đã xử tử Đức Huỳnh Giáo Chủ. Trong đêm 16.4.1947, tám tên đã xông vào tấn công, đâm chết 3 tự vệ quân đi theo Đức Huỳnh, gây bị thương 1 tự vệ quân chạy ra ngoài bắn báo động kịp; nhưng không có tin gì về Đức Huỳnh Giáo Chủ nữa. Việt Báo tra6n trọng cảm ơn Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu có nhã ý cho phổ biến bài văn này. Bài này được tòa soạn tách làm đôi: phần một về lý do Đảng CSVN cần ám hại Đức Thầy, phần hai là chi tiết về đêm Đức Thầy biến mất. Dưới đây là bài viết.

Trong năm 1999, lần đầu tiên sau 24 năm, nhà cầm quyền Cộng Sản đã lấy quyết định cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chánh thức tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo. Sau 30 tháng Tư năm 1975, Đảng Cộng Sản đã có chủ trương phải tiêu diệt Phật Giáo Hòa Hảo trong vòng 15 năm nhưng Đảng đã thấy thất bại trong việc đó. Với chánh sách cố hữu, họ đã xoay qua một chiều hướng khác nhằm lừa gạt dư luận trong và ngoài nước đã từng buộc tội là ở Việt Nam hiện nay, không có tự do tín ngưỡng. Một Ban Trị Sự “quốc doanh” đã được cho thành lập với một chủ tịch có nhiều tuổi đảng.

Trái với dự tính của Đảng và Ban Trị Sự quốc doanh, thay vì chỉ có vào khoảng 100.000 tín đồ có thể đến tham dự Lễ vì họ đã trù định các trở ngại làm khó khăn sự di chuyển, mỗi ngày đã có gần một triệu tín đồ cố gắng đến Thánh Địa Hòa Hảo, một con số đã được các hãng thông tin quốc tế loan tải.

Đối với các tín đồ Hòa Hảo, hai ngày Lễ trọng yếu trong năm là Ngày Khai Sáng Đạo và Ngày kỷ Niệm Đức Thầy Thọ Nạn (Ngày 16 tháng 4 năm 1947). Buổi Lễ ngày Thọ Nạn đã được nhà cầm quyền cấm đoán không cho tổ chức!

Ngược dòng lịch sử, chúng ta hảy tìm hiểu vì sao Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có quyết định phải ám hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, một Giáo chủ có hơn hai triệu tín đồ ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Chắc hẳn là họ đã có những bàn cãi, dự phóng ảnh hưởng của việc làm ấy trong khi toàn dân Miền Nam đang một lòng kháng chiến chống Pháp. Âm mưu này có phải do quyết định của một cấp quân sự địa phương, hay của Xứ ủy Miền Nam hoặc cao hơn nữa của Trung Ương từ Bắc"

Đảng Cộng Sản Việt Nam chắc hẳn đã phân tích là ở Miền Bắc, các tổ chức cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân... đều mang tính cách chánh đảng. Việc lôi cuốn, chuyển động quần chúng vào đấu tranh không thể thực hiện mau chóng được. Ở Miền Nam trái lại, hai tôn giáo là Cao Đài và Hòa Hảo là hai tổ chức có quần chúng đoàn ngũ hóa. Việc huy động của hai tổ chức này có thể thực thi rất nhanh chóng. Đụng độ với những tổ chức như vậy sẽ đem lại những biến cố khó lường trước. Mặc dầu vậy, việc ám hại Đức Thầy đã được Đảng quyết định. Nguyên do cần được các nhà sử học nghiên cứu tường tận hơn. Người viết xin được trình bày vài ý kiến thô thiển.

