Bài 2: Các Bộ Phận Máy Tính

Bài 2: Các Bộ Phận Máy Tính

Mục Tiêu

Khi kết thúc bài học này, bạn sẽ hiểu:

  • Các bộ phận của máy tính cá nhân
  • Chu Trình Đầu Vào-Xử Lý-Đầu Ra
  • Thiết Bị Đầu Vào
  • Thiết Bị Đầu Ra
  • Thiết Bị Vào/Ra
  • Hộp máy chính
  • Sang trang Trợ Giúp

Những Kỹ Năng Bạn Cần Có

Trước khi học các mục tiêu ban đầu, bạn phải quen thuộc với:

  • Máy tính là gì
  • Các loại máy tính khác nhau
  • Các công dụng máy tính khác nhau

Phần 1: Các bộ phận của máy tính cá nhân

Một máy tính có rất nhiều bộ phận và mỗi bộ phận thực hiện một chức năng nhất định. Bạn sẽ học về một số những bộ phận quan trọng trong máy tính và chức năng của chúng. Một số bộ phận quan trọng của máy tính được thể hiện trong Hình 2.1.

1.Hộp Máy Chính 2.Màn hình
3.Máy in 4.Bàn phím 5.Chuột

Hình 2.1: Các bộ phận của máy tính

Hộp máy chính có nhiều bộ phận trong như bản mạch in chính, video card, và card âm thanh. Các bộ phận ngoại vi đặc trưng gắn với máy tính gồm có màn hình, bàn phím, chuột và máy in.

Lưu ý Các bộ phận máy tính mà bạn có thể sờ nắm được được gọi chung là phần cứng.

Nối máy tính cá nhân

Các điểm sau sẽ giúp bạn hiểu được cách các bộ phận máy tính nối với nhau bằng cáp.

  • Hộp máy chính được nối với nguồn điện.
  • Màn hình được nối với hộp máy chính và với nguồn điện.
  • Bàn phím được nối với hộp máy chính.
  • Chuột được nối với hộp máy chính.
  • Máy in được nối với hộp máy chính và với nguồn điện.
  • Các thiết bị phần cứng khác như máy quét và loa được nối với hộp máy chính và với nguồn điện.

Hình 2.2 giúp bạn hiểu được kết nối giữa các bộ phận máy tính cá nhân.

Các thiết bị nối với ổ điện
Các thiết bị nối với hộp máy chính

Hình 2.2: Nối máy tính cá nhân. 1, 2, và 3 là nối với hộp máy chính. A, B, C, và D là nối với ổ điện.

Phần 2: Chu Trình Đầu Vào-Xử Lý-Đầu Ra

Mọi hoạt động, dù đơn giản hay phức tạp, để theo nguyên tắc cơ bản của Chu Trình Đầu Vào-Xử Lý-Đầu Ra(I-P-O). Ví dụ, xem xét một việc đơn giản là pha trà. (Xem Hình 2.3.) Công việc này cần có lá trà, nước, đường và sữa là đầu vào. Xử lý gồm đun nước, pha trà, chắt và cho thêm sữa và đường. Chén trà nóng là kết quả cuối của xử lý là đầu ra.

Hình 2.3: Chu trình I-P-O cho pha trà

Máy tính cũng làm việc trên nguyên tắc Đầu Vào-Xử Lý-Đầu Ra. (Xem Hình 2.4.) Đầu vào là chỉ các dữ liệu và lệnh đưa vào máy tính. Xử lý là chỉ những gì máy tính làm với dữ liệu. Đầu ra là chỉ kết quả của quá trình xử lý.

Chẳng hạn, bạn muốn máy tính thực hiện một phép tính đơn giản: nhân hai số 56 và 45. Trước hết bạn phải cho đầu vào và chỉ rõ chu trình xử lý. Ở đây, số 56 và 45 là đầu vào và phép nhân là xử lý. Máy tính thực hiện xử lý nhân trên đầu vào đã cho. Kết quả sau xử lý là 2520 là đầu ra.

