BÀI 6 - CÁC YẾU TỐ NGỮ ÂM TRONG ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT

Như đã biết, học thanh nhạc, ngoài việc tập luyện một số kỹ thuật cơ bản, còn phải học cách xử lý ngôn ngữ sao cho âm thanh lời ca phát ra nghe được rõ ràng và bảo toàn tính thẩm mỹ của ngôn ngữ từng dân tộc. Muốn xử lý ngôn ngữ Việt Nam, trước hết chúng ta phải biết sơ lược về các yếu tố ngữ âm cấu tạo nên từng tiếng, từng chữ (từng âm tiết) của ngôn ngữ Việt Nam.

1. Tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ đơn vận (đơn âm, đơn lập) nhưng lại đa thanh.

a. Đơn vận :

Là mỗi tiếng, mỗi chữ chỉ gồm có một vần, nên khi nói rời từng tiếng, khi viết rời từng chữ, các vần các chữ không dính kết lại với nhau như một số ngôn ngữ khác. Câu thơ lục bát của Nguyễn Du :

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

(Truyện Kiều)

Gồm 14 vần, 14 âm tiết, viết và đọc tách bạch nhau, không dính kết lại với nhau.

b. Đa thanh :

Là nhiều thanh điệu, nhiều dấu giọng. Cụ thể là có 6 thanh điệu, được ghi bằng 5 ký hiệu khác nhau : dấu sắc (Á), dầu huyền (À), dầu hỏi (Ả), dầu ngã (Ã ), dấu nặng (Ạ). (Gọi tắt là 5 dấu 6 giọng). Không có dấu gọi là thanh-điệu “ngang”.

2. Mỗi tiếng (mỗi âm tiết) có 3 yếu tố là âm đầu, vần và thanh điệu.

Thí dụ trong chữ TOÀN

T là âm đầu

OAN là vần

Ø là thanh huyền

(3 yếu tố này được thấy rõ, chẳng hạn trong lối nói lái của Việt Nam :

Thí dụ :

- Bí mật : - Bật mí : đối vần, đổi thanh

- Bị mất : đối thanh

- Mất bị : đối âm đầu + đối vần …).

Trong 3 yếu tố đó, thì VẦN lại gồm 3 yếu tố khác : âm đệâm + âm chính + âm cuối. Trong vần OAN, O là âm đệm, A là âm chính, N là âm cuối.

Vậy trong một âm tiết gồm tất cả 5 yếu tố :

- Âm đầu

- Âm đệm

- Âm chính

- Âm cuối

- Thanh điệu (là yếu tố ảnh hưởng lên toàn âm tiết)

Ta có sơ đồ các yếu tố của âm tiết như sau :

Thanh điệu (5)

Âm đầu

Vần

(1)

Âm đệm

(2)

Âm chính

(3)

Âm cuối

(4)

3. Ví trị âm đầu do các phụ âm đảm nhận, gọi là các phụ âm đầu

a. Đặc tính của các phụ âm là tự nó không phát ra âm thanh lớn được, mà cần kèm theo một nguyên âm, thì nó mới phát thành tiếng rõ ràng được. Khi đọc các phụ âm, làn hơi phải vượt qua một vật cản nào đó do tác động của môi lưỡi phối hợp, rồi mới đi ra ngoài theo đường miệng. Muốn đọc rõ các phụ âm thì phải cấu âm cho đúng cách, bằng cách tạo các điểm cản làn hơi bằng môi hay lưỡi (hình 8, 9, 10).

b. Các phụ âm đầu Việt Nam gồm : B, C, CH, D, Đ, G (GH), GI, H, (K), KH, L, M, N, NH, NG (NGH), PH, Q (U), R, S, T, TH, TR, V, X.

