Bài 2: Phát Triển Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp đổi Mới Sáng Tạo

Trao giải cho các nhóm tác giả đạt giải cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh năm 2021. Ảnh: TL

Để hình thành ý tưởng khởi nghiệp khả thi, nhà trường sẽ tuyển chọn thông qua các cuộc thi khởi nghiệp hoặc phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (SV). Bên cạnh đó, nhà trường mạnh dạn đặt hàng hoặc chuyển giao công nghệ để SV có thể khởi nghiệp.

Sau khi có được ý tưởng khởi nghiệp khả thi, nhà trường thực hiện đồng thời nhiều hoạt động hỗ trợ, cụ thể là thực hiện 10 nội dung hỗ trợ cơ bản: ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ SV khởi nghiệp. Thực hiện quốc tế hóa các hoạt động khởi nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông. Đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho SV. Đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn phục vụ công tác cố vấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho SV khởi nghiệp. Kết nối doanh nhân và DN, nhà đầu tư, các tổ chức ươm tạo và thúc đẩy khởi nghiệp, các tổ chức truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, khối công để hình thành nên hệ sinh thái hỗ trợ SV triển khai thực tế dự án khởi nghiệp. Kết nối với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực để hình thành nên các liên minh hỗ trợ SV triển khai thực tế dự án khởi nghiệp. Phát triển các mô hình hỗ trợ vệ tinh (hợp tác xã sinh viên, các mô hình kinh doanh thử nghiệm), mô hình các câu lạc bộ (câu lạc bộ khởi nghiệp, sáng tạo, công nghệ số, nghiên cứu khoa học). Tạo môi trường hỗ trợ SV khởi nghiệp. Hỗ trợ nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường và các sự kiện kết nối kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm,…

Năm 2021, Trường ĐHTV tổ chức 06 cuộc thi khởi nghiệp thu hút hơn 300 ý tưởng/dự án tham gia và cử các ý tưởng/dự án khả thi tham gia các cuộc thi ở cấp cao hơn, đạt nhiều thứ hạng cao. Hàng năm, Trường ĐHTV đều có 02 dự án vào vòng chung kết của cuộc thi ý tưởng SVkhởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trưng bày sản phẩm tại ngày hội Techfest quốc gia, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức 01 cuộc thi viết câu chuyện khởi nghiệp thu hút hơn 70 bài viết tham gia, các bài viết thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong SV. Từ đó, nhà trường đã có hơn 40 dự án khởi nghiệp và có 08 dự án được ươm tạo.

Đặc biệt, năm 2021, Trường ĐHTV có 14 ý tưởng/dự án đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp tỉnh, có 03 dự án vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 05 dự án vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, 02 dự án vào vòng chung kết cuộc thi ý tưởng học sinh, SV khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đến nay, nhà trường đã thành lập 08 DN khởi nghiệp, riêng năm 2021 thành lập 04 DN.

Em Sơn Minh Thiện, SV năm 3, ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐHTV, Trưởng nhóm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sản xuất nước chấm từ cơm mẻ bày tỏ: dự án nước chấm từ cơm mẻ thương hiệu Dermeta với vị chua dịu và hương thơm đặc trưng bởi sự kết hợp nhiều loại sản phẩm tự nhiên khác nhau như: ớt, sả, nho rừng, mắm bò hóc,… Mục tiêu của dự án xây dựng thương hiệu Dermeta, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm truyền thống địa phương, bảo tồn, phát huy nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặc dù ý tưởng, dự án của nhóm hiện chưa được thương mại hóa nhưng trải qua cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp giúp em rút ra bài học kinh nghiệm về chiến lược kinh doanh, phương án xây dựng kế hoạch khởi nghiệp ngắn hạn và dài hạn như thế nào. Do đó, ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường em sẽ cố gắng nghiên cứu, học hỏi nhiều hơn để nâng cấp ý tưởng, dự án hiện có để sau khi ra trường sẽ tự tin trên bước đường khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Trường ĐHTV, để định hướng công tác hỗ trợ khởi nghiệp năm 2022, Trường ĐHTV sẽ tổ chức gần 20 cuộc thi, chương trình, hội thảo gồm: cuộc thi “Student Entrepreneur Talent”, hoạt động kết nối với chuyên gia; hội thảo kết nối các SV có ý tưởng/dự án khởi nghiệp với cựu SV thành đạt; tập huấn chuyên sâu cho giảng viên Trường ĐHTV giảng dạy môn khởi nghiệp; hội thảo với chủ đề “Khởi nghiệp cần những gì? Làm sao để tiếp cận?; cuộc thi “ý tưởng khởi nghiệp trong SV”; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với quy mô vốn nhỏ; đào tạo nâng cao năng lực cho SV có ý tưởng khởi nghiệp khả thi; “xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng”; Chương trình “ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp”.

Các cuộc thi, hội thảo trên nhằm mục tiêu tiếp nối hoạt động xây dựng và chuẩn hóa các cuộc thi khởi nghiệp, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo hỗ trợ các dự án tham gia nhằm kết nối các chương trình đầu tư mang tầm quốc gia và khu vực; kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp giữa Trường ĐHTV với các chuyên gia khởi nghiệp ngoài nước. Kết nối các SV có ý tưởng/dự án khởi nghiệp với cựu SV thành đạt của nhà trường nhằm thu hút đầu tư cũng như chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế cho SV đang có mong muốn khởi nghiệp. Đào tạo phương pháp giảng dạy các kỹ năng cần thiết cho quá trình khởi nghiệp bằng phương pháp trải nghiệm, cụ thể là kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng gọi vốn đầu tư. Tạo điều kiện giúp SV vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; phát hiện và ươm tạo những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo; tuyển chọn những dự án khởi nghiệp khả thi nhằm tham gia cuộc thi khởi nghiệp ở cấp độ cao hơn, đồng thời quảng bá những ý tưởng, dự án hay và gắn kết vào thực tế. Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho SV khi bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn nhỏ. Xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu giúp cho DN khởi nghiệp: (1) Truyền tải được giá trị cốt lõi cũng như chất lượng của sản phẩm/dịch vụ đến với toàn bộ khách hàng và thị trường bên ngoài. (2) Tách biệt sản phẩm, dịch vụ của DN mình với các đối thủ cạnh tranh. (3) Tăng cường độ trung thành của khách hàng. (4) Tên của DN trở nên thân thiện, dễ hiểu với khách hàng. (5) Trở thành một thương hiệu đáng nhớ. (6) Thuận lợi cho việc bán hàng, gia tăng doanh số. (7) Gia tăng giá trị DN.

 MẪN QUÂN

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp đổi Mới Sáng Tạo Là Gì