Bài 2: Hướng Dẫn & Share Mẫu Kịch Bản Video - VuDucAn.Com

Cách làm kịch bản video như thế nào? Cách xây dựng kịch bản video ra sao?. Ân đoán đây là những câu hỏi của những bạn làm video nghiệp dư thường hay lên google search để mong muốn tìm được 1 bài viết của ai đó hướng dẫn chi tiết và share cả file kịch bản mẫu.

Yên tâm, trong bài viết thuộc chuyên mục làm video trên smartphone hôm nay Ân sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từng bước dựa theo kinh nghiệm ít ỏi của Ân nhé!. Đặc biệt là ở cuối bài viết Ân sẽ share cho bạn file kịch bản của Ân để bạn tham khảo nữa nhé!.

À còn một điều Ân cũng muốn nói thêm cho bạn biết là những kiến thức Ân chia sẻ cho bạn trong bài viết này chỉ dựa theo kinh nghiệm nghiệp dư của Ân mà thôi nhé!.

Ân hoàn toàn không được học chuyên nghiệp qua trường lớp nào cả. Cho nên sẽ có những kiến thức không đúng với dân chuyên nghiệp, nếu bạn nào chuyên nghiệp mà vô tình đọc được bài viết này thì hãy bình luận góp ý phía dưới để Ân mà mọi người cùng học hỏi nhé!.

Cách làm kịch bản video – Bài 2: Hướng dẫn & Share mẫu kịch bản video

Mục lục

Toggle
  • 1.Tại sao cần phải xây dựng kịch bản video?
  • 2.Các dạng quay video
    • 2.1.Quay video có lời thoại
    • 2.2.Quay video không lời thoại
  • 3.Demo các thể loại video Ân đã từng làm
    • #A: Thể loại có lời thoại
    • #B: Thể loại không lời thoại
  • 4.Hướng dẫn cách làm kịch bản video cho dân nghiệp dư theo từng bước
    • 4.1.Bước 1: Xác định thể loại & chủ đề quay video
    • 4.2.Bước 2: Xác định địa điểm quay video
    • 4.3.Bước 3: Tham khảo ý tưởng quay
    • 4.4.Bước 4: Tìm chọn nhạc và hiệu ứng âm thanh
    • 4.5.Bước 5: Lựa chọn thiết bị quay
    • 4.6.Bước 6: Tiến hành viết kịch bản
      • #A.Kịch bản Travel không lời thoại
      • #B.Kịch bản sự kiện triển lãm có lời thoại
  • 5.Share mẫu cách làm kịch bản video của Ân
  • 6.Kết
  • 7.Bài học tiếp theo

1.Tại sao cần phải xây dựng kịch bản video?

Kịch bản video rất quan trọng, nhờ vào nó mà bạn sẽ rút ngắn được thời gian cho buổi quay video và giúp bạn không bị lúng túng, lóng ngóng, thậm chí bị bí ý tưởng trong quá trình đi quay video.

Bất kể công việc nào cũng vậy, nếu như bạn có sự chuẩn bị trước thì khi thực thi công việc đó nó sẽ giúp cho bạn tự tin hơn và hoàn thành công việc được trơn trư và hoàn hảo hơn.

Như vậy, kịch bản video chính là những ý tưởng mà bạn sẽ chuẩn bị trước trên giấy để đến ngày quay video bạn chỉ cần mang theo tờ giấy đó và nhìn theo rồi thực hiện thôi.

Những thước phim hay, những video đẹp mà bạn xem trên mạng thì hầu hết sẽ có kịch bản.

2.Các dạng quay video

Mỗi dạng quay video sẽ có cách làm kịch bản khác nhau. Ở đây Ân sẽ phân ra làm 2 dạng quay video chính đó là có lời thoại và không lời thoại.

2.1.Quay video có lời thoại

Quay video có lời thoại là dạng quay có giọng nói của nhân vật chính/Mc/khách mời tham gia… trong video nhằm diễn giải những nội dung trong video cho người xem hiểu được chủ đề của video đang nói về cái gì.

Dạng quay video có lời thoại thường sẽ là những video quay như sau:

Giới thiệu sản phẩm, cá nhân, công ty/doanh nghiệp.

Review sản phẩm.

Review du lịch.

Phỏng vấn.

Video quảng cáo.

Phim ngắn, phim dài tập, phim chiếu rạp.

2.2.Quay video không lời thoại

Quay video không lời thoại chỉ đơn thuần là dạng video không có giọng nói diễn giải của nhân vật chính hoặc MC nào cả mà chỉ có cảnh quay và nhạc chèn vào video mà thôi.

