“Bài Ca Cách Mạng” Trong Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
Có thể bạn quan tâm
Những bài báo nổi tiếng mà Bác viết trong thời gian này in trên báo, trong đó có bài “Nghệ-Tĩnh đỏ” đã ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp đối với đồng bào Nghệ-Tĩnh. Người viết: “Nghệ-Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”, và khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh, tuyên truyền, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ-Tĩnh”.
Thời còn đi học trường làng, chúng tôi đã được biết về phong trào 1930-1931; đặc biệt nhớ là Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Có những bài trong thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh đến bây giờ tôi còn thuộc:
Hỡi anh chị em lao khổ,
Nông nỗi này ai tỏ chăng ai.
Đã non tám chục năm rồi,
Làm thân trâu, ngựa cho loài khuyển dương.
Quân Tây nó nhiều đường độc ác,
Người Nam mình lắm lúc nguy nan.
Lại thêm áp bức tham tàn,
Càng nô lệ mãi, càng oan khổ dày...
Đó là bài thơ “Bài ca cách mạng”, bài hay nhất, đã dễ đọc lại dễ nhớ. Tác giả bài thơ đó là ai, mãi khi vào thăm Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ở thành phố Vinh sau này tôi mới hay. Những địa danh nổi tiếng của quê hương Nghệ An mặc dù chúng tôi chưa đến, nhưng qua “Bài ca cách mạng”, đã in sâu vào đầu óc còn thơ trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ như: Bến Thủy, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn:
Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước,
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.
Những câu trong bài thơ “Bài ca cách mạng” mà chúng tôi được học và nằm lòng hồi ấy còn cho chúng tôi biết những phương pháp đấu tranh như: Biểu tình, rắc rải truyền đơn, hô khẩu hiệu... Ở Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng thật là độc đáo. Những hình ảnh tiêu biểu của Xô viết Nghệ Tĩnh được bài thơ vẽ nên làm chúng tôi nhớ mãi không quên:
Không có lẽ ta ngồi chịu chết?
Phải cùng nhau cương quyết một phen.
Tổng này, xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào!
Trên gió cả cờ đào phất thẳng,
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha,
Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng...
Và tinh thần đoàn kết “kết liên” giữa các làng, xã, hình ảnh của liên minh công nông lần đầu tiên tụi học trò chúng tôi biết tới cũng là qua bài “Bài ca cách mạng” này:
Phải cùng nhau cương quyết một phen
Tổng này, xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào!
Như trên đã nói, khi mới tiếp xúc với thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh, bài thơ này thuộc lòng nhưng tác giả là ai thì chưa biết, chưa tường. Mãi sau khi tôi vào Nghệ An mới hay tác giả của “Bài ca cách mạng” là Đặng Chính Kỷ (có tài liệu ghi Đặng Chánh Kỷ).
Ông Đặng Chính Kỷ. Ảnh tư liệu. |
Tài liệu lịch sử Đảng bộ Nghệ An cho biết, tác giả là Đặng Chính Kỷ (còn có tên khác là Đặng Đức Chêm, Đặng Tùng Mậu), sinh năm 1890, người làng Hoành Sơn (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đặng Chính Kỷ mồ côi cha khi mới lên 3 tuổi; 14 tuổi, ông nội và mẹ cũng lần lượt qua đời. Từ đó, ông sống với người anh cả, một thầy đồ nghèo. Ông vừa học, vừa tranh thủ thời gian giúp anh chị đi kiếm củi, mót khoai, mót lúa, gần gũi với bà con lao động nghèo khổ.
Năm 1907, Đặng Chính Kỷ được cụ Cao Xuân Dục (bạn thân của ông nội) đưa vào Huế nuôi ăn học và chỉ sau mấy năm chuyên cần học tập, ông đã có thể làm một viên chức ở Huế với mức lương đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng ông đã quay về quê hương mở lớp dạy tư ở thị trấn Sa Nam (nay là thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Năm 1924, Đặng Chính Kỷ đưa cả vợ con vào Huế mở trường học lấy tên là Trường Thái Trạch. Năm 1925 nổi lên phong trào đòi thực dân Pháp phải ân xá cho cụ Phan Bội Châu, chí sĩ yêu nước nổi tiếng cùng quê Nam Đàn. Năm sau, 1926, trong Nam, ngoài Bắc rộ lên phong trào truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Đặng Chính Kỷ bị cuốn vào các phong trào yêu nước này. Ông xuống đường ra phố vận động, tổ chức học sinh tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình cùng với nhân dân Cố đô Huế đòi “ân xá Phan Bội Châu”, đả đảo chế độ thực dân Pháp tàn bạo... Ông lại có điều kiện lui tới thăm hỏi và dần trở thành người thân tín của “Ông già Bến Ngự”. Ông thuộc lòng nhiều bài thơ văn yêu nước của cụ Phan Bội Châu.