Đầu vào
Xử lý
Đầu ra

Hình 2.4: Nguyên tắc I-P-O

Kiểm Tra Bài Bạn

Xác định nhiệm vụ. Nêu đầu vào, xử lý và đầu ra cho những nhiệm vụ trong chỗ trống đã cho. Hãy nhớ là, do có thể có nhiều đầu vào cho một nhiệm vụ nên có thể có nhiều đầu ra từ chu trình xử lý.

Mô tả nhiệm vụ

Đầu vào

Xử lý

Đầu ra

Phần 3: Thiết Bị Đầu Vào

Trong chu trình Đầu Vào-Xử Lý-Đầu Ra, đầu vào của chu trình được đưa vào thông qua một thiết bị. Các thiết bị được dùng để cung cấp dữ liệu và lệnh cho máy tính được gọi là thiết bị đầu vào.

Một số thiết bị đầu vào máy tính quan trọng được liệt kê dưới đây:

  • Chuột
  • Bàn phím
  • Máy quét
  • Micro
  • Webcam

Chuột

Chuột được dùng để chỉ và chọn những tùy chọn hiển thị trên màn hình. Nó thường được nối với hộp máy chính với một dây nối dài, mặc dù có ngày càng nhiều thiết bị chuột không dây. Khi người sử dụng di chuyển một chuột tiêu chuẩn, bi chuột (một bi cao su nằm phía dưới quay theo mọi hướng) kích hoạt cảm biến để di chuyển con trỏ trên màn hình theo cùng hướng.

Chuột có thể có hai hoặc ba phím. Phím chính (thường là phím trái) là phím thường dùng nhất. Có loại thiết bị chuột mới hơn gọi là chuột cuộ̣n hoặc chuột bánh xe có bánh bánh xe ở giữa phím phải và phím trái. (Xem Hình 2.5.) Bánh xe này giúp bạn cuộn trơn tru qua các màn hình thông tin. Chuột quang là một thiết bị trỏ tiến bộ nữa có sử dụng thiết bị phát sáng thay vì bi chuột. Nó dò chuyển động bằng việc cảm nhận sự thay đổi ánh sáng phản quang lại trong thiết bị phát quang.

Hình 2.5: Chuột cuộn

Khi bạn di chuyển chuột trên một mặt phẳng, bạn sẽ thấy một mũi tên di chuyển tương ứng trên màn hình. Mũi tên này được gọi là con trỏ chuột. (Xem Hình 2.6.)

Hình 2.6: Con trỏ chuột

Dùng đệm chuột thay vì một mặt phẳng đơn thuần là một thói quen tốt. Đệm chuột là một tấm đệm nhỏ có mặt trên bằng nhựa và đệm dưới bằng cao su hoặc nhựa mà bạn có thể di chuyển chuột trên đó. Nó có độ kéo mạnh hơn là mặt phẳng và điều này làm cho việc di chuyển con trỏ chuột chính xác hơn. Bi chuột trượt chứ không lăn trên mặt kính hoặc gỗ nhẵn.

Bàn phím

Bàn phím (xem Hình 2.7) được dùng để đánh ký tự vào máy tính. Bàn phím máy tính giống như bàn phím của máy chữ nhưng nó còn có thêm các phím khác. Bàn phím máy tính phổ biến nhất có104 phím.