TÍN ĐỒ HÒA HẢO LÀ QUẦN CHÚNG CÓ TỔ CHỨCSau ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhựt đảo chính Pháp, không khí chính trị ở Nam Bộ rất náo nhiệt. Các đảng phái quốc gia đã có được cơ hội hoạt động công khai. Đặc biệt đảng Quốc Gia Độc Lập của ông Hồ Văn Ngà đã cùng các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức Thanh Niên Tiền Phong, Liên Đoàn Công chức...triệu tập được một cuộc biểu tình hơn 50 ngàn người tham dự ở sân vận động Vườn Ông Thượng (Sân Tao Đàn sau này) vào ngày 18 tháng 3, 1945 tức là 2 tuần sau cuộc đảo chính. Đây là một cuộc biểu tình công khai, có tầm vóc, chưa từng thấy ở miền Nam.

Đảng Cộng Sản ở Nam Bộ lúc bấy giờ ở vào thế yếu, sau cuộc thất bại Nam Kỳ Khởi Nghĩa, năm 1940. Đảng chưa có tổ chức quần chúng, chưa có đơn vị võ trang, chưa có được cái “hào khí chiến đấu cạnh Đồng Minh” như ở các chiến khu Bắc Việt. Số cán bộ Cộng Sản được biết tiếng thời bấy giờ chỉ có Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai ( được Pháp bố trí cho vượt ngục, để chống Nhựt), Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn... Sau ngày Nhựt đảo chính Pháp, Cộng Sản mới được tăng cường thêm với các cán bộ được thả về từ Côn Sơn như Lê Duẫn, Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng.…

Ngày 21 tháng 8, 1945 các đảng phái quốc gia đã tổ chức một cuộc biểu tình trên 200.000 người qua các đường phố Sài Gòn để chứng tỏ quyết tâm chống lại việc Pháp đang âm mưu trở lại Việt Nam.

Ngày 25 tháng 8, 1945, một cuộc biểu tình khác cũng qui tụ trên 200.000 người được coi là cuộc biểu dương lực lượng do Việt Minh tổ chức nhưng đã có sự hưởng ứng tham dự của các đảng phái, các đội võ trang Cao Đài Heiho, dân quân Bảo An Hòa Hảo ... trong ý niệm muốn chứng tỏ sự đoàn kết để chứng minh với dư luận thế giới về quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân chúng Việt Nam.

Phong trào Thanh Niên Tiền Phong là một tổ chức được dân chúng ủng hộ và đã tăng trưởng rất nhanh chóng. Phong trào này, đã được thành hình sau khi Lãnh sự Nhật Iida nhờ ông Hồ Văn Ngà lo giúp. Hồ Văn Ngà đã giao cho Phạm Ngọc Thạch là Tổng Thơ ký của Đảng Việt Nam Độc Lập đứng ra tổ chức với nhiều nhân vật như Kha Vạn Cân, Thái Văn Lung v.v... Trần Văn Giàu đã móc nối Phạm Ngọc Thạch để biến Thanh Niên Tiền Phong thành tổ chức quần chúng của Việt Minh. Chiều ngày 22 tháng 8, 1945, Phạm Ngọc Thạch bất ngờ tuyên bố là Thanh Niên Tiền Phong nay không còn ở trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất và đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh. Mặt trận Quốc Gia của Hồ Văn Ngà như thế đã bị giảm một nửa lực lượng!