Những dạng quay video không lời thoại bao gồm như sau:

Phóng sự cưới.

Sự kiện.

Quay tiệc tùng, event, lễ hội.

Travel du lịch.

3.Demo các thể loại video Ân đã từng làm

Ân không phải dân chuyên nghiệp, kinh nghiệm và kiến thức lĩnh vực này của Ân cũng không nhiều và còn phải học hỏi thêm.

Cho nên level Ân tới đâu thì Ân hướng dẫn bạn tới đó thôi nhé!. Bây giờ Ân sẽ show một số video mà Ân đã làm theo quy trình kịch bản để cho bạn tham khảo.

#A: Thể loại có lời thoại

Thể loại có lời thoại này thì Ân có quay video giới thiệu công ty mà Ân đã từng làm.

#B: Thể loại không lời thoại

Thể loại không lời thoại thì Ân có video quay chuyến du lịch đã lạt của Ân năm 2019.

4.Hướng dẫn cách làm kịch bản video cho dân nghiệp dư theo từng bước

Những bạn nghiệp dư khi mới làm video sẽ rất khó hình dung được là soạn kịch bản để quay video cần phải bắt đầu từ đâu.

Trước đây Ân cũng vậy, khi đó lên google search không thấy ai chỉ cả mà cũng không có kịch bản mẫu luôn.

Sau đó may mắn Ân được 1 người bạn trong lĩnh vực quay & dựng video chỉ lại cho Ân.

Hiểu được nỗi khổ này nên Ân sẽ hướng dẫn cho bạn từng bước phía dưới để bạn có cái nhìn tổng quát về quy trình cách xây dựng một kịch bản video như thế nào nhé!.

4.1.Bước 1: Xác định thể loại & chủ đề quay video

Trước tiên bạn cần phải biết thể loại quay video của bạn là gì, có lời thoại hay không có lời thoại, chủ đề quay video là gì, quay giới thiệu công ty hay quay review sản phẩm…

4.2.Bước 2: Xác định địa điểm quay video

Khi đã biết thể loại và chủ đề quay video rồi thì tiếp theo bạn cần phải biết trước địa điểm quay là ở đâu rồi sau đó bạn phải thị phạm tiền trạm địa điểm trước.

Bạn cần phải lên google map search đường đến địa điểm, search hình ảnh ở địa điểm, search video quay khung cảnh ở địa điểm đó.

Bạn xem qua 1 lượt để hình dung được khung cảnh ở địa điểm đó ra sao, có gì nổi bật, có gì đẹp hay không.

4.3.Bước 3: Tham khảo ý tưởng quay

Những người chuyên nghiệp thì Ân không biết thế nào. Còn cá nhân Ân thì mỗi video Ân đều cần phải đi tham khảo ý tưởng quay của người khác để học hỏi.

Đây là cách nhanh nhất giúp bạn tăng level nhanh chóng.

Bạn quay video thể loại gì, chủ đề gì thì bạn tìm video tương ứng để tham khảo những yếu tố bao gồm: góc quay, cảnh quay, cách chuyển cảnh, màu sắc, bố cục khung hình, nhạc nền.

Một số kênh youtube mà Ân thường tham khảo như sau:

Kan bokeh: dành cho những bạn thích quay video, chụp ảnh cho bạn gái.

Minh travel, Kop Dinh Travel: dành cho những bạn thích quay video du lịch.

Làm phim cùng Nam Trịnh, Cường – Làm Phim Nghiệp Dư: hướng dẫn kiến thức quay phim, góc quay, thiết bị quay.

Một số thể loại quay phim khác như giới thiệu công ty, giới thiệu sản phẩm thì bạn cứ search trên youtube sẽ có rất nhiều video.

4.4.Bước 4: Tìm chọn nhạc và hiệu ứng âm thanh

Nhạc và hiệu ứng âm thanh sẽ góp phần làm cho video của bạn hay hơn, sinh động hơn.

1 chiếc video đẹp là phải hội tụ đủ các yếu tố: góc quay, cảnh quay, con người, âm nhạc, ánh sáng.

Nhạc trong video cũng chính là yếu tố làm cho người xem có cảm xúc. Một cảnh quay xúc động phải kèm theo 1 đoạn nhạc xúc động để đẩy cảm xúc người xem lên đến cao trào.

Tuy nhiên, không phải nhạc nào bạn cũng sẽ được lấy. Nếu như bạn có ý định làm video để đăng lên kênh youtube thì tốt nhất bạn nên sử dụng nhạc miễn phí bản quyền của youtube cho.