Hình 2.7: Bàn phím

Trên bàn phím có một số loại phím khác nhau. Các phím được phân loại thành:

  • Phím chữ số: Các phím này gồm các chữ và số.
  • Phím dấu: Các phím này gồm dấu hai chấm (:), dấu chấm phẩy (;), dấu hỏi (?), dấu ngoặc đơn (') và dấu ngoặc kép (").
  • Phím đặc biệt: Các phím này gồm các phím như phím Mũi tên, phím Ctrl, và các phím chức năng (F1 đến F12). Các phím này thực hiện các chức năng khác nhau tùy thuộc vào nơi nó được sử dụng. Chẳng hạn, phím ENTER để bắt đầu một đoạn mới trong chương trình xử lý Văn Bản, nhưng lại bắt đầu quy trình Tìm Kiếm sau khi người sử dụng đưa vào từ để Tìm Kiếm trong một công cụ tìm kiếm.

Các phím chức năng là các phím đặc biệt được dùng để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Chúng được đánh dấu F1, F2, F3 và cứ như thế cho đến F12. Chức năng của các phím này là khác nhau tùy vào chương trình. Điển hình là chức năng của phím F5 là để làm mới lại dữ liệu đang hiện trên màn hình của bạn.

Phần mềm là để chỉ các lệnh hoặc dữ liệu máy tính có thể được lưu trữ điện tử.

Điểm chèn (xem Hình 2.8) là đường nháy để chỉ một vị trí trên màn hình nơi mà chữ sẽ xuất hiện khi được đánh vào.

Điểm chèn

Hình 2.8: Văn bản với điểm chèn

Máy quét

Máy quét (xem Hình 2.9) được dùng để tạo một bản sao kỹ thuật số chính xác của một bức tranh hoặc ảnh. Chẳng hạn, nếu bạn đang viết một bức thư gia đình, bạn có thể dùng máy quét hình để tái tạo lại ảnh và cho chúng vào trong thư.

Hình 2.9: Máy quét

Micro

Micro (xem Hình 2.10) là một thiết bị dùng để ghi âm thanh số. Micro chuyển sóng âm thành tín hiệu âm thanh.

Hình 2.10: Micro

Webcam

Webcam (xem hình 2.11) là một thiết bị có khả năng chuyển hình ảnh trực quan sang dạng số. Khi được nối với máy tính, nó hoạt động như một con mắt của máy tính. Bạn có thể dùng nó để chụp ảnh mình và lưu lại trong máy tính hoặc để làm hội thảo video.

Hình 2.11: Webcam

Kiểm Tra Bài Bạn

  1. Hãy chỉ ra và liệt kê các thiết bị đầu vào cho nhiệm vụ bạn mô tả tại Hoạt động 2.2.1
  2. Dùng chương trình Notepad trong Window là một cách để bạn đánh văn bản bằng máy tính. Nó được dùng giống như người ta dùng giấy ghi chép thông thường. Đánh vào một đoạn văn bản về gia đình bạn trong Notepad.
    • Để khởi động Notepad, nhấn Start, chỉ vào All Programs, chỉ vào Accessories, rồi nhấn Notepad.
    Hãy quan sát chuyển động của điểm chèn khi bạn đánh văn bản.

Phần 4: Thiết Bị Đầu Ra

Thiết bị đầu ra chuyển dữ liệu ra máy tính dưới dạng chữ, hình ảnh, âm thanh và vân vân.

Có ba thiết bị đầu ra quan trọng được nối với hộp máy chính:

  • Màn hình
  • Máy in
  • Loa

Màn hình

Màn hình (xem Hình 2.12) giống như màn hình tivi, chỉ có điều là có độ phân giải cao hơn để có chất lượng hiển thị tốt hơn. Nó được dùng để hiển thị thông tin từ máy tính. Màn hình hiển thị chữ và đồ họa. Nó thường có nút bật riêng để bật và tắt nó.

Hình 2.12: Màn hình

Máy in

Máy in được dùng để chuyển dữ liệu từ máy tính vào giấy. Trên thị trường có cả máy in màu và máy in đen trắng. Các loại máy in khác là máy in kim, máy in phun, và máy in laser. (Xem Hình 2.13.)

Hình 2.13: Máy in kim, máy in phun và máy in laser

Điểm khác nhau giữa ba loại máy in được liệt kê tại Bảng 2.1.