Nếu phận loại dựa theo cách cấu âm, ta sẽ có 5 loại chính :

* Phụ âm môi :

- môi + môi : m – b ; (p) : bình minh

- môi + răng : v – ph (f) : vi phạm

* Phụ âm đầu lưỡi :

- đầu lưỡi + răng trên : t – th : tinh thần

- đầu lưỡi + hàm răng khít : x : xinh xắn

- đầu lưỡi + chân răng-vòm cứng: n – đ – l : nó đẹp lắm

- đầu lưỡi cong + vòm cứng : (l) – r – tr – s : rộn ràng, trong sáng

- đầu lưỡi rung + vòm cứng : r (r rung hơi khác với r mềm ở hàng trên) : run rẩy, rung rinh

- đầu lưỡi bẹt + vòm cứng : d – gi : dòng giống

* Phụ âm mặt lưỡi :

-mặt lưỡi + vòm miệng : ch – nh : chi nhánh

* Phụ âm cuống lưỡi :

- cuống lưỡi ngoài + vòm mềm : kh – g (gh) : khiêng gánh

- cuống lưỡi trong + vòm mềm : ng (ngh) – c (k,q) : ngông cuồng, nguy kịch quá

· Phụ âm thanh hầu :- cuống lưỡi thụt về phía sau để thu hẹp thanh hầu : h : hầu hạ.

Lưu ý :

- âm l có thể cấu âm ở cả 2 vị trí. Đối với người thường đọc lộn l ra n, và n ra l thì nên dùng l cong lưỡi để tập luyện. Không nên cong lưỡi quá, sẽ không tự nhiên.

- âm r mềm ở hàng trên đọc gần giống như chữ j trong tiếng Pháp. Còn r rung thường gặp ở miền Trung, chỉ nên dùng để đọc các chữ diễn tả sự rung động như : rung rinh, run rẩy, run run … và để đọc các chữ r của tiếng La-tinh như Ma-ri-a, Ro-sa …

c. Có một số âm tiết không có phụ âm đầu như ăn, uống, an ủi … còn đa số các âm tiết đều có phụ âm đầu. Muốn cho rõ tiếng, cần tập : “bật môi, đánh lưỡi” cho đúng cách. Vai trò của lưỡi quan trọng nên người ta khuyên nên “đánh lưỡi bảy lần trước khi nói” là vậy.

4. Vần lại gồm 3 yếu tố khác : âm đệm + âm chính + âm cuối

a. Âm đệm :

Được ghi bằng bán âm u hoặc o. Đây là âm làm tròn môi trước khi đọc âm chính, làm cho âm tiết có âm sắc trầm tối (gọi là bán âm, vì mặt chữ thì giống như nguyên âm, nhưng công dụng lại không giống như nguyên âm).

- Chính tả ghi bằng u trước các nguyên âm vừa hoặc hẹp (uê, uơ, uya).

- Chính tả ghi bằng o trước các nguyên âm rộng (oa, oe) trừ khi trước nó là phụ âm q thì lại ghi bằng u (qua, que = koa, koe).

- Vì âm đệm là âm tròn môi, nên nó không đi trước các nguyên âm tròn môi o, ô, u nữa.

- Khi phát âm, không được dừng lâu ở âm đệm, mà phải chuyển qua âm chính ngay.

b. Âm chính : Vị trí âm chính do các nguyên âm đảm nhiệm

- Nguyên âm : là những âm tự nó phát ra âm thanh mà không cần nhờ tới một âm nào khác : làn hơi từ phổi ra qua thanh đới mở-đóng tạo cao độ của âm thanh, còn hình thểcác khoang họng và khoang miệng khác nhau, do hoạt động của lưỡi và hàm dưới, sẽ tạo ra các nguyên âm khác nhau (hình 11).

- Phân loại : có hai loại nguyên âm chính là nguyên âm đơn (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư, e, ê, i/y) và nguyên âm phức (ia (iê), ưa (ươ), ua (uô)).

* Dựa trên vị trí của lưỡi, người ta còn phân ra :

+ Nguyên âm hàng trước (lưỡi đưa ra trước, âm sắc sáng, bổng, môi bẹt) : e, ê, i/y, iê (ia).

+ Nguyên âm hàng giữa (lưỡi nằm ở giữa, âm sắc trung hoà, môi không bẹt, không tròn) : a (ă), ơ (â), ư, ươ (ua).[1]

+ Nguyên âm hàng sau (lưỡi rụt về sau, âm sắc tối, trầm, môi tròn) : o, ô, u, uô (ua).

