Bài 60: Giả Hạc đột Biến Di Linh Trắng Xuân - HÙNG NGUYỄN – ĐÀ LẠT

BÀI 60: GIẢ HẠC ĐỘT BIẾN DI LINH TRẮNG XUÂN

Thời gian qua có nhiều bạn yêu cầu tôi viết một bài về chủ đề Chăm Sóc Lan Đột Biến. Lúc đầu tôi nghĩ thực sự không cần thiết vì tôi đã viết nhiều bài về kỹ thuật trồng và chăm sóc Lan Giả Hạc rồi. Nhưng lại có nhiều câu hỏi đại loại như: Anh ơi, sao em trồng giả hạc rất nhiều, cùng một chế độ chăm sóc nhưng chỉ có mấy chậu lan đột biến lại bị bệnh? Sao mãi nó không chịu dài ra? Sao nó chậm ra rễ thế anh?…

Dạo gần đây, thị trường lan Giả Hạc đột biến thực sự quá sôi động, có thể nói là sôi sùng sục. Giá cả leo thang cứ gọi là gắn tên lửa mới đuổi kịp. Tạm không bàn tới lý do vì sao nhiều người săn hàng đột như vậy, không bàn tới giá cả của cây. Vì mỗi người có một quan điểm, một lý tưởng, một đam mê, một sở thích, mỗi người đều có mục đích sống và mục đích chơi riêng, chúng ta không nên dùng tư duy và quan điểm cũng như góc nhìn của bản thân để áp đặt cho người khác. Cổ nhân từng dạy: Đừng bận tâm tới giọt sương rơi trên mái hiên nhà hàng xóm, mà trước hết hãy lo đi quét rác trong sân nhà mình.

Thú thực với các bạn, hồi mới chơi lan, lúc mà tôi chỉ có năm sáu trăm chậu lan, tôi cũng từng nghĩ chỉ khi nào bị điên mới bỏ ra vài triệu mua 1 cái keiki hoặc vào chục triệu tới hàng trăm triệu mua 1 chậu lan. Nhưng tới lúc này, thực sự là tôi cũng bị điên rồi. Vì sao? Khi bạn có vài ngàn giò, với trên trăm loại lan, hầu như các giống yêu thích và cần có đều có, với một diện tích có hạn, với 1 đống kỹ thuật trong đầu và tầm nhìn đã không còn như xưa, vậy bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Vậy đột biến là gì?

Đột biến là một dạng biểu hiện của biến dị di truyền trong gen hoặc nhiễm sắc thể của cá thể mang gen gốc xảy ra đột biến trong giai đoạn hình thành hoặc tái tạo các chuỗi nhiễm sắc thể hoặc gen. Biểu hiện của đột biến là cá thể phát sinh sau có biểu hiện sai khác một phần hoặc toàn phần so với cá thể mẹ hoặc cá thể cùng loại. Đột biến mà di truyền từ đời này sang đời khác thì gọi là đột biến ổn định hay di truyền đột biến. Đột biến mà có lúc xuất hiện, có lúc không xuất hiện trong các thế hệ sau gọi là đột biến cách bước hay không ổn định (thường rất ít gặp). Đột biến mà thế hệ trước không di truyền cho thế hệ sau gọi là đột biến không ổn định hay đột biến không di truyền.

Đó là định nghĩa của các nhà khoa học, nghe có vẻ khá phức tạp, còn tôi hiểu nôm na, áp dụng trên hoa lan đó là: Thay vì cái mũi màu tím đậm bình thường của một bông hoa bị biến thành màu trắng hoặc hồng, gọi là đột biến mũi. Hay bông hoa đáng ra bình thường là màu tím thì nay thành ra màu trắng hoặc gần trắng, đó là trên lan Giả Hạc. Còn ví dụ trên lan Hoàng Lạp, mắt hoa bình thường màu vàng hoặc vài sọc đỏ thì biến thành màu đen hoặc nâu hoặc đỏ đậm luôn, lúc này trong cái tên sẽ có thêm từ “Var” (Hoàng Lạp (Dendrobium chrysotoxum) Sơn Thủy Tiên (Dendrobium chrysotoxum var. Suavissimum)). Đó cũng là lý do vì sao người chơi hàng đột biến còn hay nói là chơi hàng Var (đọc là Va trong từ Va Vấp, Va Chạm).

Vậy tại sao cây Sơn Thủy tiên lại có tên khoa học riêng có chữ “var” còn cây giả hạc đột biến năm cánh trắng hoặc mũi trắng mũi hồng thì không? Vì nó quá hiếm, theo tôi được biết thì khoảng 10 triệu cây ra hoa bình thường mới có 1 cây đột biến, nhưng để các nhà khoa học đặt tên có chữ var.alba thì số cá thể ngoài tự nhiên bị đột biến phải trên 1000 và sau đó được mang đi chạy gen…

Mà các bạn thấy đấy, từ xưa tới nay, cây giả hạc năm cánh trắng (ví dụ Di Linh Trắng, Phú Thọ, Kim, Hiển Oanh…) cũng chỉ từ 1 bụi duy nhất mà được nhân giống ra, trên rừng làm gì có cá thể thứ 2 chứ đừng nói tới 1000.

