Bài 14 : Phong Trào Cách Mạng 1930 - 1935 - Hoc24

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930 – 1931 VỚI ĐỈNH CAO XÔ VIẾT NGHỆ – TĨNH

I. VIỆT NAM TRONG THỜI KÌ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ THẾ GIỚI (1929 – 1933)

* Tình hình kinh tế

+ Về nông nghiệp: Giá lúa, nông sản hạ, ruộng đất bỏ hoang (Năm 1933 là 500.000 hécta)

+ Về công nghiệp: Bị suy sụp.

+ Về thương nghiệp: Xuất nhập khẩu bị đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ.

Chợ Biên Hòa năm 1929
Chợ Biên Hòa năm 1929

=> Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam rất nặng nề so với các thuộc địa khác của Pháp cũng như so với các nước trong khu vực .

* Về xã hội

+ Nông dân: Mức thu nhập thấp do lúa gạo sụt giá, sưu thuế không ngừng tăng, tiếp tục bị bần cùng hóa và bị phá sản.

+ Công nhân: Thất nghiệp ngày càng đông, tiền lương giảm sút.

+ Tiểu tư sản thành thị: Điêu đứng vì các nghề thủ công bị phá sản, viên chức bị sa thải, học sinh ra trường không có việc làm.

+ Số đông tư sản dân tộc cũng gặp nhiều khó khăn.

=> Xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản là :

+ Dân tộc Việt Nam > < thực dân Pháp (cơ bản)

+ Nông dân > < Địa chủ phong kiến

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng lên chống phong kiến đế quốc.

II. PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930 – 1931 VỚI ĐỈNH CAO XÔ VIẾT NGHỆ – TĨNH:

1. Nguyên nhân bùng nổ phong trào cách mạng 1930 – 1931

- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, làm cho nền kinh tế Việt Nam tiêu điều, sơ xác, đời sống của nhân dân lao động hết sức cơ cực.

- Từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thực dân Pháp thi hành chính sách "khủng bố trắng" hòng dập tắt phong trào cách mạng.

=> Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp càng nung nấu lòng căm thù, nâng cao tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Mâu thuẩn xã hội gay gắt. Đó là nguyên nhân sâu sa và trực tiếp đưa đến cao trào Cách mạng (1930 -1931)

- Ảnh hưởng của phong trào Cách mạng quốc tế đối với Việt Nam.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đứng lên đấu tranh chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập tự do.

* Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân Đảng ra đời và lãnh đạo là nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là chủ yếu và quyết định nhất. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạp của Đảng thì mâu thuẩn lúc đó nhiều nhất cùng chỉ dẫn đến những cuộc đấu tranh nhỏ, lẻ tẻ, tự phát, không thể trở thành một cao trào tự giác (1930 – 1931)

2. Diễn biến của phong trào cách mạng 1930 – 1931

a. Phong trào đấu tranh trong cả nước nửa đầu năm 1930

- Trong bối cảnh mâu thuẫn của dân tộc Việt Nam đối với thực dân Pháp và tay sai đang trở nên gay gắt như vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa mới ra đời (3/2/1930) đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và kịp thời lãnh đạo giai cấp công – nông cùng người dân lao động vùng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.

- Sự lãnh đạo kịp thời của Đảng đã làm bùng lên cao trào cách mạng trong năm 1930 – 1931 trên khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam:

+ Từ tháng 2 – 4/1930: phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân nổ ra ở nhiều nơi, đòi cải thiện đời sống: công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, nông dân đòi giảm tô thuế…

+ Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, cả nước bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh của công nhân.

+ Lần đầu tiên công nhân Việt Nam biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân lao động trong nước, thể hiện tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lao động thế giới .

+ Tháng 6 - 8/1930 liên tiếp nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công – nông và các tầng lớp lao động khác.

+ Tháng 9/1930, phong trào đấu tranh dâng cao, nhất là ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lược đồ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh
Lược đồ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh

b. Phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Nghệ - Tĩnh

- Tháng 9/1930 phong trào đấu tranh dâng cao, nhất là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nông dân biểu tình có vũ trang tự vệ với hàng nghìn người kéo đến huyện lị, tỉnh lị đòi giảm thuế ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh) … được công nhân Vinh – Bến Thủy hưởng ứng .

- Tiêu biểu là cuộc biểu tình của 8000 nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày 12/9/1930 với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc !”. Đến gần Vinh, con số lên tới 3 vạn người, xếp hàng dài 4 km. Pháp đàn áp dã man: cho máy bay ném bom làm chết 217 người, bị thương 126 người.

- Chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã. Nhiều cấp ủy Đảng ở thôn xã lãnh đạo nhân dân làm chủ vận mệnh, tự quản lý đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, làm chức năng của chính quyền: Xô viết Nghệ -Tĩnh.

c. Hoạt động, chủ trương, chính sách và biện pháp của Xô Viết Nghệ – Tĩnh (Chứng minh rằng Xô Viết – Nghệ Tĩnh là hình thái sơ khai của chính quyền công nông ở nước ta, là chính quyền của dân và vì dân.)

* Đem lại nhiều lợi ích căn bản cho nhân dân

- Kinh tế: Chia ruộng đất cho nông dân, bắt địa chỉ bỏ tô chính, giảm tô phụ, bãi bỏ các thứ thuế của đế quốc, phong kiến.

- Chính trị: Thực hiện các quyền tự do, dân chủ , lập các tổ chức quần chúng, các đội tự vệ đỏ và tòa án nhân dân được thành lập... Thông qua các cuộc mít tinh, hội nghị để tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng nhân dân.

Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An
Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An

- Quân sự: Mỗi làng đều có những đội tự vệ vũ trang.

