Bài 2: Chữ “thời” Trong Kinh Doanh – Cơ Hội Và Thách Thức

Sau khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước thì cơ hội cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam là rất lớn, trong đó có ngành dệt may.

Chữ “thời”  ở đây được hiểu là “đúng thời điểm”, “đúng lúc” sẽ tạo ra cơ hội to lớn để thành công. Ngược lại nếu không đúng thời điểm thì dù có tài giỏi đến đâu chăng nữa cũng sẽ thất bại. Nếu đi ngược xu thế, là “lỗi thời”, nếu đi lạc chu kỳ, là “lỗi nhịp”, trong tất cả các trường hợp trên, khả năng thành công sẽ không cao.Về cách hiểu dân gian, người ta thường nói “làm ăn gặp thời” để chỉ việc mua bán, kinh doanh của một cá nhân, một tổ chức hay doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi, tốt đẹp, phát đạt. Nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp gặp thất bại thì được cho là do không gặp may, do định mệnh sắp đặt, do chưa gặp thời…

Chữ “thời” với cách dùng đó phản ánh quan điểm, tư duy xem việc kinh doanh phụ thuộc vào may rủi, thậm chí vận dụng luật nhân – quả theo triết lý nhà Phật để xét định rằng, cá nhân mà kinh doanh thành công là do tu nhân tích đức và ngược lại là do kinh doanh không gặp thời.

Tuy nhiên, trong kinh doanh, chữ “thời” đề cập được hiểu là nhân tố khách quan, giúp cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, kinh doanh thành công khi nó được phát hiện, phân tích trên cơ sở khoa học với sự nhạy bén, mẫn cảm và bản lĩnh trong kinh doanh.

Trong kinh doanh, để có thể thành công, tạo lập, phát triển, gia tăng lợi nhuận thì người sáng lập hay người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp cần thiết phải có tư duy chiến lược, có tầm nhìn “nhìn xa trông rộng” để nắm bắt và đoán định được đâu là thị trường tiềm năng trong hiện tại và tương lai. Xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng đã, đang và sẽ ra sao. Phải biết phân định và phân tích được những ưu thế thuận lợi của môi trường kinh doanh, của ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ, những điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp, để định vị, tái cấu trúc doanh nghiệp để đi đến thành công.

Nắm bắt chữ “thời” trong kinh doanh có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định sự sống còn, thành công hay thất bại. Một minh chứng cho chữ “thời” trong kinh doanh là đầu tư chứng khoán những năm 2006 – 2010. Những nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán quá sớm thì bị chôn vốn, những người rút chân ra quá trễ thì mất tiền. Những người mua chứng khoán đầu năm 2006 và bán cuối 2007 đều thành công, trong khi những người mua chứng khoán cuối 2007 và bán sau đó đều thất bại, có người giàu lên nhanh chóng và có người phá sản, trắng tay.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Cách mạng Xanh và hội nhập toàn cầu thì nhu cầu thị trường, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đã thay đổi rất nhanh và mạnh mẽ. Phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab cho rằng so với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, điện toán đám mây, robot… sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người sinh hoạt, như thế nào, mà còn “định nghĩa” lại xem chúng ta là ai.

Ông cũng khuyên những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chủ động. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc cơ cấu việc làm, nghề nghiệp, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới.

Doanh nghiệp thành công là các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, nắm bắt đúng và trúng nhu cầu thị trường, biết được ngành, lĩnh vực nào là “thời” theo xu hướng phát triển của thị trường. Các xu hướng sau đây là các ví dụ tiêu biểu:

Phân công lao động xã hội và chuyên môn hóa rất sâu đòi hỏi các doanh nghiệp phải cùng hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu để cùng hưởng lợi. Trong trường hợp này, việc “khởi nghiệp” dưới hình thức các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chuyên môn hóa cao có khả năng thành công hơn so với các doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa ngành.

