Bài 31: Tập Tính Của động Vật - VOH

Table of Contents

  • I. Lý thuyết
    • 1. Khái niệm tập tính động vật
    • 2. Phân loại
    • 3. Cơ sở thần kinh của tập tính
  • II. Bài tập luyện tập tập tính của động vật của trường NK - LTT

I. Lý thuyết

1. Khái niệm tập tính động vật

Tập tính động vật là chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường (bên trong hoặc bên ngoài cơ thể), nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống.

Ví dụ: Động vật ngủ đông ( gấu, nhím, chuột, rắn...); động vật săn mồi; chim di cư....

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-1

2. Phân loại

Chia thành 2 loại: tập tính bẩm sinh và tập tính học được.

Tập tính bẩm sinh

Tập tính học được

Khái niệm

Tập tính bẩm sinh là tập tính sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ và đặc trưng cho loài.

Tập tính học được là tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm.

Cơ sở thần kinh

Tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện

Tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện.

Đặc điểm

Trình tự của chúng trong hệ thần kinh đã được gen quy định sẵn từ khi sinh ra.

Bền vững, không thay đổi.

Quá trình hình thành tập tính học được chính là quá trình hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron nên có thể thay đổi.

Sự hình thành tập tính học được ở động vật phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của hệ thần kinh và tuổi thọ của chúng.

Ví dụ

Nhện thực hiện các động tác để giăng tơ, ve sầu kêu vào mùa hè,...

Khỉ biết dùng ống hút để uống nước, gõ kẻng thì vịt về,...

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-2

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-3

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-4

Một số hình ảnh tập tính học được

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-5

bai-31-tap-tinh-cua-dong-vat-7

Lưu ý: Nhiều tập tính của động vật có cả nguồn gốc bẩm sinh và học được( tập tính hỗn hợp)

Ví dụ: tập tính bắt chuột ở mèo vừa là do bẩm sinh, vừa là do mèo mẹ dạy cho; tập tính xây tổ của chim vừa mang tính bẩm sinh vừa là do học được từ đồng loại.

Một số hình ảnh tập tính hỗn hợp

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-7

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-8

3. Cơ sở thần kinh của tập tính

Cơ sở của tập tính là các phản xạ. Các phản xạ thực hiện qua cung phản xạ.

tap-tinh-cua-dong-vat-sinh-11-9

Cơ sở thần kinh của tập tính bẩm sinh: phản xạ không điều kiện, do gen quy định.

Cơ sở thần kinh của tập tính học được: phản xạ có điều kiện, do thành lập mối liên hệ thần kinh giữa các trung khu nên phụ thuộc mức độ tổ chức thần kinh của động vật.

II. Bài tập luyện tập tập tính của động vật của trường NK - LTT

Câu 1: Bản năng của động vật là tập hợp các phản xạ

  1. không điều kiện.
  2. có điều kiện.
  3. không điều kiện được phối hợp theo trình tự xác định.
  4. không điều kiện và có điều kiện.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây là sai khi nói về sự khác nhau giữa tập tính bẩm sinh và tập tính học được?

  1. Tập tính bẩm sinh do kiểu gen quy định, tập tính học được do học tập và rút kinh nghiệm.
  2. Tập tính bẩm sinh là chuỗi các phản xạ không điều kiện, tập tính học được là chuỗi các phản xạ có điều kiện.
  3. Số lượng các xináp trong cung phản xạ của tập tính bẩm sinh nhiều hơn của tập tính học được.
  4. Tuổi thọ của động vật có tập tính bẩm sinh thường ngắn hơn của động vật có tập tính học được.

Câu 3: Bản chất của quá trình hình thành tập tính học được là

  1. sự di truyền kiển gen từ thế hệ này qua thế hệ khác.
  2. sự hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron.
  3. sự hình thành các mối liên hệ mới giữa nơron và tế bào cơ.
  4. sự hình thành các mối liên hệ mới giữa nơron và tế bào tuyến.

Câu 4: Điều kiện hóa hành động là kiểu liên kết giữa

  1. các hành vi của động vật và các kích thích, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.
  2. một hành vi của động vật với một phần thưởng (hoặc phạt), sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.
  3. một hành vi của động vật và một kích thích, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.
  4. hai hành vi của động vật với nhau, sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này.

Câu 5: Học ngầm là kiểu học không có ý thức, sau đó những điều đã học

  1. không được dùng đến nên động vật sẽ quên đi.
  2. lại được củng cố bằng các hoạt động có ý thức.
  3. được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống tương tự.
  4. được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống khác lạ.

Câu 6: Học khôn là

  1. kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tìm cách giải quyết những tình huống tương tự.
  2. phối hợp các kinh nghiệm cũ và những hiểu biết mới để tìm cách giải quyết những tình huống mới.
  3. từ các kinh nghiệm cũ sẽ tìm cách giải quyết những tình huống tương tự.
  4. kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tìm cách giải quyết những tình huống mới.

Câu 7: Sáo, vẹt nói được tiếng người. Đây thuộc loại tập tính

  1. bẩm sinh.
  2. học được.
  3. bản năng.
  4. vừa là bản năng vừa là học được.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1:

Chọn C

Hướng dẫn giải:

Bản năng của động vật mang đặc trưng của loài sinh ra đã có bền vững và di truyền nên các hành động là các phản xạ không điều kiện.

Câu 2:

Chọn C

Hướng dẫn giải:

A, B, D đúng.

C sai vì số lượng các xináp trong cung phản xạ của tập tính bẩm sinh ít hơn của tập tính học được.

Câu 3:

Chọn B

Hướng dẫn giải:

Tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện. Quá trình hình thành tập tính học được chính là quá trình hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron.

Câu 4:

Chọn B

Hướng dẫn giải:

Điều kiện hóa hành động là kiểu liên kết giữa một hành vi của động vật với một phần thưởng (hoặc phạt), sau đó động vật chủ động lặp lại các hành vi này. Ví dụ: khi gặp người lớn trẻ khoanh tay cúi đầu và chào hỏi sau đó được người lớn khen( thưởng) thì lần sau gặp người lớn thì cháu chủ động lặp lại hành đồng đó.

Câu 5:

Chọn C

Hướng dẫn giải:

Học ngầm là kiểu học không có ý thức, sau đó những điều đã học được tái hiện giúp động vật giải quyết được những tình huống tương tự. Ví dụ: Chó hoặc trâu được nuôi ở nhà, khi dắt thả nó ở một nơi khác cách xa nhà nó vẫn có thể nhớ đường để quay về nhà.

Câu 6:

Chọn D

Hướng dẫn giải:

Học khôn là kiểu học phối hợp các kinh nghiệm cũ để tìm cách giải quyết những tình huống mới. Ví dụ: Tinh tinh biết cách chồng những chiếc thùng lên nhau để đứng lên lấy thức ăn trên cao.

Câu 7:

Chọn B

Hướng dẫn giải:

Sáo, vẹt nói được tiếng người là được hình thành trong quá trình sống, học tập và rút kinh nghiệm.

Giáo viên biên soạn: Trần Ngọc Thủy

Đơn vị: Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Từ khóa » Ví Dụ Về Tập Tính Bẩm Sinh Và