* Dựa trên độ mở của miệng, ta có 4 loại :

+ Nguyên âm rộng : e, a, o (âm lượng lớn)

+ Nguyên âm vừa : ê, ơ, ô (âm lượng vừa)

+ Nguyên âm hẹp : i, ư, u (âm lượng nhỏ)

+ Nguyên âm hẹp mở qua vừa : iê, ươ, uô (âm lượng nhỏ và lớn dần đến vừa)

Ghi chú :

- ă là âm ngắn của a

- â là âm ngắn của ơ

- o và ô đôi lúc có dạng âm dài là : oo, ôô (xoong, bôông) ia, ua, ưa là âm phức không có âm cuối (Td: chia, chua, chưa )

Ta có bảng tóm kết các nguyên âm như sau :

- Âm chính cùng với thanh điệu là hai yếu tố tối thiểu phải luôn luôn có mặt trong âm tiết, nếu không sẽ không có âm tiết : ả, ổ, ố …

c. Âm cuối :

Vị trí âm cuối do các bán âm cuối và phụ âm cuối đảm nhận.

* Bán âm cuối có 2 loại :

– Bán âm cuối bẹt miệng (lưỡi đưa ra trước) được ghi bằng i hoặc y :

+ Được ghi bằng y sau các nguyên âm ngắn ă, â : ăy, âu (hãy lấy : đáng lẽ ra chính tả phải ghi “hẵy” mới đúng ngữ âm).

+ Được ghi bằng i sau tất cả các nguyên âm còn lại mà không bẹt miệng (tức là bán âm i không đi sau các nguyên âm hàng trước, bẹt miệâng) : ai ơi, ưi, ươi (ai # ăy) oi, ôi, ui, uôi.

– Bán âm cuối tròn môi (lưỡi rụt vào trong) được ghi bằng u hoặc o :

+ Không đi sau các nguyên âm hàng sau (tròn môi)

+ Được ghi bằng u sau các âm ngắn : âu, ău (trâu, tàu : đáng lẽ chính tả phải ghi “tằu” mới đúng ngữ âm)

+ Được ghi bằng u sau các âm vừa và âm hẹp : du, ưu, ươu, êu, iu, iêu (yêu)

+ Được ghi bằng o sau các âm rộng a, e = ao, eo (ao # ău)

Lưu ý : khi gặp ay thì phải phân tích là ăy, khi gặp au thì phải phân tích là ău

* Phụ âm cuối gồm 8 âm chia làm 4 cặp như sau :

– Phụ âm môi : m – p (đóng tiếng bằng 2 môi) : làm đẹp, rập rạp …

– Phụ âm đầu lưỡi : n – t (đóng lưỡi lên chân răng) : ban hát, sền sệt …

– Phụ âm mặt lưỡi : nh – ch (đóng mặt lưỡi lên vòm miệng) : chênh chếch, rách, rình

Lưu ý : nh – ch chỉ đi sau các nguyên âm hàng trước e – ê – i : enh ech, ênh êch, inh ich. Do đó, khi chính tả ghi anh, ach, ta phải phân tích là enh ech mới đúng.

– Phụ âm cuống lưỡi : ng – c (đóng cuống lưỡi lên vòm mềm) : vang, dốc, vằng vặc …

Lưu ý : khi ng – c đi sau các nguyên âm hàng sau o – ô – u, thì không phải chỉ đóng cuống lưỡi, mà còn phải đóng ngay cả 2 môi nữa (ta phải ộc tiếng làm cho 2 má hơi phồng lên để tạo khoảng vang trong miệng).

Ghi chú :

- Các phụ âm cuối p, t, ch, c chỉ đi với thanh điệu sắc hoặc nặng, làm cho vần phải đọc dứt sớm hơn các vần đóng cùng loại, cổ thi gọi các vần đó là vần chết (tử vận).

- Khi vần có các âm cuối, thì âm chính ít nhiều bị ảnh hưởng – nó làm cho độ mở của miệng giảm bớt, ngắn lại.

- Các vần có âm cuối gọi là VẦN ĐÓNG, các vần không có âm cuối gọi là VẦN MỞ.

5. Thanh điệu :

Gồm có sáu thanh : (1) ngang, (2) huyền, (3) ngã, (4) hỏi, (5) sắc, (6) nặng ; được ký hiệu phiên âm bằng số 1 – 6 theo thứ tự trên.

a. Thanh điệu là yếu tố thay đổi cao độ của âm tiết. Nó ảnh hưởng lên toàn bộ âm tiết, nhưng khi viết nó được ghi trên hoặc dưới âm chính là nguyên âm đơn. Gặp nguyên âm phức không kèm theo âm cuối thì nó được ghi trên yếu tố đầu của âm phức (thí dụ : Chúa, chìa, chừa). Nếu nguyên âm phức có kèm theo phụ âm cuối thì thường ghi thanh điệu trên yếu tố thứ 2 của âm phức đó.