Kinh tế chia sẻ sẽ phát triển rất nhanh, các mô hình kinh doanh mới dựa trên các ứng dụng công nghệ thông tin có cơ hội rất lớn trong các lĩnh vực du lịch, chỗ ở, vận tải…

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe, kéo dài tuổi thọ ngày càng tăng sẽ là dư địa rộng lớn cho các ngành thực phẩm chức năng, thực phẩm hữu cơ (organic), phẫu thuật thẩm mỹ, các sản phẩm từ tế bào gốc…

Cơ cấu lao động, việc làm, kỹ năng nghề nghiệp sẽ có thay đổi mạnh mẽ tạo cơ hội cho các ngành đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu xã hội như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kinh doanh mạng, kinh doanh quốc tế…

Sự phát triển bùng nổ của du lịch, nhu cầu con người được tự do di chuyển chỗ  ở, việc làm, khám phá thế giới sẽ tạo cơ hội cho lĩnh vực dịch vụ hàng không, du lịch.

Nắm bắt ngành “thời” còn là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tránh được thất bại được báo trước trong kinh doanh. Với các doanh nghiệp từng đứng ở đỉnh cao vinh quang trong kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc, ngân hàng, giáo dục… nhưng nay đang gặp khó khăn vì bị đối thủ cạnh tranh vượt mặt, thị phần thu hẹp, người tiêu dùng quay lưng, hàng tồn kho nhiều, công nghệ lạc hậu, doanh thu và lợi nhuận giảm sút, kinh doanh thua lỗ, nguy cơ phá sản lớn… thì các doanh nghiệp này đã đến lúc phải phân tích chữ “thời” với ngành hàng, sản phẩm và dịch vụ mà mình đang kinh doanh để có chiến lược thay đổi, tái định vị, tái cấu trúc… nhằm đáp ứng sự chuyển động của thị trường, nhu cầu của khách hàng…

Qua thực tiễn Việt Nam cho thấy, trong 10 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thường có đến 8 – 9 startup thất bại, chỉ còn lại 1 – 2 startup vượt được “vũ môn” và phải đến 20 năm sau mới thành công thực sự. Không ít startup phải chấp nhận đôi ba lần thất bại trước khi gặt hái được thành công. Hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết tận dụng chữ “thời” trong kinh doanh để giảm bớt, hạn chế tối đa khó khăn, rủi ro khi lĩnh vực kinh doanh đã… hết thời.

Ngành nào là ngành “thời”?
Ngành dịch vụ du lịch hàng không: Trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng khách du lịch vào Việt Nam là rất ấn tượng, với mức tăng trưởng bình quân 3 năm vừa qua trên 25%/năm. Nếu như năm 2016, khách quốc tế đến nước ta đạt 10 triệu lượt người, thì năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt người, năm 2018 đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người và dự kiến 2019 đạt khoảng 19 triệu lượt người. Với tốc độ này, khả năng thu hút 30 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 5 năm tới là rất khả thi.

Trong khu vực, Thái Lan là quốc gia cạnh tranh về thu hút du lịch quốc tế có chiến lược phát triển du lịch đáng khâm phục mặc dù tình hình chính trị, kinh tế không ổn định như Việt Nam. Tiêu biểu là chiến dịch cực kỳ thành công “Amazing Thailand” (Thái Lan kỳ diệu) đã giúp số lượng khách du lịch đến quốc gia này gia tăng “phi mã” qua mỗi năm. Nếu như năm 2016 khách du lịch quốc tế đến Thái Lan là 35 triệu lượt người, thì đến năm 2018 Thái Lan đã thu hút được 38 triệu lượt người và dự kiến 2019 là 41 triệu lượt người. Với nhu cầu du lịch quốc tế rất lớn như trên, cộng với nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ mát trong nước của người dân cũng ngày càng cao do đời sống, thu nhập tăng thì việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ là một mảnh đất khá màu mỡ, tiềm năng.

Ngành dệt may: Sau khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước thì cơ hội cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam là rất lớn, trong đó có ngành dệt may. Chẳng hạn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVTFA) vừa ký kết ngày 30/6 vừa qua, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực và 99% sau 7 năm thực thi. Đây là cơ hội rất tốt cho các ngành dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ…