Bảng 2.1: Điểm khác nhau giữa Máy In Kim, Máy In Phun và Máy In Laser

Máy In Kim Máy In Phun Máy In Laser
In ký tự dưới dạng chấm In ký tự hoàn chỉnh In ký tự hoàn chỉnh
Tốc độ được đo bằng ký tự trên giây Tốc độ được đo bằng trang trên phút Tốc độ được đo bằng trang trên phút
Tốc độ vào khoảng từ 200 đến 540 ký tự một giây Tốc độ vào khoảng từ 4 đến 8 trang̣ một phút Tốc độ vào khoảng từ 4 đến 20 trang một phút

Loa

Loa (xem Hình 2.14 ) được dùng để bật âm thanh. Chúng có thể được lắp sẵn bên trong hoặc được nối từ bên ngoài vào hệ thống. Loa cho phép bạn nghe nhạc và nghe hiệu ứng âm thanh và văn bản nói trên máy tính. Chẳng hạn bạn muốn thuyết trình cho một nhóm những người khiếm thị và phải dùng định dạng đa phương tiện. Để thông tin đến được với khán giả, bạn có thể thiết kế bài với các thành phần âm thanh. Điều này khiến những người có mặt tập trung với các tài liệu của bạn khi sử dụng âm thanh hơn là chỉ dùng bài thuyết trình trên màn hình thông thường.

Hình 2.14: Loa

Phần 5: Thiết Bị Vào/Ra

Một số thiết bị thực hiện những hoạt động của một thiết bị đầu vào và thiết bị đầu ra. Thiết bị đó được gọi là thiết bị vào/ra hoặc thiết bị I/O. Bộ điều giải và card giao diện mạng là ví dụ của thiết bị vào/ra.

Bộ điều giải

Dữ liệu có thể được chuyển qua các phương tiện khác nhau như cáp điện thoại và sóng radio. Cáp điện thoại chỉ có thể mang dạng sóng được gọi là tín hiệu mô phỏng. Tín hiệu mô phỏng dễ bị nhiễu do tiếng ồn và xung từ.

Tín hiệu số là một dạng truyền khá mới sử dụng định dạng nhị phân (một hệ thống mã hóa/giải mã dựa vào số 0 và 1) để gửi và nhận số liệu. Nó giống với định dạng được máy tính dùng để gửi và nhận dữ liệu. Tuy nhiên, tín hiệu số không thể gửi được qua đường điện thoại. Do đó, tín hiệu số phải được chuyển thành tín hiệu mô phỏng trước khi chúng được chuyển qua cáp điện thoại. Tương tự như vậy, dữ liệu được truyền đi phải được chuyển thành tín hiệu số tại đầu nhận. Bộ điều giải (xem Hình 2.15) chuyển tín hiệu số thành tín hiệu mô phỏng và ngược lại.

Khi bạn gửi một tin từ máy tính bạn đến máy tính của người khác, bộ điều giải đóng vai trò là thiết bị đầu ra. Tuy nhiên, khi máy tính bạn nhận tin, bộ điều giải lại đóng vai trò là thiết bị đầu vào. Bộ điều giải có thể được lắp bên trong hoặc bên ngoài hộp máy chính. Bộ điều giải được nối với hộp máy chính bằng cáp được gọi là bộ điều giải ngoại vi.

Hình 2.15: Bộ điều giải

Bộ điều giải cũng là một phần trong hộp máy chính của máy tính. Bộ điều giải được lắp sẵn trong trong hộp máy chính được gọi là bộ điều giải trong.

