Bài Chia Sẻ Sâu Sắc Của Sư Minh Niệm Về Cha Mẹ ... - .vn

Phatgiao.org.vn xin trích đăng bài thuyết giảng của Sư thầy Thích Minh Niệm - bàn về cách tạo mối liên kết giữa cha mẹ và con cái để thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương nhau.

Sư thầy Minh Niệm cho rằng cha mẹ nên hạ mình để thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm của bản thân.

Sư thầy Minh Niệm cho rằng cha mẹ nên hạ mình để thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm của bản thân.

Đã đến lúc cha mẹ cần phải thừa nhận những yếu kém, giới hạn của mình để tìm một sự cảm thông, tìm một sự chấp nhận.

Nuôi con để hai bên cùng hiểu, cùng cảm thông, cùng yêu thương nhau thì như vậy mới có thể đồng hành với nhau trên một chặng đường rất dài, đầy gian nan và thách thức. 

Chúng ta đừng cố gắng để trở thành một tượng đài lớn, đừng cố gắng khiến con hiểu rằng mình là hoản hảo, mình không có khuyết điểm, không có yếu kém, không có những vấn đề của bản thân. Vì con rồi sẽ lớn lên và nhận ra, và lúc đó nó sẽ đặt câu hỏi tại sao cha mẹ nói một đằng làm một nẻo. Từ đó niềm tin kính sẽ bị xói mòn, liên hệ giữa đôi bên sẽ ngày một đổ vỡ.

Nếu như con cái được nghe chính cha mẹ nói ra những gì mình chưa làm được thì chắc chắn con sẽ không dám khinh thường mình, thậm chí là vô cùng cảm kích vì cha mẹ đã biết hạ mình xuống để gần gũi với con, để con có một sợi dây kết nối sâu sắc với mình. Mỗi bên sẽ cùng nhìn vào những ưu điểm để trân trọng, biết ơn và hạnh phúc, cố gắng mở lòng ra để đón nhận những khiếm khuyết, những lầm lỡ, những gì chưa làm được để cùng nhắc nhau hoàn thiện.

Sư Minh Niệm: Cha mẹ hãy lùi lại, chấp nhận con cái với tình yêu thương

Cần lắm khoảnh khắc ngồi xuống của các bậc sinh thành để nhìn lại mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái hiện tại đang như thế nào - ổn hay không ổn, mạnh hay yếu, đang trôi chảy, êm ái hay đang có những khúc mắc trắc trở, đang hạnh phúc hay đang đau khổ vì nhau. 

Chúng ta thực sự không muốn những ai đồng hành với mình, sống chung với mình mà phải chịu đựng mình quá nhiều, phải đau khổ vì mình. Cho nên, nếu được thì chúng ta hãy sắp xếp một cuộc hẹn với con để hai bên cùng ngồi xuống cùng nhìn lại.

Có thể đã lâu rồi hai bên đều có những bận rộn riêng, nhưng chung quy vẫn là chưa đủ can đảm để đối diện, để nhìn sâu vào vấn đề của cả hai. Ai cũng có những tự ái, có góc nhìn riêng cố chấp, bảo thủ. 

Con mình cũng đã lớn, cũng có cái tôi của riêng nó cần được tôn trọng. Nếu mình không ý thức được điều này, cố tình lẩn tránh hay cứ tiếp tục sử dụng uy quyền theo lối cũ, bắt con phải vâng lời, phải tuân phục thì trước sau gì liên hệ này cũng sẽ bị đổ vỡ. Và sau cùng là sự hối hận của chúng ta nếu như vì sự đổ vỡ đó mà con không còn nương tựa vào gia đình, đánh mất niềm tin, tình yêu thương đối với gia đình và trở thành một đứa trẻ đi theo những con đường sai lầm, rồi trở thành một người nào đó mà chúng ta không bao giờ muốn vì nó gây tổn hại đến cộng đồng và xã hội. 

Khi ngồi xuống với con, trước tiên, cha mẹ hãy nói lời cảm ơn con - cảm ơn con đã có mặt trong cuộc đời này để cha mẹ được làm cha mẹ - một vai vô cùng tuyệt vời và mang lại rất nhiều cảm giác thú vị, hạnh phúc. Hãy cảm ơn con đã hiến tặng cho cha mẹ những nụ cười, những ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo, những lời nói ngọt ngào dễ thương.

Có thể nói cha mẹ đã được nương tựa vào con khi bên ngoài có nhiều quá nhiều sự biến đổi, nhiều thăng trầm. Khi về nhà, ở bên con, cha mẹ cảm thấy được nương tựa, được nuôi dưỡng bởi những sự trong trẻo, ấm áp của con. Cha mẹ hãy cảm ơn con vì đã giúp cha mẹ trưởng thành hơn mỗi ngày. 

