Bài 4 KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (NĂM 40)

h4_500_06

Hình 1: Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận (tranh dân gian Đông Hồ)

1. Nội dung

Tranh dân gian Đông Hồ do người dân ở Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẽ. Tranh Đông Hồ được làm nên bởi các màu sắc của thiên nhiên như xanh chàm, đỏ sơn, đen than, nâu của củ nâu, vàng của hoa hiên, nên màu sắc rất tươi và gần gũi với mọi người.

Trong bức tranh trên, nổi rõ hình ảnh Hai Bà Trưng vấn khăn vành dây, cưỡi voi, tay cầm gươm đang vung lên, quân lính đội nón chóp, người cầm cờ nghĩa, người cầm giáo, người cầm dao đang chạy phía trước, hai bên hoặc chạy theo sau voi. Tất cả mọi người đều thể hiện vẻ quyết tâm đuổi bắt bằng được tướng giặc. Tên giặc có nét mặt sợ hãi, mắt trợn ngược và râu dựng lên.

2. Phương pháp sử dụng

Bức tranh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận được sử dụng khi nói về người lãnh đạo khởi nghĩa và khí thế của cuộc khởi nghĩa (nên kết hợp với hình 2). Trước hết, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát bức tranh, kết hợp nghiên cứu sách giáo khoa để tìm hiểu và trả lời các câu hỏi:

- Trong tranh vẽ những gì?

- Dựa vào bức tranh em hãy miêu tả lại không khí của cuộc khởi nghĩa

Sau khi học sinh trao đổi nhóm và trả lời câu hỏi, giáo viên dựa vào nội dung trên miêu tả ngắn gọn về bức tranh và kết luận về nguyên nhân Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (do lòng yêu nước căm thù giặc); quần chúng khắp nơi nô nức đi theo (vì bị áp bức bóc lột tàn bạo, cực khổ); khí thế của cuộc khởi nghĩa đã làm cho quân thù khiếp vía.

h1_500_09

Hình 2: Lược đồ khu vực chính nổ ra khởi nghĩa Hai Bà Trưng

1. Nội dung

Trên lược đồ trong sách giáo khoa, những chỗ có chỗ chấm tròn đỏ chỉ những nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát thuộc Hát Môn, tỉnh Hà Tây. Đây là một vùng đất có vị trí thuận lợi. Từ Hát Môn nghĩa quân tiến đánh Mê Linh, làm chủ Mê Linh, rồi tiến xuống đánh chiếm Cổ Loa. Từ Cổ Loa, quân thủy, quân bộ vượt sông Hồng, sông Đuống đánh chiếm Luy Lâu (Bắc Ninh) là trung tâm chính quyền đô hộ.

Trong vòng không đầy một tháng, nghĩa quân đã giải phóng được 65 huyện thành, thu phục được toàn bộ các thành trì bị quân đô hộ chiếm đóng, nền độc lập dân tộc được khôi phục. Trưng Trắc được suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh.

2. Phương pháp sử dụng

Lược đồ khu vực chính nổ ra cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được sử dụng khi dạy về diễn biến của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Giáo viên nên phóng to lược đồ treo lên tường. Trước hết, giáo viên giới thiệu khái quát lược đồ, các ký hiệu, rồi yêu cầu học sinh dựa vào sách giáo khoa để trả lời các câu hỏi:

- Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra ở đâu?

- Sau khi làm chủ Mê Linh, nghĩa quân đánh chiếm nơi nào?

- Từ Cổ Loa, quân ta tấn công đánh chiếm trung tâm của chính quyền đô hộ ở nơi nào?

- Hãy nêu kết quả cuộc khởi nghĩa?

Sau khi học sinh tìm hiểu, trả lời câu hỏi, giáo viên tường thuật lại diễn biến cuộc khởi nghĩa trên lược đồ (dựa vào nội dung trên). Khi nói đến khắp nơi nhân dân nô nức đi theo khởi nghĩa của Hai Bà, giáo viên có thể kết hợp sử dụng hình 1.

Nhắn tin cho tác giả Trần Thị Thùy Phương @ 22:43 26/11/2013 Số lượt xem: 10810 Số lượt thích: 0 người

Từ khóa » Khí Thế Tiến Quân Của Hai Bà Trưng