Việc đắng cay cần được vạch rõ lại, là sau ngày 30 tháng tư 1975, theo sự tường thuật lại của các quân nhân, công chức, cán bộ VNCH “được” Cộng Sản cho đi học tập, việc thành tựu cướp công của Cộng Sản ở Miền Nam do móc nối được Thanh Niên Tiền Phong không bao giờ được Cộng Sản nêu ra khi họ dạy về Cách Mạng Tháng Tám ở Nam Bộ. Có lẽ họ được chỉ thị phải tránh né việc này vì phong trào TNTP đã được Nhật chủ xướng" Trong suốt thời gian kháng chiến ở Nam Bộ, khi chứng kiến việc tan rã phong trào TNTP, các anh em không Cộng sản vẫn thường nhắc với nhau: “Ngày nào nước nhà được độc lập, tượng đài đầu tiên phải thiết lập ở Sài Gòn là tượng Thanh Niên, Thanh Nữ TNTP đầu đội nón rơm, tay cầm tầm vông vạt nhọn”. Tượng đài đó vẫn còn chờ chúng ta xây dựng trong một quốc gia Việt Nam dân chủ, tự do.Việc cần biết rõ hơn nữa là trong lúc TNTP được tổ chức sau ngày Nhật đảo chính Pháp, năm 1945, thì hai năm trước đó, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã xúc tiến việc thành lập phong trào Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo ở các vùng nông thôn. Huỳnh Giáo chủ đã tiên liệu sự đầu hàng của Nhật và sự tổ chức quần chúng thanh niên và trung niên phải được thực hiện. Ngoài mặt thì các Đội Bảo An có trách nhiệm giữ an ninh, trật tự, đề phòng trộm cướp trong thôn xóm, bảo vệ mùa màng, tìm bắt kẻ gian... Nhưng thật sự, Huỳnh Giáo chủ đã giải thích cho các tín đồ thân tín: Bảo An tức Bảo Quốc An Dân, tức bảo vệ quốc gia, dân tộc.

Tổ chức Bảo An gồm có tiểu đội, trung đội đặt dưới quyền một Đoàn trưởng. Tổ chức bán quân sự này đã được huấn luyện đao, kiếm và đã có các đội Bảo an Nam, Bảo an Nữ để duy trì an ninh trật tự trong các làng xã. Được thành lập hai năm sớm hơn phong trào TNTP, tổ chức Bảo An chắc hẳn đã được Cộng sản lưu ý và đã tìm cách móc nối với Đức Thầy để hòng lợi dụng về sau" Việc móc nối này đã được CS xác nhận. Trong buổi hội cải tổ Lâm Ủy Hành chánh ngày 4-9-1945 ở trường Mỹ Thuật Gia Định, có sự tham dự của đại biểu Tổng bộ Việt Minh là Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt, Đức Thầy có hỏi nửa đùa nửa thật: “Ai là Việt Minh thiệt, ai là Việt Minh giả và ai là đại biểu thiệt của Việt Minh ở Nam bộ"” Hoàng Quốc Việt đã trả lời: “Thì chính Huỳnh Phú Sổ”.(Hồi ký Nguyễn Kỳ Nam- Trang 30).

Theo chủ trương thông thường của Cộng Sản, họ không sợ những cá nhân xuất sắc hay có uy tín. Họ chỉ sợ các tổ chức có hệ thống chặt chẽ. Nếu không len lỏi lợi dụng được, họ nhất định phải phá hủy cho bằng được. Sự lãnh đạo của Đức Thầy đã khiến Cộng Sản không lôi cuốn quần chúng Hòa Hảo ngả về phía họ được.

SỰ THÀNH LẬP DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐẢNGPhật Giáo Hòa Hảo được khai sáng như một tôn giáo đã rất thành công trong việc rao giảng giáo lý Phật Giáo cho khối quần chúng nông dân miền Nam. Bằng Sấm Giảng với ngôn ngữ bình dân, người nông dân đã lãnh hội và thực hành nhanh chóng giáo lý. Huỳnh Giáo chủ đã có được hơn hai triệu tín đồ trong một thời gian ngắn khoảng 2 năm. Hai triệu tín đồ so với dân số độ 10 triệu ở Nam Bộ thời 1943- 1944 là một tỷ lệ đáng kể.