- Văn hóa - xã hội: Phát động phong trào đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục tốn kém phiền phức, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ. Trật tự xã hội được đảm bảo, nạn trộm cướp không còn.

* Hạn chế

- Chưa lập được chính quyền hoàn chỉnh.

- Chưa triệt để giải quyết ruộng đất cho nông dân.

* Ý nghĩa

- Tuy mới thành lập một số xã, tồn tại 4 đến 5 tháng song Xô Viết Nghệ – Tĩnh đã tỏ rõ bản chất Cách mạng và tính ưu việt. Đó là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công – nông đoàn kết với các tầng lớp nhân dân khác có khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc và phong kiến để xây dựng cuộc sống mới.

3. Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (10/1930)

a. Nội dung Hội nghị

- Hội nghị ban chấp hành chung ương lâm thời ĐCS VN lần 1 đã họp ở Hương Cảng – Trung Quốc (14/10/1930), trong lúc phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh diễn ra quyết liệt, hội nghị đã có những quyết định như sau:

+ ĐCS VN đổi tên thành ĐCS Đông Dương.

+ Cử ban chấp hành trung ương Đảng chính thức do đồng chí Trần Phú làm tổng bí thư của Đảng.

+ Thông qua luận cương chính trị của ĐCS ĐD do Trần Phú soạn thảo.

Luận cương chính trị
Luận cương chính trị

b. Nội dung Luận cương chính trị (10/1930)

- Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng diễn ra quyết liệt, dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN, Hội nghị trung ương lần thứ nhất họp tại Hương Cảng tháng 10/1930.

- Hội nghị quyết định đổi tên Đảng CSVN thành ĐCS Đông Dương, bầu ban chấp hành trung ương đảng chính thức và bầu đồng chí Trần Phú làm tổng bí thư. Hội nghị còn thông qua luận cương chính trị của ĐCS Đông Dương do Trần Phú soạn thảo:

- Luận cương chính trị của Đảng nêu rõ:

+ Tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền.

+ Đường lối chiến lược: từ cách mạng tư sản dân quyền tiến thẳng lên con đường XHCN, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa.

+ Nhiệm vụ cách mạng: Đánh đổ phong kiến và đánh đổ đế quốc. Hai nhiệm vụ chiến lược đó có mối quan hệ khăng khít với nhau.

+ Mục tiêu cách mạng: Làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, dựng nên chính phủ công – nông, thực hành cách mạng ruộng đất triệt để đem chia cho dân cày.

+ Lực lượng cách mạng: công nhân và nông dân, công nhân là động lực chính.

+ Vai trò lãnh đạo cách mạng: giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản

+ Vị trí Cách mạng Đông Dương: đoàn kết với cách mạng vô sản thế giới. Đảng liên lạc mật thiết với vô sản và các dân tộc thuộc địa, nhất là vô sản Pháp.

*Hạn chế của Luận cương chính trị

+ Chưa vạch rõ được mâu thuẫn chủ yếu của một xã hội thuộc địa nên không nêu cao vấn đề dân tộc lên hàng đầu, trong lúc đó lại nêu cao vấn đề đấu tranh giai cấp, vấn đề cách mạng ruộng đất.

+ Đánh giá không đúng khả năng cách mạng của các giai cấp, nhất là giai cấp tiểu tư sản và khả năng liên minh có điều kiện với giai cấp tư sản dân tộc.

+ Không thấy được khả năng phân hóa và lôi kéo một bộ phận giai cấp địa chủ trong cách mạng giải phóng dân tộc.

=> Luận cương chính trị đã bộc lộ những nhược điểm mang tính “tả khuynh”, giáo điều. Phải trải qua quá trình thực tiễn cách mạng, các nhược điểm trên mới dần được khắc phục.

4. Ý nghĩa lịch sử phong trào Cách mạng 1930 – 1931

- Cao trào cách mạng 1930 – 1931 là sự kiện lịch sử trong đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Nó kế tục được truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta.

- Khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng.

- Đây là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương để chuẩn bị cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám sau này.

5. Bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng 1930 – 1931

+ Bài học về sự lãnh đạo của Đảng: Qua các phong trào, giai cấp vô sản Việt Nam mà đại biểu là Đảng Cộng sản Đông Dương đã khẳng định quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của mình. Thực tiễn cho thấy tính chất đúng đắn của đường lối chiến lược mà Đảng đề ra.

+ Bài học về xây dựng liên minh công – nông: Qua phong trào khối liên minh công nông được hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nông đoàn kết với các tầng lớp nhân dân khác có khả năng lật đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến xây dựng một cuộc sống mới.

+ Bài học về phương pháp giành chính quyền và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng: Phong trào cho thấy rằng, khi quần chúng đã sục sôi căm thù đế quốc và phong kiến sẽ đứng lên dùng bạo lực cách mạng để đấu tranh giành chính quyền.

+ Bài học về xây dựng chính quyền nhân dân, một hình thức chính quyền kiểu mới: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là chính quyền nhà nước. Phong trào sau khi đấu tranh giành thắng lợi ở một số địa phương thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh đã xây dựng chính quyền theo kiểu Xô viết ở Nga.

+ Bài học về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất: Trong thời kỳ này chưa có mặt trận dân tộc thống nhất nên chưa tập hợp được đông đảo các giai cấp và tầng lớp nhân dân nhằm đấu tranh chống thực dân và phong kiến. Đây là bài học mà Đảng ta rút ra để sau này đến thời kỳ cách mạng 1936 – 1939, chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất phản đế Đông Dương.

Từ khóa » Sử 12 Bài 14 Lý Thuyết