Thí dụ : vướng, tiếng, chuồng.

b. Phân loại dựa tên âm vực : có 2 loại cao và thấp

- Âm vực cao : thanh ngang, thanh ngã, thanh sắc

- Âm vực thấp : thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng

c. Phân loại dựa trên âm điệu : có 2 loại bằng và trắc

- Âm điệu bằng : thang ngang, thanh huyền

- Âm điệu trắc : (không bằng phẳng)

+ Có đối hướng (gãy) : thanh ngã, thanh hỏi

+ Không đối hướng : thanh sắc, thanh nặng

Có thể tóm kết trong bảng sau đây :

Ghi chú : Các chữ để trong ngoặc đơn là tiếng Hán mà cha ông ta đã dùng trong thi văn cổ. Riêng “khứ” khắc với “nhập” ở chỗ thanh nhập âm điệu bị rút ngắn hơn thanh khứ.

Thí dụ : “má, “hán” (khứ) đọc dài hơn là “mát” (nhập) (thanh nhập đi với các âm cuối p, t, ch, c).

PHẦN THỰC TẬP

1. Tập đọc các nguyên âm đơn hàng trước, hàng giữa, hàng sau

- Phối hợp các phụ âm với các nguyên âm trên.

2. Tập đọc các âm cuối :

- Mai, măy, mao, mău, mam, máp, man, mát, mang mác …

- Tai, tăy, tao, tam, tan, tang …

- Mái, mắy, máo, mắu, mám, máp, mán, máng, mác. (Thay bằng các phụ âm đầu khác).

3. Tập phân biệt phụ âm đầu : xa # sa, la # na, tra # cha (thay các nguyên âm khác).

4. Tập phân tích ngữ âm tất cả các chữ trong bài “Khúc Nhạc Cảm Tạ” và tập đọc cho đúng cách cấu âm của từng chữ, nhất là các phụ âm đầu và âm cuối : “Tình Chúa cao vời, ôi tình Chúa tuyệt vời, Người đã yêu tôi, muôn đời đã thương tôi, thương tôi từ thuở đời đời. Người đã cho tôi tiếng nói tuyệt vời, âm thanh chơi vơi ru hồn phơi phới, tiếng nói yêu thương, bay khắp muôn phương, vang lên khúc nhạc cảm tạ ngàn đời” (56 âm tiết).

Phân tích theo mẫu sau đây :

Bảng phân tích ngữ âm và xử lý ngôn ngữ bài “Khúc Nhạc Cảm Tạ” (xem giấy đính kèm)

- Lúc đầu chỉ phân tích đến mục “âm cuối”, còn “loại vần”, và “xử lý cụ thể” sẽ điền vào, sau khi đã học bài xử lý ngôn ngữ.

- Xử lý cụ thể là xét vần đó hát như thế nào, mở đóng ra sao, đóng ở dấu nào cụ thể trong từng bài hát.

5. Ôn lại các mẫu luyện thanh đã học.

CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam là gì ?

2. Cho biết âm tiết tiếng Việt gồm những yếu tố nào? Yếu tố nào luôn luôn có mặt trong âm tiết ?

3. Loại âm nào giữ vị trí âm đầu ? Âm chính ? Âm đêm ? Âm cuối ?

4. Nguyên âm là gì ? Có những loại nào ? Liệt kê ra

5. Phụ âm là gì ? Có những loại nào ? Liệt kê ra

6. Tại sao gọi là bán âm ? Bán âm giữ những vị trí nào trong âm tiết ?

7. Phụ âm cuối là những âm nào ? Cấu âm ra sao ?

8. Thanh điệu có mấy loại ? Vẽ bảng tóm kết các thanh điệu

Trở về

[1] Một số sách về Ngữ âm VN gọi là nguyên âm hàng sau không tròn môi, so với các nguyên âm hàng sau tròn môi o-ô-u-uô. Ở đây chúng tôi theo Ông Nguyễn Bạt Tụy, vì thấy tiện lợi cho người học thanh nhạc. (Xem Nguyễn bạt Tụy,Ngôn ngữ học VN, Chữ và Vần Việt khoa học,SG 1958, tr.50

Từ khóa » Hệ Thống Phụ âm Cuối Trong Tiếng Việt