Huỳnh Giáo chủ đã thật sự thành công trong việc gầy dựng và cách mạng con người nông dân Nam Bộ. Phật Giáo Tứ Ân, cốt tủy của Phật Giáo Hòa Hảo là giáo lý của Tông phái Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An khai đạo vào năm 1849. Những ai có được dịp và có lòng đọc lại lịch sử Bửu Sơn Kỳ Hương đều phải khâm phục việc thực tiễn thành lập các “Trại Ruộng” để giúp nông dân vừa khẩn hoang, vừa tu hành. Đây là một công thức tu hành không nhờ vào sự cúng dường của tín đồ. Trại ruộng chẳng những đã thay thế chùa chiền để làm nơi tu hành, lại còn là trung tâm sản xuất. Về sau, các trại ruộng cũng là hậu cần cho phong trào kháng chiến chống Pháp. Chứng tích còn lại cho đến ngày nay là các trại ruộng Láng Linh, Cần Lố, Hưng Thới... Đặc biệt trại ruộng Láng Linh sau trở thành Tổng hành dinh kháng chiến của chiến khu Bảy Thưa do Cố quản Trần Văn Thành lãnh đạo. Là một trong 12 Đại Đệ tử của Phật Thầy Tây An, Ông Trần Văn Thành đã theo di huấn yêu nước của Phật Thầy tổ chức chiến khu chống Pháp sau khi Đô đốc De Lagrandière vây hãm thành Châu Đốc. Làng kháng chiến An Định của ông Đạo Tư thành lập dưới chân núi Tượng để liên kết với Cao Miên chống Pháp cũng đã được thiết lập theo công thức trại ruộng.

Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ ngoài việc khai đạo Phật Giáo Tứ Ân còn một trọng trách khác là việc giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội. Giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của Pháp là nối tiếp di huấn Phật Thầy Tây An (Phật Thầy Tây An có trao tay cho đệ tử Trần Văn Thành một cái ấn triện chạm bốn chữ ” Bửu Sơn Kỳ Hương”, một cây cờ và một áo nhuộm màu dà với lời dặn: ” Ấn này để sau này thay ta mà truyền đạo, cây cờ và áo thì để dùng trong lúc trở ra đền nghĩa nước non.”).

Ngày 21 tháng 9 năm 1946, việc chánh thức thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng là một biến chuyển quan trọng trong lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo. Phật Giáo Hòa Hảo được quần chúng xem là một đạo nhập thế. Dân Xã Đảng đã được ra đời một năm sau cuộc Kháng chiến Nam Bộ bùng nổ không phải là một sự ngẫu nhiên. Trước và trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Đức Huỳnh Phú Sổ đã có nhiều tiếp xúc, bàn luận với các nhân sĩ ái quốc chân chánh miền Nam. Khi cuộc Kháng chiến Nam bộ bắt đầu, sự phát giác những lật lừa dối trá, những vu khống để tiêu diệt tất cả những người yêu nước hầu dành quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đệ Tam, đã đưa đến quyết định cho ra mắt Dân Xã Đảng.

Đức Thầy có thông tri trước cho một số tín đồ thân tín :Đem đạo Hòa Hảo ra tranh đấu chính trị với Việt Minh là chuyện không thích hợp vì đạo lo tu hành chơn chất.

Tổ chức đảng chính trị mới thích ứng để các nhà yêu nước chơn chánh có điều kiện tham gia.Các tín đồ có lòng yêu nước hãy tham gia đảng vì đó là phương tiện để hành xử Tứ Ân.Trong danh sách 9 người của Ban Chấp hành Dân Xã Đảng đầu tiên do Nguyễn Bảo Toàn làm Tổng Bí Thư chỉ có 3 người Phật giáo Hòa Hảo, kể cả Huỳnh Giáo Chủ. Các chức vụ quan trọng khác đều do các nhân sĩ không phải tín đồ đảm nhận. Đức Thầy đã giải thích cho những tín đồ đã lo ngại về việc giao trọn quyền điều khiển cho nhân sĩ không phải tín đồ Hòa Hảo: “Đã hợp tác thì nên thành thật. Đã tín nhiệm thì phải giao phó nhiệm vụ, đặt để đúng chỗ, xứng đáng với tài năng. Nên thực tâm đem khối quần chúng hùng hậu của Phật Giáo Hòa Hảo mà ủng hộ các chiến sĩ cách mạng tranh đấu cho Đất Nước”.