Những năm 1925-1926, Chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu được truyền bá vào Việt Nam qua “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát triển tổ chức cơ sở ở nhiều nơi trong nước.
Tại Thừa Thiên-Huế, tổ chức hội thanh niên cũng phát triển mạnh. Đầu năm 1927, Đặng Chính Kỷ được kết nạp vào hội. Ông vừa dạy học, vừa truyền bá những tư tưởng và văn thơ yêu nước cho học trò nên cuối năm 1927, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Trường Thái Trạch và trục xuất thầy giáo Kỷ trở về Nghệ An. Về quê, người thầy giáo yêu nước đã tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng và tiếp tục làm nghề dạy học ở làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn). Trường này do tổ chức Kỳ bộ Hội Thanh niên Trung Kỳ thành lập tháng 7-1927... Lúc bấy giờ ở làng Sen và nhiều làng lân cận không mấy ai không biết thầy Kỷ.
Nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân khi còn đang âm ỉ, nhen nhóm, thực dân Pháp tăng cường bắt bớ những người yêu nước. Nhưng hành động đó như lửa đổ thêm dầu và phong trào đấu tranh càng bùng lên mạnh mẽ. Mùa hè năm 1930, cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh đã lên cao, mở đầu là cuộc biểu tình lớn của công nhân và nông dân ở Vinh-Bến Thủy và cuộc phá đồn điền Ký Viễn ở Thanh Chương (1-5-1930), nhưng cả hai bị đàn áp đẫm máu, khủng bố dã man.
Đặng Chính Kỷ trở thành đảng viên cộng sản. Ngày 30-8-1930, đồng chí Chính Kỷ cùng các đảng viên, cán bộ trong huyện Nam Đàn vận động hàng nghìn quần chúng kéo lên huyện lỵ biểu tình đòi giải quyết các yêu sách của nhân dân. Tri huyện phải ký vào bản yêu sách và cam kết sẽ không nhũng nhiễu nhân dân. Những hoạt động không biết mệt mỏi của Đặng Chính Kỷ đã gây được uy tín đối với đảng bộ và nhân dân trong huyện. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất (tháng 10-1930), Đảng bộ huyện Nam Đàn đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức gồm 7 ủy viên. Đồng chí Đặng Chính Kỷ được bầu làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ huyện Nam Đàn.
Cuối năm 1930, phong trào cách mạng toàn tỉnh Nghệ An chưa thật đều. Trong khi phong trào các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên đã lên rất cao thì phong trào ở các huyện bắc Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu chưa mạnh lắm. Vì vậy, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương điều chuyển những cán bộ giỏi cho các huyện ấy. Đặng Chính Kỷ được Tỉnh ủy Nghệ An điều lên phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động của Tỉnh ủy và biệt phái về vùng Yên Thành, Diễn Châu. Chính trong thời điểm đó, Đặng Chính Kỷ đã sáng tác “Bài ca cách mạng” để tuyên truyền, cổ động nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng ở các huyện chưa có những cuộc đấu tranh quyết liệt.
Bài thơ như tiếng kèn xung trận, giục giã mọi người vùng lên đấu tranh. Có thể nói, đó là biểu tượng của ý chí quật cường, khí thế xung thiên của Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếc thay, giữa lúc Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang trong giai đoạn cao trào, rất cần cán bộ, đảng viên có năng lực, giàu nhiệt huyết thì Đặng Chính Kỷ bị thực dân Pháp bắt. Đồng chí hy sinh trong tù vào cuối năm 1931, ở tuổi 42.
Thập Tam trại, tháng 9-2020
NGÔ VĨNH BÌNH
Từ khóa » đặng Chính Kỷ
-
Đặng Chánh Kỷ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đặng Chánh Kỷ (1890 - 1931) - Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
-
Đặng Chánh Kỷ – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Nhớ Về Người Cán Bộ Tuyên Giáo Thế Hệ đầu Tiên - Báo Nghệ An
-
Trường THCS Đặng Chánh Kỷ | Facebook
-
Đề Thi Vào THCS Đặng Chánh Kỷ Môn Toán
-
Mn ơi, Hãy Giúp E Vs. Chỉ 6 Câu Này Thôi ạ
-
Trường THCS Đặng Tất - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế
-
Trường THCS Đặng Xuân Khu Tổ Chức Tuyển Sinh Lớp 6 Năm Học ...
-
2901063182 - Trường Thcs Đặng Chánh Kỷ - Thông Tin Công Ty
-
Trường THCS Đặng Hữu Phổ
-
Trường THCS Đặng Chánh Kỷ - Huyện Nam Đàn - InfoDoanhNghiep
-
Tuyển Sinh Lớp 6 Đặng Chánh Kỷ (môn Văn) - 9452957