Cổ nhân dạy: MỘT SỰ THÔNG, VẠN SỰ THÔNG.

Trên thị trường hiện nay có hàng trăm mặt hoa Giả Hạc đột biến, như Năm Cánh Trắng (5ct) Phú Thọ, 5ct Hòa Bình, 5ct Kim, 5ct Hiển Oanh, Giả hạc Trắng Di Linh Xuân (thực tế hiện tại tôi nghĩ ở Việt Nam cũng chỉ mới có vài ba chục mặt hoa đột biến 5 cánh trắng mà thôi, còn lại là Ám lòi ra chứ làm gì được trắng – nghĩa là cánh còn đục như màu khói)… Nội dung bài này tôi chỉ đề cập tới cây Giả Hạc Trắng Di Linh Xuân vì tôi đã trồng, chăm sóc và tiếp xúc nhiều, cũng như ăn quả lừa và trái đắng nhiều. Bài viết không phải để quảng cáo bán hàng, vì thực tế hiện tại tôi cũng không có mà bán, chỉ có một ít để chơi. Bạn chỉ cần nắm thông tin một cây này, bạn có thể áp dụng tương tự cho các cây khác.

Kỹ thuật cơ bản thì bạn có thể tham khảo bài 3 trên trang aikeutuido.comtrong mục các bài viết của Nguyễn Ngọc Hà. Chỉ có vài lưu ý nhỏ mà thôi. Nhưng bạn biết đấy, lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền, một giọt nước trong bình xăng có thể làm xe chết máy.

Giả hành hơi vàng hoặc trắng xanh có thể sẽ cho ra bông hoa trắng, ám hoặc tím, nhưng nếu hoa màu trắng thì nhất định giả hành phải trắng xanh hơi vàng.Trên giả hành không có một đốm tím nào. Lớp vỏ lụa có thể trắng hoặc hơi đen. Đốt của cây Giả Hạc Trắng Di Linh ngắn hơn, rụt hơn so với đa phần các cây giả hạc bình thường, lá tròn hơn, thậm chí chăm đạt có thể lá hơi tròn như lá mít. Lá có vẻ dày hơn đa số so với các cây khác. Đầu rễ trắng không có một đốm tím nào.

Hoa trắng từ cánh tới lưỡi và mũi, không có tì vết. Có thể nói là trắng tinh khôi, trắng như tờ giấy A4 loại chất lượng cao. Năm cánh dày, sáp, rất cân đối, hài hòa, bay. Lưỡi ống rất đẹp với những đường cong mềm mại như người thiếu nữ 18, viền môi là hai đường cong tuyệt mĩ và không hề bị nhăn, đầu môi nhọn và không bị quắp. Mùi thơm ngọt ngào và vô cùng dễ chịu.

Theo tôi được biết, tất cả Giả Hạc Trắng Di Linh hiện nay đều TỪ MỘT BỤI mà nhân keiki hoặc đẻ mầm mà ra. Tôi cũng biết đã có nhiều người đem đi nuôi cấy mô hoặc gieo hạt, tuy nhiên xem ra đều xổ ra bông không giống cây mẹ. Vì thế, nếu bạn muốn có giống thì nhất định chỉ có thể là ươm từ keiki hoặc cây từ mầm gốc.

Một điều đặc biệt nữa làm nên giá trị cho cây Giả Hạc Trắng Di Linh đó là nếu thuần được một vài năm, với khí hậu Tây Nguyên thì thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán hoặc chuyển đi các vùng khác thì có thể nở Tết hoặc nở Xuân, còn Giả Hạc thường thì nở vào mùa hè.

Đẹp – Hiếm – Xuân – Độc làm nên giá trị trên giời, lại cộng thêm bài viết này nữa, nhất định đã nóng lại càng thêm sốt.

Nhưng thực sự Giả Hạc Trắng Di Linh có thực sự yếu và dễ bị bệnh như các bạn vẫn nghĩ không? Câu trả lời là KHÔNG.

Thực sự Nàng ấy rất khỏe, ăn khỏe, đẻ khỏe, lớn nhanh, nhưng chính cách mà chúng ta chăm sóc mới làm cho Nàng dễ chết yểu, dễ bệnh tật, dễ thối thân gục ngọn. Vì sao à? Vì chúng ta quá nâng niu chiều chuộng, chúng ta quá thúc ép, chúng ta quá sợ hãi.