Để sử dụng nhạc miễn phí của youtube thì trước tiên bạn đăng nhập gmail vào trang youtube rồi tìm đến phần “Youtube studio”.

Nhìn bên cột trái kéo xuống phía dưới bạn sẽ thấy “thư viện âm thanh”. Trong đây sẽ có rất nhiều nhạc miễn phí và hiệu ứng âm thanh cho bạn tải về sử dụng mà không lo bị bản quyền.

4.5.Bước 5: Lựa chọn thiết bị quay

Bài viết này Ân đang hướng dẫn dành cho những bạn quay video trên điện thoại thì thiết bị chính chắc chắn là điện thoại rồi đúng không nào.

Nhưng những bạn sử dụng thiết bị máy quay phim thì vẫn có thể áp dụng cách làm kịch bản này được nhé!.

Quay lại vấn đề chính thì khi bạn đã xác định địa điểm quay, thể loại quay thì bạn cần xác định xem mình sẽ chuẩn bị những thiết bị và phụ kiện hỗ trợ nào để đem theo đi quay.

Ví dụ bạn quay video về travel thì chắc chắn bạn sẽ cần mang theo gimbal chống rung, flycam để quay các góc trên cao.

Bạn cần phải xác định được mình sẽ sử dụng thiết bị nào cho những cảnh quay nào, góc quay nào rồi sau đó mới tiến hành viết kịch bản.

4.6.Bước 6: Tiến hành viết kịch bản

Với mỗi thể loại video chủ đề video khác nhau thì cách soạn kịch bản cũng sẽ có một chút khác nhau. Bên dưới đây Ân sẽ đưa ra 2 loại kịch bản mà Ân từng làm là về travel không lời thoại và sự kiện triển lãm.

Ân thường sử dụng excel hoặc word để soạn kịch bản cho video.

#A.Kịch bản Travel không lời thoại

cách làm kịch bản video travel

Đối với kịch bản quay video travel không lời thoại thì trong kịch bản Ân sẽ chia ra làm nhiều bối cảnh quay khác nhau (Scene).

ở mỗi bối cảnh Ân chia ra làm nhiều trường thông tin bao gồm:

STT: số thứ tự của 1 footage (cảnh quay).

Mô tả: viết mô tả chi tiết những gì mình cần làm trong cảnh quay đó.

Hình minh họa: chèn hình minh họa để diễn giải cảnh quay cho dễ hình dung.

Góc quay: viết mô tả góc quay sẽ thực hiện như thế nào, góc trên cao hay góc dưới thấp như nào thì viết vào đây.

Số lượng: số lượng video cảnh quay.

Địa điểm quay: mô tả địa điểm mình sẽ quay cho cảnh quay đó hoặc Scene đó.

#B.Kịch bản sự kiện triển lãm có lời thoại

cách làm kịch bản video sự kiện triển lãm

Đối với kịch bản quay sự kiện triển lãm có lời thoại thì Ân cũng sẽ chia nhiều trường thông tin mô tả bao gồm như sau:

STT: số thứ tự của mỗi cảnh quay.

Cảnh: mô tả cảnh cần quay video.

Lời bình: lời thuyết minh của nhân vật chính/MC.

Góc quay: mô tả những góc cần quay.

Ghi chú: phần này sẽ ghi chú thêm những phân cảnh cần quay trong video.

5.Share mẫu cách làm kịch bản video của Ân

1 bài viết hướng dẫn cũng không bằng tận mắt nhìn thấy file kịch bản mẫu đúng không nào?.

Ân sẽ share cho bạn 2 file mẫu kịch bản quay video của Ân cho bạn tham khảo nhé!.

Nếu như link tải có bị lỗi thì bạn hãy bình luận xuống phía dưới để Ân biết Ân cập nhật lại link cho bạn.

Tải file mẫu kịch bản quay video travel TẠI ĐÂY.

Tải file mẫu kịch bản quay video sự kiện triển lãm TẠI ĐÂY.

6.Kết

Như vậy Ân cũng đã hướng dẫn xong cho bạn cách làm kịch bản video xong rồi nhé.

Kể cả bạn có quay video bằng điện thoại hay bằng máy quay phim thì bạn cũng đều có thể áp dụng quy trình viết kịch bản vào đều được.

Điều này sẽ giúp cho bạn làm được những video nhìn chuyên nghiệp hơn, đẳng cấp hơn.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết dài dòng này. Chúc bạn thành công!.

7.Bài học tiếp theo

Bài 3: Hướng dẫn kỹ thuật quay video trên điện thoại smartphone

Từ khóa » Cách Viết Kịch Bản Clip Ngắn