Card Giao Diện Mạng

Card Giao Diện Mạng là một card được lắp trong máy tính để nó có thể được nối mạng. (Xem Hình 2.16.) Card giao diện mạng cho phép kết nối riêng mọi lúc với máy tính khác. Hầu hết các card giao diện mạng được thiết kế cho một loại mạng riêng, mặc dù một số loại có thể dùng cho nhiều mạng. Mạng đặc trưng nhất là Ethernet, là một tiêu chuẩn mạng của các kết nối máy tính sử dụng cáp đồng trục hoặc cáp xoắn hai sợi.

Hình 2.16: Card giao diện mạng

Lưu ý Một mạng máy tính là một tập hợp các máy tính kết nối với nhau để có thể chia sẻ nguồn và dữ liệu.

Kiểm Tra Bài Bạn

  1. Cái nào trong những cái dưới đây là thiết bị vào, thiết bị ra hoặc thiết bị vào/ra?
    1. Màn hình tivi
    2. Bảng trưng bày tại ga xe lửa
    3. Dàn mày nghe nhạc
    4. Loa
    5. Micro
    6. Điện thoại
    7. Máy fax

Phần 6: Hộp Máy Chính

Khi bạn nói chuyện với bạn mình, tai bạn đóng vai trò là thiết bị đầu vào. Nó nhận thông tin bạn của bạn đưa và chuyển thông tin đó về não của bạn. Não bạn đóng vai trò là thiết bị xử lý. Nó hiểu thông tin và định hình phản hồi tương ứng. Miệng đóng vai trò là thiết bị đầu ra và trả lời lại bạn của bạn.

Trên một máy tính, bàn phím và chuột là thiết bị đầu vào. Cấu trúc giống hộp được gọi là hộp máy chính chịu trách nhiệm về mọi xử lý cần thiết để chuyển đầu vào thành đầu ra theo yêu cầu.

Màn hình và máy in là thiết bị đầu ra. Các thiết bị đầu vào và đầu ra nối với máy tính của bạn phải được nối vào một bộ phận trong hộp máy chỉ để dữ liệu có thể chuyển đi được. Chẳng hạn, màn hình được nối với card video và loa nối với card âm thanh. Card video và card âm thanh, nằm trong bản mạch in chính cùng với thiết bị xử lý, bộ nhớ, các thiết bị I/O trong tùy chọn như card giao diện mạng. Ngày nay, các điểm nối được đánh dấu và sắp xếp màu rõ ràng đằng sau máy tính để thấy rõ thiết bị nào cần nối vào.

Bản mạch in chính

Trong hộp máy chính có một bảng lớn có chứa một số mạch điện nhỏ li ti và một số bộ phận khác. Nó được gọi là bản mạch in chính. Bản mạch in chính là phần rất quan trọng trong hộp máy chính và chứa một số bộ phận hết sức quan trọng của máy tính.

Bộ vi xử lý là bộ phận quan trọng nhất trong bản mạch in chính. Dữ liệu được nhận vào từ thiết bị đầu vào. Việc xử lý dữ liệu — tính toán số học hoặc logic trên dữ liệu đã cho — thực sự diễn ra trong bộ vi xử lý. Cuối cùng, thông tin đã được xử lý được gửi tới thiết bị xuất. Hình 2.17 mô tả công việc của một máy tính.

Thiết bị đầu vào
Hộp Máy Chính
Thiết bị đầu ra

Hình 2.17: Cách làm việc của máy tính

Card Video

Card video (xem Hình 2.18) cắm vào máy tính cá nhân để nó có khả năng hiển thị. Nói cách khác, nó giúp máy tính của bạn thể hiện dữ liệu dưới dạng trực quan. Card video cũng được gọi là bộ điều hợp video, board video, board hiển thị video, card đồ họa và bộ điều hợp đồ họa. Mỗi bộ điều hợp có bộ phận chuyển tín hiệu số-thành-tín hiệu mô phỏng, chip nhớ RAM video và bộ điều khiển video để dữ liệu có thể được chuyển đến màn hình máy tính. Nếu bạn mua một máy tính mới và bạn muốn thực hiện một số việc cụ thể với nó (chẳng hạn như trò chơi video trên Internet) thì rất đáng phải tìm loại card video tốt nhất cho chương trình của bạn.