Hoa lan và phụ nữ luôn là hai phạm trù triết học mà tôi vô cùng có hứng thú NGÂM CỨU. Các nhà xã hội học và tâm lý học đã chứng minh rằng càng cưng chiều, càng ân sủng càng nâng niu càng nhanh hỏng, càng nhanh hư, càng ỷ lại, càng yếu ớt, càng yếu đuối và càng được nước làm tới…

Lan bình thường 7 ngày phun trung vi lượng + Chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần, 1 chậu 2 cây rải cho 2 gam phân tan chậm 14-13-13, nửa tháng phun nano bạc phòng bệnh 1 lần, 2 tháng phun phòng côn trùng 1 lần, nắng mưa mặc kệ, gió bão mặc kệ. Thậm chí còn gắn trực tiếp lên cây mít cây bơ cạnh nhà. Vậy đó, vừa đủ phân, vừa đủ nắng đủ gió đủ khắc nghiệt, cây lên rất khỏe với một sức chịu đựng và sự thích nghi lớn. Đến cuối mùa, có thể lá hơi lốm đốm, giả hành đanh lại, cũng lốm đốm, lá hơi xù xì và không được bóng và ướt át cho lắm. Vậy mà sống và sai hoa.

Còn với Nàng, như con chim quý phải ở lầu son, chậu phải gỗ căm xe, gỗ cẩm thật đẹp; chúng ta 3 ngày phun phân 1 lần, cũng 1 chậu 2 cây chúng ta gắn cho 5 gam phân, hàng tuần còn phun thêm acid humic, phân cá, kích thích ra rễ, rồi thêm superthrive, thỉnh thoảng thấy nàng hơi chậm lớn 1 chút chúng ta tăng cường thêm 30-10-10te. Chuẩn bị mưa là phòng nấm khuẩn với đủ các kiểu thuốc trị bệnh hạng nặng, nửa tháng phòng côn trùng 1 lần. Mưa lâu lâu 1 chút là vác Nàng vào nhà, thậm chí lắp hẳn một nhà kính cho Nàng, áp chế mức gió chỉ ở 10km/h, nắng luôn phải đảm bảo ổn định, không để bất cứ 1 cái lá nào bị táp. Rồi có khi cẩn thận quá, ngày ngày ngắm ngắm, sau đó vuốt vuốt lá, bóp bóp giả hành xem có cứng không, đâu biết rằng tay ta toàn vi khuẩn, hơi thở ta toàn chất độc…. Với tất cả các điều trên cộng lại, thử hỏi Nàng làm gì còn sức đề kháng, làm gì còn khả năng chịu đựng. Đấy là còn chưa kể tới việc vắt kiệt sức Nàng bằng việc kích nàng đẻ mỗi mắt 1 keiki, một gốc phải đẻ 3 mầm.

Và rồi chuyện gì tới cũng sẽ tới, thời tiết hơi khắc nghiệt 1 chút, ẩm độ cao một chút, thêm 1 vết chích từ 1 con muỗi đực đi tìm thức ăn (đối với nó nàng ngon hơn các loại khác vì nàng được vỗ béo đầy bổ dưỡng). Cùng 1 vết chích đó, nếu là một cô thôn nữ sáng dậy sớm mang quang ra đồng đi hót phân bò, chiều đi hái rau về cho lợn thì chẳng đáng nhắc tới. Nhưng với một tiểu công chúa trong lầu son gác tía, giẫm phải 1 cái gai mùng tơi, ối giời ôi! Thối ngang thân, gục ngọn sau 1 đêm…

Tất cả đều tại chúng ta biến nàng thành ra như thế, còn trách ai? Còn hỏi ai được?

Có bao giờ bạn tự hỏi bạn đang chơi lan hay lan đang chơi bạn?

Khi bạn bảo bạn chăm Nàng như những cây khác, bạn nghĩ tôi có tin không?

Thú thật với các bạn, tôi cũng từng biến nữ chiến binh thành công chúa, và tôi cũng đã từng thiệt hại thê thảm. Nếu bạn lỡ biến nàng thành công chúa, bí quyết duy nhất tôi muốn chia sẻ cùng bạn để bạn không phai đau lòng như tôi đã từng, đó là CHE MƯA.

Hình cây tôi tự chụp, hình hoa tôi sưu tầm, không phải lấy hình để quảng cáo bán hàng nên các cụ đừng ném đá nhé! Các bạn nên soi và so sánh cho cẩn thận kẻo lại ăn thịt lừa, vì có nhiều bạn cố tình hoặc vô ý không biết đã ảo thuật cây trầm trắng Thái và cây giả hạc trắng Thái thành cây Di Linh Trắng.

Nếu bài viết hữu ích, xin hãy CHIA SẺ để lan tỏa kiến thức tới cộng đồng.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

Từ khóa » Hoa Lan Giả Hạc Di Linh Trắng