Bài 2: Các Chức Năng Cơ Bản Của Xã Hội Học - HOC247

Các chức năng cơ bản của xã hội học được xây dựng trên cơ sở đối tượng nghiên cứu của xã hội học:

  • Chức năng nhận thức.
  • Chức năng thực tiễn.
  • Chức năng tư tưởng.

1. Chức năng nhận thức

Trang bị cho người học hệ thống tri thức khoa học về sự phát triển và các quá trình xã hội, phản ánh tính quy luật khách quan trong quá trình vận động, biến đổi của các hiện tượng xã hội, đồng thời chỉ ra cơ chế của quá trình chuyển biến đó.

Tạo những tiền đề phương pháp trong quá trình nhận thức về những triển vọng nhằm phát triển hơn nữa đời sống xã hội.

Xác định được nhu cầu phát triển của xã hội, của các tầng lớp, nhóm, các cộng đồng xã hội.

Với hệ thống phương pháp luận thực chứng và các phương pháp nghiên cứu “ngành”, kết quả nghiên cứu xã hội học cung cấp những thông tin thể hiện tính khoa học (tính xác thực, độ tin cậy, tập trung và có chọn lọc...), không ngừng nâng cao nhận thức xã hội trong cộng đồng.

Mọi hoạt động của con người đều được thực hiện trên cơ sở những nguyên lý cụ thể, chứa đựng những vấn đề mang tính quy luật được rút ra từ kinh nghiệm thực tế của quá khứ và hiện tại.

Trong các hoạt động thực tế, những nguyên lý này được xã hội học tiếp cận từ các chuẩn mực, các quy tắc...

Ý nghĩa thực tiễn của các phương pháp xã hội học thực nghiệm cho phép khảo nghiệm tính đúng đắn, xác thực của các mô hình, các quyết sách trong công tác quản lý xã hội trên cơ sở lí luận và thực tiễn.

Trong hoạt động khoa học xã hội học, các chức năng thực tiễn được thực hiện bằng các phương pháp luận nhận thức từ việc xác lập đối tượng nghiên cứu của mình.

2. Chức năng thực tiễn

Chức năng thực tiễn và chức năng nhận thức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chức năng thực tiễn của xã hội học luôn luôn bắt nguồn từ bản chất khoa học của quá trình nhận thức.

Khi nghiên cứu thực trạng của các quan hệ xã hội, những tri thức xã hội học tạo điều kiện đề con người có thể kiểm soát được quan hệ xã hội của mình và điều hoà các quan hệ đó phù hợp với yêu cầu khách quan của sự vận động, biến chuyển và tiến bộ xã hội.

Năng lực dự báo: trên cơ sở nắm bắt chính xác các quy luật và xu hướng phát triển của xã hội thông qua các mối quan hệ xã hội. Tri thức xã hội học tạo tiền đề và là điều kiện đề thiết kế và điều chỉnh mối liên kết xã hội, phục vụ tốt công tác quản lý xã hội một cách khoa học.

Củng cố mối liên hệ giữa khoa học với đời sống thực tế, phát huy tác dụng của xã hội học đối với công tác tổ chức, quản lý và điều tiết xã hội nói chung. Phát huy năng lực dự báo, quản lý và chỉ đạo.

Xã hội học có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thực tiễn của các cơ quan quản lý xã hội bởi:

  • Nhu cầu của công tác quản lý đối với các hoạt động xã hội.
  • Nội dung có tính đặc thù của xã hội học.
  • Nối liền lý thuyết khoa học với hoạt động thực tiễn. Góp phần vào việc giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển xã hội.

3. Chức năng tư tưởng

Thể hiện ở việc phục vụ cho việc giáo dục quần chúng theo định hướng giá trị xã hội.

Trang bị tri thức về các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, giáo dục lý tưởng xã hội. Thúc đẩy, duy trì các quan hệ mang tính nhân văn sâu sắc.

Lập trường của nhà xã hội học chân chính phải luôn luôn đảm bảo tính khách quan, khoa học trong quá trình nghiên cứu.

Từ khóa » Thuyết Chức Năng Trong Xã Hội Học Giáo Dục