Trái với chủ trương độc tài, vô sản hóa và tập sản hóa nông dân, chỉ coi công nhân vô sản mới là chủ lực cách mạng; trái với chủ trương phân tán gia đình, tha hóa con người của Cộng Sản, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tuyên bố quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ tự do, công bằng và nhân đạo. Đáp ứng khát vọng tất nhiên của nông dân muốn được sở hữu đất đai để tự do mưu sinh, vv.., chủ trương Dân Xã Đảng thật sự đã đối chọi với chủ trương “giải phóng” nông dân theo Cộng Sản chủ nghĩa. Xây dựng một xã hội không có bóc lột bất công, cá lớn nuốt cá bé như xã hội Tư Bản, hay độc tài giai cấp theo quan niệm Cộng Sản, là một chủ trương để nắm vững quần chúng, khỏi bị mê hoặc vì tuyên truyền của Cộng Sản Đệ Tam.

Đảng Cộng sản Đệ tam đã nhận thức thấy chủ trương Dân Xã Đảng đối chọi hẳn với chủ trương Cộng sản. Sự thù ghét ấy được biểu lộ rõ ràng khi CS đã ám sát Ông Hội đồng Nguyễn Văn Nhiều là người đã cho mượn nhà trong 3 ngày để Đức Thầy và các nhân sĩ thảo luận chánh thức thành lập Dân Xã Đảng.

Dân Xã Đảng ra đời ngày 21 tháng 9 năm 1946 với 9 ủy viên gồm có:Tổng Bí thư: Nguyễn Bảo ToànỦy viên Ngoại giao: Nguyễn Văn SâmỦy viên Chánh trị: Trần Văn ÂnỦy viên Tuyên huấn: Lê Văn ThuỦy viên: Lâm Văn TếtỦy viên: Đỗ Phong ThuầnỦy viên Trần Văn Tâm (Phật giáo Hòa Hảo)Ủy viên liên lạc: Lê Văn Thuận ( Phật giáo Hòa Hảo)Ủy viên: Huỳnh Giáo Chủ (Phật giáo Hòa Hảo)

Phụ trách thảo Tuyên Ngôn VNDCXHD được biết do ông Trần Văn Ân phụ trách. Tuy nhiên, những chi tiết đã được Đức Thầy đề nghị và được đồng ý chấp thuận. Các ý kiến này có thể quả quyết là do Đức Thầy đã từng thảo luận từ trước với các nhân vật cách mạng, đặc biệt là Ông Phan Văn Hùm. Ông Hùm đã bị Việt Minh thủ tiêu trước đó một năm ( 1945). Việc này có thể chứng minh khi Nguyễn Văn Trấn (Quốc Gia Tự vệ cuộc Việt Minh) đề cập trong sách của ông (Viết cho Mẹ và Quốc hội, Trang 110: ” Đặc biệt là Phan Văn Hùm đã thảo lời hịch và chương trình cho Dân chủ xã hội đảng cho đức Chí Tôn làm chủ miền Tây...”).

Dân Xã Đảng, một chánh đảng có hậu thuẫn quần chúng nông thôn, được Đức Huỳnh Phú Sổ lãnh đạo, là cái gai trong con ngươi các cán bộ lãnh đạo Cộng sản thời bấy giờ. Việc đảng Cộng sản phải thanh toán người lãnh đạo là việc phải đến.

KỲ SAU: CHI TIẾT VỀ ĐÊM TẤN KÍCH ÁM HẠI ĐỨC THẦY HUỲNH PHÚ SỔ

  • Dân Mỹ Về Hưu Lo: Bảo Hiểm Tăng Giá
  • Tin Vắn Thế Giới
  • ĐH Biệt Động Quân, Lễ Kỷ Niệm 54 Năm Thành Lập Binh Chủng
  • Cali: Sẽ Cắt 5% Lương Của 230,000 Công Chức

Từ khóa » Tieu Su Duc Thay Huynh Phu So