Hình 2.18: Card Video

Card Âm Thanh

Card âm thanh (xem Hình 2.19) là một thiết bị trong hộp máy chính cho phép máy tính nhận, xử lý và phát âm thanh. Card âm thanh cho phép máy tính thu âm qua một micrô, xử lý thông tin lưu trên đĩa và kết quả là âm thanh đi ra loa. Nếu bạn định ghi hoặc nghe nhạc, bạn hài lòng hơn với dàn máy mới của mình nếu xem kỹ dung lượng card sound trước khi mua máy tính mới .

Hình 2.19: Card Âm Thanh

Kiểm Tra Bài Bạn

Bảng 2.2 liệt kê một số bộ phận máy tính và một nhóm các vật thực tế tương ứng theo một thứ tự lộn xộn. Hãy ghép các bộ phận của máy tính với các vật tương ứng.

Bảng 2.2: So Sánh Bộ Phận của Máy Tính với Các Vật Tương Ứng.

Các bộ phận của máy tínhCác vật tương tự
Màn hìnhMáy chữ
Bàn phímThiết bị trỏ
ChuộtMàn hình tivi
Hộp Máy ChínhMáy photocopy
Máy inHộp

Bảng 2.3 liệt kê một số chu trình xử lý và thiết bị xử lý. Hãy ghép mỗi chu trình với thiết bị xử lý tương ứng.

Bảng 2.3: Nhận Dạng Thiết Bị Xử Lý

Chu trình Xử lýThiết bị xử lý
Khâu quần áoBộ óc con người
Nấu cơmMáy ép nước
Suy nghĩMáy xay
Xay bộtMáy khâu
Làm nước hoa quảNồi

Kiểm Tra Kiến Thức của Bạn

  1. Câu nào trong những câu sau là đúng về máy in kim?
    1. Nó có thể in 200-740 ký tự một giây.
    2. Tốc độ của nó được đo bằng ký tự trên giây.
    3. Nó in hoàn chỉnh các ký tự.
  2. Các phím đặc biệt trên bàn phím máy tính không bao gồm:
    1. Các phím điều khiển
    2. Các phím chức năng
    3. Phím chữ số
  3. Hai đứa trẻ đang chơi trò đua xe video. Chúng phải lái xe sao cho nó chuyển động theo mọi hướng - trái, phải, tiến và lùi. Hãy cho biết cách chơi trò chơi dễ nhất.
    1. Dùng phím mũi tên
    2. Dùng chuột
    3. Dùng phím chức năng
  4. Câu A: Thực tế, bộ vi xử lý thực hiện việc xử lý dữ liệu trong hộp máy chính.

    Câu B: Bản mạch chính là một phần của bộ vi xử lý.

    1. Cả hai câu trên đều đúng.
    2. Câu A đúng và câu B sai.
    3. Câu A sai và câu B đúng.
  5. Câu A: Bộ điều giải có thể được lắp bên trong hoặc bên ngoài hộp máy chính.

    Câu B: Bộ điều giải là một thiết bị đầu ra.

    1. Cả hai câu trên đều đúng.
    2. Câu A đúng và câu B sai.
    3. Câu A sai và câu B đúng.

Danh Mục Kiểm Tra Mục Tiêu Bài Học

Các Kỹ Năng Đạt ĐượcCóKhông
Tôi có thể phân biệt được các bộ phận khác nhau của máy tính cá nhân.
Tôi hiểu cách nối các bộ phận của máy tính cá nhân.
Tôi có thể giải thích chu trình Đầu Vào-Xử Lý_Đầu Ra.
Tôi có thể phân biệt thiết bị vào, ra và vào/ra.
Tôi có thể nhận biết được chức năng của các thiết bị xử lý.

