Bài Ca Bên Cánh Sóng

Nguyễn Đức Toàn (ảnh) được biết đến là nhạc sĩ nhiều hơn là họa sĩ. Nhiều tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc, trong đó có những ca khúc viết về biển như: Chiều trên bến cảng, Tình em biển cả.

Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…

Tác giả của “Chiều trên bến cảng” có nụ cười hiền, như tính ông vẫn vậy: hồn hậu và dễ mủi lòng.

Tâm tính ấy ảnh hưởng không nhỏ đến các tác phẩm âm nhạc, nhiều bài hát ông được viết từ cảm xúc chợt đến, có khi là sự rung cảm mãnh liệt và mang cả đau đớn của trái tim đến nay đã bị suy ở độ ba.

Năm 1973, khi đi cùng Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính vào miền Nam, chuyến đi định mệnh ấy đồng chí Đặng Tính đã hy sinh khi xe ô tô vướng mìn ở Pắc Xế, thuộc địa phận Lào giáp Thái Lan. Tác giả của ca khúc nổi tiếng “Trước ngày hội bắn” Trịnh Quý cũng mất trong chuyến đi này. Nguyễn Đức Toàn vì ngồi xe khác cùng với Chế Lan Viên đã may mắn thoát chết. Nước mắt Nguyễn Đức Toàn đã rơi, đau đớn như mất đi người thân.

Ông lặng lẽ gom xác người Chính ủy, cùng cả đoàn quay trở ra Hà Nội. Trên đường ra cũng là lúc cả đoàn nhận được tin Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh. “Người chiến sĩ chết trước buổi bình minh”, ông gọi thành tên về sự mất mát đó như vậy.

Có chiến thắng nào không trả bằng hy sinh mất mát. Niềm vui hôm nay phải đánh đổi bằng bao xương máu con dân đất Việt. Khi nhìn lên bầu trời thấy ánh sáng chói lòa, con đường trở ra rẽ sang trái là biển. Biển ngoài kia vẫn lấp lóa, biển mà ông đã gắn bó suốt bao năm trong những chuyến đi ngắn dài cùng các chiến sĩ hải quân đã khiến sóng nhạc trong ông cuộn chảy.

“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/Non nước mây trời lòng ta mê say/ Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát/Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát…Biển sóng mênh mông màu xanh yêu thương/Đất nước quê hương lộng gió muôn phương/Những câu hát về hòn đảo xa hùng vĩ…”. Nỗi đau thương đã hóa thành niềm tin ngày hòa bình của đất nước tươi đẹp, để thấy những đoàn thuyền lại rong buồm ra khơi “chạy theo dòng cá”, “Náo nức lòng trai ngày đi biển xa”.

Bài hát “Tình em biển cả” đã hình thành ngay trên đường ra Hà Nội với nhiều cung bậc cảm xúc mà cho đến hôm nay người nhạc sĩ đã bước sang tuổi 86 vẫn không hiểu vì sao mình có thể viết được những lời ca và khuông nhạc ngay lúc bấy giờ như vậy. Nhưng ông vẫn tin rằng, mỗi tác phẩm hội họa, văn chương hay âm nhạc có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả đều có đời sống riêng của nó. Sức sống lâu bền của tác phẩm cũng bởi sự đặc biệt của đời sống thực và đời sống tinh thần tạo nên.

Đêm trăng huyền ảo

Hơn bốn mươi năm công tác tại Tổng cục Chính trị, thì một phần ba thời gian đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn gắn đời mình với các chiến sĩ hải quân, theo các chuyến tàu đi sáng tác. Căn cứ hải quân ngày trước đóng ở Hài Phòng, vùng đất ấy, vùng biển ấy vì vậy trở nên quen thuộc, thân thiết như những miền đất gắn với cuộc đời mình: Bắc Ninh - quê hương ông và Hà Nội - nơi ông sinh ra, lớn lên và sinh sống đến bây giờ.

Những ngày sống cùng lính biển, khi những chuyến tàu rẽ sóng ra khơi, chứng kiến những cuộc chia ly và đoàn tụ, người nhạc sĩ hiểu thế nào là nỗi buồn xa cách và niềm vui ngày gặp mặt. “Nơi bến cảng, tiếng còi tàu là tín hiệu rõ ràng và ấn tượng nhất. Dù nó vang lên mỗi ngày, nhưng nghe tiếng còi tàu, mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau. Mà cũng chỉ những người ở đó, trong giây phút đó mới có thể hiểu được. Nhưng có lẽ, âm thanh ấy là nỗi buồn hiu hắt nhất đối với những người ở lại trông ngóng người đi xa”, ông nói.

Từ khóa » Tình Em Biển Cả Nguyễn đức Toàn