Theo ước tính của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ tăng trưởng trên 20% do thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU giảm từ bình quân là 9,6% về 0% trong vòng 7 năm. Tương tự, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự báo cũng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ngành ứng dụng công nghệ: Công nghệ mới và sự kết hợp nhiều công nghệ hầu hết vận hành trên nền tảng sức mạnh số tạo cơ hội vô tận cho sự phát triển mang tính đột phá để các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “đi tắt, đón đầu”. Chẳng hạn ngành vận tải với ô tô điện, ô tô tự lái; ngành y tế với công nghệ in sinh học 3D các bộ phận cơ thể người, các máy cấy ghép vào cơ thể; xây dựng nhà thông minh, văn phòng thông minh, thành phố thông minh; dịch vụ phân tích dữ liệu lớn, lưu trữ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, quản trị, rô bốt thay thế con người, thực tế tăng cường, an ninh mạng…

Các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số cũng tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới, tiềm năng chưa từng xuất hiện trước đây như việc chia sẻ và kết nối tài sản, con người và dữ liệu, tạo ra cách thức sử dụng dịch vụ và tiêu dùng hàng hóa hoàn toàn mới. Mặc dù ngành kinh doanh ứng dụng công nghệ có hàm chứa rủi ro, nhưng khả năng sinh lời rất cao và với mức độ tăng trưởng rất khó tưởng tượng.

Ngành dược phẩm (các sản phẩm thực phẩm chức năng và đông dược): Cùng với thu nhập và đời sống ngày càng cao thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe, kéo dài tuổi thọ ngày càng gia tăng. Đây là dư địa rộng lớn cho các ngành thực phẩm chức năng, thực phẩm hữu cơ (Organic), các sản phẩm từ tế bào gốc… đáp ứng tiêu chuẩn “bio”, có nghĩa là có nguồn gốc từ thiên nhiên, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không có dư lượng kháng sinh…

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng và đông dược tăng nhanh, có thể nói là không có giới hạn do chính công dụng hữu ích của nó và theo xu hướng tiêu dùng nêu trên. Thực phẩm chức năng và đông dược tích cực hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, các sản phẩm thuốc đông dược. Công dụng của thực phẩm chức năng đã được nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới trong đó có Nhật Bản từ những năm 80, sau đó dần phát triển ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, Úc, New Zealand, Trung Quốc…

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng liên tục tăng. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu 100% vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành, trong đó sản xuất trong nước trên 70% và nhập khẩu gần 30%.

Ngành nông nghiệp sạch cũng có tiềm năng lớn bởi nhu cầu thực phẩm an toàn hiện nay ở nước ta và các nước trên thế giới đều rất lớn. Nhu cầu ăn ngon, ăn sạch, sử dụng thực phẩm hữu cơ bảo đảm sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống… ngày càng được con người quan tâm hướng đến. Việt Nam là nước nông nghiệp, nông sản rất phong phú, đa dạng, vì thế tiềm năng đầu tư vào ngành trồng trọt, chế biến nông sản sạch đang có triển vọng phát triển rất lớn.

Tóm lại, việc nắm bắt đúng lúc “thời”, “thời điểm”, “thời cơ” trong kinh doanh là yếu tố hàng đầu, tiên quyết cho sự thành công của kinh doanh. Doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu thị trường, vận dụng và thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường, với nhu cầu của khách hàng. Cần nhận diện được sản phẩm nào, ngành hàng nào đã lỗi thời, người tiêu dùng đang quay lưng, để có kế hoạch chuyển đổi, tái cấu trúc cho phù hợp để tồn tại và tiếp tục phát triển. Nếu chưa có sản phẩm, dịch vụ gì mới, khác biệt so với các công ty cùng ngành nghề hiện đang hoạt động trên thị trường thì chưa nên khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực đã hết thời thì áp lực vô cùng lớn cho bán hàng, doanh thu và lợi nhuận hết sức khó khăn, cái kết thất bại đã được báo trước.

Xin nhắc lại lời của  Nguyễn Trãi viết về chữ “thời” trong bài “Lại thư dụ Vương Thông” thay cho lời kết: “Tôi thường xem Kinh Dịch 384 hào mà cốt yếu là ở chữ “thời”, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ “thời” to tát sao!” và “Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn, mất thời không thế thì mạnh hoá ra yếu, yên thành ra nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong không trở bàn tay”.

CEO Đặng Đức Thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bài 3: Doanh nghiệp thành công: Hiểu thế nào cho đúng?
(Theo: Chinhphu.vn)

Từ khóa » Nhìn Ra Cơ Hội Kinh Doanh