Các Thuật Ngữ Cần Nhớ

  • Phần cứng là để chỉ chung các bộ phận máy tính mà bạn có thể sờ nắm được.
  • Đầu vào là chỉ các dữ liệu và lệnh đưa vào máy tính.
  • Thiết bị đầu vào được dùng để đưa dữ liệu và lệnh vào máy tính.
  • Thiết bị vào/ra thực hiện các chức năng của một thiết bị đầu vào ngoài các chức năng của thiết bị đầu ra.
  • Điểm chèn là đường nháy để chỉ một vị trí trên màn hình nơi mà chữ sẽ xuất hiện khi được đánh vào.
  • Bàn phím được dùng để đánh chữ vào máy tính.
  • Micro là thiết bị dùng để ghi âm. Micro chuyển sóng âm thành tín hiệu âm thanh.
  • Bộ vi xử lý là thiết bị quan trọng nhất trong bản mạch in chính và đây chính là nơi thực hiện việc xử lý dữ liệu — các phép tính số học và logic trên dữ liệu đã cho.
  • Bộ điều giải là một thiết bị điện tử chuyển tín hiệu số thành tín hiệu mô phỏng và ngược lại.
  • Màn hình được dùng để hiển thị thông tin từ máy tính.
  • Bản mạch in chính là một bảng lớn có chứa CPU với nhiều mạch điện tử nhỏ li ti và các thiết bị khác. Nó chứa rất nhiều thiết bị quan trọng của máy tính.
  • Chuột được dùng để chỉ và chọn những tùy chọn hiển thị trên màn hình.
  • Đệm chuột là một tấm đệm nhỏ có mặt trên bằng nhựa và đệm dưới bằng cao su hoặc nhựa mà bạn có thể di chuyển chuột trên đó.
  • Con trỏ chuột là một mũi tên di chuyển trên màn hình tương ứng với chuyển động của chuột.
  • Card giao diện mạng là một card được lắp trong máy tính để nó có thể được nối mạng.
  • Chuột quang là một thiết bị trỏ tiến bộ nữa có sử dụng thiết bị phát sáng thay vì bi chuột. Nó dò chuyển động bằng việc cảm nhận sự thay đổi ánh sáng phản quan lại trong thiết bị phát quang.
  • Đầu ra là để chỉ kết quả do máy tính đưa ra khi nó xử lý dữ liệu.
  • Thiết bị đầu ra là thiết bị có khả năng thể hiện thông tin trên máy tính.
  • Máy in được dùng để chuyển dữ liệu từ máy tính vào giấy.
  • Xử lý là chỉ những gì máy tính làm với thông tin mà nó nhận được.
  • Máy quét được dùng để tạo một bản sao số chính xác của một bức tranh hoặc ảnh mà có thể lưu trên máy tính.
  • Chuột cuộn hay chuột bánh xe được lắp bánh xe giữa phím phải và phím trái. Bánh xe này giúp bạn cuộn trơn tru qua các màn hình thông tin.
  • Card âm thanh là một thiết bị trong CPU cho phép máy tính nhận, xử lý và phát âm thanh.
  • Loa cho phép bạn dùng máy tính nghe nhạc và nghe hiệu ứng âm thanh và các văn bản đọc.
  • Hộp máy chính là phần thân chính của máy tính có chứa các thiết bị xử lý cần thiết để chuyển đầu vào thành đầu ra. Các thiết bị xử lý này gồm có bản mạch in chính, ổ đĩa trong và các phần cứng hệ thống khác như card video và card âm thanh.
  • Card video được cắm vào máy tính cá nhân để nó có thể hiển thị được.
  • Webcam là một thiết bị có khả năng chuyển hình ảnh trực quan sang dạng số.

© 2004 Microsoft Corporation. Bảo lưu mọi quyền.

Từ khóa » Bộ Phận Dùng để đưa Tín Hiệu Vào Máy Tính