Nuôi con đã làm cha mẹ có cơ hội nhìn sâu hơn vào bản chất của đời sống và văn hóa, vào giáo dục và tâm thức của cộng đồng để rồi cha mẹ không ngừng tìm kiếm một con đường tốt đẹp nhất cho con, đồng thời cũng là cho cha mẹ. Thành ra, con là một món quà đặc biệt nhất, quý giá nhất trong cuộc đời của cha mẹ.

Huống hồ con còn có rất nhiều tài năng, sự thông minh, hài hước. Những giá trị đó đã góp phần làm cho đời sống của cha mẹ trở nên đẹp đẽ, phong phú và rực rỡ vô cùng. Hãy nói cha mẹ đã rất tự hào vì có những đứa con ngoan hiền, dễ thương, tài năng như vậy. 

Cha mẹ hãy xin lỗi con vì đời sống cha mẹ vẫn còn thiếu tỉnh thức, chưa tự chủ hoàn toàn bản thân mình mà đã dám sinh ra con.

Cha mẹ hãy xin lỗi con vì đời sống cha mẹ vẫn còn thiếu tỉnh thức, chưa tự chủ hoàn toàn bản thân mình mà đã dám sinh ra con.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy xin lỗi con vì đời sống cha mẹ vẫn còn thiếu tỉnh thức, chưa tự chủ hoàn toàn bản thân mình mà đã dám sinh ra con. Vì mơ ước có con, vì mong muốn được làm cha mẹ cho nên cha mẹ chưa kịp hoàn thiện bản thân mà đã phải đóng một vai đầy thách thức như vậy. Cha mẹ hãy thừa nhận là mình còn nhiều thiếu sót, nhiều hạn chế. Cha mẹ đã chưa có mặt đầy đủ, thường trực với con vì nhiều lý do lý do mà cha mẹ thường đổ thừa nhất đó là vì mưu sinh. 

Nhưng cha mẹ phải nhìn nhận rằng có lúc chúng ta lao ra bên ngoài không phải vì nó quá cần thiết như vậy mà vì ở nơi đó cha mẹ thấy mình là chính mình hơn. Những gì cha mẹ được học hỏi, rèn luyện đều nằm ở ngoài kia, để được thể hiện, được chứng minh, được công nhận và nể phục. Còn khi trở về với gia đình, về với vai của người cha người mẹ thì chúng ta còn nhiều lúng túng. Cha mẹ lại bị con giận hờn, không kính trọng nên cha mẹ đã chưa vượt qua được giới hạn đó để thường xuyên có mặt bên con giúp đỡ con khi con cần.

Cha mẹ vẫn đi theo lối cũ, vẫn muốn con cái phải nghe lời mình vì vẫn tin rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn, có nhiều hiểu biết hơn. Nhưng quả thật, điều đó thật là sai lầm vì con là một thực thể rất khác. Con không phải là phiên bản của cha mẹ. Con tuy là con của cha mẹ nhưng con có sứ mệnh riêng, có đời sống rất riêng. 

Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Hãy cố gắng xếp nó vào vị trí hàng đầu, ưu tiên cho nó.

Hãy dành thời gian, năng lượng đó quay về kết nối với con, làm thân với con, cảm thông, thấu hiểu con, chấp nhận, nâng đỡ và chiều dắt con trong khả năng có thể. 

Hãy tin rằng khi cha mẹ có đầy đủ năng lượng, có bình an và khơi dậy đầy đủ tình yêu thương thì năng lượng của cha mẹ sẽ lớn hơn hiện tại rất nhiều.

Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì chúng ta hãy hứa với nhau rằng hãy luôn giữ được sự truyền thông tốt đẹp với nhau. Hãy duy trì việc nói chuyện với nhau dù rằng nói ra có tranh cãi, có giận hơn nhưng sau tất cả chúng ta vẫn là một liên hệ tốt đẹp. Chỉ khi nào chúng ta còn có thể nói chuyện và lắng nghe nhau thì chúng ta mới có thể hy vọng tháo gỡ được những khó khăn và tìm ra những giải pháp tốt đẹp cho nhau.

Sau tất cả, cha mẹ mong con nhớ cho rằng cha mẹ luôn rất yêu thương con, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Cảm ơn con đã lắng nghe.

Sư Minh Niệm: Nhìn khổ đau bằng con mắt tỉnh thức

Sư Minh Niệm

(Trích Radio Dìu con vào đời: Cảm ơn và xin lỗi con)

Từ